Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Lịch sử Việt Nam đầy ắp những chiến công hiển hách cũng như những vị tướng vĩ đại lưu danh thiên cổ. Thế nhưng thông tin về những loại vũ khí nổi tiếng từng góp phần tạo nên vinh quang ấy thì lại rất rời rạc, ít người biết đến. Loạt bài này sẽ phần nào lý giải những thắc mắc đó.
Bộ giáp trụ bằng sắt của Phù Đổng Thiên Vương
Truyện Thánh Gióng đã trở thành truyền thuyết có độ phổ biến cao nhất của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đây chỉ xin nhắc lại một đoạn thú vị nói về vũ khí mà Thiên Vương đã sử dụng. Sách “Lĩnh Nam chích quái” chép rằng:
“Đứa trẻ nhỏm dậy bảo sứ giả rằng: “Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh bại, vua phải lo gì nữa?”. Sứ giả mừng rỡ vội về tâu vua. Vua vừa kinh vừa mừng nói rằng: “Ta không lo nữa”. Quần thần tâu: “Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?”. Vua nổi giận nói: “Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa! Mau đi tìm năm mươi cân sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón”…
Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, người con duỗi chân đứng dậy cao hơn mười thước (có chỗ nói là trượng), ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn: “Ta là thiên tướng đây!” rồi đội nón cưỡi ngựa. Ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay, nháy mắt đã tới trước quân vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân đều theo sau, tiến sát đồn giặc. Quân giặc bỏ chạy, còn lại tên nào đều la bái kêu lạy thiên tướng rồi cùng đến hàng phục. Ân vương bị chết ở trong trận. Đi đến đất Sóc Sơn huyện Kim Hoa, thiên tướng cởi áo cưỡi ngựa mà lên trời, hôm đó là ngày mồng 9 tháng 4, còn để vết tích ở hòn đá trên núi”.
Bộ vũ khí này gồm có ngựa sắt, kiếm sắt, roi sắt và nón sắt, giống như một bộ giáp trụ hoàn chỉnh dành cho cả người và ngựa của các hiệp sĩ châu Âu thời Trung cổ. Rất nhiều khả năng chuyện Thánh Gióng là hoàn toàn có thật chứ không chỉ là một truyền thuyết. Sự thật lịch sử sau một thời gian quá lâu dài được truyền miệng kể lại sẽ bị lẫn tạp thêm nhiều yếu tố thêu dệt, thêm bớt. Lẽ đương nhiên, trong con mắt các nhà khoa học, chuyên gia, đó hoàn toàn là những truyền thuyết.
Tuy nhiên có một điểm lạ thường là truyền thuyết Thánh Gióng đã được lưu truyền trước thời Trung cổ Châu Âu đến hàng nghìn năm. Rất có thể đoàn kỵ binh của vua Hùng thời bấy giờ đã được trang bị vũ khí hạng nặng với giáp sắt, nón, kiếm và roi. Nếu quả vậy, điều đó cũng không có gì quá vô lý. Trong cổ sử còn chép lại chuyện tướng Cao Lỗ dưới thời An Dương Vương chế ra được Nỏ liên châu bắn nhiều phát, nhiều lần phá được quân Triệu Đà.
Nỏ thần của An Dương Vương
Nỏ Thần còn gọi là “Nỏ liên châu”, do Cao Lỗ, đại tướng dưới quyền An Dương Vương sáng chế ra. Nỏ này có tính năng cực kì ưu việt so với các loại vũ khí khác, bắn một lần ra được nhiều phát, các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử cũ đã ghi lại ấn tượng mạnh mẽ về độ sát thương của Nỏ liên châu trong chiến trận nên gọi bằng một cái tên rất hay là: “Linh Quang Thần Cơ”. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”.
Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên “Ngự xa đài”, dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội). Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.
Ngày nay khi nói đến Nỏ Thần, người ta hay nghĩ rằng đó là loại nỏ cầm tay bắn nhiều phát do một người lính sử dụng. Nhưng thiết nghĩ loại nỏ cá nhân đó dù có thể bắn nhiều phát cũng khó mà ngăn nổi bước tiến của hàng mấy chục vạn đại quân. Nhất là quân công thành còn có cả máy bắn đá, thang mây và cũng trang bị cường cung, nỏ tiễn như quân thủ thành.
Thế nên Nỏ Thần của An Dương Vương chính xác phải là loại nỏ cơ khí khổng lồ, bắn một lúc ra hàng nghìn mũi tên cỡ lớn, có thể phá hủy thang mây, người ngựa của quân địch. Nỏ ấy được đặt trên tường thành Cổ Loa. Loại nỏ này có thể xem như “súng máy” phòng thủ hạng nặng thời cổ đại.
Sau thời An Dương Vương, các triều đại Trung Quốc cũng sử dụng lại nỏ này làm vũ khí phòng thủ cho các tòa thành lớn và chống lại kỵ binh. Người đầu tiên làm ra loại nỏ này ở Trung Quốc chính là Gia Cát Lượng, điều này có ghi lại trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng như các sử liệu chính thống khác như “Tam Quốc chí” (Trần Thọ).
Bí mật tạo ra những cỗ “súng máy” ưu việt này chính là nằm ở lẫy nỏ, làm thế nào để buông lẫy ra thì hàng ngàn mũi tên phóng ra cùng lúc. Lẫy nỏ bằng đồng mà người ta đào được ở Đông Sơn chỉ là thứ dùng cho nỏ cá nhân, không thể là lẫy của nỏ liên châu được. Lẫy nỏ chính là bộ phận cơ khí tinh xảo, đóng vai trò như trái tim của cỗ Nỏ Thần nên có thể coi nó là bí mật quân sự của Âu Lạc.
Truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy chính là dựa trên điều này. Thứ mà Trọng Thủy đánh cắp chính là thiết kế của lẫy nỏ để đem về sản xuất, trang bị cho quân Triệu Đà. Cũng chính tay Trọng Thủy đã dùng một lượng lớn gián điệp mà ông mua chuộc được để phá hỏng một số bộ phận quan trọng của Nỏ Thần trên tường thành ngay trước khi chiến tranh xảy ra. Điều đó khiến An Dương Vương thua trận, mất nước.
Cho đến ngày nay, những khám phá của khoa khảo cổ lại càng khẳng định thêm tính chân thực của vũ khí Nỏ Thần này. Tháng 6 năm 1959, hàng vạn mũi tên đồng được phát hiện tại khu vực thành Cổ Loa. Những mũi tên này gồm rất nhiều loại dài, ngắn khác nhau, đầu hình tháp 3 cạnh sắc tạo độ sát thương lớn và phần chuôi dài có tác dụng giảm lực ma sát, giữ thế cân bằng cho đường bay ổn định, đảm bảo độ chính xác tới đích bắn.
Vào những năm 2000, ngay tại góc tây nam Đền Thượng trong khu vực thành nội Cổ Loa, nơi thờ An Dương Vương, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện hệ thống lò đúc mũi tên đồng, cùng hàng trăm khuôn đúc, đúng với những mũi tên đồng Cổ Loa 3 cạnh mà đã tìm thấy trước đó.
Như vậy, chắc chắn việc đúc tên dưới thời An Dương Vương tại Cổ Loa là hoàn toàn có thật trong lịch sử. Việc chế tạo cũng hoàn toàn bí mật bởi đây là việc quân cơ tuyệt mật. Người ta còn phát hiện rất nhiều nỏ bắn bằng đồng quanh thành Cổ Loa. Mỗi nỏ có cấu tạo gồm nhiều bộ phận đúc rời: hộp cò hình chữ nhật, miệng hộp xẻ chéo các rãnh để đặt mũi tên và khấc hãm dây nỏ. Lẫy nỏ, có hình dáng gần giống móng rùa và hai thanh đồng dùng để đưa dây nỏ vào khấc hãm. Các bộ phận này được liên kết lại bằng hai cái chốt. Khi sử dụng, dây nỏ được căng lên, cài vào khấc hãm, dùng ngón tay kéo lùi lẫy nỏ để dây bật, đẩy tung những mũi tên lao tới đích.
Những bằng chứng khảo cổ trên cho thấy truyền thuyết về Nỏ Thần của An Dương Vương có cốt lõi lịch sử chân thực, đồng thời tự nó đã phá tan màn sương huyền thoại lâu nay bao phủ sự thật về thời kỳ đầu dựng nước của người Việt cổ. Hàng vạn mũi tên đồng cũng chứng minh rằng dưới thời An Dương Vương, người Việt đã có một đạo quân thường trực rất lớn, sẵn sàng tác chiến bất cứ khi nào.
Mũ Đâu Mâu vuốt Rồng của Triệu Quang Phục
Triệu Việt Vương (?-571), tên thật là Triệu Quang Phục, trị vì từ năm 548 đến năm 571. Ông kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Sách “Lĩnh Nam chích quái” chép:
“Sau vua Hậu Lương là Tiêu Diễn sai Trần Bá Tiên đem quân xâm lược phương Nam. Lý Nam Đế sai Triệu Quang Phục làm tướng cự địch. Quang Phục đem quân nấp ở chằm [vùng đất thấp, ngập nước, bỏ hoang]. Chằm sâu mà rộng, quân địch vướng mắc, tiến binh rất khó, Quang Phục dùng thuyền độc mộc đột xuất ra đánh cướp lương thực, cầm cự lâu ngày làm cho quân giặc mệt mỏi, trong ba bốn năm không hề đối diện chiến đấu.
Bá Tiên than rằng: “Ngày xưa nơi đây là chằm một đêm bay về trời, nay lại là chằm một đêm cướp đoạt người”. Nhân gặp loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương bèn gọi Bá Tiên về, ủy cho tì tướng là Dương Sằn thống lĩnh sĩ tốt, Quang Phục ăn chay lập đàn ở giữa đầm, đốt hương mà cầu đảo, bỗng thấy Thần nhân cưỡi rồng bay vào trong đàn mà bảo Quang Phục rằng: “Hiển linh còn đó, ngươi có thể cầu tới cứu trợ để dẹp bằng họa loạn”.
Dứt lời, tháo vuốt rồng trao cho Quang Phục, bảo: “Đem vật này đeo lên mũ đâu mâu có thể khiến giặc bị diệt”. Đoạn bay lên trời mà đi. Quang Phục được vật đó, reo mừng vang động, xông ra đột chiến, quân Lương thua to. Chém Dương Sằn ở trước trận, giặc Lương phải lùi. Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập làm Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh”.
Mũ Đâu Mâu là loại mũ chiến đấu dùng trong quân đội, lần đầu tiên được sử dụng trong các trận chiến thời Chiến Quốc ở Trung Hoa. Nó đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử. Ở Việt Nam, loại mũ này được dùng phổ biến từ thời nhà Trần, thường dùng kèm với “Quang Minh khải giáp”. Loại giáp này cũng được quân đội Lý – Trần sử dụng rất rộng rãi.
Có hai loại mũ Đâu Mâu, loại bằng thanh đồng, trước và sau đều khoét lõm có viền và đinh tán, loại thứ hai bằng sắt hình tròn có ngù hình chữ nhật đứng khum kín mặt gáy, phía trước và trán mũ. Mũ Đâu Mâu trong quân đội Đại Việt còn lưu giữ lại hình ảnh trong trang phục tượng Kim Cương chùa Đọi, Nam Hà đầu thế kỷ XIII và chùa Phật Tích, tháp Báo Thiên, hình võ sỹ cầm khiên tròn, đội mũ Đâu Mâu trên thạp gốm.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy / Theo Daikynguyen
- Lý Công Uẩn, quân vương vĩ đại, khai sáng nghìn năm hưng thịnh nước Nam (P.1)
- Bí ẩn nguồn gốc nhà Lý: Thần Phật đã bảo hộ nước Nam suốt nghìn năm qua như thế nào? (P.1)