Tôn sư trọng đạo đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống, nhưng trong xã hội ngày nay, nó đã bị phai nhạt đi ít nhiều.
Thầy là “khuôn vàng thước ngọc” cho trò noi theo
Người thầy trong xã hội xưa rất được coi trọng. Cổ nhân quan niệm về ba bậc người phải tôn kính là Quân – Sư – Phụ, tức là Vua – Thầy – Cha. Người thầy chỉ đứng sau Vua và còn trên cả cha mẹ. Tình cảm thầy trò cũng vì vậy mà thân thiết như cha con.
Người thầy không phải chỉ dạy kiến thức, mà quan trọng hơn cả đó là đạo đức. Vì thế thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, có tôn ti trật tự rõ ràng. Thầy muốn được trò tôn kính thì cũng phải giữ đúng đạo thầy. Người thầy phải là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức chuẩn mực và tài trí hơn người. Thầy luôn là “khuôn vàng thước ngọc” cho trò noi theo.
Thời xưa khi Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử, ở nhà thầy ba năm mà không mấy khi đọc sách. Tăng Tử gặng hỏi thì Công Minh Tuyên thưa rằng:
“Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã, cho đến giống vật như chó mèo thầy cũng không quở mắng bao giờ. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều thiếp phục. Thầy ở triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trọng, mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ. Ba điều ấy, con lấy làm vui lòng, học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy”
Trò luôn tôn kính thầy, không dám có ý oán trách thầy
Còn học trò cũng phải giữ cho đúng đạo học trò, biết nghe lời thầy, biết chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm.
Mà cũng vì có tôn ti trật tự, nên khi trò phạm lỗi, thầy có trách phạt, thậm chí dùng roi đánh vào tay, vào lưng, thậm chí từ chối giáo dục thì trò và gia đình cũng không hề kêu ca, không hề oán trách thầy. Trò chỉ thấy rằng mình đã sai và cố gắng sửa đổi, gia đình cũng thấy thầy làm như thế là đúng, một lòng kính sợ thầy. Nhờ vậy mà những kiến thức được thầy truyền đạt đều được các học trò nhất nhất tiếp thụ.
Thầy giáo là một nghề cao quý
Người Việt xưa rất coi trọng đạo đức của người thầy lẫn người trò. Luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) có ghi: “Làm thầy và trò đều phải hết đạo. Thầy trước tiên phải ngay mình để làm gương cho học trò. Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc”.
Đối với những người quên ơn thầy thì bộ luật cũng quy định rất nghiêm khắc: “Học trò quên ơn thầy, coi thường thầy thì bị phạt suốt đời không được đi thi”; “Học trò vô lễ với thầy suốt đời không được làm thầy dạy học”.
Cũng vì như vậy mà vào thời xưa, thầy giáo vẫn luôn được xem là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Có một câu chuyện nổi tiếng nói về tầm quan trọng của một người thầy.
Chuyện kể rằng Khổng Tử có một người học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học hành cũng bình thường nhưng luôn tự cho mình là giỏi nhất. Mới học được vài năm Mỗ đã xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.
Tử Cống thấy vậy mới hỏi thầy:
– Thưa thầy! Người ấy về nước làm quan có sao không?
Khổng Tử ung dung đáp:
– Không sao!
Tử Cống hỏi tiếp:
– Làm tướng có được không?
Khổng Tử vuốt râu đáp:
– Được!
Lại hỏi tiếp:
– Thưa thầy! Thế lỡ về làm giặc thì sao?
Khổng Tử vẫn tỏ ra thờ ơ:
– Cũng không hại gì!
Tử Cống cảm thấy an tâm, liền chậm rãi nói với thầy:
– Trò nghe nói Mỗ ấy về nước chỉ để làm thầy thôi!
Khổng Tử nghe vậy thì giật mình, chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc vải, vội vàng chạy ra khỏi cổng. Học trò đuổi theo hỏi:
– Thầy chạy đi đâu vậy?
Khổng Tử vừa thở vừa đáp:
– Sang ngay nước Đằng.
Học trò lại hỏi:
– Thầy sang nước Đằng làm gì?
Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa nói:
– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên lụy!
Khôi phục văn hóa truyền thống
Ngày nay, tinh thần “tôn sư trọng đạo” đang bị xói mòn một cách nghiêm trọng, bởi vì thầy không còn giữ được đạo thầy, mà trò cũng không giữ được đạo học trò, tôn ti trật tự rối loạn, trên dưới không rõ ràng.
Thử hỏi đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Không khó để nhận thấy, đó là sự trượt dốc của đạo đức xã hội, nó tác động đến toàn bộ các ngành nghề chứ không chỉ riêng nghề giáo.
Con người chạy theo kim tiền chứ không đề cao đạo đức. Thầy cô chỉ dạy kiến thức đã quá tải, không còn thời gian mà giảng dạy đạo đức cho học trò. Mà xã hội ngày càng thực dụng thì học trò cũng ngày càng thực dụng hơn. Những bài học nhân đức đã không còn là đề tài được mọi người quan tâm, mà thay vào đó là công việc, tiền tài, danh vọng; mọi người quan tâm làm sao có thể kiếm được thật nhiều tiền.
Nói là vậy nhưng chúng ta cũng không cần quá tuyệt vọng về tình cảnh của xã hội ngày nay, vẫn có một lối thoát, đó là tìm về văn hóa truyền thống. Khôi phục văn hóa truyền thống, chắt lọc những điều hay và áp dụng vào cuộc sống hiện đại thì dần dần đạo đức xã hội cũng có thể thăng hoa trở lại.
Chúng ta cũng mong một ngày không xa, truyền thống tôn sư trọng đạo lại được coi trọng như xưa, phong khí xã hội lại có thể hài hòa yên bình, sống bình dị mà hạnh phúc.
Tổng hợp / Truyền Thống