Tác giả: Liễu Duyên
[ChanhKien.org]
Nguyên nhân tôi muốn diễn giải Tây Du Ký là vì toàn bộ Tây Du Ký đều là đang nói rõ cho con người thế gian về hai từ “tu luyện”.
Hơn nữa, nó còn là sự thể hiện về phương diện tinh thần, là câu chuyện về sự phối hợp giữa chủ nguyên thần và phó nguyên thần trong tu luyện. Xét về cả chiều sâu và chiều rộng, Tây Du Ký chỉ thẳng vào nguồn gốc của nhân tâm, điều bị phơi bày ra đều là những vấn đề cơ bản, giao phong giữa Phật tính và ma tính trong tu luyện, diễn giải một cách chi tiết tường tận, sinh động thú vị những chấp trước căn bản trong tu luyện mà không cái nào bị bỏ sót. Vậy nên, một khi thực sự đọc hiểu Tây Du, bạn sẽ hiểu rõ tu luyện là gì.
Ngộ Không là nguyên thần có lai lịch cao nhất trong số các nguyên thần, cao đến mức thậm chí không biết ai là cha mẹ, tra không được nguồn gốc, chính là thuộc về một thế giới “vị tri” (không thể biết rõ). Vì vậy, Ngộ Không đóng vai trò quan trọng nhất trong nhóm, là hóa thân của chính niệm, cũng có thể nói là người thực thi chính niệm của chủ nguyên thần. Tuy Ngộ Không cống hiến nhiều nhất nhưng lại không được chủ nguyên thần Đường Tăng sủng ái, thậm chí nhiều lần còn bị niệm ‘Khẩn Cô chú’ đuổi đi, bởi vì nhân tâm trong tu luyện có thể cản trở chính niệm.
Đường Tăng có nhân tâm nặng nề, rất nhiều lúc không phân biệt được người tốt và yêu quái, yêu quái tùy ý biến hóa giả tướng để mê hoặc ông, đào sẵn hố để ông nhảy xuống. Chẳng hạn như trong phần “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, Đường Tăng từ bi quá mức làm mất đi khả năng phán đoán, không những bị lừa mà còn không hiểu lòng tốt của Ngộ Không. Khi đối mặt với khảo nghiệm, Đường Tăng thường dùng lòng nhân từ của phụ nữ nơi thế tục, chứ không tu xuất được tâm đại từ bi thấu rõ mọi sự của Thần, bị yêu tinh mê hoặc, hiểu lầm Ngộ Không mà đuổi đi, chẳng khác nào đã mất đi chính niệm, cuối cùng cũng bị bắt giữ mà thôi.
Nhưng mà Ngộ Không là một con khỉ thích nói chuyện bằng gậy chứ không giỏi giao tiếp, cách đối mặt với khảo nghiệm cũng khá cứng rắn. Ngộ Không nhìn thấy yêu tinh liền xắn tay áo hô đánh hô giết, tâm tranh đấu rất mạnh, gặp việc gì cũng không trước tiên theo lý để suy xét tiền nhân hậu quả, nói cho mọi người hiểu rõ chân tướng, mà trước tiên lấy nắm đấm ra nói chuyện. Như thế khiến nhóm người đi lấy kinh không thể đạt được sự đồng thuận khi đối mặt với khảo nghiệm, mạnh ai nấy làm, cách thức của chủ nguyên thần và phó nguyên thần hoàn toàn khác nhau, đành phải dần dần thích nghi hòa hợp.
Như thế khi yêu tinh đến, điều đầu tiên nhóm người đi lấy kinh làm không phải là cùng nhau đối phó với bên ngoài, mà là trong nhóm xảy ra hỗn loạn, phát sinh mâu thuẫn nội bộ. Cái quan này nếu không được nung trên lửa thì không qua được. Huống chi còn có Bát Giới chuyên gây rắc rối. Bát Giới nhảy vào thai heo chắc chắn không phải là sai lầm mà là điều đương nhiên, bởi vì Bát Giới là hóa thân của nhân tâm dục vọng của Đường Tăng, là thể hiện cho chấp trước của chủ nguyên thần. Vậy nên, dù Bát Giới có rất nhiều khuyết điểm nhưng lại được Đường Tăng yêu thích nhất, bởi vì đó là dục vọng của chính Đường Tăng. Nhân tâm dục vọng nhiều quá rồi thì bỏ không đành, cắt không đứt, nên rất nhiều lúc, khi mất đi chính niệm, vì để bảo hộ nhân tâm dục vọng mà thể hiện ra trong nhóm người đi lấy kinh chính là tên ngốc hễ gặp phải biến cố liền ầm ĩ đòi tan đàn rã nhóm, quay về Cao Lão Trang. Và thường thì tiểu nhân đắc ý sẽ gia tăng nhân tâm của Đường Tăng đến cản trở chính niệm của Ngộ Không.
May mắn thay vẫn còn một người ít điều tiếng là Sa Tăng. Sa Tăng dường như có năng lực thấp nhất, là một nhân vật phụ không mấy nổi bật, lại còn thường xuyên bị bắt cùng với Đường Tăng, theo đó mà bị yêu tinh treo lên đánh. Nhưng Sa Tăng là hiện thân của định lực của chủ nguyên thần, rất nhiều lúc không cần nói nhiều, chỉ cần vững vàng phụ trợ bên cạnh Đường Tăng, giúp Đường Tăng định tâm bình tĩnh, ổn định tinh thần, giữ vững chính niệm. Chủ nguyên thần Đường Tăng khi đối mặt sinh tử sẽ bắt đầu suy ngẫm lại những lỗi lầm của bản thân, cũng chính là ‘hướng nội tìm’ mà chúng ta thường nói. Khi ấy, chính niệm sẽ dần dần thăng lên, giúp năng lực chính niệm của Ngộ Không được phát huy tốt, hành động cứu người sẽ khá thuận lợi. Ngộ Không giải quyết không được cũng không sao, có gì thì tìm Quan Âm, nghĩ cách mời viện binh, chư Thần tám phương cũng sẽ vào cuộc, làm việc tốt tự nhiên đều có nhân quả.
Có thể thấy, câu chuyện Tây Du chính là cuộc chiến giữa chính niệm và nghiệp lực tư tưởng trong tư duy ý thức và trong quá trình tu luyện của chúng ta. Mỗi bước đề cao đều là chiến tích của thiên nhân giao chiến. Tây Du được viết ra thông qua bút pháp nhân hóa, không chỉ sống động thú vị mà còn có ý nghĩa sâu xa khiến người ta suy ngẫm.
Sự thăng trầm của Phật tính và ma tính, sự gia tăng mức độ trong tịnh hóa tư tưởng, sự bền bỉ thường hằng của chính niệm và từng chút tiêu trừ nhân tâm dục vọng trong tu luyện chính là một quá trình mạo hiểm trảm yêu trừ ma trong hoàn cảnh nguy hiểm bao quanh. Đó là quá trình tịnh hóa tâm linh, để cho linh hồn mau chóng quay lại diện mạo vốn có khi người tu luyện đi trên con đường trở về. Những gian khổ trong quá trình đó, hết thảy đều có trong Tây Du. Vậy nên tôi nói rằng nếu đọc hiểu Tây Du thì đã hiểu được tu luyện rồi.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/266089
Ngày đăng: 01-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org