Minh hoạ về một trong những chuẩn tinh xa nhất, lâu đời nhất, sáng nhất từng được nhìn thấy từ sau lớp bụi vũ trụ. (Ảnh: NASA)
Các nhà thiên văn học vừa tìm thấy một dải thiên hà khổng lồ trên bầu trời sau khi phát hiện tia bức xạ của nó hướng thẳng về Trái đất. Sự kiện làm thay đổi sự phân loại thiên hà chủ căn cứ theo tia bức xạ của nó.
Theo lý thuyết, ở trung tâm của hầu hết các thiên hà là một lỗ đen siêu lớn. Có thể ví các lỗ đen này như những “con quái vật” đang bận rộn nhai nuốt vật chất và phát ra mức bức xạ cao hơn bức xạ xung quanh nó. Khu vực trải qua quá trình này được gọi là “nhân thiên hà hoạt động” (tiếng Anh: Active galactic nucleus, viết tắt là AGN) hay chuẩn tinh.
Có những chuẩn tinh có thể ví như những kẻ ăn uống lộn xộn đến mức phát ra những tia hạt tích điện khổng lồ di chuyển gần bằng tốc độ ánh sáng. Những tia này có thể bị bắn ra khỏi thiên hà chủ theo bất kỳ hướng nào. Và nếu một tia như vậy hướng về Trái đất, nó sẽ xuất hiện dưới dạng một vật thể rất sáng gọi là “blazar”.
Giờ đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một thiên hà bất thường, vì vật chất nó phát ra dường như đã chuyển từ chuẩn tinh sang vật thể sáng gọi là “blazar”, trong một quá trình chuyển đổi chưa từng thấy trước đây. Tại một thời điểm nào đó trong quá khứ, tia bức xạ của thiên hà này dường như đã thay đổi hướng tới 90 độ, khiến nó chuyển hướng từ chạy ngang qua bầu trời sang hướng thẳng vào Trái đất.
Thiên hà này được các nhà khoa học đặt tên là PBC J2333.9-2343, nằm cách Trái đất 656,8 triệu năm ánh sáng. Khi dùng thiết bị quan sát trên diện rộng, có thể nhìn thấy những tia trông giống như các tia bức xạ trải dài trên bầu trời. Điều này khiến ban đầu các nhà khoa học phân loại nó là một thiên hà vô tuyến với AGN ở trung tâm.
Tuy nhiên thiên hà này dường như có một số thuộc tính bất thường khác, vì vậy các nhà thiên văn học đã kiểm tra nó kỹ hơn bằng cách sử dụng kính viễn vọng vô tuyến, quang học, hồng ngoại, tia X, tia cực tím và tia gamma. Những nghiên cứu toàn diện này đã tiết lộ một vệt sáng blazar ở trung tâm thiên hà – dấu hiệu của một loại bức xạ được nhìn thấy trực diện. Vậy những bức xạ cũ thì sao? Các nhà thiên văn học cũng nhìn thấy hai thùy vật chất, là dấu vết của tia bức xạ cũ, không còn được tiếp năng lượng nhờ hoạt động của AGN.
Nghiên cứu cho phép nhóm tính toán chính xác hơn kích thước của thiên hà. Thật kinh ngạc khi hóa ra nó là một thiên hà khổng lồ, có đường kính khoảng 4 triệu năm ánh sáng, trong khi dải Ngân hà của chúng ta chỉ rộng có 100.000 năm ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu cho biết trước đây người ta đã thấy các AGN khác chuyển hướng các tia bức xạ của chúng, nhưng chúng luôn luôn từ một phần này của bầu trời sang một phần khác của bầu trời.
PBC J2333.9-2343 đánh dấu lần đầu tiên một tia bức xạ chuyển hướng thẳng vào Trái đất. Điều này khiến việc phân loại thiên hà chủ phát ra bức xạ có thể thay đổi. Tuy nhiên, trong đa phần các trường hợp tương tự, việc bức xạ chiếu thẳng vào Trái đất là do các thiên hà đột nhiên bùng cháy thành các chuẩn tinh.
Nguyên nhân chính xác gây ra sự đổi hướng vẫn chưa được giải thích. Nhưng nhóm nghiên cứu suy đoán rằng nó có thể đã hợp nhất với một thiên hà khác, hoặc va chạm với một vật thể lớn khác, hoặc lỗ đen lại hoạt động trở lại sau một thời gian nằm im lìm.
Theo Newatlas
Lê Na
NTD Việt Nam