Một bài đánh giá trên tạp chí BMJ cho thấy các bài tập khiêu vũ và cường độ cao mang lại hiệu quả giảm trầm cảm đáng kể nhất.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể hiệu quả hơn thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm, đặc biệt là các bài nhảy, vượt xa tất cả các hoạt động và phương pháp điều trị bằng thuốc khác – tiếp theo là các bài tập cường độ cao.
Một bài báo được công bố trên BMJ cho thấy tập thể dục có hiệu quả trung bình trong điều trị trầm cảm so với các phương pháp điều trị hiện có khi được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các liệu pháp đã được thiết lập khác. Hơn nữa, lợi ích của việc tập thể dục “có xu hướng tỷ lệ thuận với cường độ được kê đơn”, nghĩa là hoạt động mạnh mẽ hơn mang lại lợi ích đáng kể hơn.
Để xác định lượng và loại bài tập lý tưởng để điều trị rối loạn trầm cảm nặng, các chuyên gia từ Úc đã tiến hành một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp trên 14.170 người mắc rối loạn trầm cảm nặng từ 218 nghiên cứu riêng biệt. Họ cũng xếp hạng hiệu quả của các hình thức tập thể dục khác nhau so với các phương pháp điều trị hiện có, chẳng hạn như liệu pháp tâm lý, thuốc chống trầm cảm và nhóm đối chứng.
Những phát hiện chính
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng đi bộ, chạy bộ, yoga, các bài tập tăng sức mạnh và khiêu vũ là các phương thức tập thể dục hiệu quả nhất khi sử dụng đơn độc mà không cần can thiệp y khoa. Một số bài tập nhất định sẽ có tác dụng khác nhau giữa nam và nữ. Trong đó, điểm đáng chú ý chính là đi bộ và chạy bộ có hiệu quả đối với cả nam lẫn nữ. Các bài tập tăng sức mạnh và đạp xe có hiệu quả cao hơn ở phụ nữ và người trẻ tuổi. Yoga và khí công có hiệu quả hơn đối với nam giới và người lớn tuổi. Trong khi đó, thể dục nhịp điệu có tác động tích cực đến nam giới nhiều hơn nữ giới khi kết hợp cùng với tâm lý trị liệu.
So với tất cả các hoạt động khác, tập thể dục cường độ cao như chạy, luyện tập ngắt quãng, các bài tập tăng sức mạnh và bài tập aerobic hỗn hợp có hiệu quả cao hơn. Mặc dù vậy, các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ hoặc hatha yoga vẫn mang lại “tác dụng lâm sàng có ý nghĩa”. Lợi ích của hoạt động tập thể dục với các cường độ trong tuần khác nhau có hiệu quả như nhau ở những người mắc các bệnh lý khác và mắc trầm cảm ở mức cơ bản.
Nhìn chung, khiêu vũ có hiệu quả vượt trội hơn tất cả những hoạt động khác và các phương pháp điều trị chống trầm khác như sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và liệu pháp nhận thức hành vi.
Các tác giả viết rằng: “Dựa trên những phát hiện của chúng tôi, khiêu vũ là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh trầm cảm, có hiệu quả cao hơn so với các phương pháp can thiệp khác trong nghiên cứu của chúng tôi”. Tuy nhiên, do có ít nghiên cứu cũng như số người tham gia ít và độ chệch trong thiết kế nghiên cứu nên nhóm tác giả chưa thể khuyến cáo hoạt động này một cách mạnh mẽ.
Rối loạn trầm cảm chủ yếu là gì?
Rối loạn trầm cảm chủ yếu là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật trên toàn thế giới với các biểu hiện như khí sắc trầm kéo dài, mất hứng thú và niềm vui trong cuộc sống hoặc các hoạt động giải trí, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, mất năng lượng, kém tập trung, ăn uống kém ngon miệng, các rối loạn tâm thần vận động, vấn đề về giấc ngủ và ý nghĩ tự sát.
Căn bệnh này có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa các cá nhân, gây suy giảm chức năng và làm nặng thêm các bệnh lý đi kèm khác như đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim. Nếu không điều trị, rối loạn trầm cảm chủ yếu có thể khiến người bệnh suy nhược.
Theo Khảo sát Quốc gia về Sử dụng Ma túy và Sức khỏe năm 2021, 21 triệu hay 8% người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên ở Hoa Kỳ vào năm 2021 đã có ít nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Trong đó, các giai đoạn này phổ biến nhất ở thanh niên và phụ nữ từ 18 đến 25 tuổi
Có 14,5 triệu người trưởng thành Hoa Kỳ đã có ít nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu gây suy giảm chức năng nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có 5 triệu thanh thiếu niên Hoa Kỳ từ 12 đến 17 tuổi đã có ít nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu, tương đương với khoảng 20% thanh thiếu niên ở độ tuổi này. Trong đó, 3,7 triệu thanh thiếu niên có giai đoạn trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng.
Nhu cầu sử dụng các phương pháp điều trị thay thế
Theo Tạp chí y khoa BMJ, một số bệnh nhân rối loạn trầm cảm chủ yếu đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên, có rất nhiều người kháng trị nên các nhà khoa học phải tìm các phương pháp thay thế như tập thể dục có tác dụng bổ sung hoặc có hiệu quả cao hơn so với điều trị bằng thuốc hoặc tâm lý trị liệu đơn thuần.
Mặc dù nhóm nghiên cứu cho biết nghiên cứu của mình còn những hạn chế nhưng phát hiện của họ đã ủng hộ việc đưa tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục cường độ cao vào hướng dẫn thực hành lâm sàng cho bệnh trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu viết rằng: “Mặc dù mức độ tin cậy vào kết quả còn thấp, nhưng các hướng dẫn điều trị vẫn quá thận trọng khi khuyến cáo tập thể dục là một phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế cho những bệnh nhân không đáp ứng hoặc không dung nào với điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu”. “Thay vào đó, các hướng dẫn điều trị trầm cảm nên bao gồm việc sử dụng tập thể dục và chọn phương thức phù hợp với đặc điểm của bệnh nhân, đồng thời khuyến cáo các bài tập có cường độ mạnh hơn”.
Theo Megan Redshaw, The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Cô Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục
NTD Việt Nam