Kiên định trong gió, mưa, băng, tuyết
Đại sứ quán Trung Quốc là cửa sổ của ĐCSTQ mở ra nước ngoài. Sự xuất hiện của những học viên Pháp Luân Công tất nhiên đã khiến họ rất lo ngại. ĐCSTQ đã vận dụng mọi biện pháp trong phạm vi quyền lực của họ nhằm ngăn cản các học viên bằng cách dựng hàng rào chắn, giăng biểu ngữ, dùng thùng nước tưới hoa để đổ nước lên người các học viên v.v. Vì thế bà Mai và các học viên đã phải mặc áo mưa trong khi ngồi thiền định.
Mùa đông ở Toronto cực kỳ lạnh giá, có khi nhiệt độ xuống thấp đến âm 20~30 độ C. Chỉ ở ngoài trời 15 phút thôi cũng đã khó chịu lắm rồi. Nhưng bà Mai và các học viên vẫn duy trì tại vị trí ấy hàng giờ đồng hồ liên tục. Họ còn dựng lên một chỗ trú nhỏ bằng gỗ chỉ vừa một người ngồi để thiền định trong đó, còn các học viên khác phải ngồi bên ngoài. Sau đó, chỗ trú đã bị dẹp bỏ do sự can thiệp của Đại sứ quán Trung Quốc. Các học viên ở phiên thỉnh nguyện đêm phải thay phiên nhau vào trong xe hơi để sưởi ấm.
Các học viên đã nhét những vật làm ấm vào trong găng tay; một số thì nấu chín khoai tây rồi mang đến phiên thỉnh nguyện đêm, giúp những đồng tu ở đó giữ ấm trong cái lạnh buốt giá.
Có lần một cơn bão đã xô một cái cây to ngã xuống gần đó, nhưng các học viên vẫn kiên định tiếp tục ngồi thiền tĩnh lặng. Khi tuyết rơi mỗi lúc một nhiều hơn, tuyết đã đóng một lớp dày trên người họ. Tuy nhiên chính đống tuyết ấy đã che gió cho họ và họ không cảm thấy lạnh cho lắm.
Một hôm nhiệt độ hạ thấp xuống âm 30 độ C vào lúc nửa đêm, một số học viên thấy quá lạnh không thể ở lại nổi. Họ quyết định sẽ hạ biểu ngữ và về nhà. Ngay khi họ sắp sửa rời đi thì một học viên tên Hướng đã cùng vợ mang chăn lông đến. Thế là mọi người không bỏ cuộc và tiếp tục ở lại đó cùng nhau hoàn thành phiên thỉnh nguyện đêm.
Chứng kiến cái lạnh và sự ấm áp ở nơi nhân thế
Cứ như vậy, cho dù trời lạnh đến đâu đi nữa, vẫn luôn có học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện tại vị trí ấy. Họ đã tạo nên một cảnh tượng độc nhất vô nhị đối với người qua đường trong những tháng mùa đông. Tất cả cư dân ở đó đều rất chấn động và bắt đầu chú ý đến thông điệp của các học viên. Một số người còn đến hỏi thông tin vào lúc nửa đêm; một số người Tây phương đã mỉm cười và biểu lộ sự ấm áp như chào hỏi, nói “Vạn sự tốt lành cho bạn!”, hoặc đến bắt tay các học viên và nói “Tôi hiểu các bạn”. Một số đến và đặt tay lên ngực, nói: “Tôi đứng về phía các bạn”. Số khác thì đưa ngón tay cái lên và nói: “Tốt lắm, các bạn phải kiên trì nhé!”
Một nhân viên vệ sinh cứ nhất quyết mua cà phê mời họ vào mỗi buổi chiều; một số người Trung Quốc thì mang cà phê đến vào ban đêm. Khi một tài xế chạy ngang qua và nhìn thấy các học viên đang ngồi dưới mưa tầm tã trong đêm tối, ông đã quay đầu xe và mua cà phê; và một một quan chức chính phủ từ Đại sứ quán Trung Quốc đã chìa tay ra khỏi áo khoác và đưa ngón tay cái lên khi ông đi ngang qua một học viên.
“Khó nhất là vào ban đêm. Không có nhà vệ sinh để đi. Một số học viên đến ba ngày sau còn chưa thấy hết lạnh. Và chúng tôi phải nhẫn chịu sự coi thường và bạo hành của một số người Trung Quốc không hiểu chân tướng”, bà Mai kể lại, “Rất khó chịu đựng, một số học viên đã bật khóc”.
“Nhưng tôi chưa từng khóc dù chỉ một lần!” Gương mặt bà Mai biểu lộ sự kiên định. “So với những học viên đang bị bức hại trong môi trường hà khắc ở Trung Quốc, những gì chúng tôi trải qua ở đây chưa là gì cả”.
Bà Mai thường trải nghiệm được những điều kỳ diệu: “Trong khi trời đang rét căm căm, nhưng chân tôi lại ấm lên mỗi khi ngồi thiền”. “Đó là lý do vì sao tôi có thể ngồi đến cuối phiên thỉnh nguyện. Nếu không thì rất khó để cầm cự trong vài tiếng đồng hồ”.
Chừng nào cuộc bức hại chưa kết thúc thì chúng tôi chưa dừng thỉnh nguyện
Thời gian thấm thoắt trôi qua và năm 2017 đã đến. Bà Mai và các học viên vẫn kiên định trước Đại sứ quán Trung Quốc trong 17 năm qua. Họ duy trì việc thỉnh nguyện luân phiên 24 giờ cho đến năm 2009, và sau đó chuyển sang các phiên buổi sáng. Ba ngày trước, bà Mai không còn làm người điều phối nữa, nhưng bà vẫn đến Đại sứ quán Trung Quốc ít nhất sáu ngày mỗi tuần.
Trong gần 18 năm qua thế giới đã thay đổi rất nhiều. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã thu hút được sự quan tâm của thế giới. Những học viên ở Toronto, từ số lượng ít ỏi ban đầu, đã phát triển lên đến hàng ngàn người. Sau từng ấy năm, khi các học viên đi đến những ngôi làng nhỏ ở ngoại ô, một số người vẫn còn hỏi: “Có phải các bạn là những người thỉnh nguyện trước Đại sứ quán Trung Quốc không?”
Hình ảnh của bà Đỗ Linh Mai “đứng vững” trước Đại sứ quán Trung Quốc chỉ là một ví dụ nhỏ trong số những hoạt động ôn hòa phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới. Trong 18 năm qua, các học viên ở Toronto đã bắt kịp với các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới, và đã tạo nên nhiều kỳ tích làm cảm động trời đất.
“Chừng nào cuộc đàn áp chưa chấm dứt, các hoạt động phản đối bức hại của chúng tôi sẽ chưa dừng lại”, bà Mai nói tiếp, “Tôi sẽ tiếp tục bước trên con đường mà tôi biết là đúng đắn”. Bà tin rằng: Tà ác nhất định sẽ bị đánh bại, và công lý chắc chắn sẽ được thực thi!!
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7252