Các nhà khoa học phát hiện dấu chân giống chim ở châu Phi có từ 210 triệu năm trước, sớm hơn thời điểm loài chim đầu tiên xuất hiện 60 triệu năm. (Ảnh: Abrahams et al., PLOS ONE, 2023)
Các nhà nghiên cứu đang xem xét kỹ hơn một số hóa thạch dấu chân giống chim ở châu Phi, có niên đại khoảng 210 triệu năm. Điều này khiến chúng trở thành một bí ẩn bởi vì hóa thạch của ngay cả tổ tiên loài chim sớm nhất cũng chỉ xuất hiện vào 150 triệu năm trước, tức là muộn hơn dấu chân ở châu Phi 60 triệu năm.
Những dấu chân này được lấy từ bốn địa điểm khác nhau trong khu vực và đã được biết đến từ nhiều năm trước. Nhưng một nhóm nghiên cứu từ Đại học Cape Town ở Nam Phi muốn thực hiện một phân tích toàn diện hơn về chúng.
Cụ thể, khi xem xét các hồ sơ được tìm thấy tại địa điểm Maphutseng, một đoạn đường dài 80 mét, các nhà nghiên cứu có thể xác định hai loại (hoặc hình thái) dấu chân riêng biệt, được cho là thuộc họ Trisauropodiscus với những dấu chân ba ngón giống như chim.
Các nhà địa chất Miengah Abrahams và Emese Bordy viết trong bài báo của họ: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy có hai kiểu hình thái Trisauropodiscus riêng biệt, một trong số đó giống với dấu chân do chim tạo ra”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hình thái đầu tiên cho thấy bàn chân to hơn, dài hơn với các ngón chân gần nhau hơn. Những dấu chân này không khác mấy với một loại dấu chân hóa thạch Anomoepus mà các nhà nghiên cứu cho rằng đến từ một loài khủng long.
Đối với hình thái thứ hai, những dấu chân này có kích thước trung bình chỉ bằng khoảng một nửa so với hình thái đầu tiên, và có các ngón chân thon hơn. Kiểu này bí ẩn hơn – nhưng nó gần giống với các loài chim ngày nay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dấu chân thuộc loại hình thái thứ hai do tổ tiên sớm nhất của loài chim để lại.
Các nhà nghiên cứu viết: “Những dấu chân ở miền nam châu Phi này, có niên đại từ kỷ Kỷ Tam Điệp muộn, rất giống với dấu chân của các loài chim thuộc Kỷ Tân Sinh và hiện đại”.
Bí ẩn về loài thú cổ đại nào thực sự để lại những dấu vết này vẫn chưa được giải quyết, nhưng các nhà nghiên cứu nghĩ rằng đó có thể là một loại khủng long ba ngón nào đó.
Và trong khi cuộc săn tìm hóa thạch có thể cho chúng ta biết thêm về loài động vật gây ra những dấu chân này vẫn đang tiếp tục, nghiên cứu này mang tới một cái nhìn hấp dẫn về hàng trăm triệu năm trước.
Abrahams và Bordy viết: “Các dấu vết hóa thạch có thể được sử dụng để suy ra sự đa dạng, tập tính và xu hướng tiến hóa cổ xưa” .
Nghiên cứu đã được công bố trên PLOS ONE.
Theo Science Alert
NTD Việt Nam