Người có trải nghiệm cận tử thấy mình di chuyển qua một đường hầm, thường với tốc độ lớn, và nhìn thấy ánh sáng rực rỡ. (Ảnh: Pixabay)
Vì không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi chết, nên cái chết luôn là chủ đề người ta né tránh vì gây nên cảm giác sợ hãi, hoang mang. Và chắc chắn hầu hết mọi người đều sợ chết trừ những người đã có trải nghiệm cận tử.
Cái chết là nơi đến không thể tránh khỏi, bắt đầu ngay từ khi chúng ta sinh ra. Chúng ta chỉ không biết nó sẽ đến lúc nào, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Ở nhiều nền văn hóa người ta gọi đây là đề tài cấm kỵ vì cho rằng nó mang lại vận rủi.
Trải nghiệm cận tử là gì?
Trải nghiệm cận tử có thể hiểu là một người đã chết nếu xét trên các chỉ số sinh tồn của y khoa, nhưng sau đó được hồi sức, và sống lại một cách thần kỳ. Do vậy, khoa học cho rằng, trải nghiệm cận tử là sự kiện thần bí, siêu việt, trong đó ranh giới giữa không gian, thời gian, và nhận thức tri giác bị xóa nhòa.
Những người có trải nghiệm cận tử thường mô tả quá trình đó tương tự như việc du hành qua một đường hầm, nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, gặp gỡ những người đã khuất hoặc các sinh mệnh tâm linh.
Không phải tất cả những người cận kề cái chết được hồi sức đều có trải nghiệm cận tử. Những người này sau khi sống lại cũng không mất đi nỗi sợ hãi về cái chết như những người có trải nghiệm cận tử.
Vậy nên, việc giải mã trải nghiệm cận tử càng trở nên thôi thúc hơn bao giờ hết.
Những cảm giác tương đồng của những người có trải nghiệm cận tử
Điểm tương đồng căn bản của những người có trải nghiệm cận tử là cảm giác dễ chịu. Nghe có vẻ rất mâu thuẫn: cận kề cái chết nhưng lại dễ chịu. Những người này cho biết họ có cảm giác vô cùng tích cực trong trải nghiệm này. Họ có được cảm giác bình yên, tình yêu vô điều kiện và niềm vui khi trong trải nghiệm cận tử.
Một số người có trải nghiệm linh hồn thoát xác. Họ thấy bản thân mình chỉ còn tồn tại ý thức. Ý thức này nhận thức rõ ràng những gì đang xảy ra cho cơ thể vật chất của họ. Ví dụ thấy cơ thể mình đang được hồi sức, rồi phản ứng của những người xung quanh thân thể của mình.
Một số khác lại thấy mình di chuyển qua một đường hầm, thường với tốc độ lớn, nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, gặp gỡ những người đã khuất, nhìn thấy những cảnh đẹp ở thế giới bên kia và vượt qua những ranh giới vật lý.
Đa phần đều cùng chung quan điểm là trải nghiệm về cái chết hoàn toàn dễ chịu và không nên sợ hãi.
Một điểm tương đồng quan trọng hơn ở những người có trải nghiệm cận tử là sau khi sống lại, họ đều không còn sợ chết, nhưng lại trân trọng cuộc sống, sống cuộc đời mình theo những giá trị đạo đức cao cả, cũng như ra sức khuyến khích người thân, và những người xung quanh theo đuổi một cuộc sống hướng thiện, biết đủ trong những tham vọng về danh vọng, tiền bạc, hay ái tình.
Thông điệp đằng sau trải nghiệm cận tử
Không chỉ phương Tây, hầu hết con người trên thế giới hiện nay đều cho rằng cái chết là kết thúc. Có lẽ trải nghiệm cận tử đối với một số người để truyền tới chúng ta một thông điệp: cho rằng chết là hết là một tư duy hết sức sai lầm.
Những người có trải nghiệm cận tử khẳng định cái chết không phải là sự kết thúc. Họ nhận thấy có ý thức và sự tồn tại bên ngoài cơ thể vật lý.
Các nghiên cứu quy mô lớn gần đây được thực hiện trên khắp Hoa Kỳ, Anh, Áo và Bỉ cung cấp những phát hiện đáng tin cậy cho thấy trải nghiệm cận tử là hiện tượng có thật.
Dù tranh luận về trải nghiệm cận tử sẽ vẫn còn tiếp diễn vì khoa học hiện nay là khoa học thực chứng, cho tới khi nào họ phải thu thập được đủ chứng cứ minh bạch như “1+1=2” về trải nghiệm cận tử thì chắc mới dừng mọi tranh luận. Nhưng những thông tin thu thập tới nay có thế củng cố niềm tin rằng sinh mệnh vẫn tiếp tục tồn tại khi cơ thể vật lý dừng hoạt động.
Và sự thật quan trọng nữa là những người đã trải qua kinh nghiệm cận tử đã hoàn toàn mất đi nỗi sợ hãi hiện hữu nhất của nhân loại, sợ chết – điều mà ngay cả những liệu pháp tâm lý tiên tiến nhất cũng không thể đạt được.
Và dù không còn sợ chết, thì những người có trải nghiệm cận tử không muốn chết. Họ muốn sống và hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng khi cái chết đến gọi thì họ cũng không còn sợ hãi. Đó chẳng phải là một điều phi thường hay sao?
Theo The Conversation
Lê Na biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam