Vào thời vua Đường Trung Tông (khoảng năm 705-707), tại khu vực Hồ Bắc, Tương Dương (Trung Quốc) người ta chuẩn bị đúc một pho tượng Phật lớn. Có rất nhiều người giàu có và tín ngưỡng Thần Phật đều tới dâng hiến tiền bạc cho việc ấy. Những người tổ chức đối với những người ủng hộ tiền của đều có ghi chép sổ sách đàng hoàng, để sau này sẽ khắc tên ghi công vào bia đá.
Có một bà cụ vô cùng nghèo khổ nhưng nóng lòng muốn được hiến tặng. Bà chỉ có một đồng tiền mà mẹ đẻ tặng cho bà thời con gái. Bà đã nâng niu giữ gìn đồng tiền ấy không nỡ dùng, cất kỹ suốt 60 năm trời. Ấy là tài sản duy nhất mà bà có.
Nghe tin người ta quyên tiền đúc tượng Phật, bà cụ cung kính mang đồng tiền ấy vượt qua một quãng đường xa xôi để đến dâng tặng. Nhưng người phụ trách việc đăng ký tên tuổi nói với bà: “Tôi chẳng thể đăng ký cho 1 đồng của bà được”. Bà cụ không biết làm sao, đành nhân lúc người khác không để ý lặng lẽ đến gần lò đúc tượng và tung đồng tiền vào trong đó. Bà thành kính chắp tay cầu nguyện rồi trở về nhà.
Vài ngày sau người ta dỡ lò lấy tượng ra. Một viên quan bỗng nhiên nhìn thấy một đồng tiền đính vào chính giữa ngực của pho tượng Phật. Có một đại phú ông trông thấy như thế trong lòng rất khó chịu bèn yêu cầu giũa bay đồng tiền kia đi. Thế là người ta gọi thợ thủ công đến để gọt giũa đồng tiền ấy.
Nhưng gắng sức gọt giũa suốt một đêm, đến sáng hôm sau nhìn lại thì đồng tiền vẫn còn y nguyên như cũ, vẫn đính chặt vào giữa ngực bức tượng Phật. Mấy nhà sư thấy thế nói: “Chuyện này thật là kỳ diệu. Thần Phật nhận xét con người ta thì chỉ xem trọng tấm lòng thôi. Bà cụ ấy hết lòng thành kính cho nên mới thành ra như thế”. Từ đó về sau không ai còn dám động đến đồng tiền ấy nữa.
Đồng tiền ấy mãi mãi nằm trên ngực bức tượng Phật.
(chuyện trong sách “Thái Bình quảng ký”)