Tiền thị – Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu. (Miền công cộng)
Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn là Hoàng đế thứ sáu và thứ tám của nhà Minh, tại sao lại thiếu một hoàng đế ở giữa? Chúng ta sẽ nói về điều này sau.
Trước tiên hãy nói về việc Anh Tông lên ngôi năm 9 tuổi, với niên hiệu “Chính thống”. Năm 15 tuổi, bà nội của ông, Thái hoàng Thái hậu Trương, đã chọn Hoàng hậu cho ông. Bà Trương đã phụ chính nhiều năm, có tầm nhìn tốt nên đã chọn cô gái họ Tiền, một người xuất thân tầm thường nhưng có nhân cách xuất sắc. Tiền Thị là người Hải Châu (nay là Hải Ninh, Liêu Ninh), hơn Hoàng đế một tuổi. Dưới sự chủ trì của Thái hoàng Thái hậu, lễ lập Hoàng hậu diễn ra rất hoành tráng, và đây cũng là sự kiện lớn cuối cùng mà bà làm cho gia đình nhà họ Chu, bà qua đời 5 tháng sau lễ lập hậu của Hoàng đế.
Vua Anh Tông và Hoàng hậu Tiền Thị có mối quan hệ rất tốt sau khi kết hôn. Vua Anh Tông thấy gia đình của Hoàng hậu Tiền Thị có chức vụ tương đối thấp nên dự định phong cho người gia đình bà trở thành hầu tước, nhưng bà cảm thấy việc nhận phần thưởng không có công sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Hoàng đế nên đã từ chối. Lúc đầu vua Anh Tông nghĩ nàng chỉ là đang thể hiện cử chỉ lịch sự, nhưng sau đó vua đã nhắc đến nhiều lần nhưng đều bị từ chối. Khi đó vua Anh Tông mới hiểu rằng, Tiền Thị thật sự không phải là từ chối lịch sự, mà là tấm lòng chân thành nghĩ cho vua và đất nước, khi hiểu ra ông càng thêm tôn trọng vị Hoàng hậu Tiền Thị hơn, và mối quan hệ vợ chồng ngày thêm gắn bó. Nhìn lại tất cả các vị hoàng hậu của triều đại nhà Minh, duy chỉ có gia đình Tiền Hoàng hậu là không được phong tước.
Đáng tiếc vợ chồng tuy quan hệ tốt nhưng Tiền hoàng hậu lại không có con cái, đối với hoàng gia thì điều này có liên quan đến tương lai vận mệnh của đất nước, nên việc có con cháu nối vị ngôi vua là điều rất quan trọng. Trong số các phi tần khác của vua Anh Tông, có một người họ Chu sinh được hoàng tử Chu Kiếm Tuấn khi vua Anh Tông đã 18 tuổi, sau đó sinh thêm hai con trai cho vua Anh Tông. Tuy nhiên, vua Anh Tông vẫn hy vọng rằng Tiền Thị sẽ sinh được một đứa con trai để kế vị mình trong tương lai. Tiếc là tin vui chưa đến mà điều không hay đã ập đến.
Tháng 6 năm Chính Thống thứ 14, thủ lĩnh bộ tộc Ngõa Lạt của Mông Cổ tiến quân vào triều nhà Minh trước, rồi thắt chặt biên giới. Vào tháng 7, dưới sự xúi giục của thái giám Vương Chấn, vua Anh Tông đã để em trai mình là Chu Kỳ Ngọc ở lại bất chấp sự can ngăn của các quan đại thần, và tự mình dẫn quân ra ngoài.
Vua Anh Tông lớn lên bên cạnh Vương Chấn và rất tin tưởng ông ấy. Trước kia khi còn Trương Thái hoàng Thái hậu cùng mấy vị lão thần, Vương Chấn không dám quá tự phụ, nhưng sau khi những người này lần lượt qua đời, trong triều không còn ai có thể khống chế Vương Chấn, cho nên hoạn quan chiếm quyền lực. Ngay cả trên con đường chinh phục cá nhân của Hoàng đế Anh Tông, Vương Chấn đã mạo ý chỉ hoàng đế để huy động quân lính một cách bừa bãi, và chặn mọi tin tức từ vua Anh Tông gửi về, khiến quân Minh phải rút lui từ từ và chịu thương vong nặng nề.
Tháng 8, Vương Chấn thấy tình thế không ổn, muốn cùng vua Anh Tông rút lui, nhưng lại bị quân đội Dã Tiên bao vây, Vương Chấn bị giết, vua Anh Tông bị bắt, 66 vị đại thần đã chết trong trận chiến, được ghi vào lịch sử “Sự biến Thổ Mộc”, còn được biết là “Sự biến Thổ Mộc bảo“.
Sau khi tin vua Anh Tông bị bắt truyền về kinh thành, các quần thần trước tiên muốn lấy ngân sách để chuộc Hoàng đế. Khi biết tin, Hoàng hậu Tiền Thị đã giao toàn bộ tài sản riêng của mình. Nhưng sau khi lấy được tiền, Dã Tiền không những không chịu thả người mà còn buộc nhà Minh phải nhượng bộ nhiều hơn, tìm cách xâm chiếm lãnh thổ, thậm chí cả quyền lực chính trị của nhà Minh.
Để chấm dứt suy nghĩ của Dã Tiền và thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đất nước không có vua, vào tháng 9, với sự hỗ trợ của Thái hậu Tôn và đại thần Vu Khiêm cùng các quan đại thần khác trong triều, đưa Giám quốc Thân vương Chu Kỳ Ngọc lên ngôi lấy hiệu là Minh Cảnh Đế, niên hiệu Cảnh Thái.
Nghe tin này, Hoàng hậu Tiền nghĩ rằng vua Anh Tông sẽ không bao giờ quay trở về, sau đó được biết rằng anh trai và em trai của bà đều đã chết trong “Sự biến Thổ Mộc bảo“, bà đã rất đau buồn. Nhưng một người phụ nữ yếu đuối thì không thể làm gì được, tất cả những gì bà có thể nghĩ đến là mỗi ngày quỳ lạy khấn cầu Thần Phật, mong cho phu quân của mình bình an vô sự.
Lúc đó là những ngày đông lạnh giá, Tiền Hoàng hậu quỳ lạy rất lâu, kiệt sức không đứng dậy được, hai chân co quắp lại đau nhói, bà đã khóc rất nhiều, kết quả là một chân bị thương nặng, tàn tật, và một mắt cũng bị mù loà vì khóc quá nhiều. Năm đó, bà chỉ mới 24 tuổi.
Vào thời điểm này, mặc dù đã có một vị hoàng đế mới, nhưng một số quan đại thần vẫn đang nỗ lực giải cứu vua Anh Tông,
Sau khi Vu Khiêm làm Binh bộ thượng thư chiến đấu và giành được chiến thắng trong việc bảo vệ thủ đô, Ngõa Lạt đã khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình và muốn đưa vua Anh Tông trả lại.
Nhưng vua Cảnh Đế sợ ngai vàng không được đảm bảo nếu vua Anh Tông trở về, nên không muốn cuộc đàm phán này diễn ra.
Năm Cảnh Thái thứ hai, theo yêu cầu mạnh mẽ của Vu Khiêm và những người khác, Cảnh Đế đã chấp nhận đưa Anh Tông trở lại, nhưng Anh Tông đã bị giam ở Nam Cung ngay khi vừa trở về. Ở Nam Cung, Anh Tông gặp Tiền Thị, người đã thân tàn ma dại hầu như không thể nhận ra. Mặc dù Tiền Thị đã tàn tật nhưng đối với Anh Tông, vị hoàng đế trải qua bao kiếp nạn sống chết và đang bị giam trong lãnh cung, thì tình cảm sâu sắc của Tiền Thị thực sự là thứ quý giá nhất trên đời.
Vì điều này, vợ chồng Anh Tông đã nương tựa vào nhau suốt đời ở Nam Cung, tuy trên danh nghĩa là Thái Thượng hoàng, nhưng họ thậm chí còn không thể duy trì được những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Tiền Thị đang đau đớn vật vã với cơ thể ốm yếu của mình, nhưng bà vẫn cố gắng khích lệ các thê thiếp và cung nữ khác đang bị giam giữ ở Nam Cung may vá thêu thùa, hàng ngày đổi lấy một ít lương thực.
Bảy năm sau, Cảnh Đế đột nhiên lâm bệnh nặng, vào ngày 17 tháng Giêng năm Cảnh Thái thứ tám (tức năm 1457), Vũ Thanh Hầu Thạch Hanh, Ngự sử Từ Hữu Trinh, Đô đốc Trương, Thái giám Tào Cát Tường xông vào Nam Cung, đưa Anh Tông khôi phục ngôi vị. Và một lần nữa Anh Tông trở thành Hoàng đế nhà Minh
Sau khi lại lên ngôi, Hoàng hậu cần được tái lập, lúc này con trai cả của Hoàng đế là Chu Kiến Thâm được lập làm Thái tử, còn mẹ ruột của Thái tử là Chu Thị tích cực vận động để trở thành Hoàng hậu, so với người tàn tật và không sinh được con cái như Tiền Thị, thì lợi thế của Chu Thị là quá rõ ràng. Nhưng Anh Tông rất tức giận khi biết chuyện Chu Thị từng làm, và vẫn lập Tiền Thị làm Hoàng hậu.
Bảy năm sau, tức năm 1464, Hoàng đế Anh Tông qua đời ở tuổi 38. Trước khi qua đời, Anh Tông lo lắng nhà Chu và vị vua mới sẽ không tôn trọng địa vị của Tiền Thị Hoàng hậu nên ông đã để lại di chúc:
“Sau này Hoàng hậu hết thọ sẽ được chôn cùng trẫm”, nghĩa là khi Tiền Thị chết, bà với danh nghĩa Hoàng hậu sẽ được chôn cất cùng với Anh Tông.
Sau khi Thái tử Chu Kiến Thâm lên ngôi, hoạn quan Hạ Thạch muốn lấy lòng nhà Chu Thị, muốn độc tôn Chu Thị làm Thái hậu. Dưới sự nỗ lực của Đại học sĩ Lý Hiền, Bành Thời và những người khác, Tiền Thị và Chu Thị đều được phong làm Thái hậu.
Bốn năm sau, Thái hậu Tiền Thị qua đời. Chu Thái hậu bất chấp mệnh lệnh cuối cùng của cố Hoàng đế Anh Tông, đã kiên quyết ngăn cản Thái hậu Tiền Thị được chôn cất cùng ngài. Kết quả, các đại thần trong triều khóc thương bên ngoài cổng Văn Hoa suốt một ngày. Thấy không thể kết thúc, Hoàng đế đề ra phương pháp thỏa hiệp, chia lăng thành ba điện, để chôn cất Thái hậu Chu và Thái hậu Tiền Thị cùng với cố Hoàng đế Anh Tông. Chu Thái hậu không còn cách nào khác là phải đồng ý.
Bằng cách này, Thái hậu Tiền Thị đã được tôn làm Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu, và được chôn cất cùng Hoàng Đế Anh Tông ở Dụ Lăng.
Lý Quảng Tùng – Aboluowang/ Nguồn: NTD
Khả Vy biên dịch
NTD Việt Nam