Từ xưa đến nay, một chữ “sắc” đã làm hại biết bao nhiêu người. Có người vì “sắc” mà rời xa chính đạo, bỏ vợ bỏ con; có người vì nó mà tự hủy hoại tương lai, thậm chí có người vì nó mà làm ra những sự tình khiến trời đất không thể dung thứ.
Đời người bất quá cũng chỉ mấy chục năm, dù cho sống quá trăm tuổi thì dung nhan tuổi thanh xuân liệu có được mấy mùa? Dù là nữ nhân diễm lệ hay nam nhân anh tuấn, khi đã đến tuổi xế chiều sao có thể tránh được sự tàn phá của thời gian? Lúc đó, dù là ai rồi cũng sẽ già nua, mắt mờ chân chậm, tóc bạc lưng còng.
Có câu rằng: “Trên đầu chữ sắc có cây đao”, cây đao này sẽ chém về phía ai? Khi con người thấy sắc mà khởi tâm làm việc trái với luân thường đạo lý, thậm chí còn vì nó mà hại tính mạng người khác, thì dù tưởng rằng “Thần không biết quỷ không hay”, nhưng liệu có tránh khỏi bị trừng phạt? Trên đầu chữ “sắc” có cây đao, dùng nó chém người, cuối cùng sẽ bổ về phía mình.
Hơn nữa, vì theo đuổi “sắc đẹp” hữu hạn của thân thể mà hao tổn tâm lực, đây lẽ nào lại là biểu hiện của bậc “trí giả”?
Vì “sắc” hại mệnh, thân người biến thành thú hoang
Vào triều đại nhà Đường, có một vị quan Ngự sử tên Lý Nghiễm. Có một lần ông phụng mệnh đi sứ ở Quảng Đông đã gặp phải một sự tình rất kỳ lạ.
Trên đường đi, Lý Nghiễm đột nhiên trông thấy một con hổ lớn đứng cản đường, tuy nhiên, khi vừa trông thấy Lý Nghiễm nó liền nhảy vào trong bụi cỏ.
Con hổ nhìn nhìn một lúc rồi bất ngờ mở miệng nói chuyện với Lý Nghiễm: “Ôi, thiếu chút nữa là ta đã làm hại lão bằng hữu của mình rồi!”.
Lý Nghiễm thấy vậy lại càng hoảng sợ: “Cái gì? Con hổ này biết nói chuyện sao? Có điều, giọng nói này nghe rất quen thuộc, giống như tiếng của đồng liêu Lý Vi của mình quá!”.
Con hổ nhìn ông ta rồi nói: “Lý Nghiễm à, là tôi đây! Từ sau ngày chúng ta cáo biệt, đã lâu rồi không gặp mặt”.
Hai người nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi, cùng nhau ôn lại chuyện xưa, bao ký ức lại ùa về. Lý Nghiễm vô cùng khó hiểu, liền hỏi: “Lý Vi, ông sao lại biến thành con hổ thế này, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”
Con hổ bi thương lắc đầu thở dài nói: “Có một ngày tôi đang tĩnh tọa, bỗng nhiên nghe ngoài cửa có tiếng kêu lớn, không biết vì sao, chỉ giây lát sau tôi liền biến thành bộ dạng của một con hổ. Hôm nay gặp được ông, thật quá vui mừng, ông bảo tôi không thương tâm sao được”.
Lý Nghiễm suy tư một chút rồi hỏi Lý Vi: “Ông nghĩ lại xem, trước đó ông đã từng làm chuyện gì khiến mình phải hối hận hay không?”
Lý Vi trả lời: “Có, lúc trước tôi ở vùng ngoại ô thành Nam Dương đã từng xâm hại một quả phụ, nào ngờ bị người nhà của cô ta phát hiện, họ lập mưu muốn hãm hại tôi. Tôi vô cùng tức giận, trong lúc rượu say đã giết sạch người nhà của quả phụ đó. Đây chính là sự tình khiến tôi hối hận nhất”. Nói xong, con hổ gầm lớn một tiếng rồi rời đi.
Vì “sắc” mà giết người, oán quỷ bám theo
Tại huyện Địch Dương có một người tên là Vương Cần Chính. Anh ta thấy vợ của người hàng xóm dung mạo xinh đẹp thì động tâm bất chính. Hai người sau đó đã có gian tình, còn hẹn nhau bỏ trốn đi nơi khác.
Thế nhưng, Vương Cần Chính trong tâm cảm thấy rất lo lắng, sợ một ngày chồng của cô ta phát hiện đuổi theo thì mọi chuyện không biết sẽ thế nào. Người vợ kia cũng bất an, sợ rằng người chồng sẽ gây trở ngại cho mình và nhân tình, vì để ngăn chặn hậu hoạn, đã quyết định dùng kế sát hại chồng.
Vương Cần Chính vừa nghe đến việc giết người thì thất kinh, sợ rằng bản thân sẽ bị liên lụy liền lập tức bỏ trốn một mình. Anh ta dốc sức chạy liền một mạch hơn 70 dặm ra đến bên ngoài huyện Giang Sơn, mới cảm thấy an tâm một chút, rồi tự an ủi mình: “Hẳn là không có việc gì nữa rồi, mình đã chạy xa như vậy có thể bình an thoát thân rồi”.
Lúc này, Vương Cần Chính cảm thấy đói bụng, liền đi vào một tiệm cơm trước mặt để ăn. Chẳng ngờ, chủ tiệm lại chuẩn bị ra hai phần đồ ăn cùng chén đũa.
Vương Cần Chính vẻ mặt kinh ngạc hỏi ông chủ: “Tôi chỉ tới một người, nhưng sao ông lại chuẩn bị 2 phần đồ ăn vậy?”
Ông chủ nói: “Ủa, anh tới một mình sao? Tôi vừa nhìn thấy một người đàn ông tóc tai rối bời đi bên cạnh anh, chẳng lẽ hai người không phải đi chung hay sao?”.
Vương Cần Chính kinh hãi vô cùng, trong tâm hiểu rằng đây chính là oán quỷ bám theo để chờ thời cơ trả thù, nó nhất định sẽ không chịu để yên. Nghĩ vậy, Vương Cần Chính đã chủ động đến quan phủ trình báo, nói ra hết sự tình. Người phụ nữ kia cũng nhanh chóng bị bắt, cuối cùng 2 người bị phán quyết xử tử trong cùng một ngày.
Trong câu chuyện oan hồn đòi mạng này, điều đặc biệt ở chỗ họ Vương trên bề mặt vốn không động thủ giết người, nhưng ông ta lại thông gian với vợ người ta, là nguyên nhân khiến cho người vợ xuống tay giết chồng.
Vậy nên, họ Vương tuy không giết người và đã lập tức bỏ trốn, nhưng đạo trời không dung, khó tránh khỏi cái chết. Đôi gian phu dâm phụ, mỗi người thân tuy ở một nơi khác nhau, nhưng lại nhận lấy cái chết trong cùng một ngày, cũng thật là ông trời khéo an bài, lấy đó cảnh tỉnh thế nhân!
Tuệ Tâm / Theo Tinhhoa
- Cổ nhân giảng hành thiện tích đức, nhưng hành thiện thế nào mới tích được đức?
- Lã Động Tân triển hiện thần uy, giúp người lương thiện, trị kẻ dối gian