Hình ảnh mô tả nước ngầm ngoài khơi cung cấp nước cho tầng ngậm nước như thế nào. (Hình ảnh: Gustafson và cộng sự, 2019; CC BY 4.0)
Trong quá trình khoan thăm dò các mỏ quặng ngoài khơi, các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện một tầng chứa nước ngọt khổng lồ đang ẩn dưới Đại Tây Dương, ngay ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của Hoa Kỳ.
Vào năm 1960, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ tiến hành khoan các lỗ thẳng đứng ở ngoài khơi bờ biển New Jersey để tìm kiếm tài nguyên thì vô tình phát hiện một mỏ nước ngọt. Năm 2015, tiến sĩ Rob L. thuộc Viện Hải dương học Woods Hole cùng đoàn thám hiểm của mình đã sử dụng con tàu R/V Langseth để thám hiểm mỏ nước ngọt này và công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports.
Phát hiện lượng nước ngầm khổng lồ
Tác giả chính của nghiên cứu Chloe Gustafson, nghiên cứu sinh tiến sĩ về địa chất biển và địa vật lý tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty, cho biết: “Chúng tôi biết có nước ngọt ở những nơi biệt lập, nhưng chúng tôi không biết phạm vi và trữ lượng cụ thể của nó”.
Để điều tra các khu vực này, các nhà nghiên cứu đã thả các thiết bị xuống đáy biển để đo các trường điện từ bên dưới. Ngoài ra, một công cụ được kéo phía sau con tàu phát ra các xung điện từ nhân tạo và đo các phản ứng từ đáy biển. Các nhà nghiên cứu cho biết hai phương pháp dựa trên cơ sở khoa học tương tự: Nước mặn dẫn sóng điện từ tốt hơn nước ngọt, do đó, bất kỳ hồ nước ngọt nào cũng sẽ nổi bật dưới dạng các dải có độ dẫn điện thấp.
Một phân tích cho thấy nước ngọt không rải rác đây đó mà liên tục, bắt đầu từ bờ biển và kéo dài ra thềm lục địa. Ở một số nơi, tầng ngậm nước kéo dài xa tới 120 km ngoài khơi.
Cấu trúc này cũng chạy sâu, bắt đầu ở độ sâu khoảng 182 mét dưới đáy đại dương và kết thúc ở độ sâu khoảng 365 m dưới đáy biển. Nghiên cứu dự báo tầng ngậm nước lớn đến mức có thể sánh ngang với Tầng chứa nước Ogallala, một hồ nước ngọt khổng lồ cung cấp nước ngầm cho tám bang Great Plains, từ Nam Dakota đến Texas của Mỹ.
Làm thế nào mà nước có được dưới đại dương?
Các nhà nghiên cứu cho biết tầng ngậm nước có thể hình thành vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Khoảng 20.000 đến 15.000 năm trước, phần lớn nước trên thế giới bị khóa trong sông băng, khiến mực nước biển thấp hơn hiện tại.
Khi nhiệt độ tăng lên và lớp băng bao phủ vùng Đông Bắc Hoa Kỳ tan chảy, nước đã cuốn trôi một lượng lớn trầm tích, tạo thành các đồng bằng châu thổ sông trên thềm lục địa vẫn còn lộ thiên. Các túi nước ngọt lớn từ các sông băng tan chảy sau đó bị mắc kẹt trong các bẫy trầm tích này. Sau đó, mực nước biển dâng cao, giữ lại trầm tích và nước ngọt dưới đại dương.
Ngày nay, có vẻ như tầng chứa nước có sự lưu thông với các nguồn nước khác, nó có khả năng được nuôi dưỡng bởi dòng chảy ngầm từ đất liền, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhà địa vật lý tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty tại Đại học Columbia ở New York cho biết “Nếu chúng tôi có thể tìm thấy có những tầng chứa nước lớn ở các khu vực khác, ở những nơi khô hạn như Nam California, Úc, Trung Đông hoặc Châu Phi Sahara, thì đó có thể là một nguồn tài nguyên”.
Theo Live Science
NTD Việt Nam