Trong “Luận Ngữ – Công Dã Tràng” có ghi lại chuyện Khổng Tử hỏi về chí hướng của hai trò Nhan Hồi và Tử Lộ. Tử Lộ đáp: “Con nguyện dùng xe mã, y phục, áo choàng lông của mình cho bạn bè cùng sử dụng, dùng hỏng cũng không oán trách.” Nhan Hồi nói: “Con nguyện vô phạt thiện, vô thi lao”, nghĩa là “Nguyện không khoe khoang sở trường của mình, không tâng công kể thưởng”.
Trong xã hội cổ đại truyền thống, tiêu chuẩn đạo đức của con người khá cao, những người không tâng công kể thưởng, không cậy công cao ngạo nhiều vô số. Tể tướng Bính Cát thời Tây Hán là một bậc hiền thần khiêm nhường, bình dị như vậy.
Phụng dưỡng Tuyên Đế
Bính Cát, tự là Thiểu Khanh, là người nước Lỗ, ông từng làm quan cai ngục của nước Lỗ, sau lập công mà được đề bạt lên chức Đình uý hữu giám. Vào cuối năm Vũ Đế, Thái tử Lưu Cứ, tổ phụ của Hán Tuyên Đế Lưu Tuân bị gian thần Giang Sung hãm hại mà chết (Sử sách gọi là hoạ Vu Cổ). Lưu Tuân đang còn quấn tã đã bị liên lụy và bắt giam tại một nhà ngục tại thành Trường An. Bính Cát được cử đến thụ lý vụ án Vu Cổ. Trong tâm ông biết rằng gia tộc Lưu Cứ bị oan, thương xót cho sinh mệnh nhỏ bé của Lưu Tuân, nên để Hồ Tổ, một nữ phạm nhân tại thành Hàm Dương và Quách Chinh Khanh tại Hoài Dương tận tâm chăm sóc Lưu Tuân.
Vào năm Hậu Nguyên thứ hai, người coi khí vận nói rằng trong ngục có khí vận của thiên tử. Thái giám trong cung lệnh cho Quách Nhương đi suốt ngày đêm tới nhà ngục tìm bắt người có vận khí thiên tử trong quận. Bính Cát lại đóng kín cổng, không cho sứ giả bước vào, và nói rằng: “Hoàng tằng tôn ở đây. Ngài là cháu ruột của hoàng đế!”, ông nhất quyết giữ cửa tới sáng vẫn không cho vào. Quách Nhương đành trở về bẩm báo với Hán Vũ Đế, và thừa cơ luận tội Bính Cát. Vũ Đế nói: “Đó là thiên thượng muốn làm như vậy.” Bèn đại xá thiên hạ, Lưu Tuân 5 tuổi được xuất ngục. Khi Lưu Tuân lâm bệnh nguy kịch, giằng co giữa sự sống và cái chết, Bính Cát nhiều lần hạ lệnh cho nhũ mẫu nuôi dưỡng hoàng tôn mời thầy thuốc chữa trị cho hoàng tôn. Lúc đó Lưu Tuân không được gọi là Lưu Tuân, mà gọi là Lưu Bệnh Dĩ, là tên mà Bính Cát đặt cho, nghĩa là đại bệnh đã rời xa. Sau khi Lưu Bệnh Dĩ đăng cơ đổi tên thành Lưu Tuân và đại xá cho người phạm tên huý của Lưu Bệnh Dĩ từng bị ngồi tù.
Thi ân không cầu báo đáp
Vào năm 74 trước công nguyên, Hán Chiêu Đế đột nhiên băng hà, mà không có con trai. Hoắc Quang và Bính Cát, hai đại thần phò tá triều chính đã lập Xương Ấp Vương Lưu Hiền lên ngôi hoàng đế. Lưu Hiền hoang dâm vô độ. Lịch sử chép lại rằng lúc đó có lệnh rằng, Lưu Tuân không được ăn đồ ngon. Bính Cát lúc đó có gạo và thịt ăn, bèn dùng bổng lộc hàng tháng của mình cấp dưỡng cho hoàng tôn Lưu Tuân. Ông nhiều lần tiến cống đồ ăn ngon và quần áo sạch cho hoàng tôn. Đôi khi Bính Cát lâm bệnh, ông thường sai thuộc hạ sớm tối tới hỏi han tình hình của hoàng tôn, xem chăn đệm khô ẩm, dày mỏng thế nào, đồng thời cảnh báo Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh không được đến muộn về sớm, rời xa hoàng tôn mà đi chơi. Sau khi nữ phạm nhân mãn hạn, Bính Cát lại tự dùng tiền của mình thuê họ tiếp tục nuôi dưỡng Lưu Tuân. Lưu Hiền kế vị được 27 ngày thì bình quân mỗi ngày làm 40 việc không phù hợp với lễ pháp, nên bị truất ngôi.
Lúc này đại phu Quang Lộc cho Bính Cát là người trong cuộc, tấu thư lên Hoắc Quang tiến cử Lưu Bệnh Dĩ, khen ngợi ông “Thông kinh thuật, có tài năng, bình hoà, có tiết tháo” và đề xuất triều đình kết hợp với kết quả quẻ bói, lập Lưu Tuân, được các đại thần tán đồng. Hoắc Quang cử Tông Chính, Lưu Đức và Bính Cát nghênh đón Lưu Tuân khi ấy đang sinh sống tại cung điện nơi ở của các phi tần. Tháng 9 năm đó, Lưu Tuân đăng cơ, phong Bính Cát làm Quan Nội Hầu. Nhưng Lưu Tuân không hề biết rằng khi mình còn nhỏ chính Bính Cát đã cứu mạng ông và nuôi ông khôn lớn.
Bính Cát xưa nay cũng không hề tự đề cao bản thân, tâng công kể thưởng, và cũng không nhắc tới chuyện này với bất kỳ ai. Vào năm Địa Tiết thứ 3, một tỳ nữ tên là Tắc hầu hạ các phi tần trong cung, bảo người chồng làm dân thường của mình trước kia, dâng tấu lên hoàng thượng, ca ngợi công lao dưỡng dục của mình với Lưu Tuân, và nói rằng vị sứ giả Bính Cát trước kia biết chuyện này. Thế là trong cung cho dẫn người cung nữ này tới phủ của đại phu ngự sử để Bính Cát xem xem có xác thực hay không. Bính Cát nhận ra người tỳ nữ này và nói với nàng ta rằng: “Ngươi từng bị phạt roi quất vì tội dưỡng dục hoàng tằng tôn không cẩn thận, sao có thể nói là ngươi có công lao được? Chỉ có Hồ Tổ thành Hàm Dương, và Quách Chinh Khanh ở Hoài Dương là có công lao thôi.” Hoàng thượng ra lệnh cho Bính Cát tìm Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh, nhưng hai người đều đã chết, chỉ còn con cháu, đều được trọng thưởng. Hoàng thượng ra chiếu chỉ, lệnh ân xá cho tỳ nữ tên Tắc được làm thường dân, thưởng cho nàng ta 10 vạn quan tiền.
Hoàng thượng vô cùng cảm kích, cho rằng Bính Cát quả thực là một đại hiền nhân, hạ chiếu cho thừa tướng Ngụy Tương nói rằng: “Trước khi trẫm còn chưa vinh hiển, phú quý, đại phu ngự sử Bính Cát đã có ân với trẫm, đức hạnh của ông ta quả thật cao đẹp. Trong “Thi Kinh” chẳng phải từng nói rồi hay sao? “Vong đức bất báo” (Không người nào có ân đức với ta mà không được báo đáp). Trẫm phong Bính Cát là Bác Dương Hầu, phong điền ấp 1300 hộ.”
Khi sắp tới lúc thụ phong thì Bính Cát đổ bệnh, hoàng đế lo lắng bệnh tình của Bính Cát không qua khỏi. Hạ Hầu Thắng, thầy giáo của thái tử nói với hoàng thượng rằng: “Ông ấy sẽ không chết. Thần nghe nói người tích âm đức, nhất định sẽ được hưởng vui thú do âm đức mang tới, và con cháu cũng được hưởng lây. Hiện giờ âm đức của Bính Cát còn chưa được báo đáp, thì bệnh nặng cỡ nào cũng không thể mất mạng.” Sau này quả nhiên Bính Cát khỏi bệnh.
Thời Hán Nguyên Đế, tại Trường An có một binh sỹ tên là Tôn, dâng thư lên hoàng thượng, tấu rằng: “Thần thời niên thiếu từng làm tiểu quan tại Quận Bưu, từng nhìn thấy Hiếu Tuyên Hoàng đế với thân phận là hoàng tôn bị giam trong ngục phủ quận. Bính Cát đã dùng tiền của mình thuê nữ phạm nhân Hồ Tổ, nuôi dưỡng hoàng tôn, có thể nói là công đức vô lượng. Khi đó Bính Cát đâu có thể ngờ được rằng hoàng tôn sẽ lên làm hoàng đế? Đâu nghĩ tới tương lai sẽ tâng công kể thưởng, cầu báo đáp! Tấm lòng của ông ấy thuần hậu, nhân nghĩa, lương thiện, biểu hiện rất tự nhiên. Dẫu là Giới Tử Thôi cắt thịt của mình cho quân vương ăn, để quân vương có thể tồn tại, cũng không thể sánh được với việc này. Khi Hiếu Tuyên hoàng đế còn, thần từng dâng thư tấu rõ tình hình lúc bấy giờ. Tấu thư may mắn đến được chỗ Bính Cát, Bính Cát vô cùng khiêm nhường, nên đã bỏ đi những lời về ông ý trong tấu thư của thần, mà còn quy công hết cho Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh. Thần nay tuổi đã già, cuộc sống khốn khó, không biết khi nào sẽ chết, chỉ nghĩ rằng nếu vẫn không nói ra, e rằng sẽ chôn vùi mất người có công lao.”
Theo “Hán Thư – Liệt truyện 44 – Bính Cát”
Giúp người khác che giấu sai sót, tán dương sở trường
Bính Cát xuất thân là một tiểu quan cai quản các vụ án trong ngục, sau này ông học “Thi Kinh”, “Lễ” mới minh bạch ra đại nghĩa trong đó. Tới sau khi làm thừa tướng, ông tôn sùng tấm lòng khoan dung, độ lượng, hiếu lễ, nhường nhịn người khác. Phó quan có tội hoặc không xứng vị, Bính Cát sẽ cho họ nghỉ dài kỳ, để họ tự động từ chức, mà không truy xét sai sót.
Đối với phó quan dưới quyền của mình, Bính Cát thường giúp họ che giấu sai sót và tán dương sở trường. Bính Cát có một quan tiểu lại phu xe thích uống rượu nên nhiều lần thất trách. Một lần nọ y theo Bính Cát ra ngoài, vì say rượu mà nôn mửa lên xe của tể tướng. Tiểu quan Tây Tào (chức danh) nói với Bính Cát rằng muốn đuổi viên quan phu xe này. Bính Cát nói: “Phạm lỗi chỉ vì cơm no rượu say, nôn mửa trên xe tể tướng, vì vậy mà đuổi ông ta đi, thì người này sau này còn mặt mũi nào mà đối nhân xử thế? Ông hãy nhẫn nhịn một chút, tha cho ông ta. Cũng chỉ là làm bẩn chiếc đệm trên xe của ta thôi mà.” Nên cuối cùng không đuổi người này.
Viên phu xe này là người vùng biên giới, rất thông thạo những việc tình báo tại khu vực biên thuỳ. Một lần nọ ra ngoài, vừa hay y gặp một người cưỡi ngựa cầm túi thư trắng đỏ đan xen, là thư báo cáo quân địch xâm lược nơi biên cương. Viên tiểu lại phu xe bèn theo chân ngựa tới dò la tin tức, hiểu được rằng quân địch đã xâm lược tới quận Vân Trung, quận Đại, bèn lập tức quay về phủ tể tướng bẩm báo tình hình với Bính Cát và đề xuất rằng: “E rằng quận biên thuỳ Hồ Lỗ nơi bị xâm lược, trong số những vị quan thái thú ở đó có người tuổi cao, ốm đau bệnh tật không thể chịu nổi cảnh chiến loạn, cần thăm dò trước.” Bính Cát cho rằng ông ta nói có đạo lý, bèn sai Thúc Tào thăm dò trưởng quan nơi biên thuỳ, ghi chép lại tường tận thân thế của họ.
Chuyện này chưa làm xong, thì hoàng đế hạ chiếu triệu kiến thừa tướng, ngự sử, hỏi han về các quan lại tại vùng biên thuỳ Hồ Lỗ đang bị xâm chiếm, Bính Cát trả lời tường tận. Đại phu ngự sử trong lúc thúc bách không thể nhanh chóng trả lời, nên bị hoàng đế trách mắng. Do vậy Bính Cát được hoàng đế coi là một vị tể tướng tốt lo lắng việc biên phòng, cúc cung tận tụy, quản lý quan lại cấp dưới vô cùng đắc lực. Vậy nên Bính Cát than rằng: “Binh sỹ không ai là người không thể dung nhẫn, tài năng của họ mỗi người mỗi vẻ. Giả dụ ta không vì nghe lời khuyến cáo của viên tiểu lại phu xe, thì sao có thể được khen là cúc cung tận tụy đây?” Các vị phó quan nghe được lời này, càng thêm bội phục Bính Cát.
Vào xuân năm Ngũ Phụng thứ 3, Bính Cát lâm trọng bệnh. Hoàng đế đích thân tới giường bệnh hỏi han Bính Cát rằng: “Giả dụ khanh không may qua đời, thì ai có thể thay thế khanh?” Bính Cát từ chối đáp: “Hành vi và tài năng của các vị đại thần, quân chủ thánh minh là ngài mới là người hiểu rõ nhất, kẻ ngu thần này không hiểu lắm.” Hoàng đế vẫn kiên trì gặng hỏi, Bính Cát đành khấu đầu đáp rằng: “Đỗ Diên Niên, thái thú quận Tây Hà thông hiểu pháp luật, biết những tập quán cũ của quốc gia. Trước đây ông ta từng làm quan Cửu Khanh hơn chục năm, hiện giờ nhậm chức tại quận Tây Hà cũng rất tháo vát, danh tiếng khá tốt. Diên Uý chấp pháp nghiêm minh, những người do ông ta phán quyết đều không cảm thấy bị oan uổng. Quan thái bộc Trần Vạn Niên hầu hạ mẹ kế vô cùng hiếu thuận, dẫu làm bất cứ việc gì cũng đều vô cùng công chính, khoan dung. Tài năng của ba người này đều hơn thần, hy vọng hoàng thượng lưu tâm tra xét.” Hoàng đế cho rằng lời của Bính Cát rất chính xác bèn đồng ý. Sau này ba người này đều rất xứng vị, hoàng đế cho rằng Bính Cát quả là biết nhìn người.
Trích “Hán Thư – Liệt truyện số 44 – Bính Cát”
vn.minghui.org