Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
桓公匡合,濟弱扶傾。
綺回漢惠,說感武丁。
Bính âm:
桓(huán) 公(gōng) 匡(kuāng) 合(hé) ,
濟(jì) 弱(ruò) 扶(fú) 傾(qīng) 。
綺(qǐ) 回(huí) 漢(hàn) 惠(huì) ,
說(yuè) 感(gǎn) 武(wǔ) 丁(dīng) 。
Chú âm:
桓﹙ㄏㄨㄢˊ﹚公﹙ㄍㄨㄥ﹚匡﹙ㄎㄨㄤ﹚合﹙ㄏㄜˊ﹚,
濟﹙ㄐㄧˋ﹚弱﹙ㄖㄨㄛˋ﹚扶﹙ㄈㄨˊ﹚傾 ﹙ㄑㄧㄥ﹚。
綺﹙ㄑㄧˇ﹚回﹙ㄏㄨㄟˊ﹚漢﹙ㄏㄢˋ﹚惠﹙ㄏㄨㄟˋ﹚,
說﹙ㄩㄝˋ﹚感﹙ㄍㄢˇ﹚武﹙ㄨˇ﹚丁﹙ㄉㄧㄥ﹚。
Âm Hán Việt:
Hoàn Công khuông hợp,
Tế nhược phù khuynh.
Ỷ hồi Hán Huệ,
Thuyết cảm Vũ Đinh.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Công (公): tên tước vị, đứng vị trí thứ nhất trong năm tước (công, hầu, bá, tử, nam)
Khuông (匡): tu chỉnh
Hợp (合): tập hợp
Tế (濟): giúp đỡ
Nhược (弱): nhỏ yếu
Phù (扶): phù trợ
Khuynh (傾): lật đổ.
Ỷ (綺): chỉ ẩn sĩ Ỷ Lý Quý thời kỳ đầu nhà Hán, là một trong bốn Thương Sơn tứ hạo (bốn ông lão ẩn sĩ trên Thương Sơn)
Hồi (回): hồi báo, bảo hộ
Hán (漢): tên triều đại, sau khi Lưu Bang diệt Tần thì lập nên nhà Hán
Huệ (惠): chỉ Hán Huệ Đế, con trai của Lưu Bang, tên Doanh
Thuyết (說): tên người, họ Phó, là đại thần thời vua Vũ Đinh nhà Thương
Cảm (感): cảm ngộ
Vũ Đinh (武丁): chỉ vua Vũ Đinh của nhà Thương
2. Nghĩa của từ:
(1) Hoàn Công (桓公): là vua nước Tề thời Xuân Thu, họ Khương tên Tiểu Bạch, là một trong năm Bá chủ thời Xuân Thu.
(2) Tế nhược phù khuynh (濟弱扶傾): giúp đỡ kẻ yếu phù trợ vương quốc bị lật đổ.
(3) Ỷ hồi Hán Huệ (綺回漢惠): Hán Huệ Đế nhờ được Ỷ Lý Quý cùng các Thương Sơn tứ hạo khác bảo vệ mà tránh khỏi bị phế truất.
(4) Thuyết cảm Vũ Đinh (說感武丁): vua Vũ Đinh của nhà Thương do được Thần nhân chỉ điểm trong mộng mà bổ nhiệm Phó Thuyết làm Tể tướng.
Lời dịch tham khảo
Tề Hoàn Công vì để tu chỉnh cảnh hỗn loạn trong thiên hạ lúc bấy giờ, nên đã tập hợp các chư hầu cùng đến giúp đỡ các nước yếu, đồng thời duy trì địa vị cùng làm chủ thiên hạ của vương triều nhà Chu, nhờ vậy mà vương triều nhà Chu thoát khỏi vận mệnh bị diệt vong.
Hán Huệ Đế Lưu Doanh nhờ có sự bảo vệ của Ỷ Lý Quý cùng các Thương Sơn tứ hạo mà tránh khỏi bị phế truất, được kế thừa ngôi vị. Vua Vũ Đinh của nhà Thương được Thần nhân gặp trong mộng chỉ lời mà phong cho Phó Thuyết vốn là tội phạm đang thụ hình làm công nhân xây dựng lên làm Tể tướng, xử lý quốc sự, cuối cùng lập nên đại nghiệp phục hưng đất nước.
Câu chuyện văn tự
Trong bài này chúng tôi sẽ giới thiệu cho mọi người cùng làm quen với chữ Khuông “匡” này nhé.
Khuông “匡” là một chữ hình thanh hội ý, trong Kim văn và Tiểu triện có cách viết khá giống nhau, chữ Khuông “ ” trong Kim văn có chút phức tạp hơn chữ Khuông “” trong Tiểu triện. Chữ Khuông trong Tiểu triện có bộ Phương “匚” và bộ Hoàng “ ” biểu âm, nghĩa gốc là đồ đựng cơm bằng tre. “匚” là dụng cụ đựng đồ, nếu xoay phần khuyết trống của nó lên trên thì thấy rõ ngay. Mà âm Hoàng “” nghĩa là mớ cỏ, đem mớ cỏ lộn xộn bỏ vào trong cái dụng cụ đựng đồ, chẳng phải là trông chỉnh tề hơn sao? Vậy nên Khuông “匡” còn có nghĩa là phù chính, phù trợ nữa.
Suy ngẫm và thảo luận
Trong bài này tổng cộng nhắc đến ba câu chuyện lịch sử, các nhân vật chính trong ba câu chuyện lịch sử này là Tề Hoàn Công vua nước Tề, Ỷ Lý Quý cùng các Thương Sơn tứ hạo thời nhà Hán và vua Vũ Đinh của nhà Thương.
Tề Hoàn Công là một trong các chư hầu thời Xuân Thu, khi thấy quốc lực nhà Chu lúc bấy giờ yếu kém, các chư hầu lớn nhỏ đều không tôn trọng vua Chu, đến cả các dân tộc mọi rợ cũng thừa gió bẻ măng, khiến nhà Chu không thể thống trị thiên hạ một cách hữu hiệu được, do vậy ông đã hô hào kêu gọi “Tôn trọng vua và bài trừ mọi rợ”, dùng kinh tế và lực lượng quân sự lớn mạnh của nước Tề để cứu trợ các nước nhỏ yếu, tiêu trừ hiện tượng chư hầu cậy mạnh hiếp yếu, nước lớn bắt nạt nước nhỏ, đồng thời bảo vệ địa vị của nhà Chu, và ngăn ngừa sự xâm nhập của mọi rợ bên ngoài, khiến muôn dân thiên hạ thoát khỏi tai họa chiến tranh.
Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang giành được thiên hạ, đã lập con trưởng Lưu Doanh do Lã Hậu sinh ra làm Thái tử, phong Như Ý con trai của Thích phu nhân làm Triệu Vương. Sau đó vì sủng hạnh Thích phu nhân, nên ông muốn phế Lưu Doanh vốn yếu đuối, không có tài năng gì nổi trội, và lập Như Ý thông minh làm Thái tử. Lã Hậu rất hoảng sợ, không biết phải làm sao. Có người đã hiến cách cho bà, nhờ Hán Lưu Hầu Trương Lương bày mưu tính kế cho, vì Hoàng thượng rất tín nhiệm ông ta. Lã Hậu bèn cử Kiến Thành Hầu Lã Trạch đi thúc ép Trương Lương. Trương Lương không còn cách nào đành đề xuất đi mời Thương Sơn tứ hạo đến trợ giúp Thái tử. Lã Hậu làm theo ý kiến của Trương Lương, bảo Lã Trạch cử người mang thư của Thái tử, dùng lời lẽ khiêm tốn cung kính và lễ vật hậu hĩnh đón mời họ. Chẳng ngờ Thương Sơn tứ hạo đến cả Lưu Bang cũng mời không được nhưng lại nguyện ý trợ giúp Thái tử. Có một hôm, Lưu Bang bày yến tiệc, Thái tử ở bên cạnh hầu hạ. Thương Sơn tứ hạo cũng theo sau Thái tử, họ đều đã ngoài 80 tuổi, râu tóc trắng tinh, áo mũ lộng lẫy. Hoàng thượng lấy làm kỳ lạ, nên hỏi họ là làm gì. Bốn người hướng đến Hoàng thượng trả lời, mỗi người tự nói ra tên của mình là: Đông Viên Công, Lộc Lý, Ỷ Lý Quý, Hạ Hoàng Công. Hoàng thượng kinh ngạc hỏi: “Ta tìm kiếm các ông mấy năm nay, các ông trốn tránh ta. Nay tại sao các ông lại tự nguyện đến chơi với con ta vậy?” Bốn người trả lời rằng: “Bệ hạ khinh kẻ sĩ, hay mắng người, bọn thần nghĩa khí không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn tránh. Nay trộm nghe Thái tử là người nhân nghĩa hiếu thuận, cung kính khiêm nhường, thương yêu kẻ sĩ, trong thiên hạ không ai không muốn dốc sức liều chết vì Thái tử. Bởi vậy chúng tôi đến đây”. Lưu Bang cũng từ đó bỏ luôn ý định phế bỏ Thái tử. Lưu Doanh sau đó kế vị, trở thành Hán Huệ Đế.
Ân Cao Tông Vũ Đinh sau khi lên ngôi, muốn phục hưng nhà Ân (hay nhà Thương), nhưng mãi không tìm được đại thần phò tá thích hợp. Do vậy Vũ Đinh ba năm không màng đến việc triều chính, quốc sự đều do các tướng quyết định, còn bản thân chỉ ở bên thận trọng quan sát tình hình chính sự đương thời. Một hôm, ông mộng thấy Thiên thượng ban cho ông một Thánh nhân, tên là Thuyết. Sau khi tỉnh dậy, Vũ Đinh dựa theo hình dáng nhìn thấy trong mộng quan sát quần thần bách quan nhưng không ai giống với Thánh nhân trong mộng cả. Nên đã cử các quan đi tìm kiếm khắp cả nước, cuối cùng đã tìm ra Thuyết ở đất Phó Nham. Thời điểm ấy, Thuyết đang phục dịch, làm công việc cực nhọc trát bờ đường. Nên đã đưa Thuyết đến gặp Vũ Đinh, Vũ Đinh nói Thuyết chính là người ông muốn tìm. Sau khi trò chuyện với Thuyết, Vũ Đinh nhận thấy ông đúng là thánh hiền, liền phong làm Tể tướng. Bởi vì Thuyết được tìm thấy ở vùng Phó Nham nên gọi ông là Phó Thuyết. Sau khi Phó Thuyết lên làm Tể tướng, dốc sức phò tá Vũ Đinh, khiến đất nước cường thịnh trở lại, thỏa nguyện khiến “Ân quốc đại trị”. Sử sách lấy thời gian 59 năm trị vì của vua Vũ Đinh (năm 1250 TCN đến năm 1192 TCN) gọi là “Vũ Đinh phục hưng đất nước”.
(1) Trong ba nhân vật chính được kể ở trên, bạn thích ai nhất? Hãy chia sẻ cùng mọi người về suy nghĩ của bạn nhé.
(2) Tại sao Tề Hoàn Công muốn “Tôn trọng vua và bài trừ mọi rợ” nhỉ?
(3) Tại sao Ỷ Lý Quý cùng các Thương Sơn tứ hạo nguyện ý đến phò tá Thái tử vậy?
(4) Nguyên nhân nào khiến Vũ Đinh được gọi là vị vua phục hưng nhà Ân Thương?
(5) Ba câu chuyện ở trên có tình tiết khác nhau, tuy nhiên những gì họ làm đều là suy xét cho sự an nguy của muôn dân bá tánh, vì sao lại như vậy? Hãy nói một chút cảm nghĩ của bạn về điều đó nhé.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44310
Ngày đăng: 12-04-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org