Thông điệp từ câu chuyện ‘internet về làng’ của một bộ lạc vùng Amazon. (Chụp video)
Tiếng ve kêu râm ran trên những hàng cây xà cừ, sấu cổ, cùng với màu đỏ rực cháy của phượng vĩ, tím ngắt của bằng lăng… báo hiệu hè đã về.
Tuổi thơ xưa luôn háo hức mùa hè. Là vì mùa hè sẽ được nghỉ học hoàn toàn, và trước mắt người học sinh là 3 tháng hè trọn vẹn với bạn bè và những trò chơi tuổi thơ. Hè về, phố xá xôn xao, trời nhẹ lên cao, vòm lá xanh ngắt. Những cơn mưa rào nối nhau mát lạnh khiến phố bỗng thành sông, cá rạch trên đường, trẻ em hồn nhiên tắm mưa, người lớn ngăn cản bằng thừa. Lại có những trưa hè trốn ngủ, lang thang với chúng bạn để trèo sấu, bắt ve, nhặt bàng, tắm hồ, sắm quay gỗ phố Tô Tịch, mua cá chọi chợ Hàng Da… Thời xưa vắng vẻ nhưng sạch sẽ, phố sạch, nước mưa sạch, nước mương cũng sạch, tấm lòng cũng trong sạch, mắt trẻ cũng trong veo.
Nếu mùa hè ấy được về quê chơi lại càng thích thú hơn nữa. Vùng đồng chiêm trũng có trò câu cá, tát cá, tắm ao cạnh nhà, ra đồng mót lúa, trưa hè đu võng dưới rặng tre mát rượi. Miền sơn cước có leo núi leo đồi, hái sim hái mua. Ở miền biển lại đi theo ghe thuyền, câu cá câu mực, nhặt vỏ ốc, vỏ sò, bắt con dã tràng trên cát v.v. Miễn là được về quê chơi, trẻ thơ sẽ được đánh khăng, thả diều, đổ dế, hái hoa bắt bướm, đuổi châu chấu bắt cào cào. Chiều về tránh nóng bằng cách nhảy ùm xuống sông bơi lội, sông quê xanh ngắt, lấp lánh ráng chiều, nước đầy ăm ắp, cùng tiếng trẻ cười vang vọng mặt sông. Trẻ ở quê đứa nào cũng đen nhẻm vì phơi nắng cả ngày, khi khát uống nước mưa ở bể, lúc đói ăn tạm quả trong vườn, sống dân dã vậy nhưng ít khi phải uống thuốc. Và có những đêm trăng sáng nằm bên nhau trên thảm cỏ, nghe tiếng dế kêu rỉ rả, tay gối đầu, mắt ngắm sao, và rủ rỉ tâm tình chuyện mai sau…
Ngày nay, người trưởng thành hay nhìn về những bức ảnh thời thơ ấu ấy với đầy hoài niệm và thầm cảm ơn một tuổi thơ không có internet.
Bởi dù không có internet, nhưng có thiên nhiên trong sạch, và có tương tác giữa con người với con người, có tình người gần gũi và cuộc sống tương đối thanh bình.
Nhưng internet đã đến, thậm chí đến cả nơi tận cùng của thế giới với những cư dân chất phác, và điều gì đã xảy ra với chúng ta thì ắt cũng xảy ra với họ.
Bộ lạc Marubo trước và sau khi có internet
Marubo là một bộ lạc người Brazil bản địa sống ở lưu vực thượng lưu sông Amazon, dọc theo sông Ituí ở Brazil. Cách đây 9 tháng, để giúp bộ lạc này tiếp cận với giáo dục, được trợ giúp y tế một cách dễ dàng hơn, tỷ phú Elon Musk đã sử dụng hệ thống vệ tinh Starlink cùng hạ tầng công nghệ đi kèm, khiến người dân ở đây lần đầu tiên có thể kết nối Internet.
Trong xã hội Marubo trước đây, đàn ông phá rừng để trồng chuối và sắn, họ còn săn bắn, làm thuyền, làm trống và ghế dài. Phụ nữ chăm sóc khu vườn chuối và sắn, làm võng, đồ gốm, đồ trang sức, quần áo bằng vỏ sò và những bữa ăn cầu kỳ. Nhưng internet đã làm cuộc sống của 2000 thành viên bộ lạc Marubo này thay đổi.
Ban đầu, Internet được coi là một phương tiện tích cực đối với những bộ lạc ở xa như Marubo, để họ có thể nhanh chóng báo tin và được trợ giúp trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như bị rắn độc cắn hay các tai nạn khác.
Vị thủ lĩnh 40 tuổi của bộ lạc Marubo là Enoque Marubo khẳng định rằng Internet đã cứu được nhiều mạng sống. Các thành viên cũng có thể chia sẻ tài nguyên giáo dục với các bộ lạc Amazon khác và kết nối với bạn bè và gia đình hiện đang sống ở nơi khác. Có Internet thì những người trẻ cũng biết rằng thế giới không chỉ có cánh rừng Amazon này.
Một thiếu niên nói với tờ The New York Times rằng, cô mơ ước được du lịch vòng quanh thế giới, trong khi một thiếu niên khác cho hay niềm khao khát trở thành nha sĩ ở São Paulo.
Song, nếu chỉ có vậy thì chưa có gì đáng lo ngại.
Một trưởng lão 73 tuổi tên là Tsainama Marubo đã nói với tờ The New York Times rằng: “ban đầu khi mới có internet, mọi người đều vui vẻ. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn. Giới trẻ trở nên lười biếng vì Internet, chúng đang học theo cách của người da trắng”.
Tộc trưởng Enoque, người ban đầu rất ủng hộ internet cũng nói rằng Internet bắt đầu “có hại”, đặc biệt là đối với chế độ săn bắn và đánh cá của bộ tộc. Ông nói rằng, với quá nhiều thứ để tìm hiểu trên mạng, không ai muốn thực hiện công việc này.
Người dân bộ lạc trở nên nghiện điện thoại internet đến mức các nhà lãnh đạo Marubo lo sợ rằng lịch sử và văn hóa của bộ lạc vốn được truyền khẩu có thể bị mất đi vĩnh viễn. Giờ đây, giới trẻ Marubo chỉ chăm chăm nhìn vào màn hình smartphone, không còn hứng thú trò chuyện với gia đình và xóm giềng như trước nữa, những câu chuyện truyền thống, lịch sử và văn hóa của bộ lạc Marubo này sẽ ngày càng xa lạ đối với họ. Game, chat chit và thậm chí là cả video clip khiêu dâm còn hấp dẫn với họ hơn nhiều.
Các trò chơi điện tử, cụ thể là game bắn súng góc nhìn thứ nhất, cũng đã trở thành một vấn đề gây băn khoăn trong bộ tộc, khiến một số trưởng lão lo ngại rằng chúng sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ với bạo lực.
Những clip phim khiêu dâm còn nhức nhối hơn nữa đối với một bộ lạc thuần phác, mà một hành động hôn nhau nơi công cộng trước kia còn khiến họ phải cau mày. Nhưng giờ đây, Alfredo Marubo – một già làng của Marubo – đã chia sẻ một sự thật đáng lo ngại: nhiều thanh niên Marubo đã truyền nhau video khiêu dâm trong các cuộc trò chuyện nhóm và ông Alfredo cũng đã quan sát thấy nhiều “hành vi tình dục hung hăng” hơn ở một số người trong số họ.
“Chúng tôi lo lắng giới trẻ sẽ muốn thử nó”, ông nói.
Đó là chưa kể những người khác trong bộ lạc nói rằng họ đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên Internet vì thiếu hiểu biết về kỹ thuật số.
Một số quan chức ở Brazil đã chỉ trích việc triển khai chương trình internet này tới các cộng đồng vùng sâu vùng xa, cho rằng các nền văn hóa và phong tục đặc biệt giờ đây có thể bị mất đi vĩnh viễn. Khi những kết nối giữa con người với con người mất đi, mọi người đều trở nên xa lạ. Khi những kết nối giữa con người với thiên nhiên mất đi, máy móc sẽ thế chỗ khiến cho cuộc sống ngày càng giống như bị lập trình, máy hóa. Và khi con người, đặc biệt là giới trẻ không đủ kháng lực với những hấp dẫn đáng sợ từ internet, đạo đức sẽ bị hủy hoại trước tiên. Sau đó thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Trong bộ phim hài nổi tiếng “Đến thượng đế cũng phải cười” phát hành năm 1980, một bộ lạc nguyên thủy vô cùng chất phác tên là San sống hạnh phúc bên nhau ở sa mạc Kalahari – Nam Phi. Một ngày, họ nhặt được một chiếc vỏ chai Coca từ trên trời rơi xuống. Họ phát hiện ra những công dụng của nó trong đời sống, điều này khiến cho những thành viên bộ lạc đều muốn giành cái chai ấy cho riêng mình, và từ đó, bộ lạc San không còn có thể sống yên bình được nữa.
Một chiếc chai của người hiện đại cũng có thể gây xung đột cho một bộ lạc nguyên thủy, nói gì đến thế giới đầy ma thuật của internet. Câu hỏi đặt ra là: “Đối với một bộ lạc như Marubo, có cần thiết phải sử dụng internet hay không?” Bởi vì họ vẫn tương đối ổn trước khi có internet. Câu hỏi ấy tiếp tục được chuyển đến thế giới hiện đại chúng ta, những người vốn đã gắn chặt với internet, nhận quả ngọt và cả trái đắng của nó từ lâu.
Tác động của internet đến thế giới hiện đại
Chúng ta đã mở đầu câu chuyện với sự luyến tiếc về một tuổi thơ, một cuộc sống yên bình thời chưa có internet với tất cả những quyền năng và hệ lụy của nó. Như bất cứ một sự vật hiện tượng nào khác, internet cũng có hai mặt tốt – xấu của nó. Một mặt, nó có thể giúp chúng ta kết nối nối với những người bên kia trái đất; mặt khác nó lại khiến chúng ta thờ ơ với người thân thiết sống ngay bên cạnh mình. Một mặt, nó đem lại nguồn tri thức sâu rộng từ khắp nơi trên thế giới; mặt khác, nó lại làm trí óc chúng ta trở nên cùn nhụt, dễ dãi với những thông tin nông cạn. Một mặt, nó giúp ta tiếp cận lòng tốt, cái đẹp và sự cao thượng; mặt khác, nó lại có thể dẫn chúng ta tới sự trụy lạc, thấp hèn và hư hỏng. Một mặt, internet có thể giúp ta thông thái hơn; mặt khác, nó lại làm ta lười nhác và yếu ớt hơn. Một mặt, nó giúp ta được học hỏi; mặt khác, nó lại khiến ta thiếu thực tế và thiếu linh hoạt hơn. Một mặt, nó khiến cuộc sống thuận tiện hơn; mặt khác, nó lại lấy đi sự riêng tư, bí mật và an toàn v.v.
Ngay cả những công cụ, những mạng xã hội nổi tiếng trên internet như Google, Facebook, Youtube, Tiktok v.v. cũng vậy. Chẳng hạn, Tiktok cung cấp nội dung giải trí, nhưng thiếu tính giáo dục và bị cho là khiến người xem nông cạn, thiếu kiên nhẫn, thiếu tập trung hơn, thậm chí là mắc nghiện với những clip ngắn của họ. Các ông lớn Big Tech đã từng bị kiện vì làm rò rỉ dữ liệu người dùng, theo dõi người dùng và không bảo mật dữ liệu cho họ. CEO Facebook từng mấy lần phải điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ vì vụ bê bối khiến 87 triệu thông tin người dùng bị rò rỉ. Năm 2023, Google mất 5 tỷ USD để dàn xếp vụ kiện liên quan quyền riêng tư của người dùng. Ở phương Tây, người ta “hỏi xoáy”: “Google giúp tìm kiếm mọi thứ, nhưng chừng nào Google tìm thấy đạo đức của mình? Facebook cung cấp cho nhân loại khuôn mặt điện tử, nhưng riêng Facebook có bao nhiêu bộ mặt?” v.v.
Nếu sử dụng internet mà không ý thức được cái hại của internet, thì internet sẽ có khả năng khống chế tinh thần của con người, và khiến con người có thể làm ra những điều tệ hại hơn nữa.
Song, internet đã ăn sâu vào cơ thể của xã hội hiện đại như đường gân mạch máu, khó mà có thể dứt bỏ tức thì. Vậy thì đâu là giải pháp?
Giải pháp khả dĩ nhất lúc này: một mạng xã hội phong phú các nội dung trong sạch
Ngày nay, rất nhiều người dùng internet, nhất là các bậc cha mẹ có nhu cầu kiểm soát việc truy cập internet của con trẻ. Nếu có cầu, ắt sẽ có cung.
Có những nhà cung cấp dịch vụ mạng đã phát triển những công cụ kiểm soát, ví như khóa trẻ em đối với những kênh của người lớn, hay những nội dung xấu. Có những bậc cha mẹ hạn chế con cái lên internet, hoặc chỉ cho phép chúng được truy cập internet vào một số giờ nhất định trong ngày, ở một số website nhất định. Có người cấm hẳn trẻ nhà mình truy cập mạng. Song, trong thời đại này, nếu không sử dụng internet thì cuộc sống và công việc cũng không thuận lợi, mà người ta sử dụng internet cũng không chỉ cho mỗi một việc. Khi không thể lập tức dứt bỏ internet, hãy giảm thiểu tác hại do những nội dung xấu trên internet gây ra, trong khi vẫn đáp ứng được đủ nhu cầu về nội dung hay thông tin liên lạc trên internet. Và vì vậy, một mạng xã hội mới mang tên “Thế giới kiền tịnh” hay Ganjing World đã ra đời.
Ganjing World là một nền tảng xã hội trực tuyến không chứa các yếu tố: bạo lực, khiêu dâm, tội phạm và độc hại; được ra mắt từ tháng 7/2022 tại New York… Nền tảng này đang phát triển rất nhanh với những nội dung phong phú, có thể bảo vệ quyền riêng tư, trao quyền cho người sáng tạo nội dung nhưng có một cơ chế để đảm bảo nội dung sạch, an toàn nhất là cho trẻ em và có thuật toán không gây nghiện v.v. Đây có thể là một hướng đi tốt cho tương lai internet và các mạng xã hội. Hiện nay, mạng xã hội này đang tập trung hoàn thiện nội dung Tiếng Anh, trước khi hoàn thiện việc kiểm duyệt nội dung ở các ngôn ngữ khác.
Vai trò của một môi trường internet trong lành và trách nhiệm số một của người dùng internet
Thế giới hiện đại ở trong vòng ảnh hưởng của internet khá lâu đến mức nhiều người hiện nay khó hình dung cuộc sống không có internet sẽ như thế nào. Nhưng câu chuyện “internet về làng” của bộ lạc Marubo ở Brazil có thể giúp ta đối chiếu giữa một cuộc sống có internet và không có internet khác nhau ra sao. Có người cho rằng internet chỉ là một thứ công cụ để con người sử dụng, sử dụng ra sao là tại con người. Nhưng thực tế cho thấy tồn tại cả chiều ngược lại, vì internet là một thứ công cụ đặc biệt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
Thời xưa, khi chưa có internet, và giao thông khó khăn, một việc xấu bị hạn chế không ra khỏi một khu vực hay một không gian địa lý. Ngày nay, nhờ có internet, nó phát tán khắp thế giới. Một scandal tình dục hay một clip khiêu dâm, một vụ xả súng vào đám đông, một hành vi khả ố của một nghệ sĩ nổi tiếng, một phát ngôn vô đạo đức của một KOL, một vụ trộm cắp tiền tỷ của một tin tặc v.v. tất cả đều có thể bị tung lên gây ô nhiễm môi trường mạng, trở thành tấm gương xấu, gây cảm hứng xấu, và có thể lại tạo nên nhiều hành vi xấu hơn nữa, rồi cứ thế xoay vòng trên internet như dòng nước bẩn chảy khắp thế gian, lại càng gây ô nhiễm hơn nữa, càng gây mất niềm tin hơn nữa… Và cũng như ở bộ tộc Marubo, giới trẻ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Có bao nhiêu thanh niên học theo lối sống thác loạn của thần tượng? Có bao nhiêu gia đình tan vỡ vì những tấm gương xấu và lời khuyên xấu từ internet? Có bao nhiêu người trẻ trả thù xã hội bằng dao găm, súng đạn vì học được từ internet? Có bao nhiêu tên tội phạm ngày càng ranh ma và đồi bại hơn nhờ những chương trình tâm lý học tội phạm phân tích chi ly trên internet? v.v.
Cổ nhân nói: “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Thời xưa, tiếng tăm của người tốt việc tốt cũng lan tỏa như tai tiếng của người xấu việc xấu. Ngày nay, tiếc thay! tiếng lành lại đồn không xa bằng tiếng dữ, việc xấu lan tỏa nhanh và rộng khắp hơn việc tốt. Vì sao con người lại hứng thú với tin xấu hơn tin tốt, với việc xấu hơn việc tốt? Hay là con người đã biến đổi rồi sao? Điều này không thể không có phần trách nhiệm của internet.
Muốn internet trở thành một công cụ hữu ích, thì trước hết phải xây dựng một môi trường internet trong sạch, với một tiêu chuẩn nghiêm ngặt: không bạo lực, không khiêu dâm, không tội phạm, không gây nghiện để kiếm lợi, không lấn át đời sống thực, không theo dõi và không đánh cắp thông tin người dùng v.v.
Và ở trong một môi trường internet được kiến tạo sạch sẽ và thuận lợi hơn như thế, mỗi người dùng internet không được quên vai trò số một của yếu tố con người. Mỗi người dùng cũng nên là một người có trách nhiệm để đóng góp phần nội dung tốt đẹp và tích cực cho cộng đồng, cũng như giúp nhận ra và loại bỏ những nội dung xấu. Phải chăng đó mới là một môi trường internet hữu ích và xứng đáng để tồn tại?
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Vũ
NTD Việt Nam