Tác giả: Liễu Địch
[ChanhKien.org]
Nhạc Phi từ nhỏ đã lập chí tận trung báo quốc. (Ảnh: The Epoch Times)
Năm 1103, cũng chính là vào những năm cuối của nhà Bắc Tống, danh tướng kháng Kim nổi tiếng nhất của Trung Quốc – Nhạc Phi sinh ra trong một gia đình nhà nông tại huyện Thang Âm của Tương Châu (nay là An Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Tổ tiên của ông nhiều đời làm nông, cha mẹ sống trong cảnh bần hàn. Nhưng chính trong một gia đình bình thường như thế lại dạy dỗ được một vị đại anh hùng lưu danh thiên cổ.
Nhà Nhạc Phi mặc dù nghèo khổ, không được sống những tháng ngày sung túc, nhưng ông từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục vô cùng tốt. Ông có cha mẹ là những người có đạo đức cao thượng, lại có một người thầy võ nghệ cao cường, họ đều là những người đã trợ giúp ông trên con đường trưởng thành. Ví như cha của ông, trong “Tống sử” có viết, cha của Nhạc Phi là Nhạc Hòa, bản thân ngày ngày sống trong cảnh tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc, nhưng luôn tìm mọi cách giúp đỡ hàng xóm láng giềng, là một người đại lương thiện sống theo đạo lý truyền thống, hay giúp người khác trong lúc nguy nan.
Nếu hoa màu của nhà người khác mọc quá sang ruộng nhà ông thì Nhạc Hòa liền giúp họ chăm sóc chúng, đến lúc thu hoạch thì mang sang trả lại cho họ; nếu có người đến mượn tiền, Nhạc Hòa cũng không yêu cầu người ta trả lại.
Lúc Nhạc Phi ra đời, trên nóc nhà có một con chim lớn thần kỳ bay qua, cảnh tượng vô cùng tráng lệ. Cha mẹ ông nhìn thấy, tin tưởng con mình sau này rất có thể sẽ trở thành bậc lương đống của quốc gia, liền đặt tên cho ông là “Nhạc Phi”, sau này lấy tự là “Bằng Cử”, Bằng nghĩa là chim bằng – loài chim người xưa cho là to lớn nhất, Cử nghĩa là sinh ra. Từ tên gọi này, có thể thấy cha mẹ gửi gắm vào ông rất nhiều hy vọng.
Mẹ của Nhạc Phi là người có đạo đức cao thượng, bà đã cho ông sự giáo dục tốt nhất và cũng là gia tài quý giá nhất trong đời của Nhạc Phi. Tranh “Liên sinh quý tử đồ” của Lãnh Mai thời nhà Thanh. (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)
Mẹ của Nhạc Phi là Diêu Thị, cũng là một phụ nữ cực kỳ trí tuệ. Nhạc Phi sinh ra chưa đầy tháng, đê sông Hoàng Hà bị vỡ, huyện Thang Âm gặp phải một trận đại hồng thủy. Trong cơn tai ương không ngờ mà đến ấy, Nhạc mẫu trong cái khó ló cái khôn, ôm Nhạc Phi nhảy vào trong một cái chum lớn. Hai mẹ con ngồi trong chum, dập dềnh theo sóng nước, mãi cho tới khi dạt vào bờ mới được người dân cứu lên.
Trong lâm nguy bình tĩnh mà không loạn, rơi vào chỗ chết nhờ vào mưu trí mà tìm được đường sống, đều là tố chất cần có trên chiến trường. Nhạc Phi đều có lĩnh ngộ tự thân đối với binh pháp và thực chiến, chưa hề thua trận, phải chăng là được di truyền từ sự dũng cảm của mẹ ông?
Nhạc Phi thời còn niên thiếu, dưới ảnh hưởng của cha mẹ, cũng đã biểu hiện ra năng lực phi phàm. Ông bản tính đôn hậu, dụng tâm nghiên cứu sách sử và binh pháp, rất tâm đắc với “Tả Thị Xuân Thu” và “Tôn Ngô Binh Pháp”. Ông còn là bậc kỳ tài võ học có thần lực trời cho, chưa đến 20 tuổi đã kéo được cung ba trăm cân (1 cân bằng ½ kg), nỏ tám thạch (1 thạch bằng 120 cân).
Đương nhiên, ngọc bất trác bất thành khí, Nhạc Phi bái Chu Đồng là bậc danh gia võ học hào hiệp trứ danh lịch sử làm thầy, nắm giữ tuyệt kỹ khai cung. Sau này, Nhạc Phi đem loại võ nghệ này truyền lại cho tướng sĩ dưới trướng, nâng vọt năng lực thực chiến của quân Tống.
Sau khi Chu Đồng tạ thế, Nhạc Phi rất đau lòng, mỗi lần vào mùng một, ngày rằm đều mang rượu thịt đến trước mộ thầy tế bái. Nhạc Hòa biết được lòng hiếu thuận của ông, rất tán thưởng, cũng kịp thời nhắc nhở ông ý nghĩa chân chính của việc đọc sách và luyện võ: “Nếu như sau này con có cơ hội báo ân đền đáp quốc gia, thì có thể vì nước mà hy sinh, xả thân vì nghĩa không?”. Khổng Tử từng nói: “Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín như Khâu giả” (tạm dịch: một thôn có mười nhà, ắt có người trung tín như họ Khâu ta). Nhạc Hòa chẳng phải chính là hiền nhân trung nghĩa báo quốc mà Khổng Tử từng nói hay sao?
Vào thời điểm ấy, triều Tống trong ngoài rối ren nghiêm trọng, nước Kim ở phương Bắc nhìn chằm chằm như hổ đói. Đối với Nhạc Phi văn võ song toàn mà nói, sinh ra trong thời loạn thế, đây chính là lúc ông vì quốc gia mà dốc sức. Năm thứ hai Tuyên Hòa, tức năm 1120, hai nước Tống Kim nhất trí với “Hải thượng minh ước”, cùng nhau tấn công nước Liêu. Tướng nhà Tống là Lưu Cáp chiêu mộ “Cảm chiến sĩ”, Nhạc Phi lúc ấy 20 tuổi sức vóc đầy mình là một trong những dũng sĩ tham gia ứng tuyển.
Đánh giặc là một việc hết sức nguy hiểm, có khả năng phải mất đi sinh mệnh, mà quân đội thì nam chinh bắc chiến, không có nơi ở cố định, nên có thể nói vào thời chiến loạn, các tướng sĩ gần như đoạn tuyệt liên hệ với người thân. Mặc dù Nhạc Phi lập chí tòng quân, nhưng người xưa dạy “Phụ mẫu tại, bất viễn du” (tạm dịch: cha mẹ vẫn còn thì không đi xa) khiến ông khó lòng rời bỏ quê hương, rời xa người thân đang già cả của mình.
Chu Đồng dạy Nhạc Phi thuật bắn cung. (Ảnh thuộc sở hữu của cộng đồng)
Lúc ấy, người mẹ vừa thông minh vừa đại nghĩa của Nhạc Phi đã đứng ra dạy con, lưu lại câu chuyện “Nhạc mẫu thích chữ” truyền mãi đến muôn đời sau. Trong “Thuyết Nhạc toàn truyện” có viết, Nhạc mẫu đã giúp Nhạc Phi giải quyết vấn đề khó khăn “Trung hiếu không cách nào vẹn cả đôi đường”. Bà đã đích thân thích lên trên lưng ông bốn chữ “Tinh trung báo quốc”, dùng kim thêu thích từng điểm từng điểm, rồi dùng mực giấm tô lên. Từ đó, Nhạc Phi kiên định với lòng tin ra trận giết địch, trung quân báo quốc, sống cả một đời hành quân đánh trận.
“Tống sử” cũng viết rằng, khi Nhạc Phi chịu oan bị đưa vào trong ngục, ông vì để chứng minh sự trong sạch đã để lộ lưng mình ra. Viên quan thẩm vấn nhìn thấy bốn chữ lớn “Tinh trung báo quốc” thích trên lưng ông, chữ nào cũng hằn sâu vào trong cơ bắp, đã chấn động sâu sắc! Bất kể là “Tinh trung báo quốc” hay là “Tận trung báo quốc”, đều là thể hiện chân thực sự trung thành và can đảm của Nhạc Phi. Dưới sự giáo dục trường kỳ của cha mẹ, ông không quên nỗi nhục của đất nước, quyết chí thu phục lại non sông, lưu lại trong lịch sử hình tượng văn hóa trung nghĩa cảm động lòng người.
Sau khi đứng vào hàng tướng, ông hồi tưởng lại đời quân ngũ của mình và nói: “Lúc đất nước mới bình định được đất Yến Vân, ta mới búi tóc thành niên, bắt đầu tòng quân. Ta phát lời thề vì quốc gia mà tận tâm tận lực, đã sớm quên đi gia đình nhỏ của chính mình”. Lời này không chỉ khái quát lại một đời trên lưng ngựa của Nhạc Phi, mà còn ngưng đọng những lời dạy bảo mà cha mẹ ông đã khổ tâm giáo dục con mình!
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/18/9/29/n10750460.htm
Ngày đăng: 09-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org