Vào thời điểm huy hoàng nhất trong sự nghiệp, Quỷ Cốc Tử lại chọn lui mình ẩn cư nơi heo hút. Điều đó cũng đủ cho thấy Quỷ Cốc Tử đã nhìn thấu thế gian bách thái và đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật làm người.
Quỷ Cốc Tử là tổ sư của phái tung hoành, một học phái trong Cửu Lưu thập gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao ra đời trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc, nhưng vì sao ông lại khuyên người ta “muốn thuyết phục ai, trước hết nên học cách im lặng”?
1. “Những người nói thì là động, những người im lặng thì là tĩnh. Từ trong lời nói, đoán được tâm tư”
Câu trên có nghĩa là: Bản thân nên học cách im lặng để người khác nói. Khi đó hãy lắng nghe, tập trung đánh giá động cơ và suy nghĩ của họ thông qua những gì họ nói. Muốn thuyết phục một người, điểm quan trọng nhất là phải hiểu rõ người đó, cái gọi là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” chính là vậy. Dù là chiến đấu trên chiến trường, hay đấu võ mồm, thì bạn đều cần phải nắm rõ tư duy và ý muốn của đối phương. Vì vậy, khi muốn thuyết phục người khác, đừng vội nói, hãy học cách lắng nghe trước, lấy tĩnh chế động.
Một người thật sự thông minh vốn không bao giờ nói nhiều, họ thường im lặng lắng nghe nhiều hơn. Khi cần thiết phải mở lời thì họ cũng sẽ không đi đằng đông nói tới đằng tây, người thông minh thường nói rất ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ ý mà họ muốn truyền đạt. Ngược lại, kẻ ngu muội thì khác, họ rất thích nói và làm quá các vấn đề đơn giản lên để thể hiện bản thân hiểu biết nhiều.
Do đó mà Quỷ Cốc Tử khuyên ta khi muốn thuyết phục một ai thì trước hết nên học cách im lặng, quan sát. Nói quá nhiều chỉ biến ta thành một kẻ ngốc mà thôi.
2. “Ngôn từ bất nhất, phản kích truy vấn, chuột tất lòi đuôi”
Nếu những gì họ nói, câu trước câu sau mâu thuẫn, bạn phải lập tức phản công ngay, hỏi về vấn đề bất đồng đó. Có rất nhiều người khi nói chuyện luôn huyên thuyên không ngừng, nói không kịp suy nghĩ, vì vậy họ thường quên mất vài chi tiết mà họ đã nói trước đó, dẫn đến những lý lẽ bất cập về sau. Khi đó bạn phải nhanh chóng nắm bắt được lỗ thủng đó mà tấn công, truy hỏi ngay về logic của họ.
Điều này đòi hỏi bạn phải có một sự tập trung cao độ, lắng nghe và ghi nhớ tất cả những gì đối phương đã nói. Khi phát hiện lý lẽ mâu thuẫn bạn không nên do dự, nếu họ phát hiện ra bạn đang chần chừ thì họ sẽ nhân cơ hội đó mà đàn áp ngược lại bạn, như vậy thì coi như tất cả đã trở thành công dã tràng.
Trong cuộc sống, người mà chúng ta phải giao tiếp có rất nhiều, không ngoại trừ bất kỳ tầng lớp, tuổi tác nào, vì vậy rất khó tránh sẽ có một ngày bạn tranh luận với cấp trên hay bậc tiền bối của mình. Đối với trường hợp này, chúng ta nên uyển chuyển một chút, không nên truy vấn quá gắt gao. Khi này bạn nên dùng những câu hỏi tu từ và chú ý từ ngữ, giọng điệu thích hợp, ví dụ như: “Xin lỗi, khi nãy anh vừa nói là…, nhưng rõ ràng tôi nhớ anh đã từng nói… cơ mà? Có phải là tôi nghe nhầm hay không?”
3. “Lấy vô hình tìm hữu hình, tìm sự thật từ trong lời nói”
Ngôn ngữ vốn mang tính tượng hình và ví von, cho nên chúng ta nhất định phải quan sát thật kỹ từng lời nói của đối phương để nhìn thấu hàm ý ẩn sâu trong đó. Quỷ Cốc Tử khuyên ta nên sử dụng các phương pháp khéo léo, vô hình để lôi kéo đối phương nói chuyện, chiêu này còn gọi là “câu từ ngữ”. Từ đó chúng ta có thể dò ra được bản chất của sự thật là gì. Nếu như “lưới” của bạn quăng càng nhiều thì lượng thông tin bạn câu được cũng sẽ nhiều hơn.
Bằng cách nắm bắt và đánh giá thông tin mà đối phương tiết lộ, bạn có thể tấn công những bất cập trong lời nói, khi đó họ sẽ hấp tấp đưa ra các ý kiến để biện minh cho bản thân mà làm lộ nhiều thông tin ra ngoài hơn. Thông qua một vòng tuần hoàn như vậy, bạn sẽ có thể dễ dàng suy đoán được đường đi nước bước của đối phương.
Nguồn: cafebiz
Vạn Điều Hay