Thời điểm các vụ thử bom hạt nhân có thể đánh dấu sự ra đời của một kỷ nguyên mới trên Trái đất, kỷ nguyên mà con người đã gây ra những thay đổi căn bản địa chất của hành tinh chúng ta. (Ảnh minh họa: Public Domain)
Trong một vài tuần nữa, các nhà địa chất sẽ chọn một địa điểm thể hiện một cách sinh động nhất việc con người đã thay đổi căn bản cấu trúc bề mặt Trái đất…
Theo The Guardian, họ sẽ chọn một nơi mà họ tin là minh họa rõ nhất thời điểm khởi đầu một kỷ nguyên mới mà họ đặt tên là thế Nhân Sinh (Anthropocene), cũng là thời điểm kết thúc của thế Toàn Tân (Holocene) trước đó.
Thế Toàn Tân bắt đầu khi các sông băng lớn bao phủ Trái đất bắt đầu rút đi đánh dấu sự kết thúc kỷ băng hà cuối cùng cách đây 11.700 năm. Sau đó, người hiện đại đã phát triển nở rộ trong thế này nhưng sự lan rộng của chúng ta cũng gây ra những hậu quả – khoáng sản chúng ta khai thác, khí chúng ta thải ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch và chất phóng xạ chúng ta tạo ra đã bắt đầu tạo thành những thay đổi căn bản đối với địa chất của Trái đất.
Nhiều nhà khoa học tin rằng thế Toàn Tân hiện đã kết thúc và Trái đất đang tiến nhập vào kỷ nguyên mới, thế Nhân Sinh, một động thái này cho thấy họ lần đầu tiên công nhận con người đã ảnh hưởng đến hành tinh. Về thời điểm diễn ra sự kiện này, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng đó là những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai khi các quốc gia trên toàn cầu bắt tay vào mở rộng kinh tế và công nghiệp quy mô lớn được gọi là “đại tăng tốc”. Chính điều này đã kích hoạt thế Nhân Sinh.
Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa quyết định chính xác địa điểm đánh dấu sự xuất hiện của thế Nhân Sinh. Vào năm ngoái, Nhóm nghiên cứu thế Nhân Sinh đã đưa ra một danh sách 9 địa điểm. Trong đó, các rạn san hô ở Úc, các lớp phù sa ở Canada và lõi băng ở Nam Cực được cho là những ứng cử viên hàng đầu trong việc cung cấp các dấu hiệu trầm tích thể hiện rõ nhất những thay đổi đã dẫn đến thời đại mới.
Các phiếu bầu từ các thành viên hiện đang được tính và một danh sách rút gọn sẽ được tạo ra để xét duyệt lần chót vào cuối năm nay.
Giáo sư địa chất Jan Zalasiewicz của Đại học Leicester cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, loài người hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến địa chất của hành tinh chúng ta. Câu hỏi đặt ra là: địa điểm nào thể hiện rõ nhất những thay đổi này?”
Một ví dụ điển hình về tác động mà con người đã gây ra đối với địa chất của Trái đất là nhôm.
Zalasiewicz cho biết: “Trong tự nhiên, nhôm kim loại nguyên chất hiếm đến mức ngần như không có. Nó chỉ tồn tại với số lượng rất nhỏ. Hầu như tất cả nhôm đều đến từ quặng trong đó kim loại này đã tạo thành hợp chất với các nguyên tố khác”.
Ông nói thêm: “Hơn 100 năm qua, chúng ta đã khai thác các oxit, hydroxit và silicat, xử lý chúng và chiết xuất ra khoảng nửa tỷ tấn nhôm kim loại rồi sử dụng nó để chế tạo mọi thứ, từ xoong nồi cho đến máy bay”.
Những sản phẩm này sau đó đã bị bỏ đi khi không còn sử dụng. Mặc dù một số hoạt động tái chế đã diễn ra, nhưng nhôm kim loại – từng rất hiếm – đã trở nên phổ biến khắp hành tinh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhôm kim loại không phải là dấu hiệu duy nhất của thế Nhân Sinh. Một ví dụ khác là nguyên tố plutonium. Nó rất, rất hiếm – hoặc ít nhất là cho đến khi thời đại nguyên tử ra đời. Các quả bom hạt nhân, được thử nghiệm trong khí quyển, đã phun ra plutonium lắng xuống mặt đất với số lượng mà chúng ta có thể dễ dàng đo được.
Giáo sư Colin Waters của Đại học Leicester cho biết, nếu bạn nhìn vào một số chỉ báo về thế Nhân Sinh – chẳng hạn như nhôm – bạn sẽ thấy sự tăng trưởng ổn định về số lượng của kim loại này trong thế kỷ qua. Nhưng cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, plutonium vẫn không có trên mặt đất. Sau đó, đột nhiên, nó có rất nhiều. Điều đó làm cho nó trở thành một điểm đánh dấu rất tốt cho sự khởi đầu của thế Nhân Sinh và gợi ý thời điểm đó là vào đầu những năm 1950.
Một tín hiệu rõ ràng khác cho thấy chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên địa chất mới được cung cấp bởi các loài mà con người đã giúp lan rộng khắp toàn cầu, gây ra sự đồng hóa sinh học trên Trái đất. Các ví dụ bao gồm hàu Thái Bình Dương và vẹm ngựa vằn, những loài này đã lan rộng từ Âu-Á qua nước dằn (ballast water) do các tàu lớn thải ra, thay thế động vật có vỏ bản địa trên phần lớn hành tinh, bao gồm cả Bắc Mỹ.
Waters cho biết thêm, một chỉ báo khác là nhựa, thứ đã được sử dụng rộng rãi vào những năm 1950, thời điểm hầu hết chúng ta coi đó là buổi bình minh của thế Nhân Sinh.
Waters nói thêm. “Điều quan trọng bây giờ chúng ta phải quyết định là địa điểm nào đã lọt vào danh sách rút gọn cung cấp tín hiệu rõ ràng nhất trong số các phép đo chúng ta đã chọn – plutonium, nhôm, nhựa và các biến số khác – chứng tỏ đã có sự thay đổi căn bản trong kỷ nguyên”.
Văn Thiện
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam