Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
嫡後嗣續,祭祀烝嘗。
稽顙再拜,悚懼恐惶。
Bính âm:
嫡(dí) 後(hòu) 嗣(sì) 續(xù) ,
祭(jì) 祀(sì) 烝(zhēng) 嘗(cháng) 。
稽(qǐ) 顙(sǎng) 再(zài) 拜(bài) ,
悚(sǒng) 懼(jù) 恐(kǒng) 惶(huáng) 。
Chú âm:
嫡﹙ㄉㄧˊ﹚ 後﹙ㄏㄡˋ﹚ 嗣﹙ㄙˋ﹚ 續﹙ㄒㄩˋ﹚ ,
祭﹙ㄐㄧˋ﹚ 祀﹙ㄙˋ﹚ 烝﹙ㄓㄥ﹚ 嘗﹙ㄔㄤˊ﹚ 。
稽﹙ㄑㄧˇ﹚ 顙﹙ㄙㄤˇ﹚ 再﹙ㄗㄞˋ﹚ 拜﹙ㄅㄞˋ﹚ ,
悚﹙ㄙㄨㄥˇ﹚ 懼﹙ㄐㄩˋ﹚ 恐﹙ㄎㄨㄥˇ﹚ 惶﹙ㄏㄨㄤˊ﹚ 。
Âm Hán Việt:
Đích hậu tự tục,
Tế tự Chưng Thường.
Khể tảng tái bái,
Tủng cụ khủng hoàng.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Đích (嫡): chính, chỉ người vợ ở vị trí chính thất (vợ cả). Ngày xưa thường là trọng chính khinh thứ, chỉ có con cháu chính hệ mới có thể kế tục cơ nghiệp của tổ tiên.
Tự (嗣): con cháu.
Tục (續): trên dưới tiếp nối không dứt.
Khể (稽): khể thủ, dập đầu sát đất lạy. Là cách bái lạy cung kính nhất trong chín cách bái lạy của lễ nghi cổ xưa, tiếp theo là đốn thủ (cúi đầu sát đất lạy). Điểm khác nhau trong hai cách lạy này là khi đầu chạm xuống mặt đất, thời gian dừng lâu hay mau có sự khác biệt, thời gian dừng lâu là khể thủ, còn dừng mau là đốn thủ.
Tảng (顙): trán, chỗ dưới tóc và trên lông mày.
Tủng (悚): khiếp sợ.
Cụ (懼): sợ hãi, lo lắng.
Khủng (恐): nghiêm túc kính cẩn.
Hoàng (惶): kính sợ.
Kỳ thực bốn chữ 悚 (Tủng)、懼 (Cụ)、恐 (Khủng)、惶 (Hoàng) này đều là chỉ sự sợ hãi lo lắng, nhưng trong bài này không phải là chỉ việc gặp phải sự việc khủng khiếp mà lo lắng sợ hãi, mà là lo lắng lo sợ nghi lễ cúng tế không được chu toàn, cúng phẩm không được thịnh soạn. Đặt bốn chữ có ý nghĩa tương đồng liên tiếp nhau, ngoài việc bị hạn chế về từ ngữ ra, thì cũng có tác dụng gia tăng ngữ khí, thể hiện sự thận trọng và lòng thành kính của con cháu đối với việc cúng tế.
2. Nghĩa của từ:
Đích hậu (嫡後): những con cháu đời sau do người vợ đầu chính thất sinh ra.
Tự tục (嗣續): con cháu đông đúc tiếp nối không dứt.
Tế tự (祭祀): dùng thức ăn kính bái thiên địa quỷ thần.
Chưng Thường (烝嘗): là tên gọi việc tế tự bốn mùa thời xưa, theo ghi chép trong Chu Lễ, lễ tế mùa xuân gọi là Từ, lễ tế mùa hạ gọi là Dược, lễ tế mùa thu gọi là Thường, lễ tế mùa đông gọi là Chưng. Bởi vì Thiên Tự Văn bị giới hạn từ ngữ được dùng, nên chỉ có thể dùng hai chữ Chưng Thường đại biểu cho bốn lễ tế trong một năm, quả là khó cho tác giả Chu Hưng Tự rồi.
Tế tự Chưng Thường (祭祀烝嘗): lễ tế bốn mùa trong năm.
Khể tảng tái bái (稽顙再拜): dập đầu xuống đất lạy hết lần này đến lần khác.
Lời dịch tham khảo
Những con cháu đời sau do người vợ đầu chính thất sinh ra sinh sôi nảy nở không ngừng, họ được kế thừa cơ nghiệp của tổ tiên, đồng thời có trách nhiệm tế lễ bốn mùa trong năm là Xuân Từ, Hạ Dược, Thu Thường, Đông Chưng, khi chuẩn bị các lễ cúng thì luôn mang tâm cẩn trọng lo sợ, không được để xảy ra sơ sót, trong khi cúng bái, thì dùng tâm thành kính nhất hướng đến tổ tiên mà hành lễ một cách kính cẩn nhất. Dập đầu sát đất, bái lạy nhiều lần để tỏ lòng ghi nhớ.
Câu chuyện văn tự
Tự (嗣): là chữ hình thanh hội ý, Kim văn viết là “ ”. Tiểu triện viết là “ ” chữ Sách (冊) và bộ Khẩu (口) biểu nghĩa, chữ Ti (司) biểu âm, nghĩa gốc của nó là “chư hầu tự quốc”, khi chư hầu thời cổ đại mất, thì sẽ có con trai hoặc em trai vị đó tiếp quản quốc chính, tuy nhiên nhất định phải do Sử quan chủ trì đại lễ tuyên đọc sách phong tại tổ miếu, đồng thời tiếp nhận những việc được ghi trong sách phong xong mới được tiếp vị, vậy nên Sách (冊) và Khẩu (口) biểu nghĩa. Người chủ trì sự việc này thời xưa gọi là Ti (司), nên Ti (司) có vai trò rất quan trọng trong việc này, do đó Ti (司) biểu âm. Chữ Tự (嗣) này được ghép thành bởi các chữ Sách (冊) Khẩu (口), Ti (司) chẳng phải là rất chuẩn xác sao?
Tế (祭): là một chữ hội ý, trong Giáp cốt văn viết là “”, Kim văn viết là “”, Tiểu triện viết là “ ”. Sự xuất hiện của chữ này trong Giáp cốt cho thấy “cúng tế” là hành vi đã có từ xa xưa, từ sự biến hoá của chữ cho thấy, việc cúng tế trong Giáp cốt văn là có rượu có thịt (những chấm nhỏ có hình dạng khác nhau giống với rượu, U giống thịt), tuy nhiên trong Kim văn và Tiểu triện chỉ nhìn thấy thịt (chữ Nguyệt 月 nằm nghiêng) không thấy có rượu nữa, đây là sự thay đổi rất lớn, tuy nhiên ý tứ của việc tay cầm rượu hay thịt giữ ở phía trước thì không thay đổi, trong Tiểu triện Tế (祭) có Thị (示) và Thủ (手)﹙又﹚biểu nghĩa giữ thịt, do đó dùng tay dâng thịt ở trước Thần thì là Tế (祭). Người xưa rất coi trọng việc cúng tế, chúng ta có thể thấy được điều đó trong đoạn “phàm trị nhân chi đạo mạc cấp ô lễ; lễ hữu ngũ kinh (cát, hung, quân, tân, gia), mạc trọng ô tế”. (tức là trong các đạo trị nhân thì không gì bằng Lễ; Lễ có ngũ kinh (cát, hung, quân, tân, gia), không gì quan trọng bằng Tế) trích từ “Lễ – Tế Thống” . Trong hành vi thì yêu cầu “quân tử chi tế dã, cung thân chi, trí kỳ trung tâm chi thành, tận kính khiết chi đạo, dĩ tiếp chí tôn”. (tức là bậc quân tử khi cúng tế, thì tự thân làm lấy, trong tâm hết sức thành kính, dùng sự cung kính thanh khiết nhất, để dâng lên tiếp đãi bậc chí tôn” trích từ “Xuân Thu Phồn Lộ – Tế Nghĩa”, và thái độ nghiêm cẩn, thận trọng trong cúng tế ấy vẫn luôn duy trì ảnh hưởng cho đến ngày nay.
Suy ngẫm và thảo luận
Tăng Tử là người Vũ Thành nước Lỗ thời Xuân Thu, tên là Sâm, tự là Tử Dư, học trò của Khổng Tử, là người con rất chí hiếu, nên tương truyền «Hiếu Kinh» là viết cho ông. Ông đem những gì học được truyền dạy cho Tử Tư, Tử Tư lại truyền dạy cho Mạnh Tử, do vậy ông có địa vị rất cao trong học phái Nho gia, hậu thế gọi ông là Tôn Thánh. Bây giờ chúng ta sẽ giới thiệu đến mọi người bài “Tăng Tử bổn hiếu”, đây là những quan điểm căn bản của ông về chữ Hiếu, những luận điểm này của ông rất đáng để chúng ta suy ngẫm đó.
Bài viết này tổng cộng có 6 đoạn, đoạn thứ nhất nói về Trung (chân thành và kính trọng), là cái gốc của hiếu. người con hiếu thảo chính là không làm những hành vi nguy hiểm trèo cao bước hụt, manh động khinh suất, ác ngôn hại người. Bởi vì những hành vi này không những không an toàn cho bản thân, mà còn khiến cha mẹ lo lắng sợ hãi, vậy nên đó không phải là những hành vi mà người con hiếu thảo nên có.
Đoạn thứ hai là nói người con hiếu thảo có thể tránh xa lời tiếng xấu, không lưu truyền tin đồn, mọi người đều nói lời hay, bản thân không nói lời xấu, những lời phiền toái cũng sẽ không nhiễm lên thân được, như thế cha mẹ sẽ yên lòng.
Đoạn thứ ba là nói về những nguyên tắc trong việc phụng dưỡng cha mẹ thường ngày của người con hiếu thảo, cần phải giữ tâm bình khí hoà, phải làm đến nơi đến chốn, phải ở gần những người con hiếu thảo khác, tránh xa người hung dữ; khi ở ngoài, không được để cha mẹ lo lắng, không được tranh trước đoạt sau, mục đích của việc ấy không chỉ là trân quý bản thân, mà còn là không quên song thân của chúng ta đang ở nhà trông ngóng.
Đoạn thứ tư là nói người con hiếu thảo làm việc gì cho ai thì phải thương người như mình, phải tôn trọng người khác, dù rằng cha mẹ không còn nữa, vẫn phải nhớ đến họ trong mọi thời khắc, không được tuỳ tiện thay đổi cách làm của họ; cần đối đãi với bạn bè của cha như đang phụng dưỡng cha mẹ mình, còn phải noi gương bạn tốt, điều đó cũng giúp ích cho bản thân trong việc hiếu kính cha mẹ.
Đoạn thứ năm là giải thích rằng giai tầng khác nhau thì có tiêu chuẩn khác nhau, chế độ giai cấp thời xưa hết sức rõ rệt, do đó yêu cầu đối với chữ hiếu cũng không giống nhau. Bậc quân tử là người tài đức, vậy nên dùng đức để khuyên gián sai lầm của cha mẹ thì mới là hiếu. Kẻ sĩ là tầng lớp trí thức thời xưa, biết thế nào là đức, nên phải dùng tiêu chuẩn của đức để làm điều mà cha mẹ dặn dò, không được khiến cha mẹ hổ thẹn vì mình thiếu đức. Còn những người dân bình thường, vì khả năng có hạn, mặc dù đã hết lòng phụng dưỡng, nhưng trong lòng luôn cảm thấy cơm ăn áo mặc cho cha mẹ chưa đầy đủ mà cảm thấy day dứt. Cái cảm giác ấy chính là biểu hiện của hiếu. Còn như bậc quân vương, nếu có thể tin dùng người hiền tài, kính trọng người đức hạnh, tạo phước cho muôn dân, không thẹn với xã tắc tông miếu, mới được coi là biểu hiện của hiếu.
Đoạn thứ sáu là tóm tắt những nguyên tắc của hiếu thảo, khi cha mẹ còn sống thì giúp đỡ họ theo thiên lý chính lộ, để cha mẹ sống không phải hổ thẹn, khi vãng sanh thì đích thân coi sóc với tâm trạng bi ai nhất, lúc cúng tế thì dùng tấm lòng thành kính nhất để cúng bái, nếu làm được như vậy thì người đó quả đúng là người con hiếu thảo.
(1) Sau khi đọc xong bài viết “Tăng Tử bổn hiếu”, bạn có suy nghĩ gì không?
(2) Chu cấp đầy đủ các nhu cầu ăn, mặc, đi, ở cho cha mẹ và nghe lời cha mẹ thì có phải là biểu hiện của hiếu không?
(3) Tăng Tử cho rằng “Hiếu” đối với giai tầng khác nhau thì có tiêu chuẩn yêu cầu khác nhau, bạn có suy nghĩ gì về điều đó?
(4) Bạn nghĩ thế nào là hiếu? Làm thế nào để đi thực hành điều đó?
Phụ lục
Đại Đới Lễ Ký – Tăng Tử Bổn Hiếu
Tăng Tử nói: “Người có lòng trung, ấy là cái gốc của hiếu vậy. Hiếu tử không trèo cao, không làm điều nguy hiểm, không hành động nông nổi, không cười nói tuỳ tiện, không tuỳ ý phê bình, không sai khiến, không chỉ trích. Nên không gặp rắc rối.
Ở người hiếu tử ác ngôn sẽ kết thúc, lời đồn sẽ ngừng, lời hay sẽ hưng khởi, nên không thốt ra lời ác, không phải nhận lại lời phiền toái.
Cho nên người hiếu tử phụng dưỡng cha mẹ, thì phải ở nơi dễ gọi đến, không mạo hiểm cầu may; nên qua lại với người hiếu tử, mà tránh xa người hung bạo; khi ở bên ngoài, không để cha mẹ lo phiền; nơi lối hiểm ngõ hẹp, không giành trước lấn sau, yêu quý thân mình, cũng không quên cha mẹ đang trông ngóng.
Người hiếu tử cũng không dám tuỳ tiện sai khiến người khác, không dám tự ý hành động; cha mất ba năm, không dám sửa đạo (lý) mà cha để lại; lại có thể phụng sự bằng hữu của cha, còn có thể noi theo bằng hữu lấy đó trợ giúp cho việc hiếu kính.
Cái hiếu của bậc quân tử, là lấy chính đức mà can gián cha mẹ; cái hiếu của kẻ sĩ, là lấy đức hạnh mà thực hiện lời cha mẹ; cái hiếu của người bình thường, là gắng sức lo đủ cơm canh cho cha mẹ; còn bậc quân vương phải trọng dụng người hiền, không coi “tam đức” (người chí đức, người mẫn đức và người hiếu đức) là bề tôi.
Vậy nên hiếu thuận với cha mẹ, là khi cha mẹ còn sống phải giúp họ theo chính nghĩa, cha mẹ chết rồi thì thương tiếc bi ai, lúc cúng tế thì phải hết lòng thành kính. Nếu làm được như vậy thì đúng là người hiếu tử”.
ChanhKien.org