Nữ ca sĩ, minh tinh Nhật Yamaguchi Momoe (phải) và Dương Quý Phi (trái). (Tổng hợp)
Tháng 12 năm 2003, một tờ báo Nhật có tên là “Thư quán tân báo” đăng một bài viết nói rằng, khi trả lời phỏng vấn, ca sĩ Yamaguchi Momoe nói rằng, cô là hậu duệ của Dương Quý Phi. Sự kiện này lập tức nóng trên mạng. Cho đến nay, tin tức này vẫn chưa có người nào đứng ra chứng thực thêm, cũng không có ai đứng ra bác bỏ.
Mọi người đều biết, Yamaguchi Momoe là ngôi sao ca sĩ, diễn viên điện ảnh Nhật Bản được mọi người yêu thích nhất trong những năm thập niên 70, 80 thế kỷ trước. Cô tuy không đẹp khuynh quốc khuynh thành, nhưng cô lại có sức cuốn hút và thân thiện rất đặc biệt. Nhật Bản thời đó cứ 4 người thì có 1 người là fan hâm mộ cô.
Các tác phẩm điện ảnh của cô sau khi vào Trung Quốc, cũng gây ra “cơn lốc Yamaguchi Momoe” ở Trung Quốc. Những năm thập niên 80, 90 thế kỷ trước, trong những tạp chí bán chạy, khắp các đầu đường cuối ngõ khắp nơi đều có thể nhìn thấy những bức ảnh vị giai nhân này với chiếc răng khểnh đang cười rạng rỡ.
Sau khi tin tức này được lan truyền, khiến mọi người tò mò theo dõi. Một số độc giả bày tỏ rất mong đợi Yamaguchi Momoe đến Trung Quốc tìm lại tổ tiên. Tuy nhiên, cũng có những khán giả không khách khí, có người trực tiếp cười nhạo, có người khéo léo bày tỏ không đồng ý, muôn màu muôn vẻ, nhưng tóm lại là hai chữ: Không Tin.
Yamaguchi Momoe và Dương Quý Phi, hai vị giai nhân cách nhau trên 1200 năm này, một người ở Nhật Bản, một người ở Trung Quốc, có thể nào có mối quan hệ hay không?
Cái chết của Dương Quý Phi
Tháng 6 (âm lịch) năm Thiên Bảo thứ 15 (tức tháng 7 năm 756) triều Đường, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ dẫn Quý phi Dương Ngọc Hoàn, Thái tử Lý Hanh, và một nhóm hoàng thân quốc thích vội vàng rời Trường An, đô thị phồn hoa nhất thế giới đương thời, lên đường đi về phía tây.
Đoàn người rời Trường An được khoảng 70 km, đến một nơi là dốc Mã Ngôi, cũng gọi là trạm dịch Mã Ngôi thì dừng chân. Nguyên nhân Hoàng đế bỏ chạy này là đầu năm trước đó, tiếng trống Ngư Dương chấn động. Tháng 11 mùa đông năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 754), An Lộc Sơn, Tiết độ sứ 3 trấn Phạm Dương, Bình Lư, Hà Đông, cũng là sủng thần của Huyền Tông, làm phản. An Lộc Sơn khởi binh ở Phạm Dương, tức vùng Bắc Kinh ngày nay, lấy cờ hiệu giết Tể tướng Dương Quốc Trung, đánh thẳng vào Kinh đô Trường An.
Từ khi Lý Long Cơ đăng cơ đến nay, Đại Đường đã trải qua 40 năm thịnh thế trong những năm niên hiệu Khai Nguyên, Thiên Bảo. Trong nước thái bình, đã từ lâu không biết đến chiến tranh là gì. An Lộc Sơn dẫn đội quân trên 10 vạn người, trong 1 tháng sau khi tạo phản, đã hạ được Đông đô Lạc Dương, liền sau đó đánh đến Đồng Quan.
Đồng Quan bên trái sát dãy núi Tần Lĩnh, bên phải sát sông Hoàng Hà, đường nhỏ, dễ thủ khó công, là cửa ngõ nối Trường An với Trung Nguyên. Đại tướng trấn thủ quan ải là hai danh tướng Cao Tiên Chi và Phong Thường Thanh. Chỉ cần hai người tử thủ Đồng Quan, thì ít nhất Trường An cũng có thể giữ được an toàn.
Đáng tiếc là, Đường Huyền Tông khi đó không còn sáng suốt như thời Khai Nguyên thịnh thế nữa. An Lộc Sơn tạo phản, khiến Huyền Tông nghi ngại tất cả các tướng ở biên thùy, và lại nghe theo những lời sàm ngôn của viên hoạn quan làm giám quân, do đó Huyền Tông nghi ngờ đối với lòng trung thành của hai đại tướng trấn thủ Đồng Quan. Một chiếu lệnh được ban xuống, hai danh tướng mất đầu.
Thế là một danh tướng khác là Ca Thư Hàn cưỡi ngựa đến nhậm chức, chỉ huy tiền tuyến. Ông vốn cũng muốn dùng chiến lược tử thủ Đồng Quan, nhưng lại bị Huyền Tông thúc giục xuất quân ra ngoài thành đánh địch, cuối cùng thất bại thảm hại.
Huyền Tông vừa nghe tin Đồng Quan thất thủ, giữa Kinh thành và quân phản loạn không còn đội quân nào khác ngăn chặn nữa, lập tức loạn cả lên. Thế là di dời tam cung lục viện, nghìn xe vạn ngựa đi về phía tây nam. Dưới sự bảo vệ của cấm quân, Huyền Tông dẫn theo một bộ phận phi tần và một nhóm hoàng thân quốc thích bước lên con đường chạy trốn, vội vã chạy về hướng Tứ Xuyên. Đi 3 ngày đường, đến dốc Mã Ngôi, một nơi xa xôi hẻo lánh, thì dừng tạm nghỉ ngơi.
Lúc này xảy ra chuyện, cấm quân hộ giá đến dốc Mã Ngôi, họ đã vô cùng đói và mệt mỏi rồi, ai nấy đều trong bụng bực tức. Trần Huyền Lễ, Long hổ Đại tướng của cấm quân, thừa cơ cổ động các binh sĩ: Thiên hạ tan rã chia ly là do ai gây ra? Đều là gian tặc Dương Quốc Trung này gây ra. Nếu không giết hắn thì không thể dẹp yên nỗi oán hận của thiên hạ được!
Vừa trùng hợp, khi đó sứ thần Thổ Phồn đi theo, đã chặn ngựa của Dương Quốc Trung. Những sứ thần này oán trách đi đường quá vội vã, hiện nay không còn thức ăn, đói quá rồi, xin Thừa tướng giúp đỡ giải quyết.
Dương Quốc Trung còn chưa kịp trả lời, thì trong cấm quân đã có người hô lớn kích động: Dương Quốc Trung câu kết với giặc tạo phản. Thế là cấm quân nhốn nháo lên. Dương Quốc Trung và chị gái của Dương Quý Phi là Hàn Quốc phu nhân muốn chạy trốn, nhưng bị binh sĩ đuổi theo giết chết. Người chị thứ 2 của Dương Quý Phi là Quắc Quốc phu nhân dẫn theo vợ của Dương Quốc Trung chạy trốn đến huyện Trần Thương, nhưng bị huyện lệnh bắt và giết chết.
Huyền Tông nghe tin binh biến, đầu tiên bước ra ai ủi vỗ về binh sĩ, nói mọi người có công trừ gian, hãy trở về nghỉ ngơi. Nhưng tướng lĩnh cấm quân, đứng đầu là Trần Huyền Lễ, không chịu. Chúng ta giết Dương Quốc Trung, anh họ của Dương Quý Phi, và mấy chị em, người nhà của Quý phi, để Quý phi ở bên Hoàng thượng, sau này sẽ báo thù thanh toán chúng ta. Thế là các tướng lĩnh cấm quân kiên trì thỉnh cầu Huyền Tông ban cho Dương Quý Phi cái chết.
Khi đó, Đường Huyền Tông đã 71 tuổi rồi, lưu luyến không nỡ, nhưng đành phải lấy xã tắc là trên hết, gạt lệ từ bỏ mỹ nhân, để thái giám Cao Lực Sĩ đưa Dương Quý Phi đến gốc cây lê trước Phật đường dùng lụa trắng thắt cổ chết. Nhất đại mỹ nhân hương tan ngọc nát. Sự kiện này được sử sách gọi là “Biến cố dốc Mã Ngôi”.
Đây là tình tiết mà Tân Đường Thư và Cựu Đường Thư cùng mô tả như nhau. Dương Quý Phi chết ở dốc Mã Ngôi là không còn nghi ngờ gì nữa, làm sao có thể truyền lại hậu duệ của bà ở Nhật Bản được?
Sau biến cố dốc Mã Ngôi, Thái tử Lý Hanh, người vốn đi theo ngự giá, rời khỏi đội ngũ, lên phía bắc chiêu mộ quân đội. Trong “Cựu Đường thư – Dương Quý Phi truyện”, “Vi kiến tố truyện” và trong “Tư trị thông giám” đều nói Thái tử Lý Hanh có tham gia vào biến cố Mã Ngôi, là người đứng sau thao túng. Lý Hanh chạy đến Linh Vũ, Ninh Hạ ngày nay, tự đăng cơ, tôn Huyền Tông làm Thái thượng hoàng. Lý Hanh chính là Đường Túc Tông. Sau khi Túc Tông tạo lập được vị thế vững chắc, ông bắt đầu điều binh khiển tướng, ra tay dẹp loạn An Sử.
Còn ở phía kia, hành trình đi Tứ Xuyên của Lý Long Cơ cũng không thể đảo ngược được. Sau khi Dương Quý Phi chết, Đại tướng Trần Huyền Lễ lập tức lại biểu thị dốc sức trung thành, do đó, ông vẫn làm tướng lĩnh của cấm quân, vẫn là hộ vệ thiết thân của Thái thượng hoàng. Cả đoàn người ở Tứ Xuyên, đợi quân Đường xua đuổi quân phản loạn, thu phục lại Trường An, rồi mới hồi giá hoàn kinh.
Khi xa giá lại lần nữa qua dốc Mã Ngôi, Huyền Tông Lý Long Cơ già cả, nhìn thấy mộ phần của Quý phi, không nén nổi bi thương trong lòng, muốn đem hài cốt của Quý phi về mai táng ở Trường An. Huyền Tông sai người mở quan tài Quý phi. Đường Huyền Tông nhìn thấy gì trong quan tài, đã trở thành ẩn đố ngàn năm.
Đại thi hào đời Đường Bạch Cư Dị đã viết trong bài thơ ái tình lãng mạn “Trường hận ca” rằng:
Mã Ngôi pha hạ nê thổ trung
Bất kiến ngọc nhan không tử xứ
Tạm dịch:
Ở trong bùn đất dốc Mã Ngôi
Chẳng thấy thi thể của mỹ nhân
Vẫn còn có mấy câu viết rằng:
Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền
Lưỡng xứ mang mang giai bất kiến
Hốt văn hải thượng hữu Tiên sơn
Sơn tại hư vô phiêu miểu gian
Trung hữu nhất nhân tự Thái Chân
Tuyết phu hoa mạo sâm si thị
Tạm dịch:
Lên tận trời xanh xuống hoàng tuyền
Hai xứ mênh mang chẳng thấy người
Bỗng nghe trên biển có núi Tiên
Núi nơi hư vô chốn mịt mùng
Trong có một người tự Thái Chân
Mặt hoa da tuyết đẹp tuyệt trần
Mấy câu thơ có nghĩa là, lên trên Trời, xuống địa phủ cũng không tìm thấy hồn phách của Dương Quý Phi, thì ra giai nhân ở trong một quả núi Tiên trên biển. Lẽ nào “Trường hận ca” ngầm nói rằng, Dương Quý Phi không chết? Đương nhiên thơ lãng mạn có thành phần tưởng tượng, không được coi là thật. Tuy nhiên xem các sách sử, cũng có 2 thuyết.
Trong “Cựu Đường thư – Hậu phi – Dương Quý Phi truyện” có nói, sau khi mở quan tài ra, thấy da thịt Quý phi đã phân hủy rồi, chỉ còn một túi thơm là còn hoàn hảo. Nhìn cảnh tượng này, Huyền Tông thất thần bi thương, đành sai người vẽ chân dung Quý phi treo ở phòng ngủ của ông.
Nhưng ở “Tân Đường thư” thì lại nói khác, không có nói là da thịt Quý phi bị phân hủy, mà nói trực tiếp rằng, trong quan tài không có thứ gì, chỉ có một túi hương mà Quý phi từng sử dụng.
Vậy rốt cuộc thuyết nào mới chính xác? Cựu Đường Thư và Tân Đường Thư đếu là chính sử do sử quan biên soạn, điểm khác biệt là, Cựu Đường Thư là sách lịch sử triều Đường do sử quan triều Hậu Tấn thời Ngũ đại biên soạn, thời gian cách thời gian triều Đường diệt vong hơn 40 năm, đương thời gọi là Lý Thị Thư. Còn Tân Đường Nhân là sách sử biên soạn thời Tống Nhân Tông, cách thời điểm triều Đường diệt vong hơn 140 năm.
Tuy thời gian hai bộ sách cách nhau khoảng 100 năm, nhưng cách thời điểm xảy ra sự kiện binh biến dốc Mã Ngôi đều rất lâu rồi. Binh biến Mã Ngôi xảy ra vào năm 756, sau đó triều Đường còn trải qua khoảng 150 năm hỗn loạn rồi mới diệt vong.
Vậy Cựu Đường Thư sớm hơn Tân Đường Thư thì độ chính xác cao hơn phải không? Hoàn toàn ngược lại, thời gian biên soạn sách của Cựu Đường Thư rất gấp gáp, chỉ 4 năm là đã hoàn thành rồi, do đó rất nhiều sơ hở. Ví dụ, trong Dương Quý Phi Truyện, hoàn toàn không có đề cập đến việc Dương Quý Phi đã từng làm con dâu của Đường Huyền Tông. Đây là lịch sử đen tối, trái luân thường đạo lý. Truyện chỉ nói, Đường Huyền Tông vừa gặp một nữ Đạo sĩ có Đạo hiệu là Thái Chân liền đem lòng yêu thương, bèn nạp vào hậu cung làm quý phi.
Bộ sách sử này truyền đến đời Tống, Tống Nhân Tông rất không hài lòng về bộ sử chất lượng thấp này, bèn hạ lệnh biên soạn lại sử sách triều Đường. Nếu sách Cựu Đường Thư khiến mọi người hài lòng, thì đương nhiên không cần phải biên soạn lại sử sách. Tống Nhân Tông bổ nhiệm đại văn hào Âu Dương Tu và Tống Kỳ cùng chủ trì công tác biên soạn hiệu chỉnh sử sách. Hai người dẫn đầu hai nhóm, rà soát những khiếm khuyết, bổ sung những thiếu sót, hiệu chỉnh ngày tháng, tổng cộng mất 1 năm mới hoàn thành. Sau này để mọi người dễ phân biệt, bèn gọi bộ sử Đường Thư thời Hậu Tấn là Cựu Đường Thư, gọi bộ sử phiên bản Âu Dương Tu đời Bắc Tống là Tân Đường Thư.
Trong phần “Hậu phi – Dương Quý Phi truyện” của Tân Đường Thư, không chỉ có thêm đoạn lịch sử Dương Quý Phi từng là con dâu của Đường Huyền Tông, tức là vương phi của Thọ Vương, mà còn loại bỏ đoạn mô tả da thịt Quý phi bị phân hủy, chỉ để lại một câu là túi thơm vẫn còn.
Xem đến đây, có độc giả sẽ hỏi: Tại sao chính sử lại mơ hồ như vậy? Lẽ nào Dương Quý Phi thực sự có khả năng không chết ở dốc Mã Ngôi? Hai câu thơ của Bạch Cư Dị có lẽ tiết lộ bí mật:
Ở trong bùn đất dốc Mã Ngôi
Chẳng thấy thi thể của mỹ nhân
Miêu tả này rất giống với thuật thi giải của Đạo gia, Dương Quý Phi chỉ để lại ngôi mộ trống. Điều này cũng phù hợp với tín ngưỡng Đạo gia của Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông. Dường như Bạch Cư Dị ám chỉ Dương Ngọc Hoàn (tức Dương Quý Phi) không chết.
Lên tận trời xanh xuống hoàng tuyền
Hai xứ mênh mang chẳng thấy người
Hai câu này ám chỉ tung tích của Dương Ngọc Hoàn không ở Hoa Hạ, Thiên giới và địa phủ cũng không có.
Bỗng nghe trên biển có núi Tiên
Núi nơi hư vô chốn mịt mùng
Trong có một người tự Thái Chân
Mặt hoa da tuyết đẹp tuyệt trần
Bốn câu này đã trực tiếp nói rằng, Dương Ngọc Hoàn sau khi dùng thuật thi giải thành Tiên, lên núi Tiên làm Tiên cô, đồng thời còn ngầm chỉ ra rằng, Dương Ngọc Hoàn lên một ngọn núi trên một hòn đảo ngoài biển. Trong các thư tịch Trung Quốc cổ đại, Nhật Bản được gọi là Phù Tang, Doanh Châu, hoặc Đông Doanh. Doanh Châu lên tên một ngọn núi Tiên cổ đại.
Câu chuyện Tiên giới tìm Quý phi này dường như Bạch Cư Dị đã ẩn giấu một mật mã, dường như ông khéo léo biểu đạt nơi chốn của Dương Ngọc Hoàn, đó là trên một hải đạo ngoài biển phía đông.
Bạch Cư Dị viết Trường Hận Ca vào năm Nguyên Hòa thứ nhất đời Đường Hiến Tông (năm 806), tức sau khi dẹp yên loạn An Sử trên 40 năm. Kết hợp với sự thực lịch sử, mộ Dương Quý Phi ở dốc Mã Ngôi chỉ lưu lại một túi thơm, thời đó rất có thể đã có thuyết Dương Quý Phi chưa chết, lưu lạc đến nơi khác rồi. Thi nhân đã đưa thuyết này vào thi phẩm của mình.
Dương Quý Phi đi Nhật Bản?
Về việc Dương Quý Phi đi Nhật Bản, vẫn chỉ là truyền thuyết. Thế nên có người đưa ra hai thuyết.
Thuyết thứ nhất là Dương Quý Phi được thả đi, nhưng từ đó không tìm thấy tung tích giai nhân. Học giả nổi tiếng thời Dân Quốc là Du Bình Bá ủng hộ thuyết này. Trong “Luận thi từ khúc tạp trước”, ông nói, Dương Quý Phi không chết, sau này lưu lạc dân gian. Ông sau nhiều lần khảo chứng Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, và Trường Hận Ca Truyện của Trần Hồng, đã đưa ra kết luận này, nhưng ông cũng không dám nói là Dương Quý Phi đã đến Nhật Bản, chỉ dám nói là lưu lạc dân gian, tung tích khó tìm.
Còn một thuyết khác là, Dương Quý Phi đã cùng một người tên là Đằng Nguyên Loát Hùng (Yoshio Fujiwara) đi Nhật Bản. Lúc đó được Thiên hoàng tác hợp, sau này Dương Quý Phi đã kết hôn cùng Đằng Nguyên Loát Hùng.
Từ thuyết này đã dẫn đến thuyết nữ ca sĩ, minh tinh Yamaguchi Momoe là hậu duệ của Dương Quý Phi cũng không phải là vô căn cứ, và hiện đã được đưa vào Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
Năm 2002 Yamaguchi Momoe đã từng trưng ra gia phả, tổ tiên của cô thực sự là họ Dương, Yamaguchi Momoe thực sự là hậu duệ họ Dương của Nhật Bản.
Năm 1986, tờ báo lớn của Nhật Bản là The Asahi Shimbun đã đăng bài viết ngày 17 tháng 8 với tiêu đề “Dương Quý Phi đã qua đời ở Nhật Bản”.
Vậy trong câu chuyện này, Đằng Nguyên Loát Hùng là người như thế nào? Tại sao lại có bản sự lớn như thế này, có thể đưa Dương Quý Phi thoát khỏi loạn quân đến Nhật Bản?
Từ ghi chép lịch sử, Đằng Nguyên Loát Hùng là quý tộc thời Nara, cũng là một sứ giả được cử đến triều Đường.
Sứ giả được phái đến triều Đường – Khiển Đường Sứ
Bắt đầu từ triều nhà Tùy, Nhật Bản đã bắt đầu cử các sứ đoàn đến Trung Quốc để học văn hóa Trung Thổ. Triều Tùy gọi là Khiển Tùy Sứ, triều Đường gọi là Khiển Đường Sứ. Đến triều Đường thì các sứ đoàn Nhật Bản càng nhiều, cứ các vài năm, Nhật Bản lại cử người đến Đại Đường học pháp luật, kiến trúc, y học, kỹ thuật triều Đường. Có lúc đến vài chục người, có lúc mỗi loạt lên đến trăm người.
Ở Nhật Bản, những người đươc tuyển chọn làm Khiển Đường Sứ đa phần là quý tộc, đều là những nhân tài xuất sắc, là tầng lớp tinh hoa của Nhật bản. Những Khiển Đường Sứ đến Trung Quốc qua tuyến đường cố định, gồm Bắc lộ, Nam đảo lộ, và Nam lộ.
Bắc lộ là xuất phát từ tỉnh Fukuoka ngày nay, đi qua bán đảo Triều Tiên, đi qua Bột Hải, và cập bờ bán đảo Sơn Đông của triều Đường, sau đó theo đường bộ đi qua phủ Khai Phong đến Trường An.
Nam đạo lộ xuất phát từ đạo Kyushu đi xuống phía nam, rồi vượt qua Đông Hải, đến Dương Châu, hạ lưu sông Trường Giang, dọc theo Trường Giang đến Vũ Hán nghỉ ngơi, điều chỉnh, sau đó đi theo đường bộ đến Trường An.
Nam lộ xuất phát từ quần đảo Goto của tỉnh Kawasaki, vượt qua Đông Hải, đổ bộ lên Hàng Châu, sau đó đến Dương Châu và đi như tuyến Nam đạo lộ, đến Vũ Hán rồi đến Trường An.
Trong 3 tuyến đường này thì nhanh nhất là Nam lộ, tức xuất phát từ quần đảo Goto, Kawasaki vượt qua Đông Hải.
Năm 752, một đoàn Khiển Đường Sứ đến Trường An học tập, Đằng Nguyên Loát Hùng nằm trong số đó. Hai năm sau, năm 754, một loạt người trong số đó quay lại Nhật Bản, còn một loạt vẫn tiếp tục học tập ở Trường An. Kết quả là sau 2 năm, loạt người ở lại này gặp phải loạn An Sử. Thế là những người tin là Dương Quý Phi không chết đã đưa ra thuyết như câu chuyện sau đây.
Tháng 6 năm Thiên Bảo thứ 15 (năm 766), đoàn Khiển Đường Sứ của Đằng Nguyên Loát Hùng đi theo Đường Huyền Tông chạy trốn đến dốc Mã Ngôi. Sự thực rất có thể là như thế. Do binh biến Mã Ngôi nổ ra là do sứ thần Thổ Phồn ngăn chặn ngựa của Dương Quốc Trung, yêu cầu cải thiện đãi ngộ. Có thể thấy các sứ đoàn ngoại giao khi đó đi theo Đường Huyền Tông chạy trốn, do đó Khiển Đường Sứ của Nhật Bản có lẽ cũng ở trong số đó.
Đằng Nguyên nhìn thấy quân đội sinh biến, Dương Quốc Trung chết, Dương Quý Phi bị treo cổ chết. Thi thể của Quý phi được chôn cất dưới con mắt chú ý của các tướng lĩnh, binh sĩ. Đúng lúc Đằng Nguyên kinh hồn động phách vẫn còn chưa định lại được thì ông lại gặp sự kinh sợ còn lớn hơn, cũng là sự bất ngờ lớn: Cao Lực Sĩ đột nhiên dẫn Dương Quý Phi, người đã cải trang, đến trước mặt Đằng Nguyên, thỉnh cầu Đằng Nguyên Loát Hùng hộ tống Quý phi đến Nhật Bản. Bởi vì Cao Lực Sĩ thực sự không nỡ nhìn Quý phi, người mà ông phụng sự hơn 10 năm qua, bị ép chết như thế này. Thế là Cao Lực Sĩ tìm một thị nữ có dung mạo giống Quý phi đóng giả Quý phi chết thay chủ nhân.
Nếu để Quý phi tiếp tục ở lại Trung Nguyên, một khi lộ ra tin tức, không chỉ Quý phi và Cao Lực Sĩ bị Đường Túc Tông Lý Hanh trừng trị, thậm chí Huyền Tông cũng không thoát khỏi liên lụy, do đó cần phải đi càng xa càng tốt.
Thế là Đằng Nguyên Loát Hùng vì nghĩ chẳng từ nan, đưa Quý phi theo tuyến đường Nam lộ về Nhật Bản. Lúc đó, Đường Túc Tông đang tác chiến với An Lộc Sơn, nhưng chiến trường là từ Đồng Quan về phía Bắc, lưu vực sông Trường Giang, nhất là khu vực hạ lưu vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi chiến hỏa. Do đó tuyến đường Nam lộ của Khiển Đường Sứ vẫn an toàn.
Đằng Nguyên Loát Hùng trở về đến Nhật Bản, được Thiên hoàng khi đó tác hợp, đã sống hạnh phúc cùng Quý phi.
Vậy câu chuyện này có chứng cứ không?
Trong chính sử cấp quốc gia của Nhật Bản, nếu có ghi chép như thế thì sẽ gây tranh chấp lịch sử, thậm chí chiến tranh, tuy nhiên các chứng cứ khác thì có.
Có một ngôi chùa tên là Tiểu Ni Tùng Viện ở thành phố Nagato tỉnh Yamaguchi, tiếng Nhật gọi là Nisonin (Nhị Tôn Viện). Ngôi chùa này khánh thành năm 802, khu mộ sau chùa có 1 chiếc tháp ngũ hoàn, tháp tổ hợp bằng 3 tảng đá hoa cương. Chiếc tháp ở giữa cao 153 cm, bên trái và bên phải có 2 tháp phụ cao 110 cm, đều là những tháp không cao.
Người địa phương nói rằng, đây chính là mộ phần của Dương Quý Phi và hai người hầu. Đây là văn bản của trụ trì đời thứ 55 của chùa Nisonin đã viết cách đây mấy trăm năm, văn bản có viết rằng, Dương Quý Phi đến thành phố Nagato vào thời Nara, sau này qua đời được an táng ở tháp ngũ hoàn phía sau chùa Nisonin.
Ngày nay, thành phố Nagato không chỉ có thôn Dương Quý Phi, còn có khách sạn Dương Quý Phi. Ở đầu thôn còn có một bức tượng Dương Quý Phi. Ngoài ra ở Nhật bản, Dương Quý Phi còn để lại rất nhiều di tích. Ví như: ở tỉnh Wakayama tương truyền còn có bồn tắm mà Dương Quý Phi đã sử dụng. Trong một ngôi chùa ở Kawasaki có một chiếc gối mà Quý phi đã sử dụng. Đương nhiên những tác phẩm văn học về phương diện này còn rất nhiều, ví như “Dương Quý Phi hậu truyện” của Watanabe Ryusaku (Độ Biên Long Sách), thậm chí còn có hí khúc cổ riêng về Dương Quý Phi. Tất cả những tác phẩm này đều truyền đạt một tư tưởng, đó là Dương Quý Phi không chết ở dốc Mã Ngôi mà chuyển đến Nhật Bản.
Tổ tiên họ Dương của Yamaguchi Momoe có phải là hậu duệ của Dương Quý Phi không?
Sau thời Duy tân Minh Trị, người Nhật đa phần lấy địa danh làm họ. Họ của Yamaguchi Momoe (Sơn Khẩu Bách Huệ) có địa danh Yamaguchi (Sơn Khẩu), mà mộ của Dương Quý Phi ở tỉnh Yamaguchi (Sơn Khẩu), và gia phả của Yamaguchi Momoe có người họ Dương. Hiện nay chưa biết giữa họ có mối liên hệ thế nào, chỉ biết đến đây thôi, cũng không có biện pháp nào để chứng minh thêm.
Vậy Yamaguchi Momoe có phải ‘bắt quàng làm họ’ với Dương Quý Phi để tăng độ ‘hot’ không? Nếu nói là để tăng danh tiếng, thì ai cũng có thế, duy chỉ có Yamaguchi Momoe là không phải. Bởi vì những năm thập niên 80, ¼ dân số Nhật Bản là fan hâm mộ của cô, cô đâu có thiếu danh tiếng. Bức ảnh Yamaguchi Momoe kết hôn năm 21 tuổi, dù trả giá sử dụng cao đến đâu cô cũng không đồng ý. Hơn nữa, cô còn nghĩ mọi cách để né tránh truyền thông, để tránh can nhiễu đến cuộc sống gia đình của cô.
Sau khi rút lui khỏi giới giải trí 40 năm, hiện nay Yamaguchi Momoe đã trên 60 tuổi rồi, nhưng bất kỳ tin tức nào liên quan đến cô, hễ xuất hiện trên truyền thông, thì nhất định trở thành tin nóng tìm kiếm. Điều này thì bất kỳ minh tinh Nhật Bản nào cũng không thể sánh được. Xưa nay chỉ có người khác ‘bắt quàng làm họ’ với Yamaguchi Momoe để tăng nổi tiểng, nào có chuyện cô ‘bắt quàng’ người khác để tăng độ nổi tiếng đâu?
Dương Quý Phi và Yamaguchi Momoe, hai vị giai nhân này cách nhau 1200 năm, rốt cuộc có mối quan hệ gì? Hiện nay vẫn là một bí ẩn chưa thể nào chứng thực được.
Theo Wenzhao
Trung Hòa biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam