Các nhà khoa học đã ghép lại những tàn tích của một lục địa đã bị tách ra từ tây Úc cách đây 155 triệu năm và dường như đã biến mất khi nó trôi dạt lên phía bắc về phía Đông Nam Á. (Ảnh: Khoa Khoa học Địa chất Đại học Utrecht)
Bí ẩn về điều gì đã xảy ra với một lục địa dường như đã biến mất 155 triệu năm trước có thể đã được giải đáp, sau khi các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng về lục địa này và lần theo dấu vết của nó.
Hóa ra lục địa bị mất, được gọi là Argoland, đã có một cuộc chia tay hỗn loạn với miền tây Australia. Nó đã bị tách ra khi các lực kiến tạo kéo căng và đẩy nó ra xa phần còn lại của lục địa, trước khi phân tán nó ra khắp Đông Nam Á, theo phát hiện của nghiên cứu mới.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng một vùng đất rộng lớn tách ra từ Úc cách đây 155 triệu năm, nhờ những dấu vết còn sót lại trong địa chất của một lưu vực sâu dưới đại dương, được biết đến với tên gọi là Đồng bằng Abyssal Argo, ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của đất nước này.
Nhưng không giống như Ấn Độ, nơi đã tách ra khỏi siêu lục địa cổ Gondwana 120 triệu năm trước và vẫn là một vùng đất nguyên vẹn cho đến ngày nay, Argoland lại bị vỡ thành nhiều mảnh. Và cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn đang tự hỏi không biết những mảnh lục địa đó đã đi đâu.
Tác giả chính của nghiên cứu Eldert Advokaat, nhà nghiên cứu thuộc khoa Khoa học Trái đất tại Đại học Utrecht ở Hà Lan, nói với Live Science: “Chúng tôi biết nó phải ở đâu đó phía bắc nước Úc, vì vậy chúng tôi dự kiến sẽ tìm thấy nó ở Đông Nam Á”.
Trong nghiên cứu mới, Advokaat và các đồng nghiệp đã tái dựng lại hành trình của các mảnh lục địa sau khi tách ra. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các mảnh lục địa cổ đại nằm rải rác khắp Indonesia và Myanmar, nhưng khi cố gắng tái tạo lại Argoland từ những mảnh đó thì họ “không thấy có gì khớp với nhau”, theo Advokaat.
Nhóm nghiên cứu sau đó làm ngược lại, thu thập bằng chứng ở Đông Nam Á để tìm lại hành trình về phía bắc của Argoland. Ở giữa những mảnh lục địa cổ xưa rải rác, họ phát hiện tàn tích của các đại dương nhỏ có niên đại khoảng 200 triệu năm. Những đại dương này có thể được hình thành khi các lực kiến tạo kéo căng và làm nứt vỡ Argoland trước khi lục địa dài 5.000 km này bị tách ra, Advokaat cho biết.
Ông nói: “Quá trình đó diễn ra trong 50 đến 60 triệu năm và khoảng 155 triệu năm trước, toàn bộ mảnh ghép của lục địa này và các đại dương bắt đầu trôi dạt sang Đông Nam Á. Chúng ta không mất đi một lục địa; nó chỉ trở thành một quần thể rất rộng và rời rạc”.
Để thể hiện điều đó, Advokaat và các đồng nghiệp của ông gọi Argoland là “Argopelago”. Advokaat cho biết, việc họ tái hiện lịch sử lục địa có thể làm sáng tỏ về khí hậu trong quá khứ của khu vực, vốn đã nguội đi khi các đại dương hình thành giữa những mảnh của Argoland.
Khi các mảnh của Argoland va chạm với các vùng đất liền ở Đông Nam Á, chúng cũng tạo nên sự đa dạng sinh học phong phú mà chúng ta thấy ngày nay. Điều này có thể giúp giải thích sự phân bố không đồng đều của các loài dọc theo một rào cản vô hình chạy qua Indonesia, Advokaat nói thêm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gondwana Research.
Theo Livescience
NTD Việt Nam