Trong một khu vực đặc biệt của Mặt trăng có tên gọi là vòng xoáy Mặt trăng Reiner Gamma, một nhóm các nhà khoa học vừa phát hiện ra một số tảng đá phủ bụi có tính chất phản chiếu kỳ lạ. (Ảnh: NASA/Goddard Space Flight Center/Arizona State University)
Khác với Trái đất, quá trình xói mòn không xảy ra trên Mặt trăng. Ngoài ra, do Mặt trăng không có bầu khí quyển hoặc các mảng kiến tạo, các hố va chạm trên bề mặt của nó này vẫn còn nguyên và phủ đầy bụi. Vì thế, bụi có thể nắm giữ manh mối về lịch sử từ tính của vệ tinh này.
Trong một khu vực đặc biệt của Mặt trăng có tên gọi là vòng xoáy Mặt trăng Reiner Gamma, một nhóm các nhà khoa học vừa phát hiện ra một số tảng đá phủ bụi có tính chất phản chiếu kỳ lạ.
Ban đầu, người ta nhầm tưởng Reiner Gamma là một hố va chạm, thực ra nó là một mảng phẳng không đổ bóng nhưng tỏa sáng rực rỡ trên nền tối của một đồng bằng Mặt trăng rộng lớn được gọi là Oceanus Procellarum.
Các vòng xoáy Mặt trăng như Reiner Gamma được cho là tạo ra bởi, hoặc ít nhất là liên quan đến các hốc đá từ hóa làm chệch hướng các hạt gió Mặt trời. Nghĩa là việc vật liệu từ hóa được bảo vệ khỏi gió Mặt trời đã làm tối các khu vực xung quanh thông qua các phản ứng hóa học, tạo ra những vòng xoáy rõ ràng đến mức có thể nhìn thấy từ Trái đất.
Nhưng các giả thuyết khác cho rằng những vòng xoáy có thể đã hình thành do sự tương tác giữa các dị thường từ tính trong lớp vỏ Mặt trăng và các hạt bụi mịn tích điện do các tác động của thiên thạch siêu nhỏ. Cũng có khả năng các xoáy và từ trường được hình thành từ các luồng vật chất bị đẩy ra bởi các tác động của các vụ va chạm với sao chổi.
Để hiểu rõ hơn về những tương tác đó, Ottaviano Rüsch, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Münster ở Đức, và các đồng nghiệp đã rà soát khoảng một triệu hình ảnh về những tảng đá bị nứt vỡ được chụp bởi Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (Lunar Reconnaissance Orbiter) của NASA.
Kết quả là trong hố va chạm Reiner K gần vòng xoáy Reiner Gamma, họ phát hiện ra một tảng đá phản chiếu ánh sáng theo cách hoàn toàn không giống với bất kỳ tảng đá phủ đầy bụi nào mà họ từng thấy.
Rüsch, người dẫn đầu cuộc khảo sát ban đầu vào năm 2023 và nghiên cứu mới nhất, giải thích: “Trên một hình ảnh, chúng tôi đã nhận ra một tảng đá với các vùng tối đặc biệt. Tảng đá này rất khác so với tất cả những tảng đá còn lại, vì nó tán xạ ít ánh sáng trở lại Mặt trời hơn các loại đá khác”.
Các đặc tính đặc biệt này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu tìm kiếm những tảng đá tương tự. Sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại những tảng trông kỳ lạ dựa trên kích thước và độ phản xạ, họ đã xác định khoảng 130.000 tảng đá, và một nửa trong số đó đã được họ xem xét kỹ lưỡng.
Các loại đá ít phản xạ hơn được xác định gần dị thường từ tính Reiner Gamma, nhưng không phải tất cả các loại đá trong hố va chạm Reiner K đều biểu hiện đặc tính phản xạ kỳ lạ.
Vì vậy, trong khi những tảng đá có thể được hình thành từ các vụ va chạm, các nhà nghiên cứu nghi ngờ tính chất phản chiếu kỳ lạ của một số tảng đá có nhiều khả năng là do một lớp bụi mỏng. Loại bụi này có thể có mật độ, kích thước hoặc cấu trúc độc đáo, mặc dù các tính chất này vẫn chưa rõ ràng.
Nhóm nghiên cứu cho biết bước tiếp theo của họ là sử dụng các kết quả để điều tra những quá trình có thể giải thích cách các xoáy Mặt trăng hình thành, chẳng hạn như sự tương tác của gió Mặt trời với các mảng từ tính trên bề mặt Mặt trăng.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research – Planets.
Theo Science Alert
NTD Việt Nam