Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[Chanhkien.org]
Ảnh Tôn Trung Sơn những năm cuối đời (năm 1924). (Phạm vi công cộng)
Việc học hành hành vất vả để ứng phó với kỳ thi tại trường vẫn còn là ký ức như mới của không ít người. Thời đó, tôi cũng từng ngưỡng mộ những học sinh hạng ưu có thành tích vượt trội trên lớp, rõ ràng đều là cùng một thầy dạy, tại sao thành tích của họ lại đặc biệt tốt nhỉ?
Kỳ thực, dù đã ra trường, chúng ta cũng vẫn đối mặt với rất nhiều những thứ như: học bồi dưỡng tại chức, chứng nhận, khảo thí quốc gia. Vốn dĩ việc học tập không phải sẽ kết thúc khi chúng ta rời xa trường học…….
Nhìn vào những bạn học, đồng nghiệp ưu tú, bạn có nghĩ rằng: Có phải họ có phương pháp học tập nào khác biệt với mọi người không?
Chúng ta hãy xem những anh hùng kiệt xuất nhất qua các thời đại đã đọc sách như thế nào, sau khi xem xong biết đâu bạn cũng sẽ như họ!
Hoàng đế Khang Hy
Theo ghi chép lịch sử, phàm là nơi Hoàng đế Khang Hy ngồi, thư tịch đều được xếp thành vòng xung quanh. Hình vẽ chân dung Hoàng đế Khang Hy đang đọc sách năm 1699 (45 tuổi). (Phạm vi công cộng)
“Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi, lập chí học tập”. Một câu xuyên suốt cuộc đời một thánh nhân chính là “lập chí học tập”. Ngoài ra, việc có thể thật sự làm được siêng năng học tập và kiên trì thường hằng chính là lý do mà thánh nhân sở dĩ có thể trở thành thánh nhân. Thánh hiền kim cổ cũng là người như chúng ta, vì sao chúng ta lại có thể cam tâm vội vàng nóng nảy từ bỏ mà không cố gắng học tập?”
“Giả như có chí học tập, nguyện vọng đạt đến cảnh giới thánh hiền thì ai còn có thể cản trở đây? Vì vậy nói rằng, lập chí học tập là điều quan trọng nhất để trở thành thánh nhân”.
(Nguyên văn: “Tử viết: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học”. Thánh nhân nhất sinh, chỉ tại chí học nhất ngôn. Hựu thực năng học nhi bất yếm, thử thánh nhân chi sở dĩ vy thánh dã. Thiên cổ thánh hiền dữ ngã đồng loại nhân, hà vy cam ư tự khí nhi bất học? Cẩu chí ư học, hy hiền hy thánh, thục năng ngự chi? Thị cố chí học nãi tác thánh chi đệ nhất nghĩa dã” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
“Thông thường, người đọc sách mà không bị cuốn sách mê hoặc mới có thể được xưng là minh trí. Như nhà Nho học thời Hán là Đổng Trọng Thư có nói: “Gió thổi không làm cành cây phát ra âm thanh, nước mưa không rửa trôi đất trồng, được xem là thời đại thái bình”. Nếu quả đúng là gió thổi không làm cành cây phát ra âm thanh, vậy thì trời đất vạn vật đất dựa vào điều gì khiến chúng khởi phát, sinh thành vậy? Nước mưa không rửa trôi đất trồng, vậy thì ruộng đồng làm sao canh tác gieo hạt đây?”
“Nhìn lại những chỗ này thấy chúng đều là những từ trống rỗng nghe có vẻ hay nhưng không có suy xét. Với những câu như thế thì đừng tin là thật”.
(Nguyên văn: “Phàm khán thư bất vy thư sở ngu, thuỷ thiện. Tức như đổng tử sở vân: “Phong bất minh điều, vũ bất phá khối: vị chi thăng bình thế giới”. Quả sử phong bất minh điều, tắc vạn vật hà dĩ cổ động phát sinh? Vũ bất phá khối, tắc điền mẫu như hà canh tác bố chủng? Dĩ thử quan chi, câu hệ phấn sức không văn nhi dĩ. Tự thử giả, giai bất khả tín dĩ vy chân dã” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
Tranh vẽ Hoàng đế Khang Hy mặc thường phục đang viết chữ.
“Người có tâm khiêm tốn thì tìm cầu học tập nhất định sẽ tiến bộ, bằng như tự mãn thì sẽ thụt lùi. Thiên tính ta thích xin nghe người khác chỉ dạy. Cho dù là người địa vị thấp vô giáo dục thô tục quê mùa, mà có lời hợp đạo lý, ta quyết sẽ không vì vậy mà không thừa nhận họ, ta nhất định khắc ghi điều cơ bản của truy tầm học vấn, ta sẽ không tự cho mình có năng lực mà bỏ qua tiếp nhận điểm mạnh và mặt tốt của người này”.
(Nguyên văn: “Nhân tâm hư tắc sở học tiến, doanh tắc sở học thoái. Trẫm sinh tính hảo vấn. Tuy cực thô bỉ chi nhân, bỉ diệc hữu trung lý chi ngôn. Trẫm ư thử đẳng xứ quyết bất di khí, tất sưu kỳ nguyên nhi thiết ký chi, tịnh bất dĩ vy tự tri tự năng nhi khí nhân chi thiện dã” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
Khang Hy tự điển bản của Quảng Ích Thư Quán đầu thế kỷ 20. (Mosesofmason/Wikimedia Commons)
“Một người sở dĩ có thể trở thành thánh hiền không phải là do họ bẩm sinh đã như vậy, mà là do ngày tháng tích lũy dần dần hình thành. Người ta từ việc có tâm kiên trì mà dần thành người có đạo đức, từ người có đạo đức mà dần trở thành người quân tử, từ quân tử mà trở thành thánh nhân, đẳng cấp cao thấp trong đó phân định dựa vào học thức, trình độ chuyên môn nông sâu của mỗi người. Mạnh Tử nói: “Đạt đến cảnh giới của Nhân cũng cần công phu tích lũy!” Người chú ý tích lũy công đức cũng cần chờ đợi tới khi nước chảy thành sông [1]”.
“Như vậy, người có chí hướng thiện thì ngay lúc bắt đầu cần không ngừng bổ sung thêm vào, phát triển, tiếp đó cần củng cố, phát triển, suốt đời không dám lùi bước, vậy mới có thể đạt được sự tích lũy qua ngày tháng lâu dài, không ngừng mở rộng. Do vậy, ôm giữ cái tâm chí chân chí thành sẽ khiến người ta cố gắng không ngừng, cố gắng không ngừng sẽ đạt tới bền lâu, bền lâu thì tự nhiên có được chứng nghiệm, có chứng nghiệm thì lòng dạ tự nhiên trở nên rộng rãi, lòng dạ rộng rãi thì kiến thức uyên thâm, kiến thức uyên thâm thì tự nhiên trở nên cao thượng minh trí. Tóm lại, tác dụng của việc tích lũy qua ngày tháng thì làm sao có thể tính toán rõ được đây?”
(Nguyên văn: “Nhân chi vy thánh hiền giả, phi sinh nhi nhiên dã, cái hữu tích luỹ chi công yên. Do hữu hằng nhi chí ư thiện nhân, do thiện nhân nhi chí ư quân tử, do quân tử nhi chí ư thánh nhân, giai thứ chi phân, thị hồ học lực chi thiển thâm. Mạnh Tử viết: “Phu nhân diệc tại hồ thục chi nhi dĩ hỹ”. Tích đức luỹ công giả diệc đương cầu kỳ thục dã. Thị cố hữu chí vy thiện giả, thuỷ tắc sung trưởng chi, kế tắc bảo toàn chi, chung thân bất cảm thoái, nhiên hậu hữu nhật tăng nguyệt ích chi hiệu. Cố chí thành vô tức, bất tức tắc cửu, cửu tắc chinh, chinh tắc du viễn, du viễn tắc bác hậu, bác hậu tắc cao minh. Kỳ công dụng khởi khả lượng tai!” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
Kinh Dịch nói: “Ngày ngày tiến bộ hơn có thể xem là một loại đức hạnh cực cao thượng”. Người ham thích học tập nên là mỗi ngày đều tiến bộ mới không bị lãng phí thời gian. Hết thảy các chủng loại kỹ năng nghề nghiệp của thế gian, khi bắt đầu học tập thì thấy quá khó, như là không thể nào làm được. Nếu vì vậy mà từ bỏ không học nữa thì cuối cùng rồi một việc cũng không thành.
“Vì vậy, đối với người mới bắt đầu mà nói, điều quý giá là có cái ý chí một khi quyết thì không thay đổi, cũng còn cần thêm cái tâm kiên trì không ngừng truy cầu tiến tới, càng quý hơn nữa là có ngôn hành nhất trí (lời nói và việc làm là nhất quán với nhau), kiên định đi theo con đường đúng đắn, quyết tâm không bao giờ lùi bước, thì loại kỹ năng nghề nghiệp nào không thể học được đây?”
(Nguyên văn: “Di vân: “Nhật tân chi vị thịnh đức”. Học giả nhất nhật tất tiến nhất bộ, phương bất hư độ thì nhật. Đại phàm thế gian nhất kỹ nhất nghệ, kỳ thuỷ học dã, bất thắng kỳ nan, tự vạn bất khả thành giả. Nhân trí nhi bất học, tắc chung vô thành hỹ. Sở dĩ, sơ học quý hữu quyết định bất di chi chí, hựu quý hữu dũng mãnh tinh tiến chi tâm, vưu quý tinh tiến nhi hựu trinh thường vĩnh cố, hào bất thoái chuyển, tắc phàm kỹ nghệ yên hữu bất thành giả tai!” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
“Điều quan trọng nhất trong việc đọc sách là hiểu rõ đạo lý của sự việc. Khi đã hiểu rõ đạo lý của sự việc rồi, thì trong lòng sẽ có chính kiến, tự nhiên có thể phân biệt rõ hết thảy thị phi chính tà. Khi gặp phải những điều ngờ vực, chỉ cần chiếu theo đạo lý mà làm thì bất luận sự việc có ra sao cũng không xấu hổ”.
“Thượng thư nói: “Học tập lời dạy bảo của người xưa, chính là có thu hoạch”. Phàm là tác phẩm kinh điển của thánh hiền thì có thể nói mỗi câu, mỗi sự việc đều chứa đạo lý rất sâu sắc bên trong, khi đọc sách cần nên lưu tâm thể hội, những chỗ nào chúng ta có thể làm theo, những chỗ nào chúng ta cần phải chú ý, lấy đó làm điều răn đe. Sau một thời gian dài, sẽ có thể hiểu hết ý nghĩa của cuốn sách, khi bạn gặp phải sự việc gì đó, trong não sẽ lập tức phản ứng ra, nghĩ ra biện pháp mà không cần phải suy nghĩ tìm tòi”.
(Nguyên văn: “Độc thư dĩ minh lý vy yếu. Lý ký minh tắc trung tâm hữu chủ, nhi thị phi tà chính tự phán hỹ. Ngộ hữu nghi nan sự, đãn cứ lý trực hành, tắc thất câu vô khả quý. Thư vân: “Học ư cổ huấn nãi hữu hoạch”. Phàm thánh hiền kinh thư, nhất ngôn nhất sự câu hữu chí lý, độc thư thì tiện nghi lưu tâm thể hội, thử khả dĩ vy ngã pháp, thử khả dĩ vy ngã giới. Cửu cửu quán thông, tắc sự chí vật lai, tuỳ cảm tức ưng, nhi bất đặc tư tác hỹ” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
“Ta từ nhỏ đọc sách, ví như đọc phải từ nào không hiểu, thì nhất định phải tìm tòi, tra hỏi bằng nhiều cách, khiến nó được hiểu cặn kẽ mới yên tâm. Không chỉ đọc sách mới cẩn thận như thế, trị lý thiên hạ quốc gia cũng không ngoại lệ”.
(Nguyên văn: “Trẫm tự ấu độc thư, gian hữu nhất tự vị minh, tất gia tầm dịch, vụ chí minh khiếp ư tâm nhi hậu dĩ. Bất đặc độc thư vy nhiên, trị thiên hạ quốc gia diệc bất ngoại thị dã” – Xuất tự Đình Huấn Cách Ngôn)
Tổng kết: Trọng điểm của việc học là:
1. Thiết lập mục tiêu, kiên trì thường hằng.
2. Đối với những chỗ trong tài liệu mà không phù hợp với đạo lý cần suy xét nhiều.
3. Giữ tâm khiêm tốn, không ngại đặt câu hỏi, đừng vì một người nào đó có khuyết điểm mà cho rằng lời của họ không có tác dụng tham khảo.
4. Học vấn gia tăng là do ngày tháng tích lũy, cần phải có sự kiên trì.
5. Nhất định yêu cầu bản thân mỗi ngày đều cần tiến bộ một chút.
6. Khi đọc gặp chỗ không hiểu cần phải tìm cách để hiểu ra, đừng qua loa.
Tôn Trung Sơn
Ảnh chụp Tôn Trung Sơn nhậm chức tổng thống lâm thời (năm 1912). (Phạm vi công cộng)
“Chữ viết là phương tiện trung gian để truyền thụ tư tưởng, từ khi nhân loại có lịch sử, chỗ độc đáo của chữ viết Trung Quốc là đã được dùng để ghi lại các sự kiện lịch sử bốn, năm nghìn năm không gián đoạn, chúng ta nên trân quý những tư liệu này và nghĩ cách sử dụng chúng cho mình”.
“Tôi có thể áp dụng luận thuật và quan điểm (trí huệ) của người xưa mà không bị người xưa làm cho lúng túng, hơn nữa có thể ứng dụng được những luận điểm của người xưa một cách hợp thời, thay vì chỉ đơn giản tiếp nhận toàn bộ, thành nô dịch cho luận điểm của cổ nhân; cho nên tất cả sách cổ, dường như đều đang hiệp trợ tôi hiểu và tiếp thu tri thức, khiến người xưa thành trợ thủ đắc lực của tôi, cho nên nói rằng, học tập tư liệu lịch sử càng nhiều thì càng tốt”.
(Nguyên văn: “Phu văn tự vy tư tưởng truyện thụ chi trung giới,…… ức tự nhân loại hữu sử dĩ lai, năng ký tứ ngũ thiên niên chi sự tường thực nhi vô gian giả, diệc vy Trung Quốc văn tự sở độc hữu; tắc tại học giả chính đương bảo quý thử tư liệu, tư sở dĩ lợi dụng chi. Như năng dụng cổ nhân nhi bất vy cổ nhân sở hoặc, năng dịch cổ nhân nhi bất vy cổ nhân sở nô, tắc tải tịch giai tự vy ngã điệu tra, nhi sử cổ nhân vy ngã thư ký, đa đa ích thiện hỹ” – Xuất tự Tôn Trung Sơn toàn tập, quyển 6)
Tổng kết: Trọng điểm của việc học là: Cần suy nghĩ làm thế nào để vận dụng các luận thuật và quan điểm của người xưa, làm thế nào để giải quyết các vấn đề mà chúng ta gặp phải.
[1] Ngụ ý là khi nước chảy đến thì mới thành sông, dòng chảy.
ChanhKien.org