Ảnh minh hoạ. (Getty Images)
Khoảng 1/ 6 người Mỹ trưởng thành đang dùng những loại thuốc không hiệu quả do giả thuyết serotonin sai lầm trong bệnh trầm cảm.
Trong 30 năm qua, rất nhiều người cho rằng trầm cảm là do “sự mất cân bằng các chất hóa học” trong não. Cụ thể hơn là do sự mất cân bằng của một chất gọi là serotonin. Tuy nhiên, nghiên cứu đánh giá mới nhất của chúng tôi cho thấy nhiều bằng chứng không ủng hộ giả thuyết này.
Được đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1960, lý thuyết serotonin trong bệnh trầm cảm được các công ty dược phẩm quảng bá rộng rãi vào những năm 1990 cùng với nỗ lực tiếp thị một loạt thuốc chống trầm cảm mới ra thị trường. Đó là nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI).
Lý thuyết này cũng được những tổ chức chính thức như Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ tán thành. Tổ chức tuyên bố với cộng đồng rằng “sự khác biệt của một số chất hóa học trong não có thể đã góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm”.
Rất nhiều bác sĩ đã lặp đi lặp lại thông tin này trên khắp thế giới, ngay trong cả những phòng khám tư nhân và trên cả phương tiện truyền thông. Người dân cũng hoàn tin vào điều này. Nhiều người bắt đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm vì họ cho rằng não của họ có vấn đề và cần phải dùng thuốc chống trầm cảm để điều chỉnh lại.
Nhờ hoạt động tiếp thị này, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng lên đáng kể. Hiện nay loại thuốc này được kê cho 1/6 dân số trưởng thành ở Anh và Hoa Kỳ.
Trong một thời gian dài, một số học giả, bao gồm cả một số chuyên gia tâm thần hàng đầu đều cho rằng không có bằng chứng thỏa đáng chứng minh rằng trầm cảm là kết quả của tình trạng giảm nồng độ hoặc giảm hoạt động của serotonin. Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn tiếp tục tán thành giả thuyết này. Cho đến nay vẫn chưa có đánh giá toàn diện nào đối với các nghiên cứu về serotonin và trầm cảm để đưa ra kết luận chắc chắn.
Thuốc chống trầm cảm SSRI tác động lên hệ thống serotonin dường như ủng hộ lý thuyết serotonin trong bệnh trầm cảm. SSRI làm tăng tạm thời lượng serotonin trong não, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là trầm cảm do hiện tượng giảm serotonin gây ra.
Có những cách giải thích khác về tác dụng của thuốc chống trầm cảm. Trên thực tế, các thử nghiệm thuốc cho thấy thuốc chống trầm cảm hầu như không có khác biệt với giả dược (placebo) trong điều trị trầm cảm. Ngoài ra, dường như thuốc chống trầm cảm còn có tác dụng làm tê liệt cảm xúc và có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của người bệnh. Chúng ta vẫn chưa có nhiều thông tin cũng như chưa hiểu rõ cơ chế của tác dụng này.
Bài đánh giá toàn diện đầu tiên
Đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng về hệ thống serotonin từ những năm 1990, nhưng trước đây những nghiên cứu này chưa được tổng hợp một cách có hệ thống. Chúng tôi đã tiến hành một đánh giá chung (umbrella review) để xác định và đối chiếu một cách có hệ thống các bằng chứng hiện có từ các nghiên cứu về serotonin và trầm cảm trên những lĩnh vực chính. Mặc dù trước đây đã có những đánh giá hệ thống trên từng lĩnh vực riêng lẻ nhưng chưa có đánh giá nào tổng hợp tất cả các lĩnh vực này.
Một lĩnh vực nghiên cứu được chúng tôi sử dụng là các nghiên cứu so sánh nồng độ serotonin và các sản phẩm phân hủy của chất này trong máu và dịch não. Nhìn chung, nghiên cứu trên lĩnh vực này không tìm thấy sự khác biệt giữa những người bị trầm cảm và những người không bị trầm cảm.
Một lĩnh vực nghiên cứu khác tập trung vào các thụ thể serotonin. Đó là các phân tử protein ở đầu mút thần kinh, là vị trí liên kết với serotonin, có chức năng dẫn truyền hoặc ức chế tác dụng của serotonin. Nghiên cứu về thụ thể serotonin là loại nghiên cứu phổ biến nhất. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa người bị trầm cảm và người không bị trầm cảm, thậm chí hoạt động của serotonin còn tăng lên ở những người bị trầm cảm – trái ngược với dự đoán của lý thuyết serotonin.
Nghiên cứu về “chất vận chuyển” serotonin, loại protein có chức năng chấm dứt tác dụng của serotonin (đây là loại protein thuốc SSRIs sẽ tác động lên), cũng cho thấy rằng hoạt động của serotonin tăng lên ở những người bị trầm cảm. Tuy nhiên, có thể giải thích kết quả này là do nhiều người tham gia các nghiên cứu này đã hoặc đang sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Chúng tôi cũng đánh giá các nghiên cứu tìm hiểu liệu có thể gây ra trầm cảm trên tình nguyện viên bằng cách làm giảm nồng độ serotonin nhân tạo hay không. Hai nghiên cứu đánh giá có hệ thống từ năm 2006 và 2007 với mẫu là 10 nghiên cứu gần nhất (tại thời điểm thực hiện nghiên cứu) cho thấy việc giảm nồng độ serotonin không gây ra trầm cảm ở hàng trăm tình nguyện viên khỏe mạnh. Một trong những nghiên cứu đánh giá này thu được bằng chứng rất yếu về hiện tượng này ở một nhóm nhỏ những người có tiền sử gia đình bị trầm cảm, nhưng nghiên cứu này chỉ có 75 người tham gia.
Có các nghiên cứu rất lớn với hàng chục nghìn bệnh nhân đánh giá các biến dị di truyền, trong đó bao gồm cả các gen có chức năng tạo ra chất vận chuyển serotonin. Những nghiên cứu này không tìm thấy sự khác biệt về tần suất biến dị di truyền giữa những người bị trầm cảm và những người khỏe mạnh.
Mặc dù có một nghiên cứu nổi tiếng đã tìm thấy liên hệ giữa gen quy định chất vận chuyển serotonin và các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, nhưng các nghiên cứu lớn hơn, toàn diện hơn không tìm được mối liên hệ này. Tuy nhiên, bản thân các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống vẫn tác động mạnh đến nguy cơ xuất hiện bệnh trầm cảm sau này của con người.
Một số nghiên cứu trong nghiên cứu tổng quan của chúng tôi thực hiện trên những người đang dùng hoặc đã từng dùng thuốc chống trầm cảm cho thấy bằng chứng rằng thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm nồng độ hoặc hoạt động của serotonin.
Không có bằng chứng ủng hộ
Lý thuyết serotonin trong bệnh trầm cảm là một trong những lý thuyết sinh học được nghiên cứu rộng rãi và có ảnh hưởng nhất về nguyên nhân của căn bệnh này. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quan điểm này không có bằng chứng ủng hộ. Điều này đặt ra câu hỏi về cơ sở để sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Hầu hết các thuốc chống trầm cảm đang được sử dụng hiện này đều được xem là có tác dụng thông qua hệ serotonin. Một số thuốc chống trầm cảm còn tác động đến noradrenaline trong não. Nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng bằng chứng về sự liên quan của noradrenaline trong bệnh trầm cảm yếu hơn so với serotonin.
Không có cơ chế dược lý khác nào khác giải thích cho tác dụng của thuốc chống trầm cảm. Nếu thuốc chống trầm cảm chỉ có tác dụng như giả dược hoặc làm tê liệt cảm xúc thì không thể đảm bảo rằng loại thuốc này có lợi nhiều hơn có hại.
Xem trầm cảm là một bệnh do rối loạn sinh học có thể giúp làm giảm sự kỳ thị, nhưng trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy điều ngược lại. Đồng thời những bệnh nhân tin rằng bệnh trầm cảm là do sự mất cân bằng các chất hóa học trong não sẽ càng bi quan hơn đối với khả năng hồi phục của mình.
Một điều quan trọng cần hiểu rõ ở đây là quan điểm cho rằng “sự mất cân bằng hóa học” gây ra bệnh trầm cảm chỉ là một giả thuyết. Chúng ta vẫn chưa biết việc tăng tạm thời serotonin hoặc những thay đổi các chất sinh hóa khác khi sử dụng thuốc chống trầm cảm sẽ gây ra tác hại gì cho não. Chúng tôi kết luận rằng không thể xem việc sử dụng thuốc chống trầm cảm SSRI là cần thiết hay hoàn toàn an toàn.
Nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm, bạn không nên tự ý ngưng sử dụng mà cần thảo luận với bác sĩ. Tuy nhiên chúng ta cần biết tất cả thông tin để quyết định rằng có nên dùng loại thuốc này hay không.
Theo The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Tác giả: Joanna Moncrieff
Joanna Moncrieff là giảng viên lâm sàng tâm thần học phản biệt và xã hội cao cấp tại Đại học College London, và Mark Horowitz là nhà nghiên cứu lâm sàng tâm thần học tại UCL. Bài viết gốc được đăng bởi The Conversation.
NTD Việt Nam