“Tôi xuất thân rất nghèo, tôi biết cảm giác của người nghèo nên tôi biết mình phải làm gì… Tôi sẽ không coi việc giúp đỡ người khác như bố thí. Tầm nhìn của tôi rất lâu dài, tôi muốn dùng đời này để cứu lấy đời sau!” – Cao Trí Thịnh.
Dùng cả đời này để cứu lấy đời sau
Cuối tháng 11/2005, Cao Trí Thịnh đến ba tỉnh Sơn Đông, Liêu Ninh và Cát Lâm để tìm hiểu về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại. Sau đó ông đã viết bức thư công khai thứ ba gửi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Ngày hôm sau, ông trịnh trọng tuyên bố thoái đảng và nói: “Đây là ngày đáng tự hào nhất trong cuộc đời của tôi”.
Cao Trí Thịnh kể lại: Trong cuộc điều tra nửa tháng ấy, tôi đã cùng sinh sống với những người bị ngồi trên ghế cọp, chính tinh thần của họ đã giúp tôi thoát khỏi những gông cùm trói buộc tinh thần này. Dân tộc chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nguy hiểm cực độ, nếu chỉ vì muốn giữ lại tư cách luật sư, chỉ vì muốn giữ lại văn phòng luật của mình mà không dám đứng cùng với nhân dân, thì đó là nỗi ô nhục của tôi. Vì thế cuối cùng tôi đã lựa chọn thoái xuất khỏi tập đoàn sát nhân này.
Nhưng trong tâm Cao Trí Thịnh hiểu rằng: Nếu giải oan cho các học viên Pháp Luân Công, nếu công khai thoái xuất khỏi ĐCSTQ thì ông sẽ phải đối mặt với nguy hiểm. Ông cũng biết ĐCSTQ đã thiết lập mạng lưới ma quỷ xung quanh ông, mạng lưới ấy mỗi ngày một rộng hơn, mỗi ngày một siết chặt hơn.
Sau khi viết xong lá thư ngỏ, Cao Trí Thịnh và cả gia đình đều bị theo dõi và sách nhiễu. Thực tế, ĐCSTQ đã nhiều lần ám sát ông bằng các thủ đoạn tàn ác, nhưng Cao Trí Thịnh đều may mắn thoát được. 10 tháng sau, ĐCSTQ không giữ được bình tĩnh nữa, cuối cùng đã hiện rõ bộ mặt ma quỷ của mình.
Tháng 8/2006, Cao Trí Thịnh đến nhà chị gái ở Sơn Đông thăm người anh rể đang bệnh nặng. Sáng ngày 15/8, Cao Trí Thịnh đột nhiên đau bụng nên phải ở nhà, không thể đến bệnh viện chăm sóc anh rể được nữa. Trưa hôm ấy khi chị gái ông trở về, phát hiện trong hành lang có đông người lạ mặt, họ đều để vai trần, đeo kính râm, hành tung kỳ lạ. Khi bà vừa tra chìa vào ổ khóa thì một vài người lực lưỡng đột nhiên lao tới, kẻ thì bịt miệng, kẻ thì đạp cửa xông vào nhà.
Ầm một tiếng cánh cửa bật mở, họ như bầy sói đói chồm lên vồ lấy Cao Trí Thịnh lúc ấy đang ngồi dựa vào giường đọc sách trong phòng ngủ. Có kẻ nhảy lên giường đánh ông gục ngã rồi nhanh chóng bịt miệng ông, có kẻ xông tới lật người Cao Trí Thịnh xuống, đè úp mặt xuống giường, có kẻ nắm tóc ông, lại có kẻ dùng băng dính bịt mắt và miệng, sau đó trùm lên đầu chiếc túi màu đen. Khi ấy Cao Trí Thịnh vẫn chân trần, trên thân chỉ mặc một chiếc quần soóc, còn chiếc áo ba lỗ ông mặc trên người đã bị xé thành từng mảnh. Cao Trí Thịnh bị lôi lên xe cảnh sát và áp giải trở lại Bắc Kinh, sau đó ông bị đưa đến Trại giam số 2 Bắc Kinh.
Chị gái của Cao Trí Thịnh cũng bị bắt đến Cục Công an địa phương. Cục trưởng Cục Công an thành phố Đông Doanh đích thân tra hỏi chị gái ông rằng: “Vì sao bà lại ở cùng em trai bà?”
Chị gái ông đáp: “Ông đã có đáp án rồi đấy thôi, ông biết đó là em trai tôi mà”.
Hỏi: “Em trai bà đã uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn quốc gia, vì sao bà vẫn còn ở cùng ông ta?”
Đáp: “Một người tay không tấc sắt mà có thể uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn quốc gia, điều ấy chỉ có thể chứng minh rằng chính quyền của các ông chỉ là giấy bồi”.
Hỏi: “Bà không biết chữ, sao có thể nói rành rọt như vậy?”
Đáp: “Những đạo lý đơn giản này ngoại trừ người làm quan thì một đứa trẻ 3 tuổi cũng hiểu được”.
Hỏi: “Tôi không dây dưa lôi thôi với bà nữa”.
Đáp: “Là ông tìm tôi nói chuyện, chứ trước giờ tôi không hề có ý đi tìm ông”.
Trí huệ và sự trấn tĩnh của chị gái ông khiến vị trưởng Cục Công an phải thất vọng rời đi. Sau này, khi chị gái kể cho Cao Trí Thịnh về cuộc nói chuyện hôm ấy, hai chị em đều cười ra nước mắt.
Ngay sau khi vào trại giam, Cao Trí Thịnh đã bị thẩm vấn vào giữa đêm. Liên tục bốn ngày bốn đêm họ không cho ông ngủ, ông bị bắt khi thì ngồi bất động trên tấm ván cứng suốt thời gian dài, khi lại bị khóa trên chiếc ghế sắt, bị thẩm vấn dưới ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào người. Vì để phản đối các hành vi ngược đãi ấy, Cao Trí Thịnh bắt đầu tuyệt thực. Cảnh sát đe dọa ông rằng: Nếu ngươi tuyệt thực thì vợ con ngươi cũng đừng hòng uống một ngụm nước! Nghĩ đến vợ con, Cao Trí Thịnh đành phải nhượng bộ.
Vào ngày Cao Trí Thịnh bị bắt, cảnh sát ập đến lục soát nhà ông và cướp đi hết thảy những đồ vật có giá trị. Nhiều cảnh sát cưỡng chế ở trong nhà, cả ngày đêm giám sát nhất cử nhất động của gia đình họ Cao. Sau này Cao Trí Thịnh được kể lại rằng, cảnh sát đã tịch thu toàn bộ tài sản khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn cùng đường.
Hơn một tháng sau, vợ ông là Cảnh Hòa bị cảnh sát đánh đập tàn bạo, khi Cao Trí Thịnh biết tin ông đã cự tuyệt không ăn. Tổ chuyên án nói với ông rằng: Chỉ cần ông nhận tội và viết “Thư hối lỗi” thì vợ con ông sẽ nhận được phí sinh hoạt. Nhưng “Thư hối lỗi” của ông cần phải khiến chúng tôi hài lòng.
Cao Trí Thịnh hỏi: Tiêu chuẩn hài lòng là gì?
Đáp rằng: Những điều khác đều có thể bỏ qua không cần nói đến, nhưng tất phải thừa nhận toàn bộ vấn đề về Pháp Luân Công mà ông báo cáo đều là do ông bịa đặt.
Cao Trí Thịnh nói: Nếu về vấn đề này các ông không linh hoạt, vậy thì hãy cứ để vợ con tôi chết đi.
Tổ chuyên án thấy Cao Trí Thịnh kiên định như vậy, liền dịu giọng: Trên văn tự có thể thương lượng được.
Để gia đình được tiếp tục sống, Cao Trí Thịnh bắt đầu viết “Thư hối lỗi”. Nhưng những điều ông viết vẫn không làm họ hài lòng, cuối cùng bản thảo bị tổ chuyên án lấy mất. Lúc ấy trong tâm ông đau đớn vô cùng. Ông nói, không biết thư hối lỗi ấy đã làm tổn thương đến bao nhiêu người. Một năm sau, vào ngày 8/9/2007, Cao Trí Thịnh viết tuyên bố thanh minh trên Epoch Times: Tuyên bố thư hối lỗi không có hiệu lực, không thừa nhận tội danh mà chính quyền cưỡng ép thêm vào.
Tháng 6/2016, con gái của Cao Trí Thịnh là Cảnh Cách đã bay tới Hồng Kông để giới thiệu cuốn sách mới của cha cô. Cảnh Cách bước xuống máy bay, đặt chân lên mảnh đất Hồng Kông, sau bảy năm xa cách đây là lần đầu tiên cô ở gần Trung Quốc đến thế. Cảm giác được ở gần cha, Cảnh Cách đã bật khóc.
Năm 2006 khi cha bị bắt, Cảnh Cách chỉ mới 13 tuổi. Thanh xuân của cô là những năm tháng hắc ám nhất, tàn khốc nhất, tủi nhục nhất. Khi đi học, bảy cảnh sát theo sát cô như hình với bóng, họ thẳng tay đánh đập và nhục mạ cô giữa thanh thiên bạch nhật bất cứ lúc nào. Giáo viên của Cảnh Cách từng nói với học sinh toàn trường rằng: Các em không được phép nói chuyện với Cảnh Cách, ai nói chuyện thì đều bị tống giam vào ngục.
Cảnh Cách đến Hồng Kông giới thiệu cuốn sách mới của cha: “Năm 2017, Trung Quốc đứng lên – tự truyện của luật sư bảo vệ nhân quyền Cao Trí Thịnh khi bị tra tấn”. Trong sách viết: “Tôi đã trải qua gần 10 năm không ở nhân gian, thân thể chịu rất nhiều thống khổ mà chỉ địa ngục trong truyền thuyết mới có. Trong sự nghiệp luật sư ngắn ngủi của mình, tôi đã chứng kiến rất nhiều máu và khổ nạn do thể chế này gây ra… 10 năm qua, bắt cóc, giam cầm, tra tấn, lại bắt cóc, lại giam cầm, lại tra tấn đã trở thành điều bình thường trong cuộc sống, trở thành toàn bộ những gì tôi trải qua trong những năm này”.
Cuốn sách còn tiết lộ rằng, có một lần tra tấn, toàn thân Cao Trí Thịnh bị sốc điện bằng dùi cui, ông đã ngửi thấy mùi da dẻ cháy khét. Ông nhiều lần chịu đựng những khốc hình đẫm máu mà người bình thường không thể tưởng tượng được.
Tại cuộc họp giới thiệu cuốn sách mới tại Hồng Kông và Đài Loan, Cảnh Cách kể: “Trong ngục tù, cha tôi bị đánh, bị sốc điện, bị lột bỏ quần áo, bị bỏ đói, thậm chí còn có kẻ tiểu tiện vào người ông. Ở một quốc gia như nước Mỹ, biệt giam không được vượt quá 30 ngày, bởi vì điều ấy sẽ khiến người ta suy sụp về tinh thần. Nhưng ở Trung Quốc, họ đã biệt giam cha tôi suốt ba năm, trong ba năm ấy ông không được giao tiếp với bất cứ ai, thậm chí còn không được đứng lên. Khi cha tôi ra tù, ông gần như mất năng lực đi lại và nói chuyện, ông gần như mất hết răng và tóc”.
Cảnh Cách cho biết, sau khi đọc xong cuốn sách mới của cha, trong tâm cô vô cùng đau xót. Vợ của Cao Trí Thịnh là bà Cảnh Hòa cũng tâm sự: Bà không dám đọc bản thảo của chồng, bởi vì trong đó đều là máu và nước mắt…
Trong cuộc họp công bố cuốn sách mới, Cảnh Cách nói: “Việc tra tấn vô nhân tính mà cha tôi gặp phải hoàn toàn không cách nào hủy hoại ý chí của ông. Cha tôi vẫn đang viết”.
Đúng vậy, Cao Trí Thịnh trước nay chưa từng lùi bước trong cuộc kháng nghị của mình, ông cũng chưa bao giờ ngừng lên tiếng cho những người dân đang phải chịu khổ nạn. Vì để thay đổi thế giới này, ông cam tâm tình nguyện chịu đựng nỗi khổ nạn cự đại mà không hề hối tiếc.
Tháng 8/2017, hơn một năm sau khi công bố cuốn sách mới, Cao Trí Thịnh lại lần nữa mất tích cho đến nay.
Ngày 9/5/2020 là tròn 1000 ngày Cao Trí Thịnh mất tích, vợ ông là Cảnh Hòa đã đăng một dòng Tweet: Một ngàn ngày đêm, lên trời xuống đất, không đâu tìm thấy, vấn hỏi trời xanh, nghẹn ngào không nói. Nước mắt sắp cạn khô, trái tim sắp trở nên cằn cỗi. Cao Trí Thịnh, rốt cuộc anh ở đâu?
***
Cao Trí Thịnh, chúng tôi gọi tên anh, nhưng anh ở đâu? Anh bước đi dưới ánh đèn huy hoàng trên đường phố Bắc Kinh, trong tâm vẫn không ngừng trăn trở về những người sống dưới ngọn đèn lay lắt. Họ khiến anh bận tâm lo nghĩ, họ cần anh đứng lên trợ giúp.
Cao Trí Thịnh, chúng tôi gọi tên anh, nhưng anh ở đâu? Anh ở trong ngôi nhà hang nơi quê nhà Thiểm Bắc, ngồi trên chiếc giường đất nơi mẹ anh từng gắn bó, viết lại bài hát bi thương về anh và những người cùng khổ.
Cao Trí Thịnh, chúng tôi gọi tên anh, nhưng anh ở đâu? Người thân không nghe thấy tiếng anh, bạn bè không thấy bóng hình của anh, thế giới này không có chút tin tức nào về anh. Anh đã mất tích quá lâu rồi, bị bủa vây bởi bóng đêm hắc ám. Nhưng chúng tôi tin rằng bóng tối không thể chạm tới anh. Dưới sự chỉ dẫn của Thần, anh vĩnh viễn là ánh quang minh rực rỡ.
Cuối cùng, tôi muốn mượn lời Cao Trí Thịnh trong bài phát biểu vào tháng 12 năm 2005 để thay cho lời kết:
“Chúng ta bất hạnh sống tại Trung Quốc thời đại này, bởi chúng ta đã trải qua và kiến chứng những khổ nạn mà bất cứ dân tộc nào trên thế giới đều chưa từng chứng kiến và đều không thể chịu đựng được.
Chúng ta có may mắn sinh sống ở Trung Quốc vào thời đại này, bởi chúng ta được trải qua và chứng kiến quá trình kết thúc một lịch sử đau thương của dân tộc vĩ đại nhất thế gian”.
Theo Tề Ngọc – Epoch Times
Minh Tâm biên dịch
NTD Việt Nam