Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
磻溪伊尹,佐時阿衡。
奄宅曲阜,微旦孰營。
Bính âm:
磻(pán) 溪(xī) 伊(yī) 尹(yǐn),
佐(zuǒ) 時(shí) 阿(ē) 衡(héng)。
奄(yǎn) 宅(zhè) 曲(qū) 阜(fù),
微(wéi) 旦(dàn) 孰(shú) 營(yíng)。
Chú âm:
磻(ㄆㄢˊ)溪(ㄒㄧ)伊(ㄧ)尹(ㄧㄣˇ),
佐(ㄗㄨㄛˇ)時(ㄕˊ)阿(ㄜ)衡(ㄏㄥˊ)。
奄(ㄧㄢˇ)宅(ㄓㄜˋ)曲(ㄑㄩ)阜(ㄈㄨˋ),
微(ㄨㄟˊ)旦(ㄉㄢ?)孰(ㄕㄨˊ)營(ㄧㄥˊ)。
Âm Hán Việt:
Bàn Khê Y Doãn,
Tá thời A hoành.
Yểm trạch Khúc Phụ,
Vi Đán thục doanh.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Tá (佐): phụ tá, phụ trợ
Thời(時): đương thời, hợp thời
A (阿): dựa vào, nhờ vào
Hoành (衡): trị quốc thái bình
Yểm (奄): tên một nước thời cổ đại
Trạch (宅): nơi ở
Vi (微): vô, có ý nghĩa là không có
Đán (旦): tức Chu Công, tên Đán. Là người con thứ tư của Chu Văn Vương, em trai Võ Vương, từng phụ trợ Võ Vương, Thành Vương, đồng thời chế tác ra lễ nhạc khiến thiên hạ đại trị. Chu Công được tôn là thuỷ tổ của Nho giáo, Khổng Tử suốt đời khởi xướng chế độ lễ nhạc của Chu Công, nền chính trị nhân từ của nhà Chu thời kỳ đầu được học phái Nho giáo của Khổng Tử coi là lý tưởng chính trị cao nhất.
Thục (孰): ai, người nào
Doanh (營): kinh doanh, kiến thiết
2. Nghĩa của từ:
(1) Bàn Khê (磻溪): một suối nước bên bờ Vị Thuỷ tỉnh Đạm Tây. Tương truyền Khương Thái Công (Khương Thượng, tự là Tử Nha) câu cá nơi đây, để lưỡi câu cách mặt nước ba tấc, bảo rằng ai muốn thì tự mắc câu. Chu Văn Vương gặp được Khương Thượng ở đây, tôn là Thái Công Vọng, rồi phong làm Quốc sư, Khương Thái Công trợ giúp Văn Vương chế định chiến lược “Tu đức để lật đổ nhà Thương”, có hơn 40 nước đã quy thuận nhà Chu, sau đó phò tá Chu Võ Vương chinh phạt Trụ Vương, nhà Thương bị diệt vong.
(2) Y Doãn (伊尹): tên người đã giúp Thương Thang chinh phạt Hạ Kiệt, là một hiền tướng thời đầu của nhà Thương.
(3) Tá thời (佐時): đương thời phò tá Thương Thang.
(4) A hoành (阿衡): tên chức quan Thừa tướng nhà Thương. Thương Thang nhờ vào Y Doãn mà được thái bình thiên hạ, vì cớ ấy lấy đó làm tên chức quan.
(5) Khúc Phụ (曲阜): ngày nay là thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, là kinh đô của nước Yểm thời nhà Thương, và là kinh đô của nước Lỗ thời nhà Chu, quê hương của Khổng Tử thời Xuân Thu. Sau khi nhà Chu thành lập, Chu Công được phong đất Lỗ.
Lời dịch tham khảo:
Chu Văn Vương gặp Khương Thái Công câu cá ở Bàn Khê, từ đó nhà Chu được Khương Thái Công phụ chính mới đánh bại được Thương Trụ, có được thiên hạ. Thành Thang được Y Doãn phò tá, mới có thể thảo phạt Hạ Kiệt, lập nên nhà Thương. Họ đều là những quan A hoành phò tá hiền chủ cả.
Võ Vương phân phong nước Lỗ cho Chu Công, lập nên kinh đô Khúc Phụ. Nếu nhà Chu không có Chu Công, thì ai có thể gây dựng thành Khúc Phụ, khiến nước Lỗ trở thành trung tâm văn hoá trong thời Xuân Thu đây?
Câu chuyện văn tự:
Đán (旦): trong Giáp cốt văn viết là “ ”, Kim văn viết là “”, hai chữ này đều trông giống hình dáng Mặt Trời đang nhô lên từ đâu đó. Trong Tiểu triện viết là “ ” gần giống với cách viết hiện nay, giống với hình dạng Mặt Trời lúc mới mọc, chữ Nhất “一” bên dưới thể hiện mặt đất hay đường chân trời. Khi Mặt Trời ló dạng, trước tiên những tia nắng yếu ớt sẽ từ từ xuất hiện, phản chiếu khung cảnh xung quanh thành một quầng sáng tuyệt đẹp, sau đó cả vầng Mặt Trời sẽ rất mau chóng nhô lên khỏi đường chân trời.
Khúc (曲): là chữ tượng hình, viết là “ ”, Kim văn viết là “ ”. Nghĩa ban đầu của Khúc (曲) là không thẳng thắn, Kim văn và Giáp cốt có cách giải thích tương đồng, đến Tiểu triện thì viết thành “ ” , hình dáng chữ giống như một dụng cụ để đựng đồ, biểu thị một dụng cụ hình tròn bện bằng tre và rơm cỏ.
Doanh (營): xuất hiện đầu tiên trong thể chữ Tiểu triện, viết là “ ”, nửa phần trên của chữ là hai bộ Hoả (火), tượng trưng cho rất nhiều đèn đuốc; nửa phần dưới là chữ Cung (宮) có thể hiểu là nhà cửa. Rất nhiều căn nhà thắp lên rất nhiều đèn, biểu hiện cảnh tượng muôn nhà sáng đèn. Vậy nên nghĩa gốc của chữ Doanh (營) này là rất nhiều người, ngày nay lại mang ý nghĩa là kinh doanh.
Suy ngẫm và thảo luận:
Y Doãn là một Thừa tướng vô cùng hiền năng của nhà Thương. Bây giờ chúng ta hãy cùng xem xem những câu chuyện về Y Doãn phò tá Thương Thang phạt Hạ Kiệt và lưu đày Thái Giáp nhé.
Chuyện kể rằng vào những năm cuối thời nhà Hạ, có một bộ lạc nhỏ ở phía Đông gọi là Hữu Sằn. Một hôm, có cô gái hái dâu người ở đó vào trong rừng dâu thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ. Cô đi theo tiếng khóc và phát hiện một đứa trẻ sơ sinh trong hốc một cây dâu già. Cô gái hái dâu liền bọc đứa trẻ lại và mang dâng cho tù trưởng của họ. Người tộc trưởng liền đem đứa trẻ giao cho người đầu bếp của mình nuôi dưỡng, đứa trẻ này chính là Y Doãn. Y Doãn sau khi lớn lên, cũng trở thành đầu bếp, và rất giỏi nấu nướng.
Tuy rằng Y Doãn có thân hình thấp bé, gương mặt không xuất chúng, nhưng túc trí đa mưu, chí hướng cao xa. Thời ấy Hạ Vương Kiệt bạo ngược tàn nhẫn, lạm dụng sức dân, hiếp đáp dân chúng, đồng ruộng hoang vu, dân sống lay lắt. Sau này, Thương Thang đến phía Đông du ngoạn, đi đến bộ lạc Hữu Sằn, yêu mến con gái của tộc trưởng bèn xin lấy về làm vợ. Lúc đó Y Doãn đang muốn đến chỗ Thương Thang làm việc nên nhân cơ hội tộc trưởng Hữu Sằn cưới gả con gái, tự nguyện làm bề tôi bồi giá (gả theo) để đi theo đến Thương bộ lạc.
Y Doãn sau khi bồi giá đến chỗ Thương Thang, vẫn làm công việc đầu bếp. Vì món ăn do Y Doãn làm rất hợp khẩu vị của Thương Thang, nên Thang cho triệu kiến Y Doãn đến, do đó ông liền nhân cơ hội nói ra hoài bão của mình. Thương Thang sau khi trò chuyện với Y Doãn xong, liền cảm thấy tiếc cho sự gặp gỡ muộn màng, lập tức hạ lệnh phong Y Doãn làm “A hoành” (Thừa tướng).
Dưới sự kiến thiết của Thương Thang và Y Doãn, lực lượng của Thương Thang bắt đầu lớn mạnh, và muốn tiến đánh Hạ Kiệt. Y Doãn kiến nghị Thương Thang dừng việc tiến cống cho Hạ Kiệt, để xem Hạ Kiệt phản ứng ra sao, nhằm thăm dò thực lực của Hạ Kiệt. Quả nhiên Hạ Kiệt vô cùng phẫn nộ, điều động binh lực Cửu Di muốn đến phạt Thương. Y Doãn tức thì khuyên Thương Thang rằng: Hạ Kiệt còn có thể điều động binh lực, vậy thời cơ chúng ta chinh phạt hắn vẫn chưa chín muồi. Do đó, Thương Thang lại tiếp tục tiến cống cho Hạ Kiệt. Lúc Y Doãn thấy thời cơ đã chín muồi rồi, lại cho dừng tiến cống Hạ Kiệt, nhưng lần này vì sự bạo hành của mình, Hạ Kiệt không thể điều động quân đội được nữa, vậy nên Y Doãn liền kiến nghị Thương Thang cho khởi binh.
Thương Thang nhờ có sự phò tá của Y Doãn, dốc lòng xây dựng đất nước, nên được thiên hạ bách tính yêu mến. Sau khi Thương Thang tạ thế, Y Doãn tiếp tục phò tá con cháu của Thương Thang. Lúc cháu của Thương Thang là Thái Giáp lên ngôi, Thái Giáp bạo ngược loạn đức. Sau khi Thái Giáp lên ngôi Thiên tử, ngày ngày hưởng lạc, không màng quốc sự, Y Doãn liền cho lưu đày Thái Giáp đến một nơi gọi là Đồng. Sau ba năm, Thái Giáp chịu thừa nhận lỗi lầm, và sửa đổi bản thân, do đó Y Doãn lại cho đón Thái Giáp về, trả lại triều chính, rồi tự mình cáo lão về quê. Sau khi Thái Giáp trở lại ngôi vị, phát huy đức chính của Thương Thang, cần kiệm yêu dân, khiến chư hầu quy thuận, xã hội an ổn. Sau khi Y Doãn tạ thế, Đế Ốc Đinh (con trai của Thái Giáp) đã chôn cất ông theo nghi lễ của Thiên tử.
(1) Chúng ta hãy suy nghĩ xem, nguyên nhân gì khiến Y Doãn tài cán tích cực muốn đến nương tựa Thương Thang?
(2) Chúng ta hãy cùng suy xét xem, nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến sự hưng thịnh của Thương Thang và sự diệt vong của Hạ Kiệt?
(3) Bạn thử nói xem bạn nghĩ gì về việc Y Doãn cho lưu đày Thái Giáp?
ChanhKien.org