Ông Cao Trí Thịnh, một Luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)
“Tôi xuất thân rất nghèo, tôi biết cảm giác của người nghèo nên tôi biết mình phải làm gì… Tôi sẽ không coi việc giúp đỡ người khác như bố thí. Tầm nhìn của tôi rất lâu dài, tôi muốn dùng đời này để cứu lấy đời sau!” – Cao Trí Thịnh.
Nhân cách cao thượng
Cao Trí Thịnh kế thừa phẩm cách cao quý của mẹ. Sau khi trở thành luật sư, ông đã chọn một phương thức đặc biệt để giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Nếu như mẹ giúp người mà không gặp bất cứ nguy hiểm gì, thì Cao Trí Thịnh lại phải trả một cái giá quá đắt. Nhưng dù biết rõ con đường ấy đầy gian nguy hiểm trở, ông vẫn kiên định tiến về phía trước.
Trong gần 10 năm sự nghiệp làm luật sư, ông tận lực bảo vệ quyền lợi cho vô số người yếu thế. Có người bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ nhà cửa nhưng không có nơi nào khởi kiện. Có người bị quan chức cướp đoạt tài sản đến khuynh gia bại sản. Lại có người vì chính sách kế hoạch hóa tàn nhẫn mà gia đình tan nát, người mất mạng vong… Quá nhiều bất công, quá nhiều oan khuất, quá nhiều bóng tối, quá nhiều tội ác của thể chế ngày ngày bày ra trước mắt ông. Trong những vụ kiện về cưỡng chế phá dỡ nhà cửa mà ông từng tham gia bào chữa, 100% đều không thể thắng kiện, bởi vì điều ấy động chạm đến các tập đoàn lợi ích khổng lồ cấu kết giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Những điều này khiến Cao Trí Thịnh buồn bã và bất lực, nhưng ông cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ với người dân đang tuyệt vọng cầu xin ông trợ giúp. Cao Trí Thịnh viết trong cuốn sách của mình: Trung Quốc khác với các quốc gia pháp chế, mỗi vụ án nhỏ đều có thể phản ánh sâu sắc vấn đề của chế độ. Tuy nhiên, nếu bạn mong muốn thay đổi nó, bạn đã gặp nguy hiểm rất lớn rồi.
Và nguy hiểm lớn nhất làm thay đổi vận mệnh Cao Trí Thịnh chính là khi ông tiếp quản các vụ án học viên Pháp Luân Công. Trong số hàng trăm nghìn luật sư trên toàn Trung Quốc lúc ấy, chỉ có một vài luật sư dám bước chân vào vùng cấm này. Nhưng chính nghĩa và lương tri của Cao Trí Thịnh khiến ông không thể lặng im.
Vào tháng 12/2004, Cao Trí Thịnh tham gia vụ án đầu tiên về các học viên Pháp Luân Công. Ngay sau đó ông đã nhận được thông báo từ tòa án: Bất kỳ vụ án nào về Pháp Luân Công cũng không được lập án, ông sẽ không được phép đảm nhận thêm bất kỳ hoạt động tư pháp nào. Tòa án còn uy hiếp: Ông làm như vậy rất nguy hiểm, nếu vẫn còn tiếp tục thì chúng tôi sẽ viết kiến nghị bên tư pháp xử lý ông.
Cao Trí Thịnh biết chính quyền đã chặn mọi kênh hợp pháp không cho các học viên Pháp Luân Công được khiếu nại. Không còn cách nào khác, ngày 31/12/2004, Cao Trí Thịnh gửi bức thư ngỏ đến Đại hội Nhân dân Toàn quốc và chủ tịch quốc hội Ngô Bang Quốc, hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ ngăn chặn những hành vi tà ác và phi pháp tước đoạt quyền lợi và sự tự do thân thể công dân. Cao Trí Thịnh nói: Buộc phải lựa chọn con đường ngoài pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự là nỗi thống khổ của người làm luật sư.
Trong sách, Cao Trí Thịnh viết: Về vấn đề Pháp Luân Công, nếu toàn thể công dân ai ai cũng nhắm mắt làm ngơ, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với nỗi sỉ nhục và gánh nặng đạo đức này bao nhiêu năm nữa? Nếu tất cả luật sư đều im hơi bặt tiếng thì tương lai sau này chúng ta còn mặt mũi nào đối diện với lịch sử?
Tháng 10/2005, Cao Trí Thịnh đến Sơn Đông tìm hiểu về các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại. Ngày 18/10/2005, Cao Trí Thịnh công bố bức thư ngỏ gửi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Trong thư ông kể về một lượng lớn học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ, bị tra tấn tàn nhẫn cả về thể xác lẫn tinh thần, bị mất tích, bị bức hại cho đến chết. Những hành vi tàn ác ấy không khỏi khiến người ta căm phẫn. Qua đó, ông kêu gọi chính quyền hãy chấm dứt cuộc đàn áp phi nghĩa này. Nhưng ngay sau khi viết bức thư ngỏ ấy, Cao Trí Thịnh đã nhận được cuộc điện thoại uy hiếp. Kể từ ngày 20/10, một lượng lớn cảnh sát mặc thường phục theo dõi sát sao ông và các thành viên trong gia đình.
15 ngày sau, Cục Tư pháp Bắc Kinh cưỡng chế đóng cửa văn phòng luật sư của Cao Trí Thịnh. Nhưng lá thư công khai của ông đã dẫn khởi phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở khắp nơi lần lượt mời ông đến tìm hiểu về sự thật cuộc bức hại. Ngày 29/11, Cao Trí Thịnh cùng với người bạn Tiêu Quốc Phiêu là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đến ba tỉnh Sơn Đông, Liêu Ninh, Cát Lâm tiến hành cuộc điều tra kéo dài hơn nửa tháng.
Ngày 12/12/2005, Cao Trí Thịnh viết lá thư thứ ba gửi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, lá thư dài hơn 20.000 chữ mang tựa đề: “Cần lập tức chấm dứt hành vi diệt chủng lương tri và đạo đức của dân tộc chúng ta”. Trong thư ông viết: Chúng tôi đã lắng nghe đến nghẹt thở từng người từng người chạy trốn khỏi cái chết trong cuộc bức hại này. Có đồng bào đã nhiều lần bị hại và thoát chết, họ đã kể lại toàn bộ sự thật. Đó là cảnh tượng đẫm máu chưa từng có từ xa xưa và chưa từng xuất hiện trên thế gian này. Nhân sinh hung tàn, thủ đoạn tra tấn bi thảm nhất trần gian, tình cảnh ấy khiến ngay cả ma quỷ cũng phải kinh tâm động phách.
Cao Trí Thịnh nói, trong nửa tháng tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công là tiếp xúc với các bậc Thánh hiền. Tinh thần bất khuất, nhân cách cao quý và lòng bao dung của họ là niềm hy vọng cho Trung Quốc ngày hôm nay, cũng là lý do để chúng ta tiếp tục kiên cường. Từng người trong số họ đều mỉm cười và dùng ngữ khí bình hòa kể lại quá trình bị bức hại khiến ông cảm động, nước mắt cứ lăn dài trên má.
Ngày thứ hai kể từ khi viết bức thư ngỏ thứ ba gửi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, tức ngày 13/12/2005, Cao Trí Thịnh đã trịnh trọng tuyên bố thoái đảng. Ông viết:
“Mười ngày qua, tôi lại tiếp xúc với những người tín ngưỡng Pháp Luân Công, đây là mười ngày khiến linh hồn tôi chấn động. Tôi và giáo sư Tiêu Quốc Phiêu đã ăn ở 24/24 với những học viên Pháp Luân Công, những người ở giữa cuộc bức hại diệt tuyệt nhân tính mà trở nên bất diệt. Giáo sư Tiêu nói: ‘Dường như chúng ta đang giao tiếp với một bầy quỷ, bởi vì mỗi người họ đều đã từng chết đi sống lại nhiều lần’. Tôi nói: ‘Chúng ta đang giao thiệp với những vị Thánh hiền, bởi vì tinh thần bất khuất của họ, nhân cách cao quý của họ, và sự khoan dung của họ đối với những kẻ hành ác khiến Trung Quốc ngày nay nhìn thấy hy vọng. Đây cũng là lý do cho sự kiên cường bất khuất của họ!’”
“Mười ngày cuối cùng đã dứt! Thế nhưng sự tuyệt vọng của tôi đối với ĐCSTQ cũng bắt đầu hết. Nó, ĐCSTQ! Nó là dã man nhất, là vô đạo đức nhất, là vô pháp luật nhất! Nó dùng thủ đoạn tra tấn với mẹ chúng ta, với vợ con chúng ta, với anh chị em chúng ta. Nó cho rằng đây là nhiệm vụ công tác của đảng viên, là nâng cao nhận thức chính trị. Trong phút chốc, nó không ngừng cưỡng bức, giày vò lương tâm, nhân cách và thiện lương của nhân dân chúng ta!”
“Cao Trí Thịnh này đã nhiều năm không nộp đảng phí, nhưng để không phải “sinh hoạt đảng viên”, từ nay tuyên bố: thoái xuất tà đảng bất nhân, bất nghĩa, vô nhân tính này.
“Đây là ngày tự hào nhất trong cuộc đời tôi.”
Cao Trí Thịnh không ngừng đấu tranh và kháng nghị, cũng không ngừng lên tiếng vì những người chịu đựng khổ nạn. Vì để thay đổi thế giới và ủng hộ chính nghĩa, ông cam tâm tình nguyện chịu đựng khổ nạn mà không hề do dự.
(Còn tiếp)
Theo Tề Ngọc – Epoch Times
Minh Tâm biên dịch
cao
Did you mean 草
NTD Việt Nam