Tin đức vua Lý Thần Tông bỗng nhiên mắc bệnh lạ, toàn thân mọc lông lá vằn vện, ngồi xổm chụp người, gầm thét ghê rợn như hổ khiến cả triều đình nhà Lý thất đảm, dân gian cũng bàn tán xôn xao. Để tránh thương tổn cho ngài, triều đình thống nhất tạm dời xa giá nhà vua vào trong cũi vàng, nhưng cũng là sự vạn bất đắc dĩ trước vô số lời dị nghị, đàm tiếu khắp trong triều ngoài nội.
Vua Lý Thần Tông hóa hổ (Ảnh: Pixabay)
Các danh y, pháp sư, phù thủy… được mời đến chữa trị, nhưng vô hiệu. Chẳng ai có thể giúp được nhà vua, thậm chí họ còn làm cho ngài hung dữ hơn.
Nhưng lúc ấy, trong thành Đại La bỗng có đám trẻ hát lời đồng dao:
“Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh thiên hạ,
Cần được Nguyễn Minh Không.”
Triều đình phái đại thần đi đón sư Nguyễn Minh Không. Sư tên thật Nguyễn Chí Thành, quê ở làng Đàm Xá, phủ Tràng An, thuộc Ninh Bình. Sư vốn là một bậc đạo cao đức trọng, đã từng thực hiện được nhiều kỳ sự, người đời không lường nổi.
Lúc sơ kiến với đại thần đi đón, sư cười hỏi ngay: “Đây chẳng phải là việc cứu cọp đó ư?” Hỏi vì sao mà hay biết, sư bảo: “Ta biết từ 30 năm trước rồi”. Trên đường đi thuyền ra kinh thành, sư lấy cái nồi nhỏ nấu cơm mà cả trăm lính chèo thuyền ăn chung không hết, rồi lại bảo họ ngủ, mà trong khoảnh khắc thuyền về đến nơi. Ai cũng lấy làm lạ.
Lúc này, sư đang đứng trong đại điện, nơi vẫn thường thiết triều giờ để cũi hổ của vua Lý Thần Tông.
Nhà vua họ Lý đang lúc chập chờn mờ mịt, miệng thở rít gầm rú, thấy trước mặt mình đứng sững một thân hình cao lớn như dị chủng, râu trắng ba chòm dài chấm ngực, đầu tròn trọc lóc, trán nở phương phi, mặt vuông quắc thước, mắt sáng như tinh đẩu, phong độ ung dung phiêu dật. Vạt tăng bào màu xám khẽ phất phơ lay động.
Và từ vóc hình điềm tĩnh như núi đó, một tiếng nói sang sảng cất lên, âm thanh lạ mà như quen từ lâu lắm:
“Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”
Lý Thần Tông giật bắn người, mồ hôi toát ra đầy mình, miệng thôi gầm gừ.
Sư nghiêm giọng: “Mang cho ta một cái vạc dầu lớn, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó”. Tả hữu y lệnh. Rồi sư lấy tay mò trong vạc đủ trăm cây kim găm vào thân vua, miệng nói: “Quý là trời”. Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết. Vua ăn bát cháo loãng, uống một hai thang thuốc bổ, thần trí hồi phục như cũ.
Sư Nguyễn Minh Không. (Hình minh họa – chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)
Sáng ấy, vua vời sư vào chầu. Vua nói:
– Trẫm gặp bạo bệnh, thần trí hồ đồ, may có ngài trổ thần thông cứu giúp. Nay ban cho ngài quốc tính họ Lý, danh dự Quốc sư. Đồng thời trẫm ban thưởng một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa của ngài, ruộng này được miễn thuế.
Sư tạ ơn. Vua sực nhớ, nói tiếp:
– Trẫm được tấu lại rằng ngài nói đã biết trước việc này từ ba mươi năm rồi. Vả lại, sao trẫm luôn cảm thấy ngài quen thuộc như cố nhân nhỉ?
Sư mới thủng thẳng tâu rằng:
– Bần tăng đa tạ bệ hạ đã ban ơn cao lộc hậu. Phật gia có thuyết Nhân – quả, luân hồi. Bần tăng và bệ hạ đã từng có duyên thầy trò trong kiếp trước. Vốn bệ hạ từng là thầy của bần tăng, là sư Từ Đạo Hạnh đầu thai, nên mới cảm thấy quen thuộc như vậy. Còn kiếp trước bệ hạ có lần cậy tài hóa hổ để dọa người, thì kiếp này phải mắc nạn hóa hổ để trả nợ. Trước khi tệ sư viên tịch có ân cần căn dặn bần tăng đến lúc hậu thân của ngài là bệ hạ có mắc nạn thì cứu giúp. Âu cũng là lòng Trời.
Vua gật gù phán:
– Té ra là thế. Trẫm bình sinh có lòng tín Phật, luôn tin vào lẽ nhân quả, thiện ác hữu báo. Trẫm mong ngài sau khi làm Lý Quốc Sư thì phát dương quang đại Phật Pháp để gieo nhân lành thiện quả cho quốc gia.
Sư mới nhân đó tâu rằng:
– Tâu bệ hạ, việc xiển dương Phật Pháp không gì bằng khuyến khích nhân dân trọng đức hành thiện. Tuy vậy, đối với tăng đoàn thì cần xây chùa, đúc tượng. Bần tăng đã giúp xây dựng hàng trăm ngôi chùa ở nước Nam ta. Nhưng nay đang thiếu chút kim loại đồng để đúc Pháp khí, vốn cũng không có sẵn trong nước. Lại nghe Tống triều khai thác được rất nhiều kim khí, trong đó có đồng, bần tăng muốn sang Bắc một chuyến để lấy đồng về.
Vua Lý Thần Tôn kinh ngạc:
– Trẫm chẳng nghi ngờ năng lực của Quốc sư có thể biết được điều đó. Nhưng làm sao ngài có thể khiến Tống triều chịu cấp đồng?
Sư khẳng khái:
– Tâu bệ hạ, bần tăng chỉ xin bệ hạ xuống chiếu sai bần tăng đi cống nạp Tống triều, việc còn lại, bần tăng có thể lo liệu được.
Rồi sư hạ giọng trình bày, vua Lý Thần Tông chợt tươi nét mặt…
Đoàn cống nạp của Đại Việt do Lý Quốc Sư dẫn đầu khởi trình tới Lâm An – kinh đô của nhà Nam Tống vào sáng hôm sau.
Đoàn sứ bộ của Đại Việt ngày đi đêm nghỉ, sau ba tháng đã đến được kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống. Đoàn người được đón tiếp, nghỉ ở quán Dịch để chờ được yết kiến hoàng đế Đại Tống.
Lúc này chính là năm 1136, năm Thiệu Hưng thứ 6, đời vua Tống Cao Tông. Tống triều định đô tại Lâm An – Hàng Châu ở phía nam Trung Hoa sau khi bị người Kim lấy quá nửa đất nước, nên gọi là Nam Tống. Cái nhục Tĩnh Khang ở hai triều vua Huy Tông, Khâm Tông là sự kiện cả triều đình nhà Tống bao gồm hai vua bị Nhà Kim phía bắc bắt về làm nhục. Trong lúc đó, người con trai thứ chín của Tống Huy Tông tên là Triệu Cấu trốn thoát, rồi được các đại thần đưa lên ngôi, hiệu là Tống Cao Tông, những mong một cuộc trung hưng đế nghiệp.
Nhưng Triệu Cấu vừa lên ngôi thì bị người Kim đánh cho thất điên bát đảo, phải tị nạn hớt hải hớt hơ, lại gặp gian thần lộng hành, nên nhà vua có lần bị biếm chức. Rồi vua tin dùng gian thần Tần Cối, giết cả Nhạc Phi là anh hùng cứu quốc, gây nên nỗi oan thiên cổ. Tống Cao Tông thông minh hiếu học nhưng cũng không gánh nổi cơ đồ suy sụp của Tống triều.
Trong đời Tống Cao Tông có ba nỗi lo sợ lớn nhất: sợ bị quyền thần lật đổ; sợ không mang được nắm xương tàn của vua cha, vua anh là Huy Tông, Khâm Tông về cố quốc; và sợ không có người nối dõi tông đường.
Nhà vua bị yếu sinh lý, đã mất khả năng sinh con, đứa con trai duy nhất là thái tử Triệu Phu đã chết yểu năm lên ba tuổi. Vì thế Tống Cao Tông đặt hy vọng truyền ngôi cho Triệu Bá Tông, con cháu của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, mà sau này là Tống Hiếu Tông. Nhưng hiện giờ Bá Tông đang ốm nặng, Thái y chưa biết cách gì chữa trị.
Hai hôm sau, đoàn sứ bộ Đại Việt được gọi vào triều kiến. Lý Quốc Sư xưng danh và dâng đồ cống nạp. Cao Tông thu đồ cống, ban thưởng cho đoàn sứ bộ. Lý Quốc Sư đưa mắt nhìn hoàng đế Tống triều, thấy trong vẻ thâm trầm vẫn không giấu được sự bồn chồn lo lắng.
Lý Quốc Sư đưa mắt nhìn hoàng đế Tống triều, thấy trong vẻ thâm trầm vẫn không giấu được sự bồn chồn lo lắng. (Ảnh minh hoạ)
Tống Cao Tông hỏi:
– Trẫm nghe nói Giao Chỉ quận vương (1) vừa dứt bệnh lạ, đã lại cung kính khiêm hạ, sai sứ vào cống, thật không kém phần lễ nghi so với thượng quốc thiên triều. Trẫm xin cảm tạ. Chẳng hay quận vương bệnh thế nào? Cách chi mà khỏi?
Lý Quốc Sư đáp:
– Muôn tâu hoàng thượng, vua nước tôi mắc bệnh hóa hổ, khắp mình mọc lông, cả ngày gầm thét. May nhờ phúc lớn, vua đã hết bệnh, bần tăng chỉ là trổ chút thuật mọn, không gì đáng nói.
Tống Cao Tông thở dài:
– Quận vương gặp nạn, còn có người cứu. Còn thái tử của trẫm đang đau nặng đến nửa năm nay mà Thái y bó tay.
Lý Quốc Sư dõng dạc:
– Muôn tâu, chẳng hay bần tăng có được phép thăm bệnh cho thái tử không?
Tống Cao Tông trầm ngâm hồi lâu, rồi nói:
– Sợ bệnh của người bắc, người nam không chữa được.
Lý Quốc Sư cười xòa:
– Tâu hoàng thượng, bần tăng là người lâu năm trong nghề thuốc, lấy việc cứu người làm trọng. Hơn nữa, cây cỏ phương Nam có chỗ lạ kỳ mà phương Bắc không có, có thể trị nhiều bệnh lạ. Vả lại, trời kia mưa gió bất thường, cũng không hại được nước có đạo; Ở đời bệnh họa khôn lường, cũng không hại được người có phúc đức. Có câu: “chữa được bệnh, sao chữa được mệnh”. Nếu có chân mệnh thiên tử, gặp duyên may, thuốc tốt, thầy giỏi… thì bệnh cũng hết.
Thế là Tống Cao Tông gật đầu ưng thuận. Lý Quốc Sư đã dự tính trước, ngài mang sẵn theo những Nam dược quý hiếm như: Bình vôi, Ngành ngạnh, Hoài sơn, Khúc khắc, Mặt quỷ, Bòn bọt, Hà thủ ô, Hy thiêm thảo, Chè vằng, Thiên niên kiện, Bố chính sâm… Vừa dùng Nam dược, ngài kết hợp với thần thông, đã chữa khỏi cho thái tử Triệu Bá Tông.
Tống Cao Tông rất đẹp lòng, phán:
– Trẫm muôn vàn cảm tạ Quốc sư. Trẫm ban cho ngài quyền vào ngân khố, chọn lấy bất kỳ bảo vật nào trước khi về nước.
Lý Quốc Sư tâu:
– Tâu hoàng thượng, thái tử có chân mệnh, nên bần tăng mới chữa được bệnh. Hoàng thượng ban thưởng, bần tăng xin đội ơn sâu, nhưng chỉ xin chút kim loại đồng mang về nước làm kỷ vật.
Tống Cao Tông gật đầu:
– Quốc sư muốn lấy bao nhiêu xe, trẫm sẽ cho người sửa soạn.
Lý Quốc Sư nói:
– Bần tăng chỉ xin dùng tay nải này là được.
Dứt lời, ngài lấy ra một tay nải trông rất tầm thường mà ngài vẫn mang theo người trong sự ngạc nhiên của vua tôi nhà Nam Tống.
Sáng hôm sau, Tống Cao Tông sai người đưa Lý Quốc Sư vào ngân khố để lấy đồng. Thời Bắc Tống nổi tiếng về sản lượng khai thác khoáng sản và kim loại. Đến thời này Nam Tống dù đã mất đi phần lớn quốc lực, nhưng kho kim khí rộng lớn với đủ các thứ kim loại vẫn khiến người ta hoa cả mắt. Trong đó, kim loại đồng cao như gò đồi, đủ các loại đồng vàng, đồng đỏ, và đặc biệt là đồng đen.
Viên quan dẫn Lý Quốc Sư đi lấy đồng cứ há miệng tròn mắt, khi bao nhiêu đồng cứ trôi tuồn tuột vào cái tay nải chỉ ngắn vài gang tay của Lý Quốc Sư mà mãi vẫn chưa đầy. Đến khi cả kho đồng đã nằm trong tay nải, sư mới dừng lại, bó kín miệng túi, vắt lên vai và bước ra nhẹ như đi người không, bỏ lại viên quan đứng chết lặng, phần vì kinh ngạc, phần vì sợ hãi.
Nhưng khi đi ngang qua kho chứa vàng để ra về, Lý Quốc Sư nhìn thấy một con trâu vàng to lớn, cỡ bằng một con voi nhỏ, đứng sừng sững, trông muôn phần linh động. Đôi mắt trâu được làm từ hồng ngọc sáng long lanh, tưởng như mắt thật. Không biết là công trình của người thợ nào, thật vô cùng khéo léo tinh xảo.
Lý Quốc Sư chợt động linh cơ, nhưng ngài vẫn chân không dừng bước.
Về đến quán Dịch, Lý Quốc Sư ra lệnh cho đoàn sứ bộ Đại Việt lập tức lên đường. Nhưng khi đoàn xe đã khuất bóng cổng thành Lâm An, ngài lập tức xuống xe, dặn dò thuộc hạ cứ y theo đường cũ mà về. Còn một mình ngài khoác tay nải, xăm xăm tìm đường ra sông lớn.
Đi được ba ngày đường, đã nghe phía trước có tiếng sóng vỗ. Được một lát, trước mắt sư là cảnh trời nước mênh mang của dòng Trường Giang cuồn cuộn. Sư cảm khái ngâm nga:
“Sáng từ Bạch Đế giữa ngàn mây
Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày
Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt
Ngàn non thuyền nhẹ đã qua ngay” (2)
Lý Quốc Sư thả chiếc nón tu xuống dòng nước, hóa thành chiếc thuyền nhẹ. (Hình minh họa – Ảnh: Shutterstock)
Dứt lời ngâm, đã nghe thấy sau lưng tiếng vó ngựa rầm rập. Sư cười khẽ, không cần ngoảnh lại mà đi thẳng đến bờ nước, thả xuống chiếc nón tu, trong chớp mắt hóa thành chiếc thuyền nhẹ. Sư bước xuống thuyền, hít một hơi dài rồi thổi ra, hóa cơn gió mạnh phút chốc đã đẩy thuyền ra xa bờ. Lúc này trên bờ, một viên võ tướng dẫn đầu đoàn khinh kỵ gọi lớn:
“Lý Quốc Sư, sao ngài vội vàng thế, không để chúng tôi đưa tiễn”.
Thuyền đã xa bờ, chỉ còn vọng lại tiếng cười sang sảng của Lý Quốc Sư và lời từ biệt:
“Xin bái biệt tướng quân. Bần tăng nhận lệnh vua phải về gấp không kịp từ biệt. Xin đa tạ đức Cao Tông hoàng thượng đã giúp đồng”.
Té ra, sư đã đoán trước Tống đế sẽ tiếc rẻ kho đồng mà cho người chặn lại, vì vậy mà chọn đường riêng để hồi tẩu. Lại trổ thần thông hóa nón tu thành thuyền để đi đường thủy cho an lành.
Chỉ một ngày, sư ra đến cửa biển. Mười ngày sau, sư đã có mặt ở Đại La thành.
Lý Quốc Sư đem đồng đỏ, đồng vàng đúc các pháp khí thông thường. Còn đồng đen ngài đem đúc thành tượng Phật Di Lặc khổng lồ cao khoảng 6 trượng (20m), từng được gọi là một trong An Nam tứ đại khí (3). Phần đồng đen còn lại ngài cho đúc một quả chuông cực lớn, treo trên một ngôi tháp khổng lồ dựng bên bờ hồ Dâm Đàm hay hồ Xác Cáo phía Tây kinh thành. Khi chuông đúc thành, mỗi ngày ngài cho đánh 3 hồi chuông dài để báo tin vui cho dân chúng biết nước nhà đang hồi thái bình thịnh trị. Tiếng chuông rền vang, ngân nga trong gió, bay khắp nước Nam, ra xa vạn dặm.
Trâu vàng tỉnh giấc, chạy về nước Nam theo tiếng chuông đồng đen (Hình minh họa – Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Chẳng ngờ, tiếng chuông đồng đen bay xa quá, vẳng sang tận kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống, khiến con trâu vàng thức giấc. Người ta thường nói: “đồng đen là mẹ của vàng”. Con trâu vàng trong ngân khố của nhà Tống lồng lên, phá vỡ cửa kho rồi vừa nghe ngóng tiếng chuông đồng, nó vừa rong chạy về phương Nam vừa rống lên từng hồi đáp lại.
Chạy đến gần Đại La thành, nó loanh quanh một hồi nơi nền đất yếu, tạo nên một vệt lõm lớn kéo dài, sau này trở thành sông Kim Ngưu. Rồi chạy đến tháp chuông bên bờ hồ Dâm Đàm, con trâu vàng mừng rỡ khi tìm thấy mẹ. Nó rống lên rồi cứ mãi chạy vòng quanh tháp chuông. Thân thể nặng nề của nó khiến đất ven hồ sụt xuống một khoảng lớn, hồ Dâm Đàm theo đó cũng mở rộng ra. Đồng thời, tháp chuông cũng đổ sụp mang theo cả chuông đồng và trâu vàng biến mất trong lòng hồ. Từ đó, hồ được mang tên Kim Ngưu, tức là Hồ Trâu Vàng. Hồ này được đổi tên nhiều lần, ngày nay nó được gọi là Hồ Tây.
Bên Hồ Tây có phủ Tây Hồ, cạnh phủ Tây Hồ đã từng có Đền Kim Ngưu thờ thần Kim Ngưu. Đền này đã bị đổ trong cuộc chiến chống Pháp.
Hồ Kim Ngưu hay Hồ Tây ngày nay dù có hẹp lòng hơn khi xưa, vẫn là một thắng cảnh của Hà Nội và là một nơi linh thiêng nổi tiếng với nhiều công trình văn hóa tâm linh lâu đời nằm bên bờ hồ. Trong sách Tây Hồ chí có kể chuyện Bình Lạc hầu Hàn Vũ – một tướng dưới quyền của Phục Ba tướng quân Mã Viện khi xưa, lúc đi thuyền trên Hồ Tây bị lốc xoáy nhấn chìm và chết. Nghe nói vào năm 1955, có một đoàn văn công của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chèo thuyền ra giữa hồ, chẳng biết có phải để tìm lại trâu vàng khi xưa hay để làm việc gì khác mà bỗng nhiên hồ nổi sóng lớn, thuyền lật úp, 4 văn công đã chết.
Hồ Kim Ngưu xưa. (Hình minh họa – Ảnh: Pngtree)
Còn sông Kim Ngưu xưa đã từng là một phụ lưu của sông Tô Lịch, là nơi thuyền ghe tấp nập và là con đường vận tải thủy từ kinh thành Đại La, kinh Thành Thăng Long ra các vùng phụ cận, cũng là một nơi phong cảnh hữu tình. Cảnh tượng sông Kim Ngưu ngày nay khiến những người hoài cổ chép miệng tiếc rẻ mà ngán cho cái lẽ thương hải tang điền, bãi bể nương dâu.
Còn Lý Quốc Sư với tài năng và công lao siêu việt với nước Nam và Phật giáo chốn này, về sau đã được dân gian phong thánh, gọi là đức Thánh Nguyễn. Ngài cũng được coi như ông tổ của nghề Đông Y Việt Nam, ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Ngài được thờ ở nhiều nơi. Ngay bên bờ Hồ Tây xưa có một làng nghề đúc đồng là làng Ngũ Xã đến nay vẫn thờ ngài như bậc thánh tổ. Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không được coi là một trong bốn vị thánh bất tử của Việt Nam – gọi là Tứ bất tử – trước cả công chúa Liễu Hạnh.
Đức Thánh Nguyễn và sự tích trâu vàng thật xứng đáng được nhắc tới đầu tiên trong loạt bài Thần tích nước Nam đầu năm mới Tân Sửu này.
Nguyên Phong
Xem tiếp
NTD Việt Nam