Tổng thống Trump ngày 8/2 tuyên bố Hoa kỳ là “quốc gia của những người tín ngưỡng” và cam kết sẽ bảo vệ các sinh mệnh có đức tin trên khắp thế giới.
“Hoa Kỳ là quốc gia của những người tín ngưỡng và chúng ta được củng cố bởi sức mạnh của những người cầu nguyện”, ông Trump phát biểu tại Bữa sáng Cầu nguyện Quốc gia ngày 8/2 ở thủ đô Washington, theo Fox News.
Lưu ý rằng các nhà sáng lập Hoa Kỳ đã nhắc đến Đấng Sáng Thế bốn lần trong Tuyên ngôn Độc lập, Tổng thống Trump nói rằng không có thế lực nào có thể lấy đi các quyền lợi được nêu trong tài liệu sáng lập của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Hôm nay chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời vì chúng ta thật sự may mắn khi trở thành người Mỹ”.
Tổng thống Trump cam kết sẽ bảo vệ những người có đức tin ở Mỹ và mọi nơi trên thế giới. Ông nói: “Chúng ta biết rằng hàng triệu người ở Iran, Cuba, Venezuela và Bắc Triều Tiên và các nước khác phải đang chịu đựng những chế độ áp bức và tàn bạo. Mỹ đứng về phía tất cả những người bị áp bức và bức hại tín ngưỡng”.
Dù không trực tiếp có tên trong bài phát biểu của Tổng thống Trump, Trung Quốc được dự đoán sẽ phải lo ngại về lời tuyên bố bảo vệ tự do tín ngưỡng của ông. Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour nhận định Tổng thống Trump sẽ là người khiến Bắc Kinh phải hành xử tốt đẹp hơn và từ bỏ cuộc đàn áp tín ngưỡng đối với những người tập Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, môn khí công ôn hòa thuộc trường phái Phật gia, gồm 5 bài tập và các nguyên tắc sống theo Chân – Thiện – Nhẫn.
“Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe tốt hơn và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới”, Thượng viện New York khẳng định trong Nghị quyết 1432 nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017.
Mặc dù không phải tôn giáo, niềm tin về các giá trị Thần truyền và sự ưa chuộng của người dân Trung Quốc đối với Pháp Luân Công vào những năm 1990 đã khiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đương thời đố kỵ và phát lệnh đàn áp. Ông Giang Trạch Dân, khi đó là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc theo chủ nghĩa vô Thần, có khoảng 60 triệu Đảng viên, trong khi số người tập Pháp Luân Công vào năm 1999 là 70-100 triệu người, lần lượt theo ước tính của nhà nước và của các học viên.
Quyết định của ông Giang đã để lại một di họa tai tiếng cho những người kế nhiệm sau này, với một loạt các vi phạm nhân quyền như tra tấn, sỉ nhục, thậm chí mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công. Một số dấu hiện cho thấy dường như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn từ bỏ cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện nay và thanh trừ các thành viên thuộc phe cánh Giang Trạch Dân.
Video: Vì sao chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công dù bị thế giới lên án?
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump cam kết sẽ bảo vệ những người có đức tin. Trong một sự kiện vào tháng 6/2017, ông nói “đã đến lúc phải chấm dứt các cuộc tấn công vào tôn giáo”, đồng thời cam kết sẽ “kết thúc sự phân biệt đối xử chống lại những người có đức tin”.
Các chính sách của chính quyền của ông trong năm qua như thu hồi đạo luật phá thai của ObamaCare, bổ nhiệm các thẩm phán về đời sống và tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel, tất cả đã giúp thúc đẩy sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống đối với những lời dạy trong Kinh Thánh.
Ông tuyên bố hôm 8/2: “Chừng nào ánh mắt của chúng ta hướng về ân huệ của Đức Chúa và mở lòng của chúng ta với sự từ bi của Đức Chúa Trời, thì nước Mỹ sẽ mãi mãi là đất nước tự do, là quê hương của lòng can đảm và là ánh sáng cho tất cả các quốc gia”.
Vào ngày Độc Lập của nước Mỹ (ngày 4/7), tổng thống Trump nhấn mạnh về niềm tôn kính Đức Chúa Trời và quyền con người rằng: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa Trời”.
Video: Vì sao người Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một tổng thống vô thần?
Minh Đức / dkn.tv