Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt chưa được biết rõ nhưng sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và sinh lý vẫn đóng một vai trò nhất định. Trong hình là hình ảnh các não thất mở rộng. Tình trạng này được quan sát thấy ở 80% người mắc bệnh tâm thần phân liệt. (Hình minh họa bởi The Epoch Times, Shutterstock)
Ảnh hưởng đến 1% dân số toàn cầu, tâm thần phân liệt là một tình trạng hiếm gặp nhưng lại gây suy yếu nghiêm trọng, khiến người bệnh khó phân biệt được thực tế.
Tâm thần phân liệt là một rối loạn não bộ mãn tính, phức tạp, đặc trưng bởi sự mất kết nối với thực tại, ảo giác (thính giác), hoang tưởng, những suy nghĩ bất thường và các khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Ước tính tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần liên quan ở Hoa Kỳ dao động từ 0,25% đến 0,64%, với khoảng 24 triệu người (tức là cứ 222 người thì có 1 người) bị ảnh hưởng trên toàn cầu. Với chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp, nhiều người mắc bệnh tâm thần phân liệt có thể có cuộc sống trọn vẹn.
Triệu chứng và dấu hiệu sớm của tâm thần phân liệt là gì
Có nhiều hiểu lầm về tâm thần phân liệt. Người mắc căn bệnh này không bị khuyết tật trí tuệ, cũng không có tình trạng “nhân cách phân liệt”. Mặc dù một số bệnh nhân có thể có trạng thái hung hăng trong những giai đoạn cấp tính chưa được điều trị, nhưng tình trạng rất hiếm và không giống như mô tả về những kẻ giết người hàng loạt hay những người rối loạn nhân cách trên các phương tiện truyền thông.
Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện lần đầu ở những người từ 15 đến 30 tuổi. Bệnh tâm thần phân liệt hiếm khi xuất hiện ở trẻ em dưới 12 tuổi. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển dần dần, có thể mà người bệnh sẽ không nhận ra ngay lập tức. Những triệu chứng này khác nhau giữa từng người và có thể thay đổi theo thời gian. Một số người chỉ có một giai đoạn loạn thần duy nhất nhưng có những người có nhiều giai đoạn loạn thần trong suốt cuộc đời.
Có thể có một giai đoạn sớm, trong đó các cá nhân trải qua những thay đổi về cảm xúc và hành vi trước khi bệnh phát triển đầy đủ. Các dấu hiệu ban đầu có thể bao gồm cáu kỉnh hoặc căng thẳng, khó tập trung, khó ngủ, giảm sút thành tích học tập, niềm tin rằng người khác đang cố gắng gây hại và thay đổi tính cách (ví dụ: tránh tương tác xã hội).
Các dấu hiệu sớm
Một số bệnh nhân có thể có giai đoạn sớm. Đây là giai đoạn người bệnh có những thay đổi về cảm xúc và hành vi trước khi bệnh xuất hiện hoàn toàn. Các dấu hiệu đầu tiên có thể gồm có cáu gắt hoặc căng thẳng, khó tập trung, khó ngủ, thành tích học tập giảm sút, cho rằng người khác đang cố gắng hại mình và thay đổi nhân cách (ví dụ như tránh các giao tiếp xã hội).
Có một số loại triệu chứng tâm thần phân liệt như triệu chứng âm tính, triệu chứng dương tính và triệu chứng nhận thức.
Các triệu chứng âm tính
Âm tính ở đây không có nghĩa là “xấu”. Triệu chứng âm tính thể hiện sự giảm sút hoặc mất đi của các khía cạnh trong tính cách hoặc trải nghiệm của bệnh nhân. Những triệu chứng này thường xuất hiện trước các triệu chứng tích cực. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện sau:
– Thiếu động lực tham gia các hoạt động
– Bỏ bê chăm sóc bản thân ví dụ như không tắm hoặc không ăn uống thường xuyên
– Không còn hứng thú với những điều trước đây từng yêu thích
– Có phản ứng không phù hợp với các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày
– Gặp khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc
– Tức giận với người lạ mà không có lý do và có những phản ứng gây hại cho người khác
– Cảm thấy cảm xúc của bản thân bị tách rời.
– Nói rất ít
– Vận động chậm chạp
Các triệu chứng dương tính
Từ “dương tính” cũng không có nghĩa là có lợi. Triệu chứng dương tính thể hiện các yếu tố mới thêm vào trong tính cách hoặc trải nghiệm của bệnh nhân. Các triệu chứng dương tính phổ biến gồm có (khi kết hợp lại có thể được gọi là trạng thái loạn thần):
– Ảo giác: Những thay đổi về tri giác ví dụ như nghe thấy âm thanh, nhìn thấy đồ vật, hoặc có những cảm nhận không thực sự tồn tại được gọi là ảo giác. Các ảo giác này có thể là thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác hoặc xúc giác, trong đó ảo giác thính giác là phổ biến nhất trong bệnh tâm thần phân liệt.
– Hoang tưởng: Những suy nghĩ không thực tế gây khó chịu và dai dẳng ngay cả khi người khác bác bỏ chúng được gọi là hoang tưởng. Đây là một triệu chứng phổ biến của một số rối loạn tâm thần. Một ví dụ cho triệu chứng này đó là bệnh nhân liên tục tin rằng bản thân nhận được thông điệp bí mật qua TV.
– Suy nghĩ, lời nói và hành vi vô tổ chức.
Các triệu chứng nhận thức
Các triệu chứng nhận thức ảnh hưởng đến quá trình suy nghĩ của bệnh nhân tâm thần phân liệt và thông thường người bệnh hoặc những người khác không nhận ra. Những triệu chứng này gồm có:
– Mất trí nhớ
– Khó khăn trong việc hiểu và đưa ra quyết định
– Khó khăn trong việc giao tiếp rõ ràng với người khác
– Thiếu tập trung
– Ý nghĩ tự tử: Khoảng 5% đến 6% người mắc tâm thần phân liệt chết vì tự tử với khoảng 20% bệnh nhân cố gắng tự tử. Nhiều bệnh nhân có ý nghĩ tự tử. Tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, làm giảm tuổi thọ trung bình của bệnh nhân 10 năm.
Nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt là gì?
Trái với những quan niệm phổ biến, bệnh tâm thần phân liệt không phải do cách nuôi dạy kém, chấn thương, nghèo đói hoặc ma túy gây ra. Tuy nhiên, những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh.
Mặc dù nguyên nhân cụ thể và cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được biết rõ nhưng bệnh tâm thần phân liệt có nền tảng sinh học. Giả thuyết phát triển thần kinh trong bệnh tâm thần phân liệt cho rằng sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ về di truyền và các yếu tố môi trường trong giai đoạn phát triển não sớm dẫn đến căn bệnh này. Những ảnh hưởng này, đặc biệt là trong giai đoạn tiền sản và giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề cho các triệu chứng xuất hiện vào đầu tuổi trưởng thành.
Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu về cặp song sinh và nghiên cứu gia đình cho thấy yếu tố di truyền chiếm khoảng 80% nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt. Những người có người thân trực tiếp mắc bệnh tâm thần phân liệt có nguy cơ mắc bệnh khoảng 10% đến 12%. Nếu một người trong cặp song sinh cùng trứng được chẩn đoán mắc bệnh, người kia có khoảng 45% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Các nghiên cứu đã xác định được ít nhất 130 gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Do đó, căn bệnh này do sự kết hợp của nhiều gen khác nhau gây ra, mỗi gen đóng một phần nhỏ vào nguy cơ tổng thể. Không có gen đơn lẻ nào có thể tự gây ra bệnh.
Các yếu tố căng thẳng trong môi trường
Nhiều yếu tố căng thẳng trong môi trường có thể kích thích sự khởi phát hoặc tái phát các triệu chứng loạn thần ở những người nhạy cảm. Các yếu tố môi trường có thể góp phần vào sự phát triển bệnh tâm thần phân liệt gồm có:
– Tiếp xúc với virus hoặc vấn đề dinh dưỡng trước sinh.
– Mẹ suy dinh dưỡng hoặc mắc cúm trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ.
– Mẹ nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai: Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy mẹ bị nhiễm trùng vi khuẩn trong thời kỳ mang thai có liên quan đến nguy cơ con (đặc biệt là giới tính nam) phát triển các bệnh lý loạn thần như tâm thần phân liệt.
– Cân nặng khi sinh dưới dưới 2.500 gram.
– Không tương thích nhóm máu Rh của mẹ và bé trong lần mang thai thứ hai.
– Các biến chứng trong quá trình sinh như thiếu oxy do ngạt
Cấu trúc và chức năng não
Bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt có sự bất thường về cả cấu trúc và chức năng não. Một số yếu tố bị ảnh hưởng gồm có:
– Thể tích não: Trong một nghiên cứu năm 2014 thực hiện trên 1.200 cặp song sinh, các nhà nghiên cứu kết luận rằng chỉ số IQ thấp chiếm 25% sự thay đổi nguy cơ tổng thể của bệnh tâm thần phân liệt với 4% sự thay đổi này là do thể tích não nhỏ. Điều này cho thấy một phần nguy cơ di truyền của bệnh tâm thần phân liệt có thể liên quan đến sự phát triển não sớm bất thường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhận thức, thể hiện bằng những thay đổi nhận thức sớm và thể tích nội sọ nhỏ hơn ở những người mắc bệnh.
– Hồi hải mã trước: Một nghiên cứu năm 2019 phát hiện rằng ở những bệnh nhân loạn thần sớm, hoạt động quá mức ở hồi hải mã trước làm giảm hiệu quả của phần não này khi thực hiện nhiệm vụ.
– Vỏ não thính giác: Phát hiện trong một nghiên cứu khác năm 2019 cho thấy rằng sự nhạy cảm với ảo giác thính giác có thể liên quan đến sự sai lệch trong cách cấu trúc vỏ não thính giác từ khi còn nhỏ, đặc biệt là cách phần não này diễn giải các tần số âm thanh khác nhau.
– Các neuron vỏ não: Một nghiên cứu năm 2017 cho rằng bệnh tâm thần phân liệt có thể bắt nguồn từ các tế bào đầu dòng thần kinh phân phối không đúng trong quá trình phát triển não. Điều này dẫn đến các nơron chưa trưởng thành không được tập hợp đúng cách trong các lớp vỏ não và thiếu hụt các nơron trưởng thành trong vỏ não. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với trí nhớ, suy nghĩ, cảm xúc và kỹ năng giải quyết vấn đề.
– Nồng độ chất dẫn truyền thần kinh: Trong bệnh tâm thần phân liệt, nồng độ chất dẫn truyền thần kinh, các hóa chất truyền tải thông tin giữa các nơron, có thể thay đổi. Các thuốc làm giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh có thể giảm triệu chứng của tâm thần phân liệt, cho thấy vai trò của những chất này trong sự phát triển của bệnh.
– Não thất: Não thất sản xuất và dự trữ dịch não tủy. Sự giãn rộng não thất là một dấu hiệu phổ biến của bệnh tâm thần phân liệt với khoảng 80% bệnh nhân có đặc điểm này. Lý do cho sự giãn rộng não vẫn chưa được biết rõ.
Có các thể bệnh tâm thần phân liệt nào?
Các phân loại bệnh tâm thần phân liệt phát triển theo thời gian. Tính đến năm 2013, các phân nhóm truyền thống dưới đây đã không còn được sử dụng chính thức trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, Ấn bản thứ năm (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) hoặc Phân loại Quốc tế về Bệnh tật, Tái bản lần thứ 11 (ICD-11) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện nay, bệnh tâm thần phân liệt hiện nay được cho là một phổ bệnh.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về các biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt, các phân nhóm kinh điển của bệnh được liệt kê dưới đây:
Thể hoang tưởng: Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng là phân nhóm phổ biến nhất trước cách phân loại này được đưa ra khỏi DSM-5. Thể bệnh này đặc trưng bởi xâm chiếm của các hoang tưởng và ảo giác thính giác, thường liên quan đến cảm giác nghi ngờ, bị hại, hoặc tự cao nhưng lời nói và biểu hiện cảm xúc tương đối không bị ảnh hưởng. Hoang tưởng được coi là một trong những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.
Thể thanh xuân: Còn được gọi là thể tâm thần phân liệt vô tổ chức, tâm thần phân liệt thanh xuân đặc trưng bởi các kiểu nói vô tổ chức mà người khác không hiểu được, hành vi không phù hợp, cảm xúc cùng mòn, và các hoang tưởng và ảo giác rời rạc. Thể bệnh này thường khởi phát ở các bệnh nhân từ 15 đến 25 tuổi.
Thể di chứng: Tâm thần phân liệt thể di chứng dành cho cho những người có tiền sử loạn thần, trong đó các triệu chứng dương tính (ví dụ, ảo giác hoặc hoang tưởng) đã giảm đáng kể, nhưng các triệu chứng âm tính (ví dụ, giảm động lực, giảm biểu hiện cảm xúc, hoặc vận động chậm) chiếm ưu thế.
Thể căng trương lực: Tâm thần phân liệt thể căng trương lực là thể tâm thần phân liệt hiếm gặp nhất và đặc trưng bởi các rối loạn trong vận động. Những bệnh nhân trong thể này có thể biểu hiện các vận động bất thường, giới hạn và đột ngột, chuyển đổi giữa vận động rất nhiều và ngồi yên. Các triệu chứng khác có thể có khác như nhại lời (lặp lại lời người khác) và nhại động tác (bắt chước chuyển động của người khác). Tình trạng căng trương lực có thể xảy ra trong nhiều bệnh tâm thần khác và các bệnh lý cơ thể. Khoảng 9,8% bệnh nhân trưởng thành trong các bệnh viện tâm thần có dấu hiệu của căng trương lực.
Thể không biệt định: Phân nhóm này được chẩn đoán khi các triệu chứng không rõ ràng, không thuộc về bất kỳ phân nhóm nào khác nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chí của bệnh tâm thần phân liệt.
Các giai đoạn của bệnh tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt có thể tiến triển qua nhiều giai đoạn, với thời gian và mô hình của các giai đoạn này khác nhau giữa từng người. Các giai đoạn điển hình của bệnh gồm có:
Giai đoạn tiền triệu: Người bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện các vấn đề nhẹ như kỹ năng xã hội suy giảm, mất hứng thú và giảm khả năng đối phó chung. Những đặc điểm này thường tinh tế và chỉ được nhận ra sau này khi nhìn lại.
Giai đoạn tiền triệu muộn: Các dấu hiệu và triệu chứng tâm thần phân liệt được mô tả ở trên có thể xuất hiện. Có ít hơn 40% người trong giai đoạn này tiến triển đến bệnh tâm thần phân liệt.
Loạn thần sớm: Các triệu chứng xuất hiện và thường ở mức độ nặng nhất.
Giai đoạn giữa: Các triệu chứng có thể xảy ra từng đợt, với các đợt tái phát và thuyên giảm có thể xác định được hoặc có thể liên tục. Các triệu chứng thiếu sót chức năng thường xấu đi trong giai đoạn này.
Giai đoạn muộn: Mô hình của bệnh tâm thần phân liệt có thể biểu hiện rõ ràng hơn sẽ thay đổi đáng kể tùy từng người bệnh.
Các giai đoạn này thường được đơn giản hóa thành giai đoạn tiền triệu (khi các triệu chứng bắt đầu) và giai đoạn toàn phát (các triệu chứng rõ ràng hơn hoặc nặng hơn). Dù không phải lúc nào cũng được công nhận nhưng các giai đoạn di chứng hoặc phục hồi đôi khi cũng được ghi nhận để chỉ ra giai đoạn các triệu chứng giảm dần. Ngoài ra, một nghiên cứu cắt ngang năm 2021 đã ghi nhận tỷ lệ tái phát cao với hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu tái phát trong suốt cuộc đời.
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt?
Các yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt của một người:
– Giới tính: Theo một phân tích tổng hợp năm 2003, nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt ở nam giới cao hơn khoảng 1,4 lần so với nữ giới. Tuy nhiên, sau tuổi 40, phụ nữ thường được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt nhiều hơn nam giới.
– Tuổi: Bệnh tâm thần phân liệt thường xuất hiện lần đầu ở nam giới trẻ từ 18 đến 25 tuổi và ở phụ nữ trẻ từ 25 đến 35 tuổi.
– Tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần phân liệt.
– Mùa sinh: Những người sinh vào mùa đông hoặc mùa xuân có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao hơn đáng kể với những người sinh vào các tháng này chiếm tới 10% các trường hợp. Mối liên hệ mùa sinh này có thể do thiếu hụt vitamin D vì có ít ánh nắng mặt trời hơn vào mùa đông và mùa xuân so với mùa hè và mùa thu.
– Cách nuôi dạy: Lớn lên trong môi trường đô thị trong thời thơ ấu làm tăng nguy cơ hoặc có thể do trở thành nạn nhân của tội phạm và thiếu sự gắn kết xã hội.
– Căng thẳng: Một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống hoặc sự tiếp xúc với môi trường nguy hiểm làm tăng nguy cơ. Người nhập cư vào một quốc gia khác cũng có nguy cơ cao hơn do tính chất căng thẳng của quá trình di cư.
– Lạm dụng: Những người chịu đựng lạm dụng tình dục thời thơ ấu có nguy cơ cao hơn.
– Tình trạng kinh tế xã hội: Sống trong nghèo đói làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
– Sử dụng cần sa: Việc sử dụng cần sa, chủ yếu là do thành phần THC có trong cần sa, có thể gây ra các hậu quả loạn thần tạm thời và làm trầm trọng thêm các rối loạn loạn thần hiện có. Sử dụng cần sa thường xuyên, đặc biệt là hàng ngày hoặc gần hàng ngày, các sản phẩm cần sa có hiệu lực cao và sử dụng sớm trước 16 tuổi càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Thiếu vitamin C: Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy nồng độ vitamin C thấp phổ biến ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt và loạn thần, và nồng độ vitamin C cao hơn liên quan đến sự cải thiện các triệu chứng âm tính khó điều trị của bệnh tâm thần phân liệt. Nhóm tác giả của nghiên cứu kết luận rằng các nghiên cứu trong tương lai cần kiểm tra xem liệu vitamin C có thể hỗ trợ điều trị bệnh tâm thần phân liệt cổ điển hay không.
– Thiếu vitamin D: Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh thiếu vitamin D có nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt cao hơn 44% ở tuổi trưởng thành so với những người có nồng độ vitamin D bình thường. Điều này cho thấy thiếu vitamin D có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. Thiếu vitamin D là tình trạng không đủ vitamin D trong các giai đoạn phát triển quan trọng, đặc biệt là trong thai kỳ và thời thơ ấu. Một nghiên cứu năm 2014 cũng phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có nồng độ vitamin D thấp hơn biểu hiện các triệu chứng âm tính rõ ràng hơn và có các khiếm khuyết nhận thức nhiều hơn.
– Rối loạn nồng độ vitamin B: Thiếu hụt một số loại vitamin B có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần – thần kinh. Ví dụ, thiếu vitamin B12 liên quan đến nhiều rối loạn tâm thần – thần kinh khác nhau và phổ biến ở những bệnh nhân loạn thần mạn tính, ngay cả những người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Đã có những trường hợp bệnh nhân thiếu vitamin B12 có các triệu chứng loạn thần giống trong tâm thần phân liệt. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra rằng nồng độ pyridoxine (vitamin B6) thấp và mức độ nicotinamide (vitamin B3) cao hơn có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt.
– Chế độ ăn chứa gluten: Một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có khả năng có kháng thể anti-gliadin IgG cao gấp 2,13 lần. Gliadin là một loại protein được tìm thấy trong gluten lúa mì, đóng vai trò hàng đầu trong các rối loạn liên quan đến gluten. Điều này cho thấy rằng những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có thể có nguy cơ cao hơn về phản ứng miễn dịch bất lợi với gluten.
Bệnh tâm thần phân liệt được chẩn đoán như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt phải kéo dài ít nhất sáu tháng để có thể xác nhận chẩn đoán.
Mục tiêu chính của chẩn đoán tâm thần phân liệt là loại trừ sự có mặt của các bệnh lý y khoa hoặc bệnh lý tâm thần khác có thể biểu hiện các triệu chứng tương tự như rối loạn trầm cảm chủ yếu hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực với các đặc điểm loạn thần hoặc căng trương lực, rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách loại phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn biến dạng cơ thể, rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn giao tiếp, và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
Trong chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý học tìm hiểu tiền sử y tế toàn diện và tiến hành kiểm tra trạng thái tâm thần. Thông tin từ các thành viên trong gia đình hoặc những người tiếp xúc gần gũi rất cần thiết và thường được thu thập qua các cuộc phỏng vấn. Kiểm tra sức khỏe thể chất, trong đó bao gồm cả kiểm tra về da liễu để phát hiện dấu hiệu sử dụng hoặc lạm dụng chất gây nghiện và sàng lọc các hội chứng chuyển hóa và kết quả xét nghiệm cũng cần được thực hiện. Kiểm tra các rối loạn chuyển hóa rất cần thiết vì sẽ có các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng thuốc chống loạn thần.
Mặc dù không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt nhưng vẫn cần thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác. Các xét nghiệm này bao gồm:
– Xét nghiệm máu: Ví dụ xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC), số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối (ANC) và sinh hóa máu.
– Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Ví dụ như điện não đồ (EEG), chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) được ưu tiên hơn với CT.
– Xét nghiệm di truyền.
– Kiểm tra độc chất ma túy.
Để xác nhận chẩn đoán tâm thần phân liệt, bác sĩ sẽ sử dụng các tiêu chuẩn DSM-5-TR hoặc ICD-11. Giữa hai tiêu chuẩn này có một sự khác biệt nhẹ.
DSM-5-TR
Bệnh tâm thần phân liệt được chẩn đoán khi một người có hai hoặc nhiều triệu chứng sau đây trong một khoảng thời gian đáng kể trong vòng một tháng hoặc ít hơn (nếu được điều trị thành công):
– Hoang tưởng
– Ảo giác
– Ngôn ngữ vô tổ chức
– Hành vi vô tổ chức hoặc hành vi căng trương lực
– Triệu chứng âm tính
Đồng thời phải có sự suy giảm đáng kể chức năng trong các lĩnh vực như công việc hoặc mối quan hệ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Các triệu chứng này phải kéo dài ít nhất sáu tháng, với ít nhất một tháng các triệu chứng giai đoạn nặng, có thể ngắn hơn nếu được điều trị hiệu quả. Các triệu chứng có thể là tiền triệu (dấu hiệu sớm) hoặc di chứng (các triệu chứng kéo dài), bao gồm các triệu chứng âm tính hoặc các triệu chứng giai đoạn ít nặng hơn.
Các triệu chứng không do việc sử dụng các chất gây nghiện, tác dụng của thuốc hoặc các bệnh lý y khoa khác. Nếu có bệnh lý rối loạn phát triển, để chẩn đoán cũng cần có ít nhất một tháng có hoang tưởng hoặc ảo giác nổi bật.
ICD-11
ICD-11 được sử dụng tại Hoa Kỳ từ năm 2022. Theo các tiêu chuẩn, chẩn đoán tâm thần phân liệt yêu cầu có ít nhất hai trong số các triệu chứng sau đây trong ít nhất một tháng:
– Hoang tưởng dai dẳng (ví dụ, tự cao, bị hại, bị liên hệ).
– Ảo giác dai dẳng (thường là ảo giác thính giác).
– Tư duy vô tổ chức (ví dụ, liên kết lỏng lẻo, lời nói không liên quan). Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể nói “hổ lốn” không thể hiểu được.
– Có cảm giác bị ảnh hưởng, thụ động hoặc bị kiểm soát (tức là cảm giác rằng các xung động, hành động hoặc suy nghĩ của mình không do mình tự tạo ra hoặc suy nghĩ của mình đang được truyền đến người khác).
– Triệu chứng âm tính (ví dụ, cảm xúc phẳng lặng, hạn chế hoặc giảm nói, không quan tâm đến các hoạt động).
– Hành vi vô tổ chức nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
– Rối loạn tâm thần vận động, như bồn chồn căng trương lực.
Ít nhất một trong những triệu chứng này phải thuộc bốn triệu chứng đầu tiên được liệt kê.
ICD-11 đi vào chi tiết hơn trong việc xác định chẩn đoán, nhưng đây là các tiêu chí chính.
Các biến chứng có thể có của bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Các biến chứng có thể có của bệnh tâm thần phân liệt gồm có:
– Suy giảm nhận thức nghiêm trọng, như mất trí nhớ và thiếu tập trung
– Rút lui và cô lập xã hội
– Tự tử
– Các vấn đề về sức khỏe thể chất, như bệnh tim mạch, chuyển hóa và nhiễm trùng
– Không thể đi học hoặc duy trì công việc
– Lạm dụng rượu hoặc ma túy
– Có các bệnh lý tâm thần đồng thời khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
– Hành vi hung hăng hoặc bạo lực
Các phương pháp điều trị tâm thần phân liệt là gì?
Mặc dù không có phương pháp chữa hoàn toàn bệnh tâm thần phân liệt, các triệu chứng của bệnh vẫn có thể được kiểm soát trong một số trường hợp. Điều trị càng sớm và càng tích cực thì kết quả càng tốt.
Một kế hoạch điều trị lấy bệnh nhân làm trung tâm, kết hợp các phương pháp điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc rất cần thiết trong việc điều trị tâm thần phân liệt. Thường thì sẽ cần sử dụng nhiều hơn một phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị gồm có.
- Thuốc
Có các loại thuốc khác nhau được sử dụng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
Thuốc chống loạn thần, còn được gọi là an thần kinh, là loại thuốc chính được sử dụng cho bệnh tâm thần phân liệt, vì loại thuốc này có hiệu quả nhất trong kiểm soát các triệu chứng như hoang tưởng và nghi ngờ. Thuốc chống loạn kiểm soát các triệu chứng bằng cách thay đổi các chất hóa học trong não. Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, bồn chồn, an thần, vận động chậm, run, tăng cân, đái tháo đường và cholesterol máu cao. Có hai loại thuốc chống loạn thần:
– Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất (FGAs): Các thuốc FGAs được sử dụng lâu dài gồm có haloperidol, fluphenazine và chlorpromazine, có thể làm tăng nguy cơ rối loạn vận động muộn, cũng như các triệu chứng ngoại tháp khác. Đây là tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ thống ngoại tháp (một phần của não và hệ thần kinh) liên quan đến việc phối hợp chuyển động. Các triệu chứng ngoại tháp phổ biến ở một số bệnh nhân sử dụng thuốc chống loạn thần và có thể liên quan đến tình trạng suy giảm nhận thức.
– Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (SGAs): SGAs, hoặc thuốc chống loạn thần không điển hình, đặc biệt là olanzapine và clozapine, gây nguy cơ hội chứng chuyển hóa cao hơn.
Ngoài ra còn có các loại thuốc chống loạn thần FGA và SGA ở dạng tiêm tác dụng kéo dài của để giúp giải quyết vấn đề không tuân thủ điều trị. Khi được tiêm theo các khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng, các loại thuốc này sẽ dần dần giải phóng các thành phần hoạt chất vào máu, đảm bảo hiệu quả điều trị nhất quán.
Chế độ điều trị duy trì bằng thuốc chống loạn thần cho tâm thần phân liệt nhằm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt tái phát, tối đa hóa hiệu quả điều trị cho các triệu chứng dai dẳng và cải thiện việc tuân thủ điều trị.
Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt cũng có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định khí sắc và thuốc bình thần.
- Các liệu pháp kích thích não
Bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt cũng có thể sử dụng các liệu pháp kích thích não như liệu pháp sốc điện (ECT) và kích thích từ xuyên sọ (TMS).
ECT là một thủ thuật chủ yếu được sử dụng cho tình trạng trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực. Phương pháp này sẽ cho một xung điện ngắn chạy qua não trong khi gây mê và do một đội ngũ y tế chuyên nghiệp thực hiện. Một số bác sĩ cũng khuyến cáo sử dụng ECT để điều trị tâm thần phân liệt. Một đánh giá năm 2018 kết luận rằng ECT không chỉ hữu ích trong bổ trợ điều trị tâm thần phân liệt kháng điều trị mà còn có thể hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt ở các tình huống khác nhau. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ECT là một phương pháp điều trị an toàn cho bệnh tâm thần phân liệt.
Phương pháp TMS sử dụng các xung từ để kích thích các tế bào thần kinh trong não. Các xung từ thay đổi nhanh chóng có thể thay đổi mô hình bắn của các nơron trong các mạch não cụ thể. Điều này có thể giúp sửa đổi các mô hình não bị rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt. Một đánh giá năm 2015 cho thấy rằng TMS lặp đi lặp lại có triển vọng giúp giảm cả triệu chứng dương tính và âm tính trong bệnh tâm thần phân liệt với tác động đáng chú ý trong việc giảm làm ảo giác thính giác.
- Liệu pháp estrogen
Nghiên cứu chỉ ra rằng estrogen có thể mang lại lợi ích bảo vệ cho phụ nữ dễ bị tâm thần phân liệt. Một đánh giá năm 2024 cho thấy rằng việc bổ sung estrogen có thể là một phương pháp điều trị bổ trợ cho người mắc bệnh tâm thần phân liệt, đặc biệt là những người đáp ứng kém với thuốc chống loạn thần, vì phương pháp này có thể cải thiện kiểm soát triệu chứng, cải thiện nhận thức và trì hoãn sự khởi phát bệnh.
- Liệu pháp trò chuyện
Phương pháp này còn được gọi là các liệu pháp tâm lý xã hội. Liệu pháp trò chuyện giúp bệnh nhân đánh giá cũng như hiểu được suy nghĩ và hành vi của mình. Có một số loại liệu pháp trò chuyện như:
– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT dạy các người bệnh thay đổi niềm tin hoặc hành vi dẫn đến cảm xúc tiêu cực thông qua hai thành phần chính: nhận thức, thay đổi suy nghĩ và hành vi, thay đổi phản ứng. Đây là một liệu pháp ngắn hạn, tập trung vào vấn đề này nhằm cung cấp kỹ năng đối phó để quản lý các tình huống khó khăn và thường được thực hiện một giờ mỗi tuần trong 12 đến 16 tuần.
– Liệu pháp nghệ thuật: Liệu pháp nghệ thuật có thể giúp chúng ta bày tỏ và hiểu cảm xúc của mình đồng thời học một cách mới để liên kết với người khác và chấp nhận cảm xúc của họ. Phương pháp này rất hữu ích cho các triệu chứng trầm cảm như thu rút xã hội vì trong liệu trình thường có các buổi sinh hoạt nhóm kết hợp giao tiếp với sáng tạo.
– Can thiệp gia đình: Trong phương pháp này, các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ cùng làm việc dể giúp bệnh nhân và gia đình quản lý các mối quan hệ.
– Cải thiện nhận thức: Phương pháp này giúp khôi phục chức năng nhận thức của bệnh nhân. Người bệnh sẽ thực hiện các bài tập để tăng cường sự chú ý, trí nhớ, lý luận và các chức năng nhận thức khác.
- Phục hồi chức năng và tự nỗ lực
Các chương trình phục hồi chức năng và hỗ trợ gồm có huấn luyện tại chỗ, đào tạo kỹ năng tâm lý xã hội và các chương trình phục hồi chức năng nghề nghiệp, dạy các kỹ năng cần thiết để sống tại cộng đồng thay vì tại bệnh viện.
Chương trình tự nỗ lực và quản lý bệnh tâm thần phân liệt sẽ tập trung vào hoạt động tập thể dục, chế độ ăn uống, các mối quan hệ và thói quen hàng ngày. Phương pháp này cũng bao gồm cả việc dùng thuốc, nhận biết các yếu tố kích hoạt và dấu hiệu của một giai đoạn tái phát, duy trì phục hồi và biết nơi tìm kiếm sự giúp đỡ trong những tình huống khủng hoảng.
Tư duy sẽ ảnh hưởng đến bệnh tâm thần phân liệt như thế nào?
Tư duy đóng vai trò quan trọng trong quá trình một người trải qua và đối phó với bệnh tâm thần phân liệt.
Tư duy có thể ảnh hưởng đến các chiến lược đối phó của bệnh nhân. Tư duy tích cực có thể dẫn đến việc áp dụng các cơ chế đối phó lành mạnh như tìm kiếm hỗ trợ xã hội và tham gia vào liệu pháp. Mặt khác, Tư duy tiêu cực có thể dẫn đến các hành vi tránh né hoặc lạm dụng chất gây nghiện. Điều này có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
Tư duy kiên cường có thể giúp những người mắc bệnh tâm thần phân liệt quản lý tốt hơn các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống bằng cách phát triển các kỹ năng đối phó và nuôi dưỡng cảm giác lạc quan.
Duy trì tư duy tích cực có thể thúc đẩy người bệnh tuân thủ kế hoạch điều trị, có thể giúp giảm các triệu chứng. Kiểu tư duy này có thể tạo niềm tin tích cực của bệnh nhân về bản thân (lòng tự trọng) và khả năng của mình, do đó dẫn đến sự kiên cường, động lực và cảm giác kiểm soát cuộc sống tốt hơn.
Các cách phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh tâm thần phân liệt
Hiệu quả của một số phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh tâm thần phân liệt được trình bày dưới đây cần được nghiên cứu thêm để xác nhận, vì vậy vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào trong phần này.
- Thảo dược
Cây ba gạc Ấn Độ (Rauwolfia serpentina): Ba gạc Ấn Độ là một loại cây bụi thường xanh có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Loại cây này chủ yếu được sử dụng để điều trị cao huyết áp và loạn thần. Reserpine, chiết xuất từ cây ba gạc Ấn Độ, là một loại thuốc hạ huyết áp và chống loạn thần trong y học cổ điển. Một nghiên cứu năm 2024 trên 60 bệnh nhân nam cho thấy ba gạc Ấn Độ là một liệu pháp vi lượng đồng căn, có lợi trong việc điều trị các triệu chứng dương tính của bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, loại thảo dược này chưa được khuyến nghị thay thế các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho đến khi có các thử nghiệm lâm sàng mạnh mẽ cung cấp bằng chứng về độ an toàn và hiệu quả. Do cây ba gạc Ấn Độ làm giảm huyết áp nên những người bị huyết áp thấp không nên sử dụng loại thảo dược này.
Sâm Ấn Độ (Withania somnifera): Sâm Ấn Độ từ lâu đã được sử dụng trong y học Ayurvedic với các đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng vào năm 2018 trên 66 bệnh nhân cho thấy sau khi sử dụng chiết xuất từ loại thảo dược này để điều trị bổ sung trong 12 tuần, bệnh nhân tâm thần phân liệt đã giảm đáng kể các triệu chứng âm tính và triệu chứng tổng thể so với nhóm không được sử dụng.
Ginkgo (Ginkgo biloba): Còn được gọi là “thảo dược não,” ginkgo đã được sử dụng rộng rãi trong các vấn đề về trí nhớ. Một phân tích tổng hợp năm 2010 của sáu nghiên cứu cho thấy việc thêm ginkgo vào thuốc chống loạn thần đã cải thiện đáng kể cả các triệu chứng tổng thể và triệu chứng âm tính ở bệnh nhân tâm thần phân liệt mạn tính. Theo một phân tích tổng hợp năm 2013 của ba nghiên cứu, ginkgo cũng có thể giảm các triệu chứng dương tính ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy chiết xuất ginkgo có thể tăng cường hiệu quả của thuốc chống loạn thần ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, đặc biệt là trong việc giảm các triệu chứng dương tính
Yokukansan: hay còn gọi là Ức can tán, là một bài thuốc Đông y truyền thống được sử dụng rộng rãi ở các nước Đông Á. Bài thuốc này chứa bảy loại thảo dược, gồm có Đương quy, Thương truật, Sài hồ, Phục linh, Cam thảo, Xà sàng và Câu đằng. Trong một thử nghiệm lâm sàng năm 2009, bệnh nhân tâm thần phân liệt đã sử dụng yokukansan trong bốn tuần. Các triệu chứng dương tính và âm tính của nhóm bệnh nhân này đã cải thiện đáng kể. Ngoài ra, không có tác dụng phụ ngoại tháp do thuốc gây ra. Các nhà nghiên cứu cho rằng yokukansan có thể được sử dụng cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt kháng trị.
-
Thực phẩm bổ sung
Vitamin C: Một nghiên cứu năm 2022 chỉ ra rằng những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có nồng độ vitamin C thấp hơn so với những người khỏe mạnh. Một thử nghiệm lâm sàng cũ hơn từ năm 2005 gợi ý rằng việc bổ sung vitamin C cùng với thuốc SGA có thể làm giảm stress oxy hóa và cải thiện các triệu chứng tâm thần phân liệt.
Vitamin D: Vitamin D rất quan trọng đối với các chức năng của não như học tập và trí nhớ, sản xuất các hóa chất trong não, bảo vệ tế bào não và dẫn truyền tín hiệu. Một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí BMC Psychiatry phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin D kết hợp với điều trị thuốc chống loạn thần có thể cải thiện thời gian chú ý và giảm các triệu chứng dương tính và âm tính ở bệnh nhân tâm thần phân liệt bị thiếu vitamin D trước đó. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy rằng 12 tháng bổ sung vitamin D ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt thiếu vitamin D không nhập viện có liên quan đến việc giảm các triệu chứng trầm cảm và tỷ lệ lo âu cũng thấp hơn.
Vitamin B: Bổ sung folate (vitamin B9) và vitamin B12 có thể cải thiện các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt, mặc dù đáp ứng điều trị sẽ bị ảnh hưởng bởi sự hấp thu folate của các biến thể di truyền khác nhau. Một thử nghiệm lâm sàng năm 2017 kết luận rằng pyridoxamine liều cao (một dạng của vitamin B6) là một phương pháp điều trị bổ sung có hiệu quả một phần đối với một nhóm bệnh nhân tâm thần phân liệt có tình trạng stress carbonyl tăng lên – dấu hiệu của trạng thái chuyển hóa bất thường.
Axit béo omega-3: Việc bổ sung omega-3 đặc biệt có lợi cho những người trẻ trưởng thành và thanh thiếu niên trong giai đoạn đầu của những bệnh nhân tâm thần phân liệt có nồng độ axit béo omega-3. Phương pháp này giúp cải thiện các triệu chứng âm tính và chức năng chung. Một số bằng chứng cũng cho thấy axit béo omega-3 có khả năng ngăn ngừa bệnh tâm thần phân liệt hoặc ít nhất là giảm nhẹ diễn biến và các triệu chứng của bệnh.
- Chế độ ăn
Không chứa gluten: Kháng thể anti gliadi (AGA) là dấu hiệu của sự nhạy cảm với gluten (một loại protein trong lúa mì và một số loại ngũ cốc khác). Loại kháng thể này có nồng độ cao hơn ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Một nghiên cứu khả thi sơ bộ nhỏ năm 2019 phát hiện ra rằng bệnh nhân tâm thần phân liệt theo chế độ ăn không chứa gluten có sự cải thiện trong các triệu chứng tiêu hóa và triệu chứng âm tính, nhưng không có sự cải thiện ở các triệu chứng dương tính hoặc triệu chứng nhận thức.
Chế độ ăn keto: Chế độ ăn keto là chế độ ăn ít carbohydrate, giàu chất béo. Mục tiêu của chế độ ăn này là chuyển quá trình trao đổi chất của cơ thể từ việc sử dụng glucose (đường) làm nguồn năng lượng chính sang sử dụng ketones, được sản xuất từ chất béo. Chế độ ăn cho thấy các triển vọng trong việc bình thường hóa các hành vi giống tâm thần phân liệt trên mô hình chuột về cả dược lý và di truyền. Đây là chế độ ăn có thể cải thiện các triệu chứng tâm thần, rối loạn chuyển hóa và thành phần cơ thể ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thông qua việc khôi phục quá trình chuyển hóa năng lượng của não.
- Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR)
EMDR là một phương pháp điều trị được thiết kế để giảm bớt sự đau khổ liên quan đến những ký ức sang chấn, được sử dụng trong điều trị PTSD. Một đánh giá hệ thống năm 2020 của sáu nghiên cứu cho thấy EMDR có liên quan đến việc giảm suy nghĩ hoang tưởng, ảo giác thính giác, triệu chứng hoang tưởng và triệu chứng âm tính ở những bệnh nhân loạn thần.
Nhìn chung, đây là một phương pháp an toàn và khả thi. Trong một nghiên cứu trường hợp năm 2021, sau khi thực hiện một buổi EMDR duy nhất, một bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt kháng trị đã thuyên giảm hoàn toàn bệnh tâm thần phân liệt và hội chứng phân ly trong vòng tám tuần. Sự thuyên giảm này được duy trì, giúp bệnh nhân có thể ngừng điều trị thuốc chống loạn thần mà không tái phát trong 18 tháng.
- Các liệu pháp thay thế
Liệu pháp sinh thái: Liệu pháp sinh thái là phương pháp điều trị sử dụng các hoạt động ngoài trời trong môi trường tự nhiên. Các hoạt động trong phương pháp này gồm có bảo tồn thiên nhiên, làm vườn, đi bộ hoặc đi xe đạp trong thiên nhiên.
Liệu pháp yoga: Trong một nghiên cứu năm 2007, sau bốn tháng thực hành yoga, bệnh nhân đã có mức độ bệnh tâm thần thấp hơn đáng kể so với những người trong nhóm tập các hoạt động thể chất. Khi kết hợp với thuốc chống loạn thần, yoga cải thiện kết quả điều trị cho cả triệu chứng dương tính và âm tính so với chỉ dùng thuốc. Một đánh giá hệ thống năm 2012 của các thử nghiệm ngẫu nhiên cũng chỉ ra rằng yoga có thể cải thiện cả triệu chứng dương tính và âm tính, ngoài ra còn cải thiện chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần có thể dẫn đến béo phì ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, nhưng liệu pháp yoga đã được chứng minh có thể làm giảm tình trạng này.
Châm cứu: Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2023 của 38 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng châm cứu, được sử dụng cùng với thuốc chống loạn thần cổ điển, đã giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt và giảm tỷ lệ phản ứng bất lợi. Một phân tích tổng hợp cũ hơn vào năm 2009 của 13 nghiên cứu Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng kết hợp châm cứu với liệu pháp sử dụng thuốc đã dẫn đến sự cải thiện đáng kể về ảo giác thính giác, các triệu chứng dương tính và tỷ lệ đáp ứng so với chỉ sử dụng thuốc chống loạn thần.
Thiền định: Trong một nghiên cứu năm 2018, năm bệnh nhân tâm thần phân liệt bị căn bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng, mỗi người đều có tiền sử bệnh kéo dài hơn hai mươi năm, đã tham gia vào một chương trình thiền chánh niệm kéo dài tám tháng. Các bệnh nhân đã có sự cải thiện các hoạt động não bất thường và ảo giác, hoang tưởng, cũng như cải thiện các triệu chứng lo âu và loạn thần. Phải mất ba tuần sau đó các triệu chứng mới bắt đầu giảm. Ngoài ra, một đánh giá hệ thống năm 2024 của 22 nghiên cứu phát hiện ra rằng các can thiệp dựa trên chánh niệm mang lại các lợi ích tiềm năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt như giảm các triệu chứng âm tính và giảm tỷ lệ nhập viện.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh tâm thần phân liệt?
Chúng ta không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tâm thần phân liệt vì nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh và tuân thủ kế hoạch điều trị để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát hoặc nặng hơn. Các chiến lược cụ thể gồm có:
– Tránh xa ma túy và rượu: Việc sử dụng chất gây nghiện có thể làm phức tạp quá trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
– Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc là điều quan trọng để tránh làm các triệu chứng nặng hơn.
– Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.
– Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên: Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn có thể đảm bảo sự đầy đủ của các chất dinh dưỡng quan trọng, giảm nhẹ triệu chứng, thúc đẩy giấc ngủ tốt hơn và quản lý căng thẳng.
– Tuân thủ kế hoạch điều trị, nếu bạn có: Ngừng thuốc có thể dẫn đến sự tái phát triệu chứng, bất kỳ thay đổi hoặc ngừng sử dụng thuốc nào đều cần được sự tư vấn của bác sĩ.
– Tránh các yếu tố kích hoạt các giai đoạn loạn thần.
– Hiểu các dấu hiệu cảnh báo: Thiết lập một chiến lược để quản lý các triệu chứng kịp thời và tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp.
– Sử dụng các dịch vụ hỗ trợ: Một loạt các dịch vụ hỗ trợ toàn diện như nhà ở và cơ hội việc làm hỗ trợ, có thể giúp bạn giảm căng thẳng.
Mercura Wang, The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Mercura Wang là một phóng viên sức khỏe cho The Epoch Times. Nếu bạn có mẹo nào đó, có thể gửi email cho cô ấy tại địa chỉ: [email protected]
NTD Việt Nam