Thuận ứng Thiên Đạo, lấy đức làm gốc
Trong vận có sự biến đổi khốn đốn, thông đạt, quan trọng là khi gặp cảnh khốn cùng vẫn có thể trước sau giữ vững đức tin thì sau này mới đến được cảnh giới thông đạt. Hành vi có phân biệt thiện ác, quan trọng là có thể giữ vững thiện lương không thay đổi, như thế thì quả thiện ắt sẽ tốt đẹp.
Tôn Tư Mạc: Đạo tu luyện lấy đức làm gốc (Phần 4)
Các danh sỹ đương thời như Tống Chi Vấn, Mạnh Sân, Lư Chiếu Lân… đều tôn kính Tôn Tư Mạc và dùng lễ thầy để đối đãi với ông.
Lư Chiếu Lân đã từng học đạo tu thân, thiên văn và y thuật của Tôn Tư Mạc, và cũng là một trong “Tiên tông thập hữu” nổi tiếng đương thời. Ông thỉnh giáo Tôn Tư Mạc: “Danh y trị bệnh, đạo lý đó như thế nào?”
Tôn Tư Mạc trả lời: “Người giỏi thuận theo quy luật của Đạo Trời ắt có thể tham chính ở việc con người. Người giỏi về hiểu biết thấu triệt thân thể người thì ắt phải lấy đạo lý của Trời làm chỗ dựa. Trời có bốn mùa, có ngũ hành thay thế nhau, giống như bánh xe xoay chuyển. Khí của Đạo Trời hòa thuận thì mưa; phẫn nộ thì hóa thành gió; ngưng kết thì thành sương; phô ra thì thành cầu vồng.
Con người cũng đối ứng có tứ chi, ngũ tạng, sáng làm việc tối ngủ nghỉ, hô hấp tinh khí, thải cái cũ nạp cái mới. Đây chính là quy luật tự nhiên của thân thể người. Đạo âm dương, Trời và người đối ứng, Trời và người thông nhau. Âm dương của thân thể người và của giới tự nhiên không có gì khác biệt. Âm dương của thân thể người mất điều độ bình thường thì bề ngoài thân thể sẽ xuất hiện các trạng thái bất thường, nguyên nhân căn bản lại ở trong hình thể.
Trời đất cũng như thế, các vì sao lệch khỏi quỹ đạo, mặt trời mặt trăng vận hành xuất hiện rối loạn, nóng lạnh dị thường, sông ngòi khô cạn, đều là do lệch khỏi quy luật của Đạo Trời. Lương y trị bệnh, dùng thuốc khai thông, dùng kim, bài thuốc cấp cứu. Thánh nhân tế thế, dùng đạo đức điều hòa, dùng chính sự phụ trợ, khiến tất cả quy về Thiên lý, chính Đạo. Do đó thân thể người có thể điều tiết, trời đất có thể giải trừ thiên tai. Thầy thuốc bậc cao là chữa bệnh khi bệnh chưa có dấu hiệu xuất hiện, thầy thuốc bậc trung chữa bệnh khi bệnh sắp xuất hiện, thầy thuốc bậc thấp chữa bệnh khi bệnh đã xuất hiện”.
Ông chỉ ra rằng lương y: “cần phải lấy việc tế thế cứu người làm hoài bão, không cầu công danh lợi lộc, hành sự quả đoán, dụng tâm tỉ mỉ, tâm trí linh hoạt chu toàn, hành vi nghiêm chính, không vì lợi mà trái đạo nghĩa, không để hổ thẹn vì làm việc không hợp với đạo nghĩa”.
Tôn Tư Mạc coi quy phạm y đức đặt ở vị trí trên hết. Ông chỉ ra động cơ học y cần phải thuần chính, ắt phải có y đức cao thượng “mạng người là quan trọng nhất” và “chí hướng ở cứu giúp người”. Ông đề ra “Đại y tinh thành”, “Bậc đại y trị bệnh, ắt phải an thần định chí, vô dục vô cầu, trước tiên phát tâm từ bi trắc ẩn, thề nguyện phổ cứu cái khổ của sinh linh. Không được hỏi người bệnh giàu nghèo sang hèn, lớn nhỏ già trẻ, ân oán thân hữu, hiền ngu nhã tục, tất cả đều coi như nhau, đều đối xử như người chí thân”.
Ông còn viết rằng: “Mạng người là quan trọng nhất, quý hơn ngàn vàng. Một phương thuốc cứu sống người thì đức còn hơn cả ngàn vàng”. Vì vậy ông thêm hai chữ “Thiên kim” (ngàn vàng) vào tất cả các trước tác của mình. Bản thân ông cũng là lấy đức tu thân, lấy thân làm mẫu. Ông thường đem các phương thuốc chữa các bệnh tật thông thường khắc lên bia đá, dựng ở bên đường gần chỗ ông cư trú để mọi người có thể tự chiểu theo đó mà chữa trị, không lấy một xu nào.
Tôn Tư Mạc tham ngộ trời đất và con người là cùng một tính, ông đề ra làm người cần phải tu thân, dưỡng đức là yếu chỉ hàng đầu. Học trò của ông thỉnh giáo về yếu chỉ của việc tu thân dưỡng tính, ông trả lời rằng: “Trời có đầy, trống rỗng, người có gian nguy, không tự xem xét mình thận trọng thì không thể cứu chữa được. Do đó dưỡng sinh thì trước tiên phải biết tự xem xét mình thận trọng. Thận trọng thì lấy e sợ làm gốc, do đó kẻ sỹ mà không e sợ thì ít nhân nghĩa, người nông dân không e sợ thì ít thu hoạch, người làm nghề không e sợ thì coi thường quy củ, thương nhân không e sợ thì hàng hóa không sinh lời, con cái không e sợ thì quên đạo hiếu, cha không e sợ thì mất nhân từ, bề tôi không e sợ thì công lao không tạo dựng, quân vương không e sợ thì loạn lạc. Do đó đầu tiên là e sợ Đạo, e sợ Trời, tiếp đến là e sợ vật, tiếp theo là e sợ người, cuối cùng là e sợ bản thân”.
Tôn Tư Mạc cho rằng làm người cần tuân thủ Đạo Trời, tu đức tích thiện. Tích thiện đức rộng rãi, tâm địa thiện lương, phúc trạch tự nhiên lâu bền, thân tâm tất sẽ mạnh khỏe, trường thọ. Tính đã là thiện thì nội ngoại bách bệnh đều không sinh. Nếu tâm tính bất thiện thì dẫu có uống linh đan diệu dược cũng không được trường thọ. Nếu hành sự trái với lẽ Trời thì thuốc gì cũng vô ích. Do đó làm người thì quan trọng nhất là tu đức.
Ngụy Trưng đời Đường nhận mệnh biên soạn sử của các nước Tề, Lương, Chu, Tùy… thời Ngũ Đại. Ông e sợ có thiếu sót nên nhiều lần thỉnh giáo Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc dùng lời nói truyền thụ, giống như tận mắt chứng kiến. Mọi người đều cảm thấy rất kỳ lạ. Đông đài Thị lang Tôn Xử Ước đã dẫn năm người con trai là Tôn Đĩnh, Tôn Cảnh, Tôn Tuấn, Tôn Hựu, Tôn Thuyên đi bái kiến Tôn Tư Mạc.
Tôn Tư Mạc nói: “Tôn Tuấn sẽ hiển quý trước tiên. Tôn Hựu sẽ hiển đạt khá muộn. Tôn Đĩnh địa vị sẽ cao nhất, tai họa sẽ xảy ra khi cầm binh quyền”.
Sau này tất cả đều ứng nghiệm như Tôn Tư Mạc đã nói.
Thái tử Chiêm sự Lư Tề Khanh thuở nhỏ thỉnh giáo Tôn Tư Mạc về sự việc gia đình, Tôn Tư Mạc nói: “50 năm sau quan chức của cậu có thể đạt được đứng đầu chư hầu một phương. Cháu nội của ta sẽ trở thành thuộc hạ của cậu. Cậu nên tự giác kỷ luật, trân quý bản thân”.
Lư Tề Khanh sau này làm Thứ sử Từ Châu. Cháu nội của Tôn Tư Mạc là Tôn Phổ quả nhiên là Huyện lệnh huyện Tiêu, Từ Châu. Năm xưa khi ông nói những lời này với Lư Tề Khanh thì Tôn Phổ còn chưa ra đời, mà ông đã biết trước được sự tình của Tôn Phổ rồi. Tôn Tư Mạc thông hiểu cổ kim, cả đời thích Đạo, tu Đạo, giỏi tính thiên văn lịch pháp, rất nhiều sự việc đều biết trước, rất nhiều sự tình thần kỳ xảy ra với ông.
Đường Thái Tông ca ngợi Tôn Tư Mạc là “Đại y sư danh tiếng, người mở ra con đường, là người phụ giúp Tam Thánh (Phục Hy, Văn Vương và Khổng Tử – ND), điều hòa tứ thời, hàng long phục hổ, cứu khổ cứu nguy. Ông là người vĩ đại, là người thầy của trăm đời”.
Tu luyện đắc Đạo, phản bổn quy chân
Tôn Tư Mạc cảm thán phong khí thế nhân ngày càng sa sút, người thế tục truy cầu danh lợi, tranh giành đoạt lợi, tham lam vô đáy, cuối cùng buông thả mà chết. Tôn Tư Mạc nói, chỉ có tu dưỡng đạo đức, không cầu thiện báo mà tự có phúc báo, không cầu trường thọ mà tự kéo dài thọ mệnh.
Con người sinh ra là đã có “Tam bảo” của sinh mệnh: Tinh, khí, thần. Tam bảo của sinh mệnh là ba Pháp bảo, có thể hình thành nhiều tầng “bình phong bảo vệ”, chống lại ngoại tà, nuôi dưỡng bảo hộ sinh mệnh. Trong đó “Nguyên thần” (thần) là chủ chân chính của con người, nó có nguồn gốc từ thế giới của “Thần” (Thiên quốc). Do đó “nguyên thần” của con người có đặc tính như Thần, là thần thánh, thuần chân, thiện lương. Hơn nữa tầng thứ của “nguyên thần” là cao nhất, lạp tử tổ thành nó là nhỏ nhất, có năng lượng lớn nhất, có năng lực bảo hộ sinh mệnh lớn nhất.
“Nguyên thần” tuy có nguồn gốc từ thế giới của Thần, có đầy đủ năng lực của Thần, nhưng con người còn có nghiệp lực và tư tưởng tự tư, bất thiện. Chính vì con người có tư tưởng tự tư, bất thiện này đã che lấp và trở ngại “nguyên thần” thiện lương, khiến “nguyên thần” không thể nào phát huy được năng lực lớn mạnh bảo vệ sinh mệnh. Nếu con người có thể trọng đức, trừ bỏ những tư tưởng bất hảo như tâm tự tư, tâm đố kỵ, tâm tranh đấu… thì có thể hiển hiện ra uy lực lớn mạnh của “nguyên thần”, còn có hiệu quả hơn cả uống thuốc Tiên.
Dưỡng sinh tiến thêm một bước chính là tu luyện. Tu luyện càng cần phải trọng đức, hơn nữa tiêu chuẩn càng cao. Tôn Tư Mạc cuối cùng đã tu thành Chân nhân. Năm Vĩnh Thuần thứ nhất đời Đường Cao Tông (năm 682), Tôn Tư Mạc dậy sớm tắm gội, áo mũ chỉnh tề, ngồi ngay ngắn và nói với con cháu rằng: “Tương thăng vô hà chi hương, thần ư kim khuyết”, có nghĩa là: “Ta sẽ thăng Thiên, làm quan ở Thiên Đình”. Nói rồi một lát sau ngừng thở. Nhưng ông ra đi hơn một tháng mà dung mạo vẫn không thay đổi. Khi người nhà đem thi thể bỏ vào quan tài thì thấy nhẹ như bộ y phục, bởi vì ông đã “thi giải” (“Vân kíp thất thiêm” đời Tống).
Đạo gia thành Tiên có hai phương thức chủ yếu. Hoàng Đế là cưỡi rồng, bạch nhật phi thăng (ban ngày bay lên trời). Tôn Tư Mạc là “thi giải”, tức là một phương thức “chết giả”, thực tế ông đã đắc Đạo thành Tiên rồi. Ông lại lên núi tu luyện rồi.
(Hết)
vn.minghui.org