Dưới cõi âm kiện với Thành Hoàng. (Tranh Bình Minh – NTDVN)
“Trong khắp cõi Thiên – địa – nhân, có quy luật bất biến: ‘Thiện ác hữu báo’! Đôi khi, việc truy tố kẻ ác không rõ ràng trong thế gian này, mà thực sự được xét xử và thi hành trong cõi âm.
Dưới cõi âm kiện với Thành Hoàng
Vào cuối triều đại nhà Thanh, tại huyện Quả Dương, An Huy, đã xảy ra một sự kiện báo ứng về việc kiện dưới cõi âm. Vụ án oan và những báo ứng đau thương tiếp theo đã để lại bài học sâu sắc cho mọi người.
Trong thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc, tại An Huy xuất hiện một vị đại vương tạo phản, chống lại triều đình, tên là Miêu Bái Lâm. Ông công khai nổi loạn và kiểm soát một số quận, huyện. Tuy nhiên, vào năm Thống Trị thứ hai (năm 1863), ông bị quân đội nhà Thanh tiêu diệt.
Câu chuyện chính xảy ra tại Quả Dương. Khi đó Huyện lệnh Quả Dương và một phú hào địa phương tên Lý Khôn xảy ra mâu thuẫn. Lý Khôn không chỉ giàu có mà còn có thân phận ‘Cống sinh’. Cống sinh là tú tài xuất sắc, được chọn vào học tại Quốc Tử Giám, chỉ cần vượt qua kỳ thi của triều đình sẽ trở thành quan chức. Do đó, Lý Khôn không sợ hãi Huyện lệnh, khi Huyện lệnh kêu gọi nhà giàu quyên góp, Lý Khôn công khai từ chối.
Huyện lệnh từ lâu đã nuôi hận với Lý Khôn. Ông ta lợi dụng cơ hội triều đình thanh lý dư đảng của Miêu Bái Lâm, vu cáo Lý Khôn là dư đảng của Miêu Bái Lâm, bắt giam cha con ông ta. Tham gia phản loạn là tội tử hình. Mục đích của Huyện lệnh là muốn giết chết cha con Lý Khôn. Cha con họ Lý bị Huyện lệnh tra tấn nhận tội, sau đó được áp giải đến quận. Quan Thái thú của quận sau khi thẩm vấn Lý Khôn, biết đó là án oan, chuẩn bị minh oan cho ông.
Tuy nhiên, khi Huyện lệnh Quả Dương biết tin đã nhanh chóng hối lộ viên quan phụ tá của Thái thú năm trăm lượng bạc. Thế là viên phụ tá của Thái thú bắt đầu thuyết phục và uy hiếp Thái thú. Có lẽ Thái thú bị viên quan phụ tá bắt thóp được một số điều, nên cuối cùng Thái thú đã miễn cưỡng đồng ý với phán quyết tử hình của Huyện lệnh đối với Lý Khôn. Cha con ông Lý cuối cùng bị chết oan khuất. Phụ nữ và trẻ em trong nhà, sau khi mất hết con đường sống, cũng lần lượt qua đời, gia đình tan nát!
Vào mùa đông năm đó, có một người ăn mày ngủ lại miếu Thần Hoàng. Một ngày nọ, anh ta đi khắp nơi kể lại giấc mơ kỳ lạ đêm trước: Trong mơ, Thành Hoàng ngồi cao trên bệ thờ, dưới chân là một tù nhân đang quỳ. Người ăn mày nhìn kỹ thì thấy đó chính là viên phụ tá của Thái thú, bên cạnh là cha con Lý Khôn đang buộc tội những kẻ xấu đã hại chết họ. Giấc mơ rất rõ ràng, và người ăn mày tỉnh giấc ngay sau đó.
Anh ta nhận ra rằng, Thần đã chấp nhận đơn kiện của Lý Khôn, mặc dù viên phụ tá của Thái thú vẫn còn sống, nhưng trong không gian khác, anh ta sắp phải chịu báo ứng. Anh ta kể lại giấc mơ cho người khác. Mọi người bàn tán với nhau: Những kẻ xấu sẽ phải đối mặt với kết cục ra sao?
Không lâu sau đó, Thái thú đột ngột mắc bệnh và qua đời. viên phụ tá và gia đình anh ta lần lượt mắc bệnh, không lâu sau cả gia đình qua đời. Tiếp theo, hai con trai của Huyện lệnh Quả Dương lần lượt chết yểu. Bản thân Huyện lệnh cũng mắc phải bệnh lạ, cơ thể dần dần thối rữa, da bong tróc, cuối cùng gần như không còn mảnh da nào lành lặn. Huyện lệnh trong đau đớn kêu gào hơn mười ngày mới chết. Trong thời gian đó, Huyện lệnh không ngừng nói với mọi người rằng, linh hồn oan khuất của cha con Lý Khôn đang đòi mạng ông, và thú nhận chi tiết cả quá trình vu oan giá họa cho người vô tội.
Sau khi chết tố cáo hung thủ với tổ tiên
Dưới triều đại Nam Tề, Dự Chương Vương Tiêu Nghi là con thứ của Tề Cao Đế Tiêu Đạo Thành, và là em trai của Tề Vũ Đế, đảm nhận chức vụ Đại Tư Mã, Thái Phó. Ông có tính cách rộng lượng, từ bi, liêm khiết, tiết kiệm, được quan lại và dân chúng yêu mến và ủng hộ. Tuy nhiên, trong năm Vĩnh Minh thứ mười thời Tề Vũ Đế, ông bất ngờ qua đời.
Sau khi Tiêu Nghi qua đời, một ngày ông xuất hiện trước mặt Thị Trung, Tả Bộ Xạ Thẩm Văn Quý (tự Trọng Đạt, người rộng lượng và chính trực). Tiêu Nghi nói với Thẩm Văn Quý rằng: “Sinh mệnh của tôi vốn không kết thúc như vậy, Thái tử Trường Mậu (con cả của Tề Vũ Đế) ghen ghét, trộn thuốc độc vào thuốc mỡ, khiến vết thương của tôi nhiễm trùng, sưng tấy không lành. Ông ta còn đổ thuốc độc vào thuốc uống, khiến tôi bị tiêu chảy không dứt, cuối cùng qua đời. Tôi đã tố cáo với tổ tiên, đòi lấy mạng của Thái tử.”
Tiêu Nghi nói xong, đưa cho Thẩm Văn Quý một tờ giấy xanh, và nói: “Tôi và ông có mối quan hệ thân thiết từ thời niên thiếu, như anh em, vì vậy xin ông đưa tờ giấy này cho Hoàng đế.”
Thẩm Văn Quý sợ hãi, giấu điều này trong lòng, không dám tiết lộ.
Năm sau, tháng giêng năm Vĩnh Minh thứ mười một thời Vũ Đế, Thái tử Trường Mậu đột ngột qua đời. Quả nhiên, lời nói của Tiêu Nghi sau khi chết với Thẩm Văn Quý đã trở thành sự thật. Thái tử Trường Mậu bị âm phủ trừng phạt, không thể kéo dài sự sống trong thế gian.
Trong cả hai sự kiện, những kẻ làm ác, hại người đều tự chuốc lấy hậu quả. Ngay cả những người trái với lòng mình, hợp tác với kẻ ác, cũng đang tạo nghiệp, phạm tội và phải chịu hậu quả.
Trong câu chuyện đầu tiên, Thái thú bị báo ứng trước, tiếp theo là viên quan phụ tá, cuối cùng mới đến kẻ làm ác chính – Huyện lệnh, chết một cách thảm khốc. Điều này cho thấy, đôi khi kẻ xấu nhất, kẻ chủ mưu, lại là người cuối cùng chịu báo ứng, và tất nhiên hậu quả của họ cũng nặng nề và kinh khủng nhất.
Chúng ta không nên nghi ngờ tính chắc chắn của quy luật thiện ác hữu báo, chỉ vì những kẻ ác hoặc thế lực xấu lớn tạm thời chưa bị báo ứng. Những hành vi phạm tội bị che đậy trong thế gian, không thể trốn tránh sự quan sát của Trời. Âm phủ cũng sẽ thực thi Đạo Trời, giữ công lý. Thiện ác hữu báo là luật Trời, ai có thể tránh khỏi? Dù báo ứng không xảy ra trong kiếp này, cũng khó thoát khỏi kiếp sau!
Nguồn tư liệu: “Động Linh tiểu chí”; “Tề Dự Chương Vương Nghi truyện”
Hoài Nhẫn Nhẫn – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam