[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子曰:“放(1)于利而行,多怨(2)。” (《论语·里仁第四》)
Hán Việt
Tử viết: “Phóng ư lợi nhi hành, đa oán”. (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)
Phiên âm
Zǐ yuē: “Fàng yú lì ér xíng, duō yuàn”. (“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)
Chú âm
子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“放ㄈㄤˋ于ㄩˊ利ㄌㄧˋ而ㄦˊ行ㄒㄧㄥˊ,多ㄉㄨㄛ怨ㄩㄢˋ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)
Chú thích
1. 放 (phóng): đồng âm với từ “仿” (phỏng), tức là làm theo, noi theo, nghĩa bóng là truy cầu.
2. 怨 (oán): oán hận.
Diễn nghĩa
Khổng Tử nói rằng: “Nếu cứ một mực hành động vì truy cầu lợi ích thì sẽ càng rước lấy nhiều oán hận hơn”.
Nghiên cứu phân tích
Khổng Tử cho rằng, làm một trang quân tử có nhân cách cao thượng, người đó sẽ không mãi luôn cân nhắc sự được mất của lợi ích cá nhân, lại càng không một mực truy cầu lợi ích cá nhân, nếu không, thì sẽ tự chiêu mời những oán hận và chỉ trích từ các phía. Thử nghĩ xem: Nếu điều mà mỗi người nghĩ đến đầu tiên đều là “lợi”, thì tất nhiên giữa người với người sẽ không ngừng nảy sinh xung đột; ngược lại, nếu điều đầu tiên mà mỗi người khi khởi tâm động niệm nghĩ đến đều là việc này liệu có gây thiệt hại và tổn thương tới người khác hay không, thì chắc chắn sẽ mang đến bầu không khí và quan hệ hài hoà giữa mọi người.
Câu hỏi mở rộng
1. “Kiến lợi vong nghĩa” (thấy lợi mà quên nghĩa) là hành động của những kẻ tiểu nhân, người như vậy thì cuối cùng có thực sự đạt được “lợi” không? (có thể lấy ví dụ từ thực tế cuộc sống để làm rõ).
2. Tiếp theo, trong đời người điều gì là trân quý nhất? Phải chăng là danh lợi và địa vị? Tiền bạc và phú quý? Hay là điều gì khác? (Tham khảo: Khi bạn vì truy cầu những thứ hữu hình này mà dần dần xa rời chân, thiện và lương tri, thì bạn sẽ vô hình trung đánh mất đi những điều bản nguyên vô giá nhất của mình)
Tài liệu đọc hiểu
Tiểu nhân
Nói chung, con người phải biết tôn trọng lẫn nhau, thế nhưng trên thế giới, lại có một bộ phận không hiểu nguyên lý làm người cơ bản này. Bạn đối xử tốt với họ, thì họ lại cho rằng bạn sợ họ; bạn nhẫn nhịn với họ, thì họ lại cho rằng bạn yếu đuối dễ bắt nạt; khi bạn hơn họ mọi mặt thì họ sẽ vờ cúi đầu phục tùng; khi bạn gặp cảnh ngộ khó khăn, thì họ lại lên mặt bắt nạt; khi họ cần bạn giúp đỡ, họ sẽ nói những lời nịnh hót ngọt ngào; nhưng khi bạn cần sự giúp đỡ của họ, thì họ lại vờ như không biết, họ không đổ thêm dầu vào lửa, không thừa cơ hãm hại đã là dễ dãi với bạn lắm rồi.
Theo tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, thì những người như thế bị gọi là kẻ tiểu nhân. Sở dĩ kẻ tiểu nhân được gọi là “tiểu”, không chỉ vì bụng dạ hẹp hòi, tầm nhìn thiển cận mà còn vì đạo đức thấp kém, khiến người ta coi thường, khinh rẻ, nên mới có những câu nói như “kẻ tiểu nhân đê tiện”, “kẻ tiểu nhân tật đố”, “kẻ tiểu nhân vong ân phụ nghĩa”, “kẻ tiểu nhân kiến lợi vong nghĩa”.
Kẻ tiểu nhân thường ích kỷ, coi lợi ích bản thân là mục tiêu cuối cùng của đời người, vì thế, dù ở đâu, lợi ích cá nhân và việc bảo vệ bản thân luôn là hàng đầu với họ. Kẻ tiểu nhân tật đố, thấy người khác giỏi giang, thì liền ghen tức vô cớ. Kẻ tiểu nhân mang nhiều thù hận, luôn cho rằng mình bị thiệt thòi, cho rằng người khác đang lừa họ, lôgic của họ là: “Nếu không chiếm được lợi thế thì chính là bị thiệt thòi”. Kẻ tiểu nhân mắc chứng sai lệch trí nhớ, họ khắc trong tâm những điều không tốt của người khác, còn những ân tình của mọi người thì lại lãng quên. Kẻ tiểu nhân khó được mãn nguyện, nếu bạn muốn làm hài lòng họ e rằng không dễ, dục vọng của họ là vô bờ bến, bạn đối xử tốt với họ, họ lại càng làm tới, được đằng chân lân đằng đầu…
Tuy nhiên, trên đời này người chịu thiệt thòi nhất lại chính là những kẻ tiểu nhân không muốn chịu thiệt kia. Bởi vì hàng ngày họ đều khổ sở suy nghĩ làm sao để không bị thiệt, vì thế họ ăn không ngon, ngủ không yên, gây tổn hại đến sức khỏe tự thân, đây là cái thiệt lớn đầu tiên; lại bởi vì cái nhìn hạn hẹp, họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, không suy xét đến sự vĩnh viễn của sinh mệnh, nên dù bạn có mang bảo vật vô giá đến trước mặt thì họ cũng chưa chắc đã nhận ra, đây là cái thiệt lớn thứ hai. Kẻ tiểu nhân vì lợi ích bản thân hoặc để đạt được cái không thuộc về mình, hoặc phỉ báng, vu khống, nhục mạ người khác, đều sẽ tạo thành ác nghiệp, những nghiệp này đời này trả không hết thì đời sau trả tiếp, đây chính là cái thiệt lớn thứ ba. Vậy nên, người ngốc nhất trên thế gian trước tiên phải là kẻ tiểu nhân, mà vẫn tự cho rằng mình thông minh nhất.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 27-04-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org