Ngày xưa, có một người đàn ông nổi tiếng khắp xa gần vì đã dành cả cuộc đời làm việc thiện. Đến khi ông trăm tuổi lâm chung, con cháu đều quỳ trước ông mà khóc thương rằng: “Ông sắp rời xa chúng con rồi, vào phút cuối cùng xin ông hãy để lại cho chúng con một vài lời…”
Ông lão trả lời: “Các con chỉ cần nhớ tới câu này: Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”.
Đời người tựa như một ván cờ rất lớn, bạn ở đó tiến lui một hồi, có thể sẽ tích lũy được sức mạnh không ít. Cũng giống như lời nhà Phật, đó chính là: Phúc báo về sau.
Những gì bạn đang gánh chịu bây giờ đều là do bạn đã khởi tâm động niệm mà thành. Những gì bạn có trong tương lai đều là do từng hành vi cử chi bây giờ tạo nên.
Phúc đức đến từ thiện lương
Walter Salles là đạo diễn phim nổi tiếng người Brazil. Trong một lần chuẩn bị cho bộ phim mới của mình, Walter đã tới vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố. Và tại đây, khi đứng trên quảng trường trước nhà ga thì ông gặp một cậu bé đánh giày khoảng hơn 10 tuổi.
Cậu bé hỏi: “Thưa ông, ông có muốn đánh giày không ạ?”
Walter cúi đầu nhìn đôi giày da bóng loáng dưới chân mình rồi lắc đầu từ chối. Khi ông vừa quay người bước đi thì đột nhiên cậu bé gọi từ phía sau. Khuôn mặt cậu bé đỏ ửng, ánh mắt nhìn ông như đang van nài: “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu mượn chút tiền không ạ? Từ ngày mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn, đảm bảo là sau một tuần cháu sẽ trả lại tiền cho ông!”
Walter động lòng trắc ẩn, ông bèn lấy ra vài đồng xu đặt vào tay cậu bé. Cậu bé rối rít nói lời cảm ơn rồi chạy vụt đi.
Walter lắc đầu, những đứa trẻ sành sỏi sự đời như thế ông đã gặp nhiều rồi. Và rồi ông lại cuốn vào vòng xoáy bận rộn với bộ phim mới nên cũng quên luôn chuyện cậu bé mượn tiền.
Bẵng đi một thời gian, ông lại có dịp đi qua nhà ga ở ngoại ô phía Tây thành phố. Bỗng nhiên một bóng dáng gầy guộc và nhỏ bé vẫy gọi ông từ xa: “Ông ơi, ông đợi một chút ạ!”
Tới khi cậu bé mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho ông vài đồng xu thì Walter mới nhận ra đó là cậu bé đánh giày ngày nào.
Cậu bé thở hổn hển: “Ông ơi, cháu đợi ông ở đây lâu lắm rồi, hôm nay cuối cùng cháu cũng trả lại tiền cho ông!”
Walter cầm đồng xu ướt nhẹp mồ hôi, đột nhiên trong lòng ông trào lên một luồng hơi ấm áp. Ông đặt các đồng xu vào tay cậu bé, cười và nói với cậu rằng: “Ngày mai cháu tới văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố tìm ông nhé, ông sẽ dành cho cháu một điều bất ngờ”.
Hôm sau, nhân viên công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một vài đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đang đứng đợi. Cậu bé đánh giày nhìn thấy Walter bèn chạy đến và vui vẻ thưa rằng: “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!”
Walter không thể ngờ rằng một đứa bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Vì vậy ông đã quyết định chọn cậu bé đánh giày làm diễn viên chính trong bộ phim mới của mình. Ông đã giải thích lý do cậu được miễn thi tuyển như sau: “Vì sự lương thiện của mình, cháu không cần phải thi sát hạch!”
Thiện lương với người khác cũng là thiện đãi với chính mình
Một vị doanh nhân thường lặng lẽ gửi tiền ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, ông không bao giờ xuất hiện mà luôn nhờ người khác liên hệ giúp mình, bởi ông không muốn các em biết mình là ai.
Có người không hiểu hỏi nguyên cớ vì sao, ông đáp: “Một là để giữ gìn sự tôn nghiêm cho các em, để các em được giúp đỡ với lòng tự tôn. Hai là để các em không mang gánh nặng tư tưởng khi nghĩ tới việc báo đáp tôi thế nào”.
Người ấy vẫn không hiểu, lại hỏi rằng: “Thế anh mong cầu điều gì?”
Ông nói: “Nếu chỉ để mong cầu thì có lẽ tôi đã không làm việc ấy. Những năm qua công ty tôi làm ăn khá thuận lợi, từ công ty nhỏ thành công ty lớn, từ công ty yếu thành công ty mạnh. Tôi luôn tự hỏi, phải chăng đó là ưu ái mà ông Trời dành cho mình? Bởi vậy, tôi làm chút việc tốt không phải vì muốn nổi danh, mà chỉ là để mình xứng đáng hơn”.
Kỳ thực, những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Cho yêu thương, bạn sẽ gặt hái yêu thương; trao hy vọng, bạn sẽ tăng thêm hy vọng. Vậy nên, nếu bạn muốn được yêu thương, thì trước tiên hãy yêu thương người khác, nếu bạn muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với họ.
Sinh mệnh giống như một tiếng vọng, bạn dành lương thiện cho người khác, cuối cùng thiện lương lại quay trở về bên bạn. Dù bạn đối xử tốt với ai, thì nhìn xa hơn thực ra lại là tốt với chính mình. Khi bạn phát hiện thấy từng nhành cây, ngọn cỏ, từng bông hoa đều đang mỉm cười với bạn; khi bạn phát hiện ra rằng mọi chuyện đều hanh thông thuận lợi; khi bạn phát hiện ra những người xung quanh ngày càng yêu mến bạn, thì đó chính là tiếng vọng lại của thiện lương.
Lục tổ Huệ Năng từng giảng: “Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”.
Đúng vậy, trên mảnh đất trái tim nếu chúng ta ươm xuống những hạt giống lương thiện, thì sẽ có một ngày chúng kết trái đơm hoa.
Quỷ dữ cũng phải kính sợ:
Cách đây rất lâu, trong một thôn làng nơi vùng núi xa xôi, có bậc thầy về điêu khắc nổi tiếng khắp xa gần. Bởi kỹ xảo điêu khắc của ông rất cao siêu, nên ngôi chùa cạnh ngọn núi kế bên đã mời ông đến để tạc tượng Bồ Tát.
Nhưng để đi đến ngôi chùa đó thì cần phải băng qua một ngọn núi có rừng cây rậm rạp. Người ta vẫn truyền tai nhau rằng trên núi có “quỷ dữ”. Những người từng băng qua ngọn núi ấy, nếu không thể ra khỏi đó trước khi trời tối, thì sẽ chết dưới tay một nữ quỷ vô cùng hung ác.
Bởi vậy, rất nhiều người thân và bạn bè đã gắng sức khuyên ông hãy chờ đến sáng hôm sau mới lên đường để tránh gặp điều bất trắc. Nhưng vì không muốn trễ hẹn với các vị tăng sư, thầy điêu khắc vẫn quyết định lên đường như dự định.
Ông đi mãi đi mãi, lúc này sắc trời đã dần dần chuyển sang tối, ánh trăng đang nhô lên quá đỉnh đầu, các vì sao cũng lờ mờ xuất hiện trên bầu trời.
Ồ, lạ chưa kìa, ở nơi hoang vu thế này sao lại xuất hiện một cô thôn nữ? Quả thật, trước mặt ông là một cô gái đang ngồi bên vệ đường, hai bàn chân rớm máu, đôi giày cỏ cũng rách bươm hết cả, khuôn mặt cô toát lên vẻ mệt mỏi, phờ phạc.
Thầy điêu khắc thấy có điều gì đó kỳ lạ trong lòng, nhưng ông vẫn đến bên hỏi xem cô gái có cần giúp đỡ gì không?
Thì ra cô gái ấy là người làng bên, vì lên núi hái lá thuốc mà bị lạc đường, nên tới tận bây giờ vẫn loanh quanh chưa ra khỏi núi này. Thầy điêu khắc nghĩ rằng, dẫu sao cũng cùng một đoạn đường, ta hãy mở lòng với người đang cần được giúp đỡ. Thế là, ông liền đề nghị cõng cô gái đi một đoạn.
Dưới ánh trăng vằng vặc, một người đàn ông lớn tuổi đang cõng cô gái trẻ bước đi từng bước. Hạt mồ hôi đẫm ướt trên lưng ông, cả trên mái đầu tóc đã điểm hoa râm, từng giọt từng giọt toả sáng long lanh dưới ánh trăng huyền ảo. Khi cảm giác như không thể bước tiếp được nữa, ông mới dừng lại nghỉ một chút.
Lúc này, cô gái hỏi nhỏ: “Đây là chốn rừng thiêng nước độc, lẽ nào ông không sợ nữ quỷ trong truyền thuyết hay sao? Vì sao ông không mau mau tranh thủ lên đường, lại còn mất thời gian vì tôi làm gì nữa?”.
“Thật ra tôi cũng muốn gấp rút lên đường lắm chứ!”, thầy điêu khắc trả lời. “Nhưng nếu để cô một mình ở lại nơi rừng núi hẻo lánh này, lỡ như cô gặp phải nguy hiểm thì biết làm sao đây? Tôi cõng cô đi, tuy có mệt một chút, nhưng chí ít thì trong lòng tôi sẽ yên tâm vạn phần. Hơn nữa cô nghĩ xem, có thêm người đi cùng, chẳng phải sẽ tốt hơn sao?!”.
Đúng lúc ấy, thầy điêu khắc nhìn thấy bên đường có một khúc gỗ lớn, ông bèn lấy dụng cụ mang theo người ra. Rồi ông đưa mắt nhìn cô gái, chỉ loáng một cái đã khắc xong bức tượng tuyệt đẹp.
“Sư phụ này, ông đang đẽo đẽo gọt gọt cái gì vậy?”, cô gái tò mò hỏi.
Thầy điêu khắc trả lời: “Tôi đang tạc tượng Bồ Tát”. Sau đó ông từ tốn giải thích: “Tôi cảm thấy gương mặt của cô rất hoà ái từ bi, giống hệt hình ảnh Bồ Tát mà tôi từng gặp vậy. Nhân đây, tôi muốn dựa theo dung mạo của cô mà điêu khắc một bức tượng Bồ Tát dâng lên chùa”.
Vừa nghe thấy những lời ấy, đột nhiên cô gái ôm mặt khóc nức nở, bởi cô chính là “nữ quỷ” đáng sợ mà dân làng vẫn đồn thổi.
Và cô gái chậm rãi kể cho ông nghe câu chuyện của mình.
Dưới trăng sáng, nghe câu chuyện “nữ quỷ” trong truyền thuyết
Rất nhiều năm về trước, cô từng dẫn theo đứa con gái nhỏ băng qua ngọn núi này để về thăm quê ngoại. Giữa đường hai mẹ con chẳng may gặp phải toán cướp, cô không có sức kháng cự đã bị chúng làm nhục, còn đứa con gái nhỏ của cô thì bị giết hại. Cô quá đau đớn đã gieo mình xuống khe núi tự vẫn, hóa thành “quỷ dữ”, đêm đêm vẫn thường hiện lên để chờ ngày báo thù toán cướp ấy.
Cũng kể từ đó, mỗi khi bóng tối bao trùm lấy khu rừng, cô lại hiện ra trong hình dáng một cô thôn nữ trẻ đẹp để thử lòng người qua đường. Cô đã gặp rất nhiều người khác nhau, từ thanh niên trai tráng cho đến những người đàn ông đã đến tuổi xế chiều. Trong số họ, khi nhìn thấy cô gái trẻ giữa nơi thanh vắng này, hầu hết đều khởi tâm bỉ ổi. Một niệm tà ác dẫn mời tà ma, bởi vậy cô đã hoá thành quỷ dữ lấy đi tính mạng những người ấy.
Bao nhiêu năm qua đi, cô không còn tin rằng con người vẫn còn giữ được tấm lòng ngay chính, trong tâm cô nỗi hận thù lại càng thêm thù hận. Vậy mà hôm nay cô thật không ngờ lại gặp được một bậc nhân đức, người đã không coi cô là quỷ dữ, mà ngược lại, còn khen ngợi rằng “dung mạo của cô rất hiền từ, giống hệt như Bồ Tát”.
Câu nói ấy mang theo sức mạnh của thiện niệm, xoá tan đi mọi nỗi thù hận trong lòng quỷ nữ. Trong nháy mắt, cô hóa thân thành một vầng ánh sáng rực rỡ, hoà tan vào thung lũng đêm trăng.
Ngày hôm sau, khi thầy điêu khắc đến ngôi chùa bên kia ngọn núi, ai nấy đều kinh ngạc bởi ông đã có thể sống sót mà trở về. Cũng từ đó về sau, không ai còn nhìn thấy nữ quỷ hung ác trong truyền thuyết nữa.
Tâm tồn giữ thiện niệm sẽ cảm hoá đất trời…
Thiết nghĩ, nếu có thể mở rộng cánh cửa mà tiếp nhận người khác, thì bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được thành ý của chúng ta. Chỉ cần trong lòng luôn tồn giữ thiện niệm, yêu thương người khác như chính bản thân mình, thì ngay đến cả nữ quỷ cũng cảm động mà rơi lệ, huống chi là con người chúng ta giữa đời thường.
Trong xã hội rối ren này, rất nhiều người đều mang tâm lý đề phòng người khác, ôm giữ thành kiến mà nhìn nhận và đánh giá mọi người. Nhưng đó lại là nguyên nhân khiến quan hệ giữa người với người dần trở nên lạnh nhạt, cư xử giữa người với người dần chuyển sang phòng bị, đấu tranh, bầu không khí cũng từ đó mà căng thẳng giống như gươm tuốt vỏ, như nỏ giương dây…
Nếu mỗi chúng ta có thể làm được giống như vị thầy điêu khắc trong truyện ngắn trên đây, lấy “tấm lòng Bồ Tát” mà đối đãi với mọi người và sự việc xung quanh, thì thiện tâm của chúng ta sẽ cảm hoá cả đất trời…
Sưu tầm