Vạn Bảo Thường là một nhạc sỹ tài năng sống vào triều Tùy. Ông không chỉ am hiểu về âm thanh và âm nhạc, mà còn hiểu được nội hàm của âm nhạc. Vạn Bảo Thường từng dự đoán chính xác về sự sụp đổ của một triều đại từ âm thanh của một bản nhạc diễn tấu trong cung thời Tùy.
Vạn Bảo Thường là nhạc công đầu tiên của nhà Tùy; từ nhỏ âm nhạc đã thấm sâu vào tâm hồn ông.
Thời kỳ đó không có nhạc khí, do vậy Vạn Bảo Thường sẽ thể hiện ý tưởng âm nhạc của mình thông qua bát đũa hay những vật ngẫu nhiên. Khi ông chơi nhạc, cung thương âm điệu vẫn đầy đủ, tựa như có cả tiếng đàn và sáo hòa vào nhau.
Từ thời Hán, Ngụy đã không còn ai có thể diễn tấu bản nhạc Chu Lễ. Tuy nhiên, khi có người yêu cầu Vạn Bảo Thường thử, ông đã bắt đầu diễn tấu. Mọi người đều thán phục tài năng của ông.
Trước thời nhà Tùy, các nhạc khí biểu diễn đều không đạt chuẩn âm điệu. Vào thời kỳ đầu nhà Tùy, Phái quốc công Trịnh Dịch và một nhóm quan lại đã chế định nhạc âm theo chỉ thị của Hoàng thượng. Đến khi chế tác xong, Hoàng thượng hỏi Vạn Bảo Thường xem thế nào, ông đã đáp lại: “Thứ âm nhạc vong quốc này bệ hạ muốn hỏi làm chi?”
Hoàng thượng không vui khi thấy những nỗ lực của mình bị chỉ trích nặng nề như vậy.
Sau đó Vạn Bảo Thường đã giải thích sự thê lương, dâm dục và phóng túng của âm nhạc; không có gì mang tính thanh nhã và chính trực. Ông thỉnh cầu Hoàng thượng cho phép điều chỉnh nhạc khí. Hoàng thượng đã đồng ý.
Vạn Bảo Thường ngay lập tức bắt tay vào làm việc. Ông đã chế tạo ra nhiều nhạc khí, tất cả đều có thanh điệu thấp hơn của Trịnh Dịch. Chúng tạo ra âm thanh tao nhã hơn. Ông đã viết ra một bộ sưu tập 64 chương, tựa là Nhạc Phổ, miêu tả chi tiết về phương pháp chuyển biến bát âm trong các cung điệu.
Ông đã sáng tác ra 84 điệu, 144 luật và 1.800 thanh.
Một ngày nọ, Vạn Bảo Thường đã khóc sau khi nghe nhạc công khác diễn tấu một bản nhạc tại triều đình. Khi người khác hỏi tại sao, ông trả lời: “Âm thanh này nghe phóng túng, ai oán và buồn thảm. Sẽ sớm có một trận chiến xảy ra và vong quốc là không thể tránh được.”
Lúc đó là thời điểm hòa bình và thịnh vượng của nhà Tùy, và người ta không xem trọng lời của Vạn. Tuy nhiên, binh biến loạn lạc đã sớm xảy đến, và cuối cùng nhà Tùy diệt vong như lời Vạn dự đoán.
Từ thủa sơ khai, âm nhạc có thể biểu hiện tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Âm nhạc tao nhã và đoan chính đại biểu cho một xã hội đạo đức cao, thừa nhận sự ổn định của xã hội và lâu dài của một triều đại. Ngược lại, âm nhạc phóng túng đại biểu cho một xã hội mà đạo đức thấp kém và báo trước sự diệt vong.
Quản Huyền / vn.minghui.org