Đức hạnh cao thượng! Bức tranh “Tùng hạ cao sĩ” (Do Bảo tàng cố cung quốc gia cung cấp)
Triều đại nhà Tùy, ở Trung Nguyên có hai con người rất đỗi bình thường, nhưng cuộc đời của họ lại được ghi chép trong chính sử. Đó chính là Lý Sĩ Khiêm và Trương Văn Hử. Chúng ta nói họ là những người dân bình thường bởi vì cả hai người đều sống ở miền thôn quê dân dã, trải qua cuộc sống của những người nông dân làm lụng vất vả. Nhưng họ cũng là những cao nhân ẩn sĩ, bởi vì cả hai đều được mọi người tán tụng là những con người đạo đức cao thượng, người bình thường không sao sánh kịp.
Lấy đức độ để cảm hóa thôn dân
Lý Sĩ Khiêm, tự là Tử Ước, là người huyện Bình Cức, quận Triệu, chính là thành phố Hàm Đan ngày nay. Vì cha mất sớm, Lý Sĩ Khiêm và mẹ sống nương tựa vào nhau. Mỗi ngày ông đều phụng dưỡng mẹ, vô cùng hiếu thuận. Khi mẹ qua đời, Lý Sĩ Khiêm thọ tang thủ hiếu ba năm liền. Sau đó ông quyên ngôi nhà của mình để làm chùa. Lý Sĩ Khiêm rất giỏi về thuật số thiên văn, ông đam mê nghiên cứu học thuật, nhưng cả đời chưa từng làm quan. Sau khi cha mẹ mất, dần dần Lý Sĩ Khiêm cũng không ăn thịt uống rượu nữa. Hằng ngày ông đều chú trọng khẩu đức, không nói những lời không cần thiết.
Mặc dù tài sản cha mẹ để lại rất nhiều, nhưng Lý Sĩ Khiêm vẫn sống một cuộc sống cơm canh đạm bạc, xem việc cứu tế hương dân là trách nhiệm của mình. Nếu có người qua đời mà không có tiền chôn cất, ông liên quyên tiền giúp họ an táng. Nếu có gia đình anh em mâu thuẫn đánh nhau vì phân chia tài sản, ông liền lấy tiền của mình bù vào phần ít hơn để gia đình kia được hòa thuận. Đức hạnh cao thượng của Lý Sĩ Khiêm đã cảm hóa được hai anh em kia. Hai người đã biết nhường nhìn, thương yêu lẫn nhau, dần dần đều trở thành những người dân lương thiện.
Lý Sĩ Khiêm đốt giấy nợ, không nhận lương thực hoàn trả
Đất đai của nhà học Lý màu mỡ, tốt tươi nên lúa trồng ở đây phát triển rất tốt, năm nào cũng bội thu. Một ngày nọ, Lý Sĩ Khiêm nhìn thấy có người đến cắt trộm lúa nhà mình, thế nhưng ông lại lặng lẽ rồi bỏ đi, không muốn làm người kia hoảng sợ. Sau này, gia nhân trong nhà bắt được kẻ trộm, Lý Sỹ Khiêm liền ra lệnh thả đi. Ông nói: “Đó là vì hoàn cảnh nghèo túng khiến họ phải làm như vậy, làm sao có thể trách họ được?”
Lý Sĩ Khiêm vô cùng nhân hậu phóng khoáng. Gặp năm có thiên tai, ông đem mấy ngàn thạch (mỗi thạch 120 cân ta, tức 60kg) lúa cho thôn dân vay mượn. Không ngờ đến năm sau vẫn mất mùa, những thôn dân mượn lúa đều không thể trả được, lần lượt đến nhà Lý Sĩ Khiêm để xin khất nợ. Lý Sĩ Khiêm cho bày tiệc rượu, mời tất cả những người mắc nợ đến, sau đó thiêu hủy tất cả giấy nợ trước mặt mọi người. Lý Sĩ Khiêm nói: “Lương thực tồn trữ trong nhà tôi vốn là để cứu tế cho mọi người, chứ không phải để đầu cơ tích trữ. Hiện tại nợ của mọi người đã hết. Xin mọi người hãy yên tâm, đừng lo lắng chuyện này nữa”.
Đến năm thứ ba, mùa màng bội thu, thôn dân tranh nhau đến trả lúa. Lúc này Lý Sĩ Khiêm lấy cớ là không có giấy tờ chứng minh, khéo léo từ chối tất cả số lúa này.
Mấy năm sau, trong nước lại có nạn đói lớn, Lý Sĩ Khiêm lại đem gạo ra cứu tế. Nhờ tấm lòng lương thiện của ông mà có hơn vạn người dân được cứu sống. Đến mùa xuân, Lý Sĩ Khiêm lại tặng rất nhiều lúa giống cho những thôn dân nghèo khổ để gieo trồng. Những thôn dân này vô cùng vui mừng, cảm tạ ân đức của Lý Sĩ Khiêm mà nói rằng: “Ngài cứu sống nhiều người như vậy, chắc chắn sẽ tích được rất nhiều âm đức”.
Lý Sĩ Khiêm nghe vậy, bèn nói: “Âm đức cũng giống như ù tai vậy, chỉ có bản thân mình biết, người khác đều không nghe thấy được. Việc tôi làm hôm nay, mọi người đều biết, sao có thể gọi là âm đức được!”
Lý quân hiền đức, giải thích về Tam giáo
Trong thôn có một người không tin vào đạo lý nhân quả báo ứng của Phật gia, Lý Sĩ Khiêm liền khuyên nhủ anh ta: “Có câu rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương.(Tạm dịch là: Nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui; nhà tích chứa điều bất thiện ắt sẽ gặp tai ương). Đó chẳng phải là nhân quả báo ứng sao?”.
Ông còn lấy sinh tử luân hồi trong Phật giáo để làm ví dụ, nói rằng bởi vì đức hạnh của mỗi người khác nhau, nên đời này và đời sau cũng không giống nhau. Tại có có người làm quân người, có người làm tiểu nhân, lại có người phải đọa làm súc sinh. Đó đều là nghiệp và đức tạo thành.
Người kia còn hỏi Lý Sĩ Khiêm và ưu và khuyết điểm của ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Lý Sĩ Khiêm trả lời: “Phật giáo giống như mặt trời, Đạo giáo giống như mặt trăng, Nho giáo lại giống như năm ngôi sao trên bầu trời”. Ý chính là nói rằng, dù có phân ra ưu và khuyết điểm thì cả ba tôn giáo đều ở trên cao chiếu sáng cho thế nhân, khiến thế gia luân chuyển hòa hòa, dưỡng dục chúng sinh vạn vật.
Năm Khai Hoàng thứ 8, Lý Sĩ Khiêm qua đời. Người dân ở thành Hàm Đan nghe được tin này, rơi lệ mà nói rằng: “Sao những người như chúng ta không chết, lại bắt Lý quân phải chết!”.
Hơn vạn người không hẹn mà gặp, đều đến tham dự tang lễ của Lý Sĩ Khiêm. Người dân góp tiền dựng bia cho Lý Sĩ Khiêm, khắc lên bia cuộc đời hành thiện tích đức của Lý Sĩ Khiêm, một ẩn sĩ không tranh với đời, không cầu danh lợi.
Lý Sĩ Khiêm không vào triều làm quan, ông cũng không mặc áo cà sa của nhà Phật, không mặc Đạo bào của Đạo gia. Nhưng lại có thể ngay trong cuộc sống của mình, tận tâm hành thiện tích đức, giữ gìn đức hạnh của bản thân. Sử sách tán dương gọi ông là “Lý quân hiền đức”.
Những câu chuyện giống nhau trong lịch sử
Triều đại nhà Tùy còn có một cao nhân ẩn sĩ bình thường khác tên là Trương Văn Hử. Nhà họ Trương có mấy nghìn cuốn sách, vì vậy từ nhỏ Trương Văn Hử đã được đắm mình trong sách, kiến thức vô cùng uyên bác. Đối với những kinh điển như Chu Dịch, Thượng Thư, v.v…, Trương Văn Hử đều nắm trong lòng bàn tay. Tùy Văn Đế Dương Kiên cho mời rất nhiều danh Nho trong thiên hạ, phong cho Phòng Huy Viễn, Trương Trọng Nhượng, Khổng Lung, v.v… đảm nhận chức bác sĩ (tức sĩ phu học rộng).
Khi Trương Văn Hử đến thăm trường Thái học, Phòng Huy Viễn và những người khác đều rất ngưỡng mộ phong cách học tập của Trương Văn Hử. Những học sinh ở trường Thái học (tương đương với Đại học Quốc gia ngày nay) thường hỏi Trương Văn Hử những vấn đề khó, nhưng ông đều có thể đưa ra rất nhiều dẫn chứng, cố gắng giải đáp rõ ràng cho những học sinh này. Hữu bộc xạ Tô Uy biết Trương Văn Hử có danh tiếng rất tốt, khuyên ông ra làm quan. Nhưng Trương Văn Hử không muốn làm quan nên ông đã khéo léo từ chối.
Nếu xem nhiều câu chuyện lịch sử, có thể các bạn sẽ nhận ra một điều rất thú vị. Chính là lịch sử cũng giống như một vở kịch. Có thể có nhiều nhân vật khác nhau, nhưng đôi khi kịch bản lại giống nhau. Môn khánh của Mạnh Thường Quân nước Tề là Phùng Huyên đốt giấy nợ, đến thời nhà Tùy cũng có Lý Sĩ Khiêm đốt giấy nợ. Lý Sĩ Khiêm thấy có người cắt trộm lúa của mình thì tránh đi, để người kia yên tâm mà cắt. Giống như vậy, khi Trương Văn Hử thấy có người cắt trộm lúa mạch của mình, ông cũng vờ như không thấy, lặng lẽ rời đi.
Kẻ trộm thấy Trương Văn Hử đi rồi, liền thấy hối hận, để lại lúa mạch rồi đến xin lỗi ông. Trương Văn Hử an ủi, nói rằng: “Tôi sẽ không nói cho người khác đâu”. Ông muốn nói rằng, ngươi cứ cắt đi. Trương Văn Hử cũng muốn để người kia mang lúa mạch đi.
Nhiều năm sau, người trộm lúa mạch kia kể lại câu chuyện này cho những thôn dân khác. Nghe xong, mọi người liền thấy kinh ngạc không thôi. Điều bất ngờ chính là câu chuyện này không phải do Trương Văn Hử kể, mà là chính là người trộm lúa kể ra. Trương Văn Hử cũng thể hiện sự độ lượng của mình khi đối xử với hàng xóm. Có lần, một người hàng xóm muốn xây tường, muốn chiếm phần của Trương Văn Hử. Sau khi biết được, Trương Văn Hử lập tức cho đập đi bức tường cũ của mình, lấy việc này để đáp ứng với mong muốn của hàng xóm.
Trong đau đớn vẫn nghĩ đến người khác
Có một lần, phần eo của Trương Văn Hử bị đau, thầy thuốc phải làm thủ thuật ngoại khoa đề điều trị. Nhưng khi đang làm, thầy thuốc không cẩn thận cắt nhầm làm Trương Văn Hử bị thương. Lúc đó ông đau đến mức ngã ra giường. Vị thầy thuốc hoảng sợ, liên tục khấu đầu nhận lỗi. Trưởng Văn Hử cố gắng chịu đau, không nổi giận cũng không oán trách người thầy thuốc, bảo vị thầy thuốc mau rời đi. Khi người vợ phát hiện ra vết thương trên người ông, hỏi rằng có chuyện gì vậy. Trương Văn Hử nói rằng do ông không cẩn thận, bị ngã vào hố nên mới bị thương. Trương Văn Hử đã giấu đi sai lầm của vị thầy thuốc, không nói với ai.
Trong suốt cuộc đời, Trương Văn Hử không làm chuyện gì kinh thiên động địa, ông vẫn chỉ làm những việc nhỏ một cách bình thường. Về phương diện đối nhân xử thế, Trương Văn Hử không bao giờ vạch trần khuyết điểm của người khác, luôn thành tâm thành ý thiện đãi với mọi người. Bình thường, Trương Văn Hử thích dùng gậy như ý gõ lên bàn trà, vừa uống trà vừa tiêu khiển. Mọi người so sánh ông với các đệ tử của Khổng Tử như Mẫn Tử Khiên, Nguyên Hiến. Sau khi Trương Văn Hử qua đời, thôn dân cũng chung tiền dựng bia cho ông để tán tụng công đức, tôn kính gọi ông là Trương tiên sinh.
Lý Sĩ Khiêm và Trương Văn Hử không ẩn cư nơi rừng sâu nước độc, cũng không rời xa thế tục. Trong hồng trần cuồn cuộn, họ tiếp xúc với vô số người, nhưng bởi vì trong lòng họ có thế ngoại đào nguyên của riêng mình nên cũng có phong cách ung dung ẩn dật của riêng mình.
Tư liệu tham khảo:
1, “Tùy thư” quyển thứ 77 “Liệt truyện thứ 42. Ẩn dật”
2, “Long hưng Phật giáo biên niên thông luận” cuốn thứ 9
3, “Bắc sử” quyển thứ 88 “Liệt truyện thứ 76”
Theo Đỗ Nhược – Epochtimes
Đức Nhân biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam