Dự Nhượng báo thù cho chủ- Tranh Nhật Bản – miền công cộng.
Tóm tắt: Năm 455 TCN, đại phu Trí Bá Dao của nước Tấn, xin đất của ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy dưới danh nghĩa là để chống lại nước Việt. Triệu Tương Tử từ chối nên bị liên minh của Trí, Hàn và Ngụy tấn công. Thực lực của gia tộc Triệu tương tự như Hàn và Ngụy, nhưng kém xa so với Trí gia. Hiện tại họ đang bị ba gia tộc tấn công cùng một lúc, tình hình rất nguy cấp. Triệu Tương Tử lánh đến thành Tấn Dương theo lời dặn của cha mình. Bởi Triệu gia đối xử với bách tính nơi đây rất tốt, nên dân chúng đã hợp sức để bảo vệ Triệu gia, cuộc chiến rơi vào bế tắc. Trí Bá Dao nảy ra kế dẫn nước sông Tấn Thuỷ làm ngập thành Tấn Dương, người trong thành sắp thành cá thành rùa, tai họa sắp ập xuống, nhà họ Triệu phải làm sao để đối phó với đại nạn này?
Khi nhà họ Triệu gặp nguy hiểm như vậy, có ba sự kiện liên tiếp phát sinh, hoá giải mối nguy của nhà họ Triệu. Việc đầu tiên là nhà họ Triệu đưa kế sách xúi 2 nhà Hàn Ngụy tạo phản; việc thứ hai là Trí Bá Dao lỡ lời; và việc thứ ba là Hi Tỳ bỏ trốn.
Triệu Tương Tử xoay ngược thế cục giết Trí Bá Dao
Triệu gia có một mưu sĩ tên là Trương Mạnh Đàm, nhưng trong “Sử ký” ghi là Trương Mạnh Đồng, trong “Tư Trị Thông Giám” cũng ghi là Trương Mạnh Đàm. Ông ta nói với Triệu Tương Tử rằng, cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi nguy nan này là xúi giục nhà Hàn và nhà Ngụy tạo phản, đồng thời để họ hợp lực với chúng ta để tiêu diệt nhà họ Trí.
Thế là Trương Mạnh Đàm đu dây ra khỏi thành vào đêm hôm đó và đến gặp Hàn Khang Tử, cũng là đại doanh của Hàn gia.
Ông nói với Hàn Khang Tử rằng, Trí Bá Dao rất tham lam, hắn ta thậm chí còn muốn cả phần đất không thuộc về mình, chẳng hạn như một trăm dặm đất thuộc sở hữu của gia đình Hàn, và một trăm dặm đất thuộc sở hữu của gia đình Ngụy. Nếu nhà họ Triệu bị diệt, hắn cũng sẽ không chia đất cho các vị, dù có chia đi nữa thì chắc cũng chỉ chút ít gọi là. Nhưng Trí Bá Dao sẽ trở nên hùng mạnh nếu chiếm được phần lớn đất đai của nhà Triệu. Khi đó, Hàn và Ngụy sẽ không còn cơ hội cạnh tranh với Trí Bá Dao. Vì vậy, đối với kế hoạch hiện tại, an toàn nhất đối với chúng ta chính là sau khi hợp nhất tiêu diệt Trí Bá Dao, ba nhà chúng ta thế lực ngang nhau, không thể thôn tính lẫn nhau, như vậy chúng ta có thể sống yên ổn.
Những lời này gần như đã thuyết phục được Hàn Khang Tử lúc bấy giờ. Hàn Khang Tử rất do dự, không thể hạ quyết tâm. Sau đó Trương Mạnh Đàm cũng nói điều tương tự với Ngụy Hoàn Tử, đại phu của Ngụy gia. Ngụy Hoàn Tử cũng không thể lập tức hạ quyết tâm. Tất cả đều đang chờ cơ hội, đúng lúc này Trí Bá Dao đã nói một lời cực kỳ sai lầm.
Lúc này lũ lụt sắp ngập Tấn Dương. Ngày hôm sau, Trí Bá Dao, Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử cùng nhau ngồi trên xe. Trí Bá Dao đứng bên trái, Hàn Khang Tử đánh xe ngồi ở giữa, và Ngụy Hoàn Tử đứng bên phải. Trí Bá Dao cảm thấy mưu lược của mình rất cao, nhìn thấy Tấn Dương sắp thất thủ, nên nói điều này.
Ông ta nói, nước Tấn của chúng ta là một nước có núi sông cả trong lẫn ngoài. Địa hình rất hiểm trở, có nhiều sông lớn. Chúng ta đều biết rằng các dòng sông thường đóng vai trò phòng thủ của một quốc gia. Tại sao? Bởi vì khi bố trí trận đồ trong binh pháp, người ta thường bố trí có núi phía sau và sông phía trước. Sau lưng có núi, quân địch khó có thể trèo qua núi tấn công, nên sau lưng được an toàn; có sông phía trước, đối phương khó có thể lao qua sông tấn công ngay lập tức, mặt khác ta có thể bắn tên trước khi thuyền giặc cập bờ.
Trí Bá Dao nói, nhưng đến hôm nay ta mới biết rằng nước sông tuy có thể trở thành công sự phòng thủ của một quốc gia nhưng cũng có thể dùng để hủy diệt một quốc gia.
Nói xong, Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử đưa mắt nhìn nhau. Hàn Khang Tử dùng khuỷu tay chọc vào Ngụy Hoàn Tử, Ngụy Hoàn Tử giẫm lên chân Hàn Khang Tử.
Cả hai người đều nghĩ tới một chuyện khiến bọn họ vô cùng sợ hãi, bởi vì thái ấp của nhà Ngụy ở ấp An , bên cạnh đó có sông Giáng Thủy; căn cứ của Hàn gia ở Bình Dương, bên cạnh có con sông Phần Thuỷ. Nói cách khác, nếu Trí Bá muốn diệt Hán gia, Ngụy gia, Giang Thủy có thể đổ vào ấp An, Phần Thuỷ có thể làm ngập Bình Dương, hắn rất có thể làm như vậy.
Vì thế lúc đó Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử nháy nhau. Cử chỉ nhỏ này đã bị một mưu sĩ của Trí Bá Dao tên là Hi Tỳ nhìn thấy, đợi cho đến khi các đại phu của nhà Hàn và nhà Ngụy rời đi, rồi nói với Trí Bá Dao rằng: “Nhà Hàn và nhà Ngụy sẽ sớm phản bội chúng ta”.
Trí Bá Dao hỏi: “Làm thế nào mà ông biết?”
Hi Tỳ nói: “Chuyện này không phải rất đơn giản sao? Triệu gia sắp bị chinh phục, khi nói đến nước sắp nhấn chìm Tấn Dương, trên mặt hai vị đại phu đều không có vẻ vui mừng. Nói theo lẽ thường, đất đai của Triệu gia có thể được chia ngay sau khi chiếm được thành, và họ sẽ nhận được phần lợi lộc, rồi khi chiến tranh kết thúc sẽ được về nhà, nhưng họ không hề vui vẻ chút nào.
Hơn nữa ngài nhắc đến những con sông lớn của nước Tấn, sông Giáng Thuỷ có thể làm ngập ấp An, sông Phần Thuỷ có thể đổ đầy Bình Dương, hai đại phu ấy sao có thể không chột dạ”.
Trí Bá Dao nói: “Thật thế sao? Mai ta sẽ hỏi họ”.
Ngày hôm sau Trí Bá Dao tổ chức tiệc rượu mời Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử, rồi nói với hai đại phu rằng, ta là người rất thẳng thắn có thế nào nói thế ấy, hy vọng các ông cũng vậy. Bây giờ tôi hỏi các vị, hai vị định phản bội tôi phải không?
Hai người có thể thừa nhận không? Ngay lập tức nói rằng không có chuyện đó. Hàn Khang Tử nói: “Nghe nói Triệu gia hiện tại đang muốn dùng kế ly gián, đã tốn rất nhiều tiền để phá vỡ quan hệ giữa chúng ta”.
Nguỵ Hoàn Tử nói thêm: “Triệu gia sắp bị diệt rồi, chúng tôi sao có thể bỏ qua những lợi ích thiết thực như thế để đi làm những việc không chắc chắn, nhưng lại vô cùng nguy hiểm?”
Khi đó, Trí Bá Dao đã cầm ly lên đổ rượu xuống đất và nói, đây là lời thề giữa chúng ta, phản bội lời thề thì sẽ như chén rượu này, đổ xuống đất rồi sẽ không bao giờ lấy lại được nữa. Tiệc tùng lại tiếp tục, rồi vui vẻ chia tay nhau.
Khi hai vị đại phu rời đại doanh của Trí Bá Dao, Hi Tỳ tình cờ bước vào từ bên ngoài. Ông liếc nhìn các đại phu của Hàn và Nguỵ, sau đó nói với Trí Bá Dao: “Họ không chỉ quyết tâm nổi dậy mà còn sắp hành động rồi”.
Trí Bá Dao hỏi: “Sao ngươi biết?”
Hi Tỳ nói rằng: “Sau khi nhìn thấy tôi, họ “Đoan mục nhi thị, dĩ nhi tật tẩu” (nhìn chăm chú và nhanh chóng bỏ đi). Tức là cả hai đều nhìn tôi rất nghiêm túc, sau đó lập tức cúi đầu và nhanh chân bước đi. Rõ ràng là ngài đã nói với cả hai người những gì tôi đã nói với ngài, phải không?”
Trí Bá Dao nói: “Có, nhưng cả hai người ấy đều nói không có chuyện đó”.
Hi Tỳ phản ứng rất nhanh, nói với Trí Bá Dao là ông ấy muốn đi sứ nước Tề, và đưa ra một loạt lý do để đến Tề với tư cách là sứ giả. Trí Bá Dao đồng ý, nên Hi Tỳ đã rời khỏi Trí Bá Dao, bởi ông biết chắc đại họa đang giáng xuống, cũng chẳng thể can ngăn nổi Trí Bá Dao.
Ngay đêm đó, Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử cuối cùng đã quyết định. Họ ra lệnh cho quân lính đào đập. Nước không những không chảy vào Tấn Dương mà lại chảy thẳng vào trại của Trí Bá Dao. Khi Trí Bá Dao đang ngủ, đột nhiên phát hiện giường ướt, cho rằng quân binh đã không canh gác con đập. Lúc này, Trí Bá Dao nhìn thấy một trong những thuộc hạ của mình tên là Dự Nhượng đang chèo thuyền tới.
Dự Nhượng nói với Trí Bá Dao rằng: “Thật tồi tệ, nhà Hàn và nhà Nguỵ đã phản bội, hợp lực với nhà họ Triệu để đánh chúng ta!”
Bởi vì Trí Bá Dao hoàn toàn không chuẩn bị thuỷ quân, chỉ dùng nước để làm ngập Tấn Dương, nhưng nhà Hàn, nhà Ngụy và nhà Triệu đã chuẩn bị kỹ càng, thuyền của họ bao vây thuyền của Trí Bá Dao và bắt sống. Triệu Tương Tử liệt kê tội trạng và giết Trí Bá Dao.
Lời bình: Khi nhà Triệu sắp bị tiêu diệt bởi các gia tộc Trí, Hàn và Ngụy, họ đã xúi giục thành công cuộc tạo phản của hai nhà Hàn, Ngụy, đồng thời chuyển hướng nước để tràn ngập doanh trại của Trí Bá Dao. Bước ngoặt kịch tính này thực ra đã có điềm báo trước, là có căn nguyên. Trí Bá Dao là một người tham lam và kiêu ngạo, vì lòng tham mà đòi đất đai của ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy. Do kiêu ngạo mà bỏ ngoài tai lời can gián của Hi Tỳ; Không thấy khả năng tạo phản rất cao của Hàn, Nguỵ, cũng không có chuẩn bị đề phòng gì. Có thể nói, Trí Bá Dao không hiểu rõ thực lực của bản thân cũng như tâm lý của đồng minh, và chiến lược, quyết tâm của đối thủ. Vì vậy, có thể nói thất bại của Trí Bá Dao là điều tất nhiên.
Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ
Sau khi giết Trí Bá Dao, Triệu Tương Tử căm hận đến nỗi đã cho khoét rỗng hộp sọ của Trí Bá Dao và dùng nó làm một cái đựng nước tiểu. Thuộc hạ của Trí Bá Dao là Dự Nhượng rất đau xót sau khi biết tin. Ông ấy nói sao chủ nhân của tôi lại có thể bị xúc phạm như vậy? Người đã chết mà hài cốt vẫn bị sỉ nhục, nên Dự Nhượng chuẩn bị ám sát Triệu Tương Tử.
Dự Nhượng là một thích khách rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nhiều người có thể đã từng nghe một câu mà ông ấy đã nói, đó là “Sĩ vi tri kỷ giả tử, nữ vi duyệt kỷ giả dung.” (Tạm dịch: Kẻ sĩ chết vì tri kỷ, nữ nhân trang điểm dung nhan vì để làm đẹp lòng người yêu). Đây là câu danh ngôn của Dự Nhượng.
Để ám sát Triệu Tương Tử, Dự Nhượng đã giả làm người thợ sửa nhà. Sau khi giết Trí Bá Dao, Triệu Tương Tử cho sửa sang khu nhà vệ sinh. Dự Nhượng giả trang thành người thợ, giấu một con dao găm trên người. Khi Triệu Tương Tử đi vệ sinh, đột nhiên có linh cảm không lành nên ra lệnh cho người của mình lục soát. Kết quả tìm ra Dự Nhượng cùng con dao găm sắc nhọn, Triệu Tương Tử hỏi Dự Nhượng là ai.
Dự Nhượng nói: “Tôi là Dự Nhượng, thuộc hạ của Trí Bá Dao, đến đây để thích sát ông”.
Triệu Tương Tử nói: “Trí Bá Dao đã chết rồi, sao ngươi lại kiên trì báo thù cho hắn như vậy? Nếu ta thả ngươi, ngươi có thể từ bỏ kế hoạch giết ta không?”
Dự Nhượng nói: “Nếu ngài thả tôi ra, đó là ân tình cá nhân của ngài đối với tôi, được gọi là “Chủ chi tư ân” (ân tình cá nhân chủ tớ); còn tôi giết ngài để trả thù cho chủ nhân ban đầu của tôi, đó là “Thần chi đại nghĩa” (đại nghĩa quân thần). Tôi không thể vì ân tình cá nhân mà vứt bỏ đi đại nghĩa được!”
Lúc đó thuộc hạ xung quanh đều muốn giết Dự Nhượng. Dự Nhượng trông thần sắc vẫn thản nhiên, ngôn từ khí khái, Triệu Tương Tử cũng rất cảm động, và muốn thả cho đi. Hai bên tả hữu đều can ngăn không để ông ta đi, ông ta phải bị giết vì ông ta đã nói rằng chắc chắn sẽ quay lại tìm cách giết ngài. Triệu Tương Tử nói thôi cho qua, ta đã hứa với hắn rồi, sau này ta sẽ cẩn thận hơn, tránh xa hắn. Vì vậy ông ra lệnh thả Dự Nhượng.
Dự Nhượng cảm thấy sẽ không có cơ hội tiếp cận Triệu Tương Tử, bởi vì Triệu Tương Tử đã biết rõ bộ dạng của ông, làm sao có thể tiếp cận ông ấy lần nữa? Dự Nhượng đã làm một việc rất khó tin. Ông phủ sơn nóng lên cơ thể và khuôn mặt của mình. Các loại sơn được sử dụng thời xưa đều có chất độc, một khi sơn lên cơ thể, da sẽ bị lở loét nghiêm trọng, toàn bộ hình dáng bị biến dạng. Dự Nhượng sau đó đã nhổ hết tóc, lông mày và râu, toàn bộ hình thể trở nên méo mó. Sau đó Dự Nhượng giả làm người ăn xin và xin ăn trên đường phố. Vợ của ông đi ngang qua, nghe thấy tiếng xin ăn nên chạy tới nhìn, rồi nói giọng người đàn ông này nghe rất giống chồng tôi, nhưng nhìn không giống lắm, nên xoay người rời đi.
Dự Nhượng thấy giọng nói của mình vẫn còn như cũ nên nuốt than nóng đỏ để đốt cháy thanh quản. Đây gọi là “Tất thân vi lại, thôn thán vi á” (sơn thân ghẻ lở, nuốt than làm câm). Để trả thù, ông có thể chịu đựng thống khổ đến như vậy. Giọng nói đã thay đổi, hình dáng cũng thay đổi, không ai có thể nhận ra ông nữa.
Nhưng Dự Nhượng có một người bạn vẫn phát hiện ra, và mời Dự Nhượng đến nhà mình uống rượu. Ông ấy hỏi Dự Nhượng, với tài năng của ngài, nếu ngay từ đầu ngài đến Triệu gia để tìm kiếm một chức quan và trở thành thuộc hạ của nhà Triệu, thì sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận Triệu Tương Tử, dễ dàng ám sát hơn phải không? Tại sao lại chọn cách hành hạ bản thân đau đớn như vậy?
Dự Nhượng trả lời bằng một câu được ghi trong “Sử ký. Thích khách liệt truyện” như sau: “Dự Nhượng nói, tôi đã đáp ứng làm gia thần cho người ta, mà lại đi giết người ta, tức là trong khi tôi phục vụ họ, tôi đã mang lòng phản trắc, tôi làm việc này biết là rất cực khổ, nhưng là việc cần phải làm như vậy, để cho người trong thiên hạ sau này, nếu phục vụ chủ nhân mà có hai lòng, thì nghe thấy sự tích này của tôi mà lấy làm xấu hổ.”
Vì vậy, Dự Nhượng đã làm điều này, dù khổ nạn đến đâu nhưng ông thấy mình đang đi đúng đường, chứ không sử dụng những thủ đoạn gian trá để đạt được mục đích. Dự Nhượng nói với bạn mình rằng, từ nay chúng ta vĩnh biệt, và bạn đừng tìm tôi nữa.
(Còn tiếp)
Chương Thiên Lượng – NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) “Tiếu đàm phong vân” do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 9 – Ba gia tộc phân chia nước Tấn (2)
NTD Việt Nam