Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
俊乂密勿,多士寔寧。
晉楚更霸,趙魏困橫。
Bính âm:
俊(jùn) 乂(yì) 密(mì) 勿(wù) ,
多(duō) 士(shì) 寔(shí) 寧(níng) 。
晉(jìn) 楚(chǔ) 更(gēng) 霸(bà) ,
趙(zhào) 魏(wèi) 困(kùn) 橫(héng)。
Chú âm:
俊(ㄐㄩㄣˋ)乂(ㄧˋ)密(ㄇㄧˋ)勿(ㄨˋ),
多(ㄉㄨㄛ)士(ㄕˋ)寔(ㄕˊ)寧(ㄋㄧㄥˊ)。
晉(ㄐㄧㄣˋ)楚(ㄔㄨˇ)更(ㄍㄥ)霸(ㄅㄚˋ),
趙(ㄓㄠˋ)魏(ㄨㄟˋ)困(ㄎㄨㄣˋ)橫(ㄏㄥˊ)。
Âm Hán Việt:
Tuấn nghệ mật vật,
Đa sĩ thực ninh.
Tấn Sở canh bá,
Triệu Ngụy khốn hoành.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Tuấn (俊): kiệt xuất.
Nghệ (乂): người tài đức xuất chúng.
Đa (多): rất nhiều.
Sĩ (士): hiền sĩ.
Thực (寔): thông “thị” (是), có khả năng.
Ninh (寧): an định.
Tấn (晉): tên nước. Là một nước chư hầu thời nhà Chu. Trong thời Xuân Thu nước Tấn chiếm phần lớn tỉnh Sơn Tây và khu vực Tây Nam tỉnh Hà Bắc ngày nay, trải dài cả hai bên sông Hoàng Hà. Về sau phân thành ba nước Hàn, Triệu, Nguỵ.
Sở (楚): tên nước. Chu Thành Vương đã phong cho Hùng Dịch nước Sở, đến thời Xuân Thu tự xưng Vương, và trở thành một trong bảy nước lớn thời Chiến Quốc. Nắm giữ vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Chiết Giang và miền Nam Hà Nam ngày nay, nhưng về sau đã bị nhà Tần tiêu diệt.
Canh (更): thay đổi, thay thế.
Bá (霸): xưng hùng, làm thủ lĩnh của chư hầu liên minh.
Triệu (趙): là một trong bảy nước lớn thời Chiến Quốc, nằm trong khoảng phía Nam của tỉnh Hà Bắc và phía Bắc của tỉnh Sơn Tây ngày nay.
Nguỵ (魏): tên nước. Là một nước trong thời Chiến Quốc, vị trí trước đây của nó nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Nam và phía Tây Nam tỉnh Sơn Tây ngày nay, nhưng về sau đã bị nhà Tần tiêu diệt.
Khốn (困): bao vây, vây chặt.
Hoành (橫): gọi tắt của “liên hoành” (liên kết các nước ở phía Đông và phía Tây lại gọi là “hoành”). Là một chính sách ngoại giao do Tần Trương Nghi thời Chiến Quốc đề xướng. Đối lập với “hợp tung” (hợp các nước ở phía Bắc và phía Nam lại gọi là “tung”).
2. Nghĩa của từ:
(1) Tuấn nghệ (俊乂): người hiền tài kiệt xuất, trích từ «Thượng Thư – Cao Dao Mô», “Tuấn nghệ tại quan” (nghĩa là người hiền tài làm quan).
(2) Mật vật (密勿): tận tâm. Trích từ «Hán Thư – Lưu Hướng Truyền», “Mật vật tòng sự” (nghĩa là làm việc tận tâm).
(3) Đa sĩ thực ninh (多士寔寧): rất nhiều nhân sĩ hiền tài phò tá quốc sự, đất nước càng có thể thái bình an vui. Trích từ «Kinh Thi – Đại nhã Văn Vương», “Tề tề đa sĩ, Văn Vương dĩ ninh” (nghĩa là hiền sĩ đầy triều, Văn Vương yên vui).
(4) Canh bá (更霸): hai nước thay nhau xưng bá.
(5) Khốn hoành (困橫): bị bao vây bởi chính sách “liên hoành” của nhà Tần, lần lượt bị nhà Tần đánh bại mà diệt vong.
Lời dịch tham khảo
Đất nước cần những hiền tài xuất chúng, có thể một lòng tận tâm phò tá triều chính. Với sự giúp sức của nhiều nhân sĩ tài giỏi như vậy, thì nền chính trị của đất nước mới có thể trong sạch và ổn định, người dân mới có thể hưởng thái bình an vui được.
Vào thời Xuân Thu, Tấn Văn Công và Sở Trang Vương là những bá chủ của thời bấy giờ, lãnh đạo rất nhiều nước nhỏ khác. Nhưng đến thời Chiến Quốc, thì sáu nước Sở, Yên, Tề, Hàn, Triệu, Nguỵ đều bị chính sách “liên hoành” của nhà Tần vây khốn, cuối cùng lần lượt bị đánh bại mà diệt vong.
Câu chuyện văn tự
Chữ “Mật” (密): Trong Kim văn viết là “”, Tiểu triện viết là “”. Nghĩa ban đầu của nó là chỉ ba mặt núi cao, duy chỉ có một mặt tương đối thấp, phần ở giữa được bao quanh bởi bốn mặt núi bằng phẳng. Vậy nên ý nghĩa của chữ Mật (密) lại được suy rộng ra là “an ổn”, bởi trên núi nếu có mảnh đất rộng rãi bằng phẳng thì người ta có thể an cư lạc nghiệp rồi.
Chữ “Khốn” (困): Trong Giáp cốt văn viết là “ ”, cây cối vốn nên thuận theo thiên tính mà phát triển ra bốn phía, để cành lá sum suê, nhưng nếu thêm vào một chữ “Vi” (囗) để hạn chế, thì sẽ khiến cây khó mà vươn cao. Tiểu triện viết là “”, chữ Khốn (困) này trong Tiểu triện còn có một ý nghĩa khác, chữ Vi (囗) tượng trưng cho bốn bức tường của ngôi nhà, giả dụ cây có thể sinh trưởng trong nhà, cho thấy căn nhà này đã cũ kĩ, hư hoại rồi. Vậy nên Khốn (困) trong Tiểu triện lại có thể dùng chỉ ngôi nhà bỏ hoang.
Suy ngẫm và thảo luận
Vào giữa và cuối thời Chiến Quốc, Tần và Tề là hai nước lớn lúc bấy giờ, đều muốn mở rộng lãnh thổ về vùng Trung Nguyên. Khi đó Tô Tần đã kiến nghị với Tần Huệ Vương kế sách “Thôn tính chư hầu, xưng đế rồi cai trị”, nhưng không được Tần Huệ Vương chấp nhận. Sau mấy lần thất bại, Tô Tần đã thuyết phục được những nước nhỏ yếu là Hàn, Triệu, Nguỵ, Sở, Yên cùng Tề liên hiệp lại đối kháng với nước Tần. Nguyên tắc “tập hợp những nước yếu để đánh một nước mạnh” này gọi là “hợp tung”, nhờ sự thành công của kế sách hợp tung, Tô Tần đã trở thành tể tướng của liên minh sáu nước.
Về sau Trương Nghi đã đến nước Tần, gặp được Tần Huệ Vương. Tần Huệ Vương lúc này đang đau đầu với chính sách hợp tung của sáu nước, Trương Nghi dùng tài ăn nói của mình phân tích tình thế lúc bấy giờ, Tần Huệ Vương vô cùng vừa ý, và cho rằng Trương Nghi là một nhân tài, do đó đã ban cho Trương Nghi làm Khách khanh, sau đó lại phong làm tướng quốc, trực tiếp tham dự việc mưu tính thảo phạt chư hầu.
Trương Nghi vì được Tần Huệ Vương trọng dụng, nên đã tận tâm dốc sức thể hiện năng lực của mình, ông đề xuất “chính sách liên hoành”, dùng nguyên tắc “một nước mạnh đánh các nước yếu” để phá chính sách hợp tung của sáu nước. Ông thăm dò và biết được trong sáu nước tuy liên minh hợp tung theo kế của Tô Tần nhưng nội bộ vẫn có mâu thuẫn, không phải thật tâm đồng lòng hợp sức. Trong sáu nước thì Tề và Sở là nước lớn, nên ông quyết định động thủ với Sở trước, ông bảo Tần Huệ Vương phái ông đến Sở, trước là lấy lễ vật hậu hĩnh mua chuộc Cận Thượng vốn là trọng thần tín sủng của Sở Hoài Vương, để được vào gặp Sở Hoài Vương.
Lúc bấy giờ nước Tần là nước lớn mạnh nhất nên khi Tần phái sứ giả đến, Sở Hoài Vương đã đón tiếp rất nồng nhiệt. Trương Nghi không vòng vo mà nói thẳng rằng: “Tần Vương phái tôi đến giao hảo cùng quý quốc, chỉ cần ngài đoạn giao với nước Tề, nước Tần nguyện mãi mãi hoà hảo với quý quốc, còn nguyện ý đem 600 dặm vùng Thương Dư (huyện Chiết Xuyên tỉnh Hà Nam ngày nay) dâng cho quý quốc nữa”. Sở Hoài Vương trong lòng nghĩ, có được sự giao hảo của nước Tần, vậy ta hà tất phải dựa vào nước Tề chứ! Nên đã vui vẻ mà nhận lời. Các đại thần đều chúc mừng Sở Vương, duy chỉ có Trần Chẩn là đưa ra ý kiến phản đối, ông nói với Hoài Vương rằng: “Tại sao nước Tần phải đem 600 dặm vùng Thương Dư tặng cho Đại vương chứ? Là vì Đại vương đã ký hiệp ước liên minh với nước Tề, nước Sở được nước Tề làm nước đồng minh, nước Tần mới không dám đến ức hiếp chúng ta. Nếu Đại vương tuyệt giao với nước Tề, chẳng phải là mặc cho nước Tần xâu xé rồi đó! Nếu nước Tần thật lòng muốn nhường vùng Thương Dư cho chúng ta, vậy Đại vương cứ cử người đi tiếp nhận trước. Đợi sau khi 600 dặm vùng Thương Dư đến tay rồi hẵng tuyệt giao với nước Tề vẫn chưa muộn”. Thế nhưng Sở Hoài Vương nào nghe lọt lời trung thần, một mặt tuyệt giao với nước Tề, mặt khác cùng đi với Trương Nghi đến nước Tần để tiếp nhận Thương Dư.
Khi sứ giả của nước Sở đến Hàm Dương chuẩn bị tiếp nhận Thương Dư, Trương Nghi một mực phủ nhận nói: “Làm gì có chuyện ấy, ông hẳn đã nghe nhầm rồi, đất đai nước Tần sao có thể dễ dàng tặng cho người khác chứ? Điều ta nói là sáu dặm chứ không phải sáu trăm dặm, là đất của ta tặng cho ông, chứ không phải đất của nước Tần”. Ngay khi sứ giả báo về, Sở Vương giận đến nỗi lập tức phát binh tấn công nước Tần, nước Tần không những nghênh chiến còn mời nước Tề đến trợ chiến, nước Sở thất bại thảm hại, từ đó nguyên khí tổn thương nặng nề.
Trương Nghi sau đó lại đến nước Tề, nước Triệu, nước Hàn, nước Vệ thuyết phục chư hầu các nước liên hoành kết thân với Tần, cứ như thế liên minh hợp tung của sáu nước cuối cùng đã bị Trương Nghi phá hỏng.
(1) Sở Vương vì lợi ích mà làm trái cam kết đoạn giao với nước Tề, sau đó phát hiện bị lừa nhưng đã quá muộn rồi, kết quả tạo nên tổn thất còn lớn hơn. Hãy thử nói xem bạn rút ra được bài học gì từ câu chuyện này nào?
(2) Bạn thử nghĩ xem, nguyên nhân chủ yếu nào khiến liên minh hợp tung của sáu nước bị phá hoại?
ChanhKien.org