Trải qua ngàn năm, vì sao không ai dám trộm mộ Vương Chiêu Quân? (Ảnh chụp màn hình Sound Of Hope)
Nói đến Vương Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nữ thời cổ đại, tin rằng mọi người sẽ không xa lạ gì. Vương Chiêu Quân vốn có mỹ mạo “Lạc nhạn” – Lưng lửng trời nhạn ngẩn ngơ sa.
Tương truyền, ở trong sa mạc mênh mông bát ngát, Chiêu Quân gảy đàn tỳ bà, chim nhạn bay về phía nam đều nhao nhao hạ xuống, lúc này mới có tuyệt xướng “Bình sa lạc nhạn”.
Vương Chiêu Quân vốn là một cung nữ trong hoàng thất, vì đại nghĩa dân tộc, vì bảo vệ biên cương Hán triều yên định, tự nguyện đi vùng hoang mạc gả cho Thiền Vu Vương Hung Nô. Dưới sự bảo vệ mạnh mẽ của Vương Chiêu Quân, Hung Nô không còn xâm phạm biên giới Hán triều nữa, nhân dân biên cương có cuộc sống yên ổn. Đáng tiếc Vương Chiêu Quân qua đời ở tuổi 36.
Tuy nhiên có một hiện tượng kỳ lạ, sau khi Vương Chiêu Quân qua đời, trong hàng ngàn năm không có ai dám trộm mộ của bà.
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Chẳng lẽ những kẻ trộm mộ không biết đây là lăng mộ hoàng gia sao? Đương nhiên biết, vậy vì sao không ra tay?
Có học giả nói, kỳ thật nghề trộm mộ này có một quy định bất thành văn, họ cho rằng trộm mộ của bà sẽ gặp báo ứng. Người hiểu rõ lịch sử đều biết bởi vì Hung Nô không ngừng quấy rầy biên cương Đại Hán, vì để cho Hán triều cùng Hung Nô có thể chung sống hòa thuận, Hoàng đế quyết định tiến hành hôn nhân chính trị. Đây là sự ra đi của Chiêu Quân nổi tiếng trong lịch sử.
Vua Hung Nô rất hài lòng với Vương Chiêu Quân, hơn nữa ba đời vua Hung Nô đều đối xử với Vương Chiêu Quân rất tốt. Sau khi bà qua đời, người Hung Nô đã an táng bà bên bờ sông Đại Hắc. Vương Chiêu Quân cả đời được ba vị vua Hung Nô sủng ái, bởi vì nàng đã cống hiến rất lớn cho hòa bình giữa Hán triều và Hung Nô, được dân chúng ca ngợi, thường đến tế bái tỏ lòng kính trọng với bà.
Dân chúng thường đặt một nắm hoàng thổ lên mộ bà, để bày tỏ sự tưởng nhớ đến Vương Chiêu Quân. Theo thời gian, mộ đã tích lũy cao lên 30m, tổng diện tích lên tới 13.000 m2, khiến nó trở thành một trong những ngôi mộ lớn nhất thời nhà Hán. Nó còn có một cái tên hay gọi là “Lăng mộ xanh”, bởi mỗi năm vào cuối thu, thảm thực vật xung quanh sẽ khô héo, chỉ còn mộ Vương Chiêu Quân là vẫn còn cỏ xanh.
Trong thời gian ở Hung Nô, Vương Chiêu Quân đã trao tặng văn hóa, kiến thức, v.v. cho người dân địa phương, nên người dân địa phương rất biết ơn bà. Hành động của bà luôn được những người thuộc thế hệ sau ấn tượng sâu sắc, họ vô cùng ngưỡng mộ một người phụ nữ có thể hy sinh và đạt được thành tựu to lớn như vậy.
Thời gian trôi qua, mọi người đối với sự tích của Vương Chiêu Quân càng ngày càng quen thuộc, người đến thương tiếc bà cũng càng ngày càng nhiều. Người ta nói rằng Vương Chiêu Quân luôn sống trong cảnh nghèo khó nên trong lăng mộ của bà sẽ không có kho báu. Người dân địa phương cũng sẽ không cho phép bất cứ ai trộm cắp lăng mộ của bà. Tuy nhiên, những kẻ cướp mộ cũng nói rằng, Vương Chiêu Quân khi còn sống đã làm rất nhiều việc tốt, bọn họ cảm thấy một người phụ nữ như vậy không nên quấy rầy, trộm mộ của bà sẽ gây họa cho hậu thế, đây chính là quy định bất thành văn trong nghề nghiệp mà người trộm mộ nói.
Theo Quách Hiểu – Sound Of Hope
Nguyên Anh biên dịch
NTD Việt Nam