Chuyện có thật xảy ra vào thời Càn Long nhà Thanh – Long đoạt ngọc. (Ảnh chụp màn hình Sound Of Hope)
Lục Đô huyện Thạch Phố Trì Châu (nay thuộc xã Lục Đô huyện Thạch Đài, thành phố Trì Châu, An Huy), là nơi cư trú đời đời của gia tộc họ Lý, nơi này dựa núi gần sông, có hơn một nghìn hộ gia đình sinh sống. Nơi đây, tuy có phong cảnh tuyệt đẹp nhưng không có danh lam thắng cảnh để du ngoạn. Sau cơn mưa, mọi người có thể tản bộ dưới chân núi giải khuây, đối với nhiều đứa trẻ thì có thể leo núi, tìm hoa hái cỏ.
Vào thời Càn Long nhà Thanh, một đứa trẻ leo núi tiến vào khe núi, khi đi ngang qua khe núi đá, thấy một luồng ánh sáng chói mắt. Cúi người nhìn kỹ thì thấy một viên trân châu to như quả trứng gà. Đứa trẻ liền nhặt lên đi về nhà, vừa đi vừa cười đùa, chơi với nó không rời tay. Đến tối, cậu bé cầm viên trân châu đi qua phòng tối thấy sáng cả căn phòng giống như cầm nến. Cậu bé liền chạy đi nói với cha mẹ: “Cái này có thể thay thế đèn nến”.
Cha mẹ cậu lấy viên trân châu từ trong tay cậu bé ra nhìn dưới đèn, kinh ngạc nói: “Trên đời này, sao lại có hạt châu lớn như vậy?”
Sau đó, chuyện đứa trẻ nhặt được bảo châu rất nhanh lan truyền ra, người trong thôn đều tranh nhau đến chiêm ngưỡng. Sau khi xem xong đều tấm tắc khen, lấy làm kỳ lạ cho rằng đây là trân châu quý hiếm có. Thấy mọi người đều khen không dứt miệng, để phòng ngừa tiểu nhân thiết kế cướp đoạt, cha mẹ đứa trẻ cẩn thận cất giữ, không dễ dàng cho người khác biết, ngay cả khi đứa nhỏ khóc đòi lấy lại, họ cũng không đưa cho nó nữa. Từ đó trở đi, mọi việc của gia đình cậu bé diễn ra suôn sẻ, công việc kinh doanh của gia đình cậu phát đạt, trở thành phú hộ ở địa phương.
Một ngày nọ, một Đạo sĩ với mũi rồng hàm hổ, râu rồng mày ngài đến cửa, tự xưng là từ Phù Phong Hoàng Sơn cung đến. Lúc đầu, gia đình cậu bé không chịu bố thí nên Đạo sĩ ngồi tụng suốt bảy ngày không ăn không uống. Cha mẹ cậu bé tin rằng Đạo sĩ là Tam Thanh biến hóa, nên hào phóng cho tiền, nhưng Đạo sĩ không nhận. Họ nghi ngờ Đạo sĩ chê ít quá nên tăng số lượng bạc lên nhưng Đạo sĩ vẫn không chịu nhận. Cha mẹ đứa trẻ hỏi: “Ông không nhận tiền quyên góp, vậy ông muốn cái gì?”
Đạo sĩ nói: “Trong Thanh cung không thiếu thứ gì, chỉ thiếu một viên bảo ngọc, thỉnh thí chủ thí xả để bổ sung thiếu hụt trong cung, để tăng thêm thần quang”.
Cha mẹ đứa trẻ trả lời Đạo sĩ: “Cái gì cũng có thể cho đi, nhưng viên ngọc này là báu vật gia tài của chúng tôi. Làm sao chúng tôi có thể dễ dàng đưa cho Đạo sĩ được?”.
Đạo sĩ thấy chủ ý của họ đã định, không nói gì nữa, liền phiêu diêu ra đi.
Khi mọi người trong gia tộc họ Lý, thấy gia đình Lý Mỗ đột nhiên trở nên giàu có sau khi có viên trân châu quý. Họ nghĩ rằng mọi người cũng nên được hưởng lợi từ viên ngọc đó, cùng nhau trở nên giàu có, nên đã cùng nhau đến nhà Lý Mỗ khuyên:
Nhà ông cất giấu viên trân châu, thiên hạ đều đã biết, cho nên mới có Đạo sĩ đường xa đến mộ hóa. Người ngưỡng mộ nhiều mà hỗn loạn, cuối cùng tất rơi vào tay người khác. Trong Tả truyện có nói: “Dân chúng vốn không có tội, bởi vì thân cất giữ ngọc bích mà bị tội”.
Nếu như tin tức truyền tới triều đình, triều đình có thể hạ chiếu thư trực tiếp tới lấy, khi đó ông cũng không thể không dâng ra bảo vật này, hơn nữa chỉ sợ còn thêm tội tư tàng bảo vật. Không bằng đem nó quy về làm của công đặt ở đền, chúng ta cùng gom đủ kim tiền mua ngọc từ chỗ ông về đặt ở đền công, khiến cho gia tộc Lý đều được hưởng lợi, người khác cũng không có ý nghĩ không an phận. Cho dù là Hoàng thượng biết, bất quá chính là dâng ra mà thôi, không thể trị mọi người vì tội gì. Huống chi trân châu mặc dù quy của công, mà ông vẫn có phần, chẳng phải rất đẹp sao. Ông nghĩ chủ ý này như thế nào?
Lý Mỗ nghe lời mọi người có tình hợp lý, vừa được lợi hơn nữa còn có thể tránh hại, liền đồng ý. Vì vậy mọi người cùng nhau tập hợp một lượng lớn vàng để đổi lấy viên ngọc, đặt nó trong điện thờ tổ tiên của gia tộc Lý, họ cũng đồng ý rằng tộc trưởng sẽ chịu trách nhiệm canh giữ nó. Khi đó, con cái nhà họ Lý hầu hết đều được nhận vào trường danh giá, nông dân cũng được mùa bội thu, lợi nhuận của thương gia tăng gấp đôi. Thêm nữa, những cử nhân, tiến sĩ thi đậu lần lượt thay nhau nổi lên, tiếng cười vang, tràn đầy ở phố lớn ngõ nhỏ.
Sau đó mọi người bàn nhau chọn ngày lành để làm lễ, mỗi người lấy bạc tùy theo thân phận của mình. Vào ngày tổ chức lễ, mọi người tìm thầy bói chọn ngày lành tháng tốt, họ dựng lán và yêu cầu các Đạo sĩ làm lễ tại bàn thờ, bày đồ cúng, tế lễ. Họ còn dùng một chiếc đĩa ngọc chạm trổ, dâng viên trân châu trước mặt các vị Thần, đặc biệt phân công mười người canh giữ.
Sau khi nghi lễ hoàn thành, buổi tế lễ bắt đầu, lúc này bầu trời trong xanh không một gợn mây, đột nhiên mây đen nổi lên, kèm theo sấm chớp, mưa to, trên mây xuất hiện hai con rồng xanh vàng, bay lượn trên bầu trời.
Trong chốc lát Thanh Long liền bay thẳng vào bàn tế Thần, hút viên trân châu bay thẳng lên trời cao. Hoàng Long cũng bay vào đàn tế Thần, thấy châu đã không còn, liền vội quay đầu bay đi. Chỉ nghe thấy tiếng gió rít mạnh, mưa đột nhiên rơi xuống, hai con rồng đấu với nhau. Không bao lâu sau, hai đuôi rồng quét xuống mặt đất: Nhà dân bị nhấc đi hơn phân nửa, mặt đất biến thành hồ nước, xa gần giữa sông, các loại vật gỗ cùng xác chết trôi dạt, tắc nghẽn dòng nước, thuyền bè khó có thể đi. Không ai chứng kiến cảnh tượng bi thảm này mà không buồn. Đây chính là song long cướp ngọc minh châu.
Gia tộc họ Lý thịnh vượng là do châu này, mà Lý gia suy tàn cũng là do viên trân châu này. Khi đứa trẻ nhặt được viên ngọc rồng, cha mẹ của đứa trẻ đương nhiên phải trả lại, ngược lại họ dùng nó như một công cụ để cầu may, phát tài làm của công kiếm tiền. Vị Đạo sĩ đó chắc hẳn là hóa thân của rồng, khuyên giải hết lời để lấy lại viên trân châu, nhưng cha mẹ đứa trẻ lại keo kiệt không đưa ra. Dẫn đến sự diệt vong của một nửa gia tộc, tự chuốc lấy tai họa, điều này thật không đáng tiếc.
Nguồn tư liệu: “Chỉ văn lục” của Dung Nột Cư Sĩ (Ôn Nhữ Thích) đời Thanh
Theo Huệ Minh – Sound Of Hope
Nguyên Anh biên dịch
NTD Việt Nam