Cả đời thắp hương niệm Phật, khi chết vẫn xuống địa ngục. (Tranh đời Minh)
Xưa nay, có nhiều người thường thắp hương niệm Phật với tâm mong cầu sức khỏe, tiền tài, danh vọng, tiêu tai giải nạn, v.v… Nhưng truy cầu như vậy liệu có được Thần Phật gia hộ, chở che hay không?
Cả đời thắp hương niệm Phật, khi chết vẫn xuống địa ngục
Chuyện kể rằng, tại trấn Cổ Khê có một tài chủ lớn họ Vương, là người vô cùng keo kiệt, gian trá, giả nhân giả nghĩa, đối với nông dân và kẻ làm thuê làm mướn thì ông ta đối đãi hà khắc vô cùng. Tài chủ Vương có 8 người vợ xinh đẹp, trước khi họ được gả về nhà họ Vương thì phần đa đều là xuất thân từ các gia đình bần cùng trong thị trấn.
Tuy là người khắc bạc, nhưng ông Vương có một điểm đặc biệt là không ham cờ bạc, không nghiện rượu, lại rất siêng nhang đèn cúng Phật. Bởi vậy, nhà họ Vương đã tìm một mảnh đất phong thủy tâm linh, xây cất chùa miếu, mời tăng nhân đến ở. Mỗi năm số tiền nhang đèn quyên góp cho chùa tính ra cũng đủ để cứu vớt hơn phân nửa những người nghèo khổ trong làng.
Thực ra, Vương tài chủ vốn không phải thành tâm hướng Phật để tu tâm sửa tính, chỉ vì biết mình một đời đã làm nhiều việc xấu nên sợ chịu cảnh đọa đày sau khi chết đi. Ông ta nghĩ rằng bỏ một số tiền lớn để cúng dường như vậy, Phật Tổ sẽ chiếu cố cho những lỗi lầm mà bản thân ông ta đã gây ra.
Mùa đông năm nọ, Vương tài chủ mắc phải bệnh nặng, tự biết ngày chết đã gần kề, bèn thu xếp chuyện hậu sự. Trước khi chết, ông còn không quên căn dặn gia môn rằng: Tiền thuế đất năm sau phải tăng gấp đôi.
Bản thân ông ta trước sau luôn đinh ninh tin tưởng rằng linh hồn mình sẽ được đến thế giới Cực Lạc, không ngờ hồn phách lại bị quỷ đầu trâu mặt ngựa áp giải đến phủ Diêm Vương tối tăm đáng sợ.
Trên phủ Diêm Vương, Vương tài chủ rất tức giận chất vấn rằng: “Phật Tổ đã nhận lễ vật, hương khói của con trong suốt một đời, không ngờ Phật Tổ lại không biết điều, lại đưa con đến nơi lạnh lẽo âm u này, phải giáp mặt với Diêm Vương và lũ quỷ sai bộ dạng xấu xí như kia!”.
Nơi đây không phải thế giới Cực Lạc mà là âm tào địa phủ; không phải Phật Tổ, Bồ Tát mà là Diêm Vương, tiểu quỷ… Vương tài chủ nghiến chặt răng, thở một hơi dài, tự nghĩ nhiều năm nay số nhang đèn mà mình đã thắp, khoản tiền lễ lạt mà mình đã bỏ ra, bao nhiêu hy vọng, truy cầu mà mình từng gửi gắm đều thật không đáng!
Diêm Vương trước nay chưa từng gặp người nào đến địa phủ lại ngang ngược, vô lý như vậy, bèn nổi giận, lật quyển sổ sinh tử ra xem, nhìn qua mấy lượt, đoạn ngài lớn tiếng quát:
“Khá khen cho Vương Nhị nhà ngươi, bản vương cai quản việc sinh tử, dù cho lúc sống có là Hoàng đế nhân gian đi nữa, sau khi chết cũng phải quy về ta cai quản. Trong sổ sinh tử, nhà ngươi việc ác chất chồng, đáng bị đánh xuống 18 tầng địa ngục, lại còn vọng tưởng đến thế giới Cực Lạc ư! Chúng tiểu quỷ đâu, hãy lôi hắn ta đi, dùng cực hình tra tấn hắn cho tiêu sạch nghiệp chướng, rồi sau cho hắn chuyển sinh vào cõi súc sinh!”.
Khắp địa phủ đều bị vẻ mặt giận dữ của Diêm Vương làm cho náo động. Vương tài chủ đứng không vững, sợ đến nhũn cả hai chân, miệng cứng như hóa đá, không nói nên lời!… Ông ta còn chưa kịp định thần thì lập tức đã bị quỷ sai lôi đi. Lúc này đây, điều mà Vương tài chủ nghĩ đến chính là bản thân mình đã bị dối gạt. Ai nói những người thường xuyên thắp hương bái Phật sau khi chết đi thì chư Phật, Bồ Tát sẽ niệm tình vì công đức đó mà độ họ đến thế giới Cực Lạc đây?
Đột nhiên, một ánh hào quang sáng chói lướt qua trước mặt, Vương tài chủ ngẩng đầu lên xem thử, hóa ra là Địa Tạng Vương Bồ Tát xuất hiện! Ông Vương tức giận, lớn tiếng quát mắng rằng: “Khen cho vị Bồ Tát chuyên dối gạt người đời! Tôi đây đã thắp hương, cung phụng chư Phật và Bồ Tát các Ngài cả một đời, còn cúng tiến tiền nhang đèn cho các Ngài nữa, không ngờ hôm nay các Ngài lại đối xử với tôi như vậy!”.
Bồ Tát sau khi nghe xong liền dừng lại, từ tốn đi đến trước mặt ông ta mà nói rằng: “Ông có thật là đã thắp hương bái Phật cả một đời hay không?”.
Vương tài chủ liền nói lại: “Còn không phải ư! Đúc tượng vàng, xây chùa miếu, tôi đều đã làm cho các Ngài cả rồi! Thế không lẽ Phật Tổ không biết mỗi một việc làm của tôi hay sao? Với công đức mà tôi đã tích góp được, đáng lẽ phải đến Tây Thiên gặp Phật Tổ mới đúng, chứ không phải là chịu cái khổ luân hồi này”.
Bồ Tát nghe xong, vẫn mỉm cười nói: “A Di Đà Phật, Vương Nhị, lúc sinh tiền nhà ngươi đã làm đủ chuyện xấu, chèn ép ức hiếp người khác, cưỡng đoạt dân nữ, hà khắc cay nghiệt với những người thuê đất và kẻ làm công, hoành hành bá đạo ngang ngược. Nhà ngươi nên biết rằng Phật Tổ không hưởng nhang đèn, trái cây cúng dường của kẻ ác nhân, mà số trái cây đó cũng không phải là cúng dường cho chư Phật, Bồ Tát đâu!…
Chư Phật là muốn để cho nhà ngươi nhìn thấy quả mà nghĩ đến nhân, trồng nhiều nhân lành để được quả lành, một chén nước để trước mặt Phật, là bảo nhà ngươi tâm phải tĩnh như nước, bài trừ tạp niệm! Nếu không phải số tiền nhang đèn nhà ngươi quyên tặng đã được các tăng nhân mang đi cứu giúp người nghèo khổ, thì e rằng ngươi đã rơi vào cảnh vạn kiếp bất phục rồi! Chuyện này, nhà ngươi nên rõ ràng mới phải”.
Bồ Tát nói xong, quay người bỏ đi.
Vương tài chủ sau khi nghe xong, đứng ngây ra đó, cúi gằm mặt xuống, ông ta thật sự biết bản thân đã sai, thật đúng là người đang làm, Trời đang nhìn! Ông ta cũng tự biết bản thân tội nghiệp sâu dày, chỉ còn biết đi chịu sự trừng phạt nơi địa ngục.
Kết cục của Vương tài chủ cho chúng ta thấy rằng, lễ Phật cốt ở tấm lòng. Vận mệnh của một người không thể thay đổi nhờ cầu xin hay khấn bái. Con người nếu sống tốt, chú trọng tích đức thì ắt sẽ được phúc báo, ngược lại dẫu có tối ngày thắp hương bái lạy Phật Thần mà lại không hành thiện, hối cải, vẫn nhắm mắt làm điều xấu thì khi chết vẫn phải xuống địa ngục chịu tội vậy.
Vào chùa bái lạy không bằng hiểu thấu nhân quả
Tại tỉnh Sơn Đông thời nhà Thanh Trung Quốc có một ngôi chùa to đẹp bề thế, được dân làng cho là rất linh thiêng. Cứ đến ngày rằm và mùng một, người người nô nức rủ nhau đi lễ chùa để cầu xin được điều này, thứ nọ. Gần chùa là một quán nhỏ, chủ quán là người từ nơi khác đến đây để kiếm kế sinh nhai, ông ta chuyên bán đồ cúng lễ cho khách thập phương tới chùa.
Vốn là người có thiện tâm, tính tình phóng khoáng xởi lởi, ông ta luôn tặng kèm một cốc nước cho người đi lễ chùa để họ giải cơn khát sau khi đã chen lấn nhau vào bái lạy. Đồ cúng lễ ở đây đơn giản, một ít hoa tươi và hương, giá bán phải chăng nên rất đông người tới mua. Chủ quán là người tốt bụng, ai không may ra về muộn mà chẳng đủ tiền trọ, ông cũng đồng ý cho ngủ nhờ trong góc quán, chờ sáng rồi lên đường về quê.
Một bữa nọ cũng như mọi ngày mùng một khác, khách nườm nượp kéo nhau tới chùa lễ bái. Khách khứa quá đông, chủ quán vẫn tươi cười bán hàng và mời nước miễn phí. Lúc này chợt có một người khách lạ bước vào quán, ngồi đó nhưng không nói mua gì. Ông chủ thấy vậy bèn tới gần và mời ly nước mát rồi hỏi han. Khách mỉm cười lắc đầu và bảo chỉ muốn ngồi nghỉ nhờ rồi đi. Ông chủ vui vẻ mời khách ngồi rồi lại ra bán hàng tiếp.
Chẳng mấy chốc đã xế chiều, người người tới lễ chùa lục tục kéo nhau ra về, chủ quán quay ra dọn dẹp thì thấy vị khách kia vẫn ngồi trầm ngâm ở bàn. Chủ quán bèn tới gần và hỏi: “Ông tới đây từ sáng, sao không tranh thủ vào lễ chùa?”.
Khách hỏi lại: “Những người kéo nhau tới chùa đông như thế để làm gì vậy?”.
Chủ quán đáp: “Họ cầu tiền tài, danh vọng, sức khỏe, tiêu tai giải nạn, con cháu thuận hòa, v.v… họ đều cầu xin như vậy cả”.
Khách mỉm cười: “Tất cả vào chùa lễ Phật và cầu đều được ứng hay sao?”.
Chủ quán lắc đầu: “Tôi cũng không rõ, theo ông thì sao?”.
Vị khách thủng thẳng đáp: “Tới chùa lễ Phật thể hiện lòng tôn kính với Đấng Chí Tôn là lẽ thường tình. Nhưng đến chùa chỉ chăm chăm cầu khấn, cúng bái và nghĩ rằng làm như vậy sẽ được giàu có, nổi danh hay may mắn khỏi bệnh, v.v.. thì không phải rồi! Con người sướng khổ, giàu nghèo, gặp vận may hay vận rủi đều do đức và nghiệp của họ tạo thành, không ai có thể can thiệp vào, đó là luật nhân quả bất di bất dịch. Chưa nói là khi vào chùa lễ bái, hành vi của họ ra sao. Nếu họ vào nơi tôn nghiêm như thế mà chen lấn xô đẩy, hay thậm chí mạ lỵ người khác chỉ vì chút va chạm, giành giật chỗ đẹp để bái Phật cầu xin, thì lại càng không bao giờ được ân trên chứng giám”.
Chủ quán nghe thấy vậy quả là có lý, bèn hỏi khách: “Vậy ông tới đây làm gì?”.
Khách mỉm cười: “Tôi tới để xem thế gian nhiễu nhương thế nào. Cảm ơn ông đã cho tá túc cả ngày nay mà không lấy đồng nào. Một việc nhỏ như vậy có ý nghĩa gấp nhiều lần vào chùa bái lạy và cầu xin. Lần sau nếu gặp người đi lễ chùa, muốn giúp họ nhiều hơn việc tặng ly nước mát, ông hãy nói với họ như vậy”.
Chủ quán nghe vậy chưa kịp đáp lại đã thấy người khách vụt đi tít xa, rồi mất hút, quanh đâu đây vẫn thoang thoảng mùi hương thơm tuyệt diệu.
Kể từ dạo đó, chủ quán nọ bèn làm theo lời của vị khách kỳ lạ kia mà ông đoán chính là Thần Phật hiển linh để răn dạy con người. Nhiều người nghe được câu chuyện và lời khuyến thiện của vị chủ quán tốt bụng đều đồng tình cảm tạ, còn chủ quán vẫn bình yên, vui vẻ và khỏe mạnh, sống lâu cho tới cuối đời bên chiếc quán đơn sơ nhưng luôn là mái ấm che chở cho những người cần trợ giúp. Tuy không ngày ngày nhang khói cầu xin Thần Phật nhưng công đức của ông ta tích được cả một đời cũng không hề nhỏ vậy.
Đường Phong biên tập và tổng hợp.
– Nguồn tư liệu tham khảo thêm từ bài viết cùng chủ đề của DKN
NTD Việt Nam