Người xưa thường nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, người không tin Thần Phật, không tin vào nhân quả báo ứng sẽ dễ làm ra những việc trái với ý Trời. Người hành ác sớm muộn cũng gặp báo ứng, người thiện lương kính Thần Phật sẽ được phúc báo của Trời cao.
Dưới triều đại Thái Vũ Đế (Thế tổ) Thác Bạt Đảo thời Bắc Ngụy, sự kiện “Quốc thư” đã làm trào lên một cơn sóng dữ ngút trời, khi đó tất cả những người chấp bút đều bị cuốn vào vòng xoáy.
Gia tộc của Tể tướng Thôi Hạo và ba nhà thông gia đều bị liên lụy, gặp nạn diệt thân. Thế nhưng, một đồng tác giả là Trung thư thị lang Cao Doãn lại bảo toàn được tính mạng và được trọng dụng. Điều gì đã khiến số phận của họ một trời một vực như vậy?
Thôi Hạo
Thôi Hạo, tự Bá Thâm, là hậu duệ của gia tộc họ Thôi – một danh gia vọng tộc ở Thanh Hà. Vào cuối thời nhà Tấn, tổ tiên của ông đã chạy loạn tới Lũng Thạch và làm quan trong thời Tây Lương (400 – 420) và Bắc Lương (401 – 439).
Thôi Hạo bẩm sinh có đầu óc nhạy bén, giỏi bàn mưu tính kế, ham học từ nhỏ, học rộng biết nhiều, trí nhớ hơn người. Các trước tác kinh điển, lịch sử, bách gia, không cuốn nào là ông chưa từng đọc. Ông đặc biệt yêu thích thiên tượng, âm dương, dày công nghiên cứu nghĩa lý. Ông tài cán xuất chúng, người đương thời không ai theo kịp.
Thôi Hạo làm quan trong triều đại Bắc Ngụy, mới 20 tuổi đã được bổ nhiệm làm Thông trực lang, rồi từng bước thăng lên chức Tư đồ (một trong Tam công – ba chức quan cao nhất, chuyên trách giáo dục). Minh Nguyên Đế và Thái Vũ Đế của triều đại Bắc Ngụy đều vô cùng coi trọng ông, ông nói gì cũng nghe theo.
Thôi Hạo có tài thao lược, ông tự so sánh mình với Trương Lương và cho rằng bản thân còn hơn cả Trương Lương. Ông nói rằng sách lịch do mình tạo ra còn chính xác hơn của cổ nhân, “có thể làm lợi cho quốc gia, lưu danh muôn đời, vượt qua cả Tam Hoàng, Ngũ Đế”.
Thôi Hạo yêu thích Đạo thuật, nhưng lại không thích những lời giảng của Lão Tử và Trang Tử, và còn chỉ trích giáo lý nhà Phật là hoang đường và vô lý. Phu nhân của ông – Quách thị – là người hướng Phật, bà thường tụng niệm kinh Phật. Bản thân Thôi Hạo vốn không tin Phật, thấy vợ tụng niệm kinh Phật thì nổi giận, liền châm lửa đốt kinh Phật của vợ thành tro rồi ném vào nhà xí.
Em trai của Thôi Hạo là Thôi Mô vô cùng thành tín Phật Pháp và luôn rất cung kính. Dù bị anh trai nhạo báng, Thôi Mô vẫn cung kính quỳ xuống hành lễ mỗi khi trông thấy tượng Phật.
Minh Nguyên Đế yêu thích số thuật âm dương, vì vậy đã lệnh cho Thôi Hạo bói điềm cát hung. Do phần lớn là ứng nghiệm và giúp quân đội đánh thắng nhiều trận, Thôi Hạo lại càng được trọng dụng. Bản thân Thôi Hạo không tin Phật nên thường ở bên mà nói những lời phỉ báng Phật Pháp với Minh Nguyên Đế.
Năm Thái Bình Chân Quân thứ 6, tức năm 445, Cái Ngô tạo phản, Quan Trung rối loạn, Thái Vũ Đế đích thân thảo phạt về Trường An. Trong một ngôi chùa ở Trường An phát hiện ra một số vũ khí như cung, tên, giáo, khiên…, Thái Vũ Đế cho rằng việc các nhà sư sở hữu vũ khí có liên quan tới Cái Ngô.
Sau khi đọc sổ sách kiểm kê tài sản của nhà chùa, Hoàng đế thấy có rất nhiều dụng cụ nấu rượu, cùng hàng vạn thứ đồ quý báu của người giàu gửi cất giấu, còn phát hiện ra trong chùa có phòng tối chuyên thực hiện hành vi dâm loạn với nữ giới. Những hành vi phi pháp của các nhà sư đã khiến Thái Vũ Đế vô cùng phẫn nộ. Lúc này, Tư đồ Thôi Hạo lại nhân cơ hội góp lời để Hoàng đế phán tội chết cho các nhà sư Trường An và phá hủy tượng Phật.
Khi đó, thầy của Thôi Hạo là Khấu Khiêm Chi cũng ở trong đoàn tùy tùng, ông tranh luận và hết lời khuyên can nhưng Thôi Hạo trước sau đều không nghe. Cuối cùng Khấu Khiêm Chi nghiêm trọng cảnh cáo Thôi Hạo: “Nếu bây giờ ngươi khăng khăng làm theo ý mình, thúc đẩy diệt Phật, không tới vài năm sẽ bị báo ứng, bị trừng phạt, bị xử chết và diệt môn!”.
Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo nghe lời Thôi Hạo, nửa năm sau liền ban bố lệnh chôn sống nhà sư, phá hủy tượng Phật trên toàn quốc. Vào tháng thứ hai thi hành lệnh này, khi xe giá của Hoàng đế đi tới Trường An, đã phá hủy tháp Phật năm tầng ở Nghiệp Thành (nay thuộc địa phận Hàm Đan), gây ra đại kiếp diệt Phật vào năm Công nguyên 446. Sự kiện này trong lịch sử được gọi là “Thái Vũ diệt Phật”.
Bốn năm sau, Thôi Hạo được lệnh chủ trì viết cuốn “Quốc thư” và tổng cộng hoàn thành 30 quyển. Ông ta nghe theo đề xuất của Trước tác lang (chức quan viết quốc sử) Mẫn Trạm và những người khác, đã tiêu xài phung phí 3 triệu nguyên tiền để khắc “Quốc thư” và Ngũ Kinh mà ông ta chú giải trên đại lộ dài ba dặm nằm ở phía đông Hoàng cung nhằm ghi danh bản thân vào lịch sử. Thực chất đề xuất này chỉ là để xu nịnh, thổi phồng Thôi Hạo.
Khi ấy, Trung thư thị lang Cao Doãn cũng là người tham gia viết “Quốc thư”. Sau khi nghe được tin trên, ông nói với một vị Trước tác lang khác là Tông Khâm rằng: “Những gì nhóm người Mẫn Trạm nói sẽ sớm thay đổi, e là sẽ thành họa muôn đời của nhà họ Thôi, quan lang viết sách như chúng ta cũng sẽ gặp tai ương”.
Sau khi rừng bia “Quốc thư” được lập nên, người dân Bắc Ngụy đều nhìn thấy những việc làm tốt – xấu của tổ tiên, tất cả đều được công bố chi tiết, họ căm ghét Thôi Hạo vì đã rêu rao chuyện xấu của đất nước. Họ cho rằng hành vi này cấu thành tội danh nên đã dâng tấu lên triều đình. Kết quả là Thôi Hạo phải lĩnh 5 hình phạt, tất cả họ hàng ruột thịt, thông gia không kể xa gần đều bị diệt tộc.
Thôi Hạo bị nhốt trong xe tù và áp tải đến phía nam kinh thành, trên đường đi hàng chục lính canh tiểu tiện lên người ông. Từ đầu đến chân đều là nước tiểu, Thôi Hạo không ngừng kêu gào than khóc, âm thanh vang vọng cả con đường. Thôi Hạo là Tể tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa phải chịu nỗi nhục như vậy khi bị xử tử.
Người duy nhất sống sót sau thảm họa diệt tộc này là Thôi Mô – em trai của Thôi Hạo. Người đời đều cho rằng đó là phúc báo do ông kính Phật.
Tới năm 452, Văn Thành Đế là Thác Bạt Tuấn kế vị, ông hạ lệnh ngừng diệt Phật, từ ấy Phật giáo lại hưng thịnh trở lại trên mảnh đất Trung Hoa.
Cao Doãn
Lại nói về Trung thư thị lang Cao Doãn, ông và Thôi Hạo đã cùng nhau viết “Quốc thư”, tại sao ông lại may mắn sống sót?
Cao Doãn, tự Bá Cung, sinh ra ở Bột Hải Điều (nay là huyện Cảnh, tỉnh Hà Bắc). Ông nội của ông – Cao Thái – là Thượng thư Bộ Lại, và cha của ông – Cao Thao – là Thừa tướng từng ra trận và mất sớm. Cao Doãn từ nhỏ đã yêu thích văn học, thông thạo kinh điển, lịch sử và thiên văn số học. Ông là người có học vấn uyên bác, ở nhà nhận dạy học trò, tận tình chỉ dạy, không quản công lao, học trò nghe danh thầy mà ùn ùn kéo tới, có trên nghìn người.
Khi Thái Vũ Đế nghe đến danh tiếng của ông, đã bổ nhiệm ông làm Trung thư tiến sĩ, rồi lên đến chức Trung thư thị lang, chuyên trách việc viết quốc sử. Đồng thời, ông còn được đảm nhận chức Thị giảng cho Thái tử (người sau này là Cảnh Mục Đế), hai thầy trò có mối quan hệ sâu sắc.
Khi cơn phong ba quốc sử bất ngờ nổi lên, Cao Doãn lúc đó đang làm quan ở Trung thư. Trước tiên Thái tử để ông ở lại Đông Cung, hôm sau đặc biệt dẫn ông vào cung để tìm cách giữ lại mạng sống cho ông. Khi ấy, Cao Doãn vẫn chưa biết gì về đại họa sắp giáng xuống, Thái tử đã đặc biệt dặn dò ông: “Khi ngài nhìn thấy Chí tôn, hết thảy hãy nói theo ý trò”.
Thái tử nói với Thái Vũ Đế: “Cao Doãn là người thận trọng, tuy làm quan cùng Thôi Hạo, nhưng địa vị khiêm nhường, mọi việc đều bị Thôi Hạo quản chế. Xin Thánh thượng xá tội chết cho ông ấy”.
Thái Vũ Đế hỏi Cao Doãn: “‘Quốc thư’ đều là do Thôi Hạo viết phải không?”.
Cao Doãn trả lời: “Cuốn ‘Thái Tổ ký’ là do Trước tác lang Đặng Uyên viết. Cuốn ‘Tiên Đế ký’ và ‘Kim ký’ do thần và Hạo cùng viết, Hạo làm quan tổng tài (chức quan đứng đầu cơ quan soạn sách). Còn về phần chú giải và chú thích, vi thần làm nhiều hơn Hạo”.
Thái Vũ Đế cả giận nói: “Đây là tội nặng hơn cả Thôi Hạo, không có đường sống!”.
Thái tử vội vàng đỡ lời cho Cao Doãn, nói: “Thánh thượng thiên uy nghiêm trang, Cao Doãn bối rối nên lời nói hỗn loạn, thần từng hỏi ông ấy, đều nói là do Thôi Hạo làm”.
Thái Vũ Đế lại hỏi Cao Doãn: “Có đúng như Đông Cung nói không?”.
Cao Doãn trả lời: “Tội của thần đáng phải là diệt tộc, nay đáng ra đã phải chết, không dám nói dối. Vi thần đã thị giảng cho Thái tử điện hạ nhiều năm. Thái tử thương xót nên mới cầu xin tha mạng cho vi thần. Kỳ thực, Thái tử chưa từng hỏi thần về việc này, vi thần cũng không bảo ngài ấy làm thế, những lời vi thần nói đều là sự thật, không dám nói càn”.
Thái Vũ Đế quay sang Thái tử và nói: “Quả là chính trực! Có thể đối mặt với cái chết mà tâm không đổi, khó có người như vậy, hơn nữa còn thành thực không lừa dối quân chủ, là bậc hạ thần trung trinh, trẫm thà để sót một kẻ có tội cũng phải miễn xá cho ông ta”.
Nhờ đó Cao Doãn tránh được tội chết.
Sau đó, Thái Vũ Đế gọi Thôi Hạo tới chất vấn. Thôi Hạo bối rối không trả lời được.
Thái Vũ Đế rất tức giận, vì vậy đã ra lệnh cho Cao Doãn viết một chiếu thư rằng, phàm là người liên quan đến sự kiện quốc sử, từ Thôi Hạo trở xuống cho đến chức quan Đồng lại, tổng cộng 28 người, toàn bộ bị tru di ngũ tộc.
Nhưng Cao Doãn trì hoãn mãi không nỡ hạ bút viết. Thái Vũ Đế thường xuyên hạ lệnh thúc giục, Cao Doãn cầu xin được yết kiến.
Cao Doãn gặp Thái Vũ Đế và nói: “Tội của Thôi Hạo, bên cạnh sự kiện quốc sử, có lẽ còn có những tội ác khác, vi thần không dám biết. Tuy nhiên, vi thần cho rằng vì viết đúng sự thật về quốc sử mà mạo phạm, nên tội này không tới mức ấy”.
Thái Vũ Đế vô cùng tức giận và ra lệnh cho thị vệ bắt Cao Doãn. Thái tử lại tới bái kiến và thỉnh cầu xá tội cho Cao Doãn.
Lúc này, Thái Vũ Đế nói: “Nếu không có Cao Doãn chọc giận trẫm, đã có hàng nghìn người phải chết. Làm thế này đi, Thôi Hạo bị diệt tộc, những người còn lại chỉ bị xử tội chết”.
Khi Trước tác lang Tông Khâm sắp bị xử tử, ông cảm thán: “Cao Doãn thực sự đã gần đến cảnh giới của Thánh nhân!”.
Trong triều đại Bắc Ngụy, Cao Doãn đã phụng sự 5 vị hoàng đế, từ Thái Vũ, Cảnh Mục, Văn Thành, Hiến Văn, cho đến Cao Tông. Ông làm quan ở các ban bộ trung ương như Thượng thư tỉnh, Trung thư tỉnh, Mật thư tỉnh trong hơn 50 năm và chưa từng để xảy ra sai sót. Trong hơn 30 năm phụ trách việc xử án, cả trong và ngoài triều đình đều ca ngợi ông vì sự công bằng.
Khi Hoàng đế Cao Tông đến thăm nhà Cao Doãn, thấy nhà ông chỉ là một vài căn nhà tranh, ở nhà ông mặc vải thô và áo choàng vải mỏng, trong bếp chỉ có rau muối. Cao Doãn thành tín Phật Pháp, có đức hiếu sinh, ghét việc sát sinh. Ông thường cúng dường đồ chay cho chúng tăng, giảng kinh thuyết pháp, hưởng thọ 98 tuổi.
Mặc dù Thôi Hạo và Cao Doãn cùng làm quan đương triều, nhưng lại có phong thái và cách đối nhân xử thế khác nhau, có tiêu chuẩn đạo đức khác nhau, niềm tin vào Phật Pháp cũng khác nhau, vậy nên vận mệnh của họ cũng khác nhau rõ rệt. Thôi Hạo vì một chấp niệm mà khiến vận mệnh trước sau của bản thân cách biệt như trời với đất.
Thôi Hạo đã viết sự thật về Đế vương, nói về những điều được và mất của đất nước, vốn là trục chính của lịch sử, nên trên thực tế thì không hề trái với đạo lý. Cao Doãn và Thôi Hạo cùng viết “Quốc thư”, vốn là sống chết vinh nhục đều chung một thuyền, vậy tại sao số mệnh của hai người lại khác nhau đến vậy?
Cái lý không nằm ở sự việc bề ngoài (việc nhân dân bùng lên cơn giận dữ mà dâng tấu kết tội Thôi Hạo), mà nằm ở đạo đức của con người. Thôi Hạo vì ham muốn ích kỷ muốn thể hiện bản thân mà đánh mất sự liêm khiết và lòng trung thành, vì sự cố chấp phiến diện của cá nhân mà bị che mất đạo lý vốn rất sáng tỏ – không phân biệt phải trái đúng sai mà xúi giục Hoàng đế bức hại tăng nhân, làm liên lụy tới những người vô tội, hủy hoại chính tín mà tự rước đại họa.
Một vị tể tướng vốn được Hoàng thượng tin tưởng nghe theo lại phải chịu họa tru di gia tộc chưa từng có trong lịch sử. Liệu bi kịch thê thảm này có thể là tấm gương cho các thế hệ sau hay không?
Lan Hòa biên tập
Nguồn: NTDVN (Nam Phương biên dịch)
Xem thêm
Vạn Điều Hay