Quang cảnh thả chén uống rượu (Khúc thủy lưu thương). Tranh “Lan Đình khúc thủy đồ” của Wakarin Yamamoto thời kỳ Edo Nhật Bản. (Miền công cộng)
Đại thư pháp gia Vương Hi Chi (303~361) sống vào thời Đông Tấn, được các triều đại ca ngợi tôn sùng, chữ của ông phiêu dật mà ngay thẳng, như ‘Thanh phong xuất tụ, minh nguyệt nhập hoài’ (Gió mát tay áo vẫy, trăng sáng rơi vào lòng), mang chứa sự phiêu nhiên Tiên phong Đạo cốt, nên được hậu thế suy tôn là nhà thư pháp bậc nhất xưa nay, mệnh danh ‘Thư Thánh’.
Lương Vũ Đế bình phẩm thư pháp của ông: ‘Thế chữ hùng tráng phiêu dật như rồng múa cửa Trời, hổ nằm cung khuyết’.
Đường Thái Tông cực kỳ yêu mến thư pháp Vương Hi Chi, bình rằng: ‘Nhìn kỹ suốt cổ kim, nghiên cứu sâu chữ viết, tận thiện tận mỹ chỉ có Vương Hi Chi mà thôi!’
Vương Hi Chi cảm ngộ được cái đẹp của thiên địa tạo hóa tự nhiên vạn vật, cùng sự vi diệu thâm áo của vũ trụ bao la mà viết lên kiệt tác “Lan Đình tập tự”, được xưng tụng là tác phẩm hành thư bậc nhất – “Thiên hạ đệ nhất hành thư”.
Đường Thái Tông đánh giá: ‘Điểm duệ chi công, tài thành chi diệu’ (Tạm dịch: Đây là tác phẩm đạt tới tột cùng của kỹ thuật, đánh giá là đẹp một cách hoàn thiện), đồng thời lệnh cho các nhà thư pháp Âu Dương Tuần, Chử Toại Lương cẩn thận sao chép ra nhiều bản.
Cổ nhân đúc kết: ‘Tự như kỳ nhân’ (chữ chính là người), Vương Hi Chi viết ra được kiệt tác thư pháp ấy, thì nhân cách ông cũng khoáng đạt phiêu dật như vậy. Sự thực đúng như thế, bình sinh Vương Hi Chi chỉ thích gửi gắm lòng mình vào cảnh non xanh nước biếc, tầm sư học Đạo.
Sử sách có ghi, Vương Hi chi xuất thân từ gia đình danh môn vọng tộc nổi tiếng thời Ngụy Tấn, phụ thân Vương Khoáng từng giữ chức Thái thú Hoài Nam, toàn gia tín Đạo. Lúc nhỏ ông trầm lặng ít nói, người ta đánh giá không có gì xuất chúng. Năm 13 tuổi, ông bái kiến vị danh sĩ đương thời Chu Ỷ, huệ nhãn của cao nhân thấy ngay Vương Hi Chi không phải là nhân vật tầm thường, nên hết sức coi trọng. Khi ấy món tim bò nướng là món ngon được ưa chuộng, khi các khách mời còn chưa ăn, Chu Ỷ đã cắt một miếng đưa cho Vương Hi Chi, từ đấy người ta mới biết đến tên ông.
Đợi khi trưởng thành, ông thay đổi từ một người ít nói thành người giỏi hùng biện, nổi tiếng cương trực, thể chữ Lệ của ông ‘Phiêu du mây nổi, cao vút rồng bay’ cổ kim chưa từng thấy. Do vậy mà ông được các bác Vương Đôn, Vương Đạo là trọng thần triều Tấn khi ấy coi trọng.
Thái úy bấy giờ là Si Giám phái môn sinh tới nhà thừa tướng Vương Đạo để chọn rể hiền cho con gái thông minh lanh lợi của mình. Vương Đạo đồng ý, cho phép môn sinh vào nhà chọn lựa. Môn sinh xem xong về bẩm báo: ‘Người nhà họ Vương đều rất khá, nghe tôi tới đều kính cẩn giữ mình, chỉ có một cậu thanh niên cởi trần hở bụng ngực, nằm ườn trên giường phía đông ăn vặt, chẳng thèm để ý gì cả.’
Si Giám nói ngay: ‘Đó chính là rể quý!’.
Hỏi ra mới hay chính là Vương Hi Chi,Thái úy liền gả con gái cho. Điển cố trong lịch sử ‘Đông sàng khoái tế’ (mau gả cho chàng rể nằm ở giường phía đông) có nguồn gốc từ đây.
Vương Hi Chi coi lợi danh nhẹ như mây nổi, bước vào quan trường đầu tiên làm chức thư ký, sau đó Chinh tây Tướng quân Dữu Lượng mời ông làm Tham quân, dần dần lên tới chức Trưởng sử. Dữu Lương trước khi mất dâng sớ khen Vương Hi Chi ‘Thanh quý hữu giám tài’ có nghĩa là ông có phẩm hạnh thanh cao đáng quý, còn có năng lực phân biệt đánh giá người, vật tốt xấu, cho nên Hoàng đế nhậm mệnh ông làm Ninh viễn Tướng quân, Thứ sử Giang Châu.
Vương Hi Chi là một thanh niên tài hoa anh tuấn nổi danh, được công khanh triều đình quý trọng, họ nhiều lần mời ông vào triều để làm quan Thị trung, Lại bộ Thượng thư nhưng ông đều từ chối. Rồi họ cất nhắc ông lên Hộ quân Tướng quân, ban đầu Vương Hi Chi nhẹ nhàng không nhận, Thứ sử Dương Châu Ân Hạo là người luôn coi trọng ông, viết thư khuyên nhủ, Vương Hi Chi phúc đáp: ‘Vốn không có chí chốn quan trường’, nhưng cũng có ý nguyện ‘Tuyên dương uy đức quốc gia’, nên đồng ý nhậm chức Hộ quân Tướng quân.
Khi đó Ân Hạo có mâu thuẫn với Đại tư mã Hoàn Ôn, Vương Hi Chi dùng lẽ ‘Quốc gia an định bởi trong ngoài hòa thuận’ mà khuyên can Ân Hạo, nhưng Ân Hạo không nghe. Năm 349, Đông Tấn biết tin hoàng đế nước Triệu bệnh tử, thế nước lung lay, muốn thừa cơ thống nhất, định xuất binh bắc phạt. Ân Hạo phụng mệnh cầm quân, nhưng trong tình huống chưa nhận được Thánh chỉ đã tự ý xuất binh đánh Hứa Xương và Lạc Dương, bại trận quay về. Trước khi xuất binh, Vương Hi Chi biết sẽ chiến bại, nên viết thư khuyên can, nhưng Ân Hạo bỏ ngoài tai.
Sau khi bại trận, Ân Hạo lại muốn xuất binh phục thù, Vương Hi Chi lại một lần nữa đưa thư can gián, đồng thời phân tích hình thế thiên hạ. Đồng thời ông còn viết thư cho Vương Tiên ở Cối Kê phân tích tại sao Ân Hạo không nên bắc phạt, hi vọng Vương Tiên có thể ngăn cản, nếu không ‘Nỗi lo xã tắc đếm từng ngày’. Nhưng Ân Hạo vẫn bảo thủ ý mình, cuối cùng binh bại, sau đó bị Hoàn Ôn buộc tội, phế quan làm thứ dân, lưu đày ở quận Đông Dương.
Năm nọ, khu vực phía đông của Đông Tấn gặp nạn đói, Vương Hi Chi liền mở kho phát chẩn cứu dân, nhưng sưu thuế triều đình rất nặng nề, nhất là ở vùng này, ông lại dâng tấu phân tích xin miễn, hầu hết tấu trình can gián của ông đều được Hoàng đế tiếp thu. Ông từng viết thư cho Thượng thư bộc xạ Tạ An đề cập đến thuế khóa, lao dịch nặng nề khiến cuộc sống bách tính khó khăn, lại thêm quan lại tham gian hoành hành, khổ càng thêm khổ.
Vương Hi Chi bình sinh thích ‘Phục thực dưỡng tính’ (Tạm dịch: ăn uống theo cách của người tu đạo, tu tâm dưỡng tính), không thích nơi nhân sự phức tạp chốn kinh thành. Khi mới tới Chiết Giang, thấy yêu mến đất này, muốn sống đến cuối đời ở đây. Lúc đó phong cảnh Cối Kê rất đẹp, có nhiều cư sĩ ở đây, Tạ An cũng ở đây khi chưa ra làm quan. Các danh sĩ Tôn Xước, Lý Sung, Hứa Tuân, Chi Thuân đều là những danh tài xuất chúng, làm bạn của Vương Hi Chi.
Năm 353, ngày mùng 3 tháng 3 Hoàng Lịch, Vương Hi Chi cùng Tạ An, Tôn Xước, tổng cộng 41 vị bằng hữu tụ tập ở Thiệu Hưng Lan Đình làm lễ Tu Hễ (một hoạt động để trừ bệnh tật cùng những điều không may), uống rượu làm thơ rồi gom lại thành thi tập, Vương Hi Chi cao hứng múa bút đề lời tựa cho tập thơ này, mang tên ‘Lan Đình tự’. Bức thư pháp thể chữ thảo, có 28 hàng, 324 chữ, ghi chép lại tình cảnh cao nhã hứng thú của các văn nhân khi ấy. Điểm độc đáo chưa từng có là bức này thể hiện hơn 20 chữ ‘Chi’“之”, mỗi chữ đều có bút pháp khác nhau.
Tháng 3 năm 355, Vương Hi Chi cáo bệnh từ quan, ‘Mang con là Thao Chi từ Vô Tích chuyển dời đến Kim Đình. Dựng thư lầu, trồng dâu cùng cây trái, dạy học, làm thơ văn, hội họa thư pháp, lấy việc nuôi ngỗng, câu cá tiêu khiển’. Kim Đình, nay là Thiệu Hưng Triết Giang, nơi đây có một thắng địa Đạo giáo ‘Động thiên thứ 27’. Ông còn cùng với Hứa Tuân, Chi Thuân ngao du sơn thủy, kết bạn với đạo sĩ Hứa Mại.
Hứa Mại, tự Thúc Huyền, xuất thân từ gia đình trí thức. Từ nhỏ đã thích nơi thanh tĩnh, không màng chốn quan trường. Ông từng đến thăm bậc thầy về phong thủy cùng văn học Quách Phác, vị này xem cho ông: ‘Quân nguyên cát tự thiên, nghi học thăng hà chi đạo’ ý tứ là ông mang đại phúc khí từ Thiên Thượng, nên theo học Đạo tu Tiên.
Khi ấy, Thái thú Nam Hải là Bào Tịnh cũng ẩn tích tu hành, không ai hay tung ảnh của ông, nhưng Hứa Mại lại tìm ra được nơi ông ngụ, cùng ông đàm đạo pháp tu. Bởi lúc ấy cha mẹ vẫn còn, nên ông dựng tinh xá để tu hành ở núi Huyền Lựu cách nhà không xa, dịp lễ tết về thăm cha mẹ.
Sau khi cha mẹ qua đời, Hứa Mại cho vợ con về quê, còn mình thì cùng bằng hữu chí đồng đạo hợp ngao du sơn thủy, tiếp tục tầm Tiên học Đạo.
Sau khi Vương Hi Chi nghe thấy đại danh của Hứa Mại, liền tới bái kiến, đàm luận say sưa quên cả lối về. Sau đó còn viết thư trao đổi liên tục. Hai người còn kết mối giao hảo bên ngoài thế tục. Hứa Mại từng viết thư cho Vương Hi Chi, trong thư có đoạn: ‘Từ chân núi phía nam đến Lâm An, có nhiều lầu vàng điện ngọc, Tiên nhân cùng linh chi, đồ đệ của Tả Nguyên Phóng cùng những vị đắc Đạo cuối thời nhà Hán đều ở đây.’
Do có chung chí hướng, hai người cùng uống đan dược, vượt ngàn dặm tìm kiếm đá thuốc, đi khắp các quận phía Đông, các danh sơn đều đến biển rộng nào cũng qua, Vương Hi chi từng cảm thán thốt lời: ‘Ngã tốt đương dĩ lạc tử’ (Ta chết lúc này cũng vui rồi!).
Vương Hi chi từng viết một chương truyện ký về Hứa Mại, kể về nhiều điển tích linh dị của ông, nhiều không ghi hết. Không biết Hứa Mại cuối cùng đi đâu, người ta nói rằng ông đã cưỡi hạc thành Tiên.
Ngoài ra trong “Thái Bình ngự lãm” có dẫn “Thái Bình kinh” rằng:
‘Vương Hữu Quân bị bệnh, cho mời Đỗ Cung. Đỗ Cung nói với đệ tử: ‘Hữu Quân bệnh nhẹ, sao cần gọi ta? Hơn mười ngày sẽ khỏi.’
Đỗ Cung tức Đỗ Tử Cung người Tiền Đường, là vị tông sư Đạo giáo đương thời. Ông nghe tin Vương Hi Chi bị bệnh, coi đó là chuyện vặt, còn dự đoán hơn mười ngày nữa sẽ khỏi hẳn.
Năm 361, Vương Hi Chi qua đời ở tuổi 59, an táng tại Cối Kê, Kim Đình, núi Bộc Bố (còn gọi là Tử Đằng Sơn), cháu đời thứ năm của ông là Tôn Hoành, nhà ở Kim Đình quán, di chỉ hiện nay vẫn còn.
Tài liệu tham khảo: “Tấn thư”; “Thái Bình ngự lãm”.
Lưu Hiểu – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam