Thuốc Nam có thể chứa nhiều chất độc hại như axit, tạp chất, kim loại nặng, bụi bẩn, thậm chí là nấm mốc. Chất độc hại trong thuốc Nam có thể đến từ môi trường bên ngoài, cách bảo quản không đúng cách hoặc ngay từ trong chính thành phần của thuốc. (Ảnh: 4045 / Freepik)
Người đàn ông tự ý bỏ thuốc được bác sĩ kê đơn và mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc về uống. Theo thời gian, cơ thể của anh có nhiều dấu hiệu bất ổn, bệnh nhân mới quay lại bệnh viện để kiểm tra.
Bệnh nhân là anh P. (30 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng phù nề toàn thân, mệt mỏi, ăn uống kém, tiểu ít.
Theo lời kể của bệnh nhân, anh được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư từ cuối năm 2023 và đã được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị.
Tuy nhiên, do chủ quan, anh đã tự ý bỏ thuốc và mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc xuất xứ về uống từ tháng Hai năm nay. Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe của anh bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bất ổn, buộc phải quay lại bệnh viện khám chữa bệnh.
Dựa vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh nhân đã trở nên nặng hơn, với biểu hiện tràn dịch đa màng (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng) ở mức độ nghiêm trọng.
Sau quá trình điều trị tích cực, tình trạng của anh P. đã có nhiều cải thiện rõ rệt, bớt phù nề, giảm mệt mỏi và có thể đi tiểu nhiều hơn.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Viên, Trung tâm Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc tự ý bỏ thuốc, không tuân thủ phác đồ điều trị, tự ý sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc xuất xứ, theo truyền miệng…, tuy nhiên tình trạng này vẫn liên tục tái diễn, gây khó khăn cho điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Những người mắc hội chứng thận hư nhưng tự ý bỏ thuốc có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng, tắc mạch máu do huyết khối, suy thận….
Nguy cơ này cao hơn nhiều so với những bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bác sĩ Viên nhấn mạnh.
Bác sĩ Viên cũng khuyến cáo người mắc hội chứng thận hư nói riêng và người bệnh nói chung cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc lá theo truyền miệng không rõ nguồn gốc xuất xứ… để tránh nguy cơ bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho những lần điều trị tiếp theo.
Vì sao thuốc Nam có thể gây hại cho thận?
Thuốc Nam có thể chứa nhiều chất độc hại như axit, tạp chất, kim loại nặng, bụi bẩn, thậm chí là nấm mốc. Chất độc hại trong thuốc Nam có thể đến từ môi trường bên ngoài, cách bảo quản không đúng cách hoặc ngay từ trong chính thành phần của thuốc.
Một số nghiên cứu cho thấy thành phần độc hại trong thuốc Nam chủ yếu là các loại axit như axit aristolochic, axit alkaloids và axit anthraquinones.
Trong đó, axit alkaloids có thể thúc đẩy quá trình chết của tế bào ống thận, làm suy giảm chức năng ống thận. Axit anthraquinones có khả năng gây hại gan, hại thận, làm bệnh nhân nhiễm độc gan, mất nước, tiêu chảy,… khi nạp một lượng quá lớn.
Theo thống kê của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, rất nhiều loại thảo dược, thuốc Nam được phát hiện có mức độ tạp chất vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Các tạp chất được tìm thấy bao gồm:
- Nguyên liệu nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật không rõ xuất xứ;
- Thuốc hóa học tồn đọng trong thuốc Nam;
- Kim loại nặng như asen, chì,…;
- Thuốc trừ sâu còn đọng lại trước khi thu hoạch dược liệu.
Việc tự ý sử dụng thuốc Nam khi không được bác sĩ tư vấn có thể dẫn đến tình trạng dùng sai thuốc, kết hợp sai vị thuốc, uống quá liều, mua thuốc tại nơi kém chất lượng… gây nguy cơ cao bị bệnh thận, suy thận cấp tính và mãn tính, thậm chí còn dẫn đến đột quỵ vì nồng độ kali cao khiến bệnh nhân bị suy tim, xơ vữa động mạch… khi dùng lâu dài.
Do vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và chỉ sử dụng thuốc khi có sự hướng dẫn cụ thể từ thầy thuốc.
Nhật Duy (tổng hợp)
NTD Việt Nam