Một nghiên cứu phân tích dữ liệu của hơn 540.000 người đã kết luận rằng ăn nhiều thực phẩm được chế biến kỹ có thể rút ngắn tuổi thọ ít nhất 10%. (Ảnh: Freepik)
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu của hơn 540.000 người đã kết luận rằng ăn nhiều thực phẩm được chế biến kỹ có thể rút ngắn tuổi thọ ít nhất 10%.
Nghiên cứu phân tích dữ liệu được cung cấp bởi các cá nhân, những người đã chia sẻ thông tin về thói quen ăn uống và các vấn đề về sức khỏe của họ từ giữa những năm 1990.
Theo một thông cáo báo chí vào ngày 30 tháng 6, những người có “lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến cao hơn” có tỷ lệ “tử vong do mọi nguyên nhân” và “tử vong do bệnh tim hoặc tiểu đường” tăng nhẹ.
Nghiên cứu do nhà khoa học Erikka Loftfield thuộc Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ dẫn đầu cho biết, nguy cơ tử vong tăng 15% đối với nam giới và 14% đối với nữ giới. Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan đến tử vong do ung thư.
Bà Loftfield cho biết trong một thông cáo báo chí:
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi làm dày thêm bằng chứng cho một khối lượng lớn tài liệu khác … cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tuổi thọ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chúng tôi chưa biết, bao gồm cả những khía cạnh nào của thực phẩm siêu chế biến có thể gây ra rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe”.
Về các loại thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn, bà nói thêm:
“Chúng tôi nhận thấy rằng thịt chế biến kỹ và đồ uống có ga là một trong những nhóm phụ của thực phẩm siêu chế biến, chúng có mối liên hệ lớn nhất đến nguy cơ tử vong và đã có nhiều khuyến nghị về việc hạn chế các loại thực phẩm này để phòng bệnh và tăng cường sức khỏe”.
Các nhà nghiên cứu cho biết “Hướng dẫn Dinh dưỡng cho người dân Mỹ” đề nghị hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và thịt chế biến như thịt nguội hoặc xúc xích.
Trong nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu cho biết họ “cũng tính đến các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ tử vong của một người, chẳng hạn như hút thuốc và béo phì”, đồng thời nói thêm rằng những người tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn thường có “chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn và Điểm Số Ăn Uống Lành Mạnh (HEI) thấp hơn”.
Bản tin cho biết:
“Tuy vậy, mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và sự gia tăng tỷ lệ tử vong không được các biến số này giải thích rõ ràng, vì mối liên quan giữa việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến cao hơn và nguy cơ tử vong vẫn tồn tại ở những người được phân loại là có chất lượng chế độ ăn tốt hơn hoặc tệ hơn, cũng như những người được phân loại là cân nặng bình thường hoặc béo phì”.
Theo một báo cáo được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 2019, thực phẩm siêu chế biến có chứa các thành phần “không bao giờ hoặc hiếm khi được sử dụng trong nhà bếp, hoặc các loại phụ gia có chức năng khiến sản phẩm cuối cùng ngon miệng hoặc hấp dẫn hơn”.
Báo cáo nói thêm: “Các chất thêm vào vốn không có trong nhà bếp thường xuất hiện ở phần đầu hoặc giữa danh sách thành phần của thực phẩm siêu chế biến”.
Các chất này có thể “bao gồm protein thủy phân, isolate protein đậu nành, gluten, casein, whey protein, ‘thịt tách cơ học’, fructose, siro ngô hàm fructose cao, ‘nước ép trái cây cô đặc’, đường chuyển hóa, maltodextrin, dextrose, lactose, chất xơ hòa tan hoặc không hòa tan, dầu hydro hóa hoặc este hóa lại”, báo cáo tiếp tục.
Báo cáo cho biết: “Sự hiện diện của một hoặc nhiều chất này trong danh sách thành phần cho biết một sản phẩm là siêu chế biến”.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng được công bố vào ngày 30 tháng 6 cho thấy việc ăn “chủ yếu là thực phẩm qua chế biến tối thiểu … không tự động tạo ra chế độ ăn lành mạnh”, đồng thời nói thêm rằng “loại thực phẩm chúng ta ăn có thể quan trọng hơn mức độ chế biến được sử dụng để tạo ra chúng”, theo một thông cáo báo chí.
“Nghiên cứu này cho thấy rằng ngay cả khi lựa chọn thực phẩm qua chế biến tối thiểu, một người vẫn có thể đang có một chế độ ăn chất lượng thấp”, Julie Hess, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.
“Nó cũng cho thấy chế độ ăn nhiều hoặc ít chế biến hơn có thể đem lại giá trị dinh dưỡng như nhau (hoặc không có giá trị dinh dưỡng), nhưng chế độ ăn nhiều chế biến hơn có xu hướng thời hạn sử dụng lâu hơn và ít tốn kém hơn”.
Theo Jack Phillips – The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam