Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, trong tôi dâng lên niềm tôn kính và ngưỡng vọng với bầu trời, tôi bắt đầu tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại…
Từ khi sinh ra tôi đã ốm yếu nhiều bệnh, sống hai mươi mấy năm thì hầu như năm nào tôi cũng phải vào viện nằm 1-2 tháng. Hồi nhỏ, đã có vài đợt tôi lâm trọng bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đến năm 22 tuổi, tôi lại phát hiện mình mắc bệnh gan, là bệnh viêm gan B mãn tính.
Năm nay tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, vẫn chưa tìm được việc làm. Vì điều kiện kinh tế khá giả, nên gia đình đã chạy chữa cho tôi khắp nơi, hễ nghe nói đến bài thuốc hay trị bệnh viêm gan B là cả nhà lại lặn lội đi tìm.
Chạy chữa đã nửa năm, cũng tiêu tốn vài chục nghìn tệ tiền thuốc men (10.000 tệ chừng 35 triệu VNĐ), nhưng bệnh tình của tôi không những không tiến triển mà ngày càng trầm trọng hơn. Giữa lúc ấy, bạn gái tôi ở Thẩm Quyến gửi tới một bức thư đòi chia tay. Lúc đó tôi cảm thấy mọi thứ đều sụp đổ, cuộc sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bản thân tôi không chỉ đau khổ mà còn tạo thành gánh nặng rất lớn cho người thân. Cuộc đời quả thực là vô vị, chẳng thà tôi mãi mãi ra đi…
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng quyết định sẽ kết thúc cuộc đời tàn tạ này. Lúc đó tôi cho rằng dù sao thì cũng chết, cớ gì mà không tìm tới nơi non xanh nước biếc, được như vậy sẽ không uổng phí một lần tới cõi thế gian này. Thế là tôi bắt chuyến bay tới Thành Đô, Tứ Xuyên, sau đó đi xe tới núi Nga Mi. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao mình lại chọn núi Nga Mi, chỉ là tự đáy lòng tôi có một tiếng nói dẫn đường, và vì thế mà tôi lựa chọn lên địa danh nổi tiếng này.
Lúc đó là cuối Thu đầu Đông, cũng là khoảng thời gian lạnh nhất trong chuyến hành trình. Theo kế hoạch, tôi sẽ leo bộ từng bước lên đỉnh núi thay vì ngồi xe cáp. Và khi đã lên tới đỉnh núi, tôi sẽ nghỉ lại một đêm để ngắm nhìn những gì đẹp nhất, ví như ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc và mặt trời lặn. Nếu không nhìn thấy cũng chẳng hề gì, tôi sẽ tìm một vách núi đựng đứng và nhắm mắt thả mình rơi xuống. Thế là xong một kiếp người!
Những người mắc bệnh viêm gan B thường rất yếu ớt, tôi đương nhiên cũng không nằm ngoài số đó. Bình thường thì đi bộ chừng một dặm là tôi đã hết hơi rồi, nhưng hôm đó thật lạ, mặc dù leo dốc cao nhưng bước chân tôi lại nhẹ bẫng một cách kỳ lạ, đi đường dài đến mấy cũng không thấy mệt. Đến trưa là tới lưng chừng núi, tôi ăn một chút lót dạ rồi nghỉ ngơi để buổi chiều leo lên đỉnh vàng.
Mọi người đều biết rằng núi Nga Mi có rất nhiều khỉ, hơn nữa chúng rất táo tợn và không biết sợ người. Trên đường đi tôi bị phá phách vài lần, nhưng tôi không sợ bầy khỉ ấy và cũng chẳng để tâm. Hơn nữa, một người sắp chết sẽ chẳng để tâm vào bất kể chuyện gì. Bầy khỉ dường như hiểu được tâm tư của tôi nên đã bỏ đi, không còn chạy theo bám riết lấy tôi nữa.
Trong lúc nghỉ trưa, tôi đã chứng kiến một cuộc tàn sát giữa bầy khỉ. Không biết lý do vì sao, khoảng hơn 20 con khỉ dưới sự thống lĩnh của con đầu đàn đang tấn công một con khỉ mẹ. Lúc ấy khỉ mẹ đang ôm khỉ con, không biết nó đã được mấy tháng, đại khái chỉ to bằng con mèo nuôi trong nhà chúng ta.
Khỉ mẹ liều mình chống cự hòng trốn chạy, nhưng vô ích. Hơn 20 con khỉ đã bao vây tứ phía, chúng vừa cào vừa cấu, máu chảy xuống từng dòng, hai bên đều kêu lên những tiếng đanh sắc, thê lương khác thường. Lúc này tôi mới biết đây không phải là trò chơi của những con khỉ, mà là một trận chiến sinh tử.
Tôi cảm nhận được tình mẫu tử rất mạnh mẽ của khỉ mẹ, nó không màng nguy hiểm bản thân mình mà dốc sức bảo vệ đứa con bé bỏng trong lòng. Bất giác tôi nghĩ tới người mẹ của nhân loại, xem ra thứ tình mẫu tử này không chỉ vượt qua ranh giới quốc gia mà còn vượt qua cả văn hóa, vượt qua giới hạn của muôn loài…
Tôi động lòng trắc ẩn, quyết định giúp khỉ mẹ một tay. Thế là tôi nhặt đá ném vào bầy khỉ, đồng thời còn lớn tiếng dọa nạt hòng đuổi chúng đi.
Sự can thiệp của tôi cũng có tác dụng, bầy khỉ ngay lập tức đã yên ắng trở lại, chúng dừng tấn công. Khỉ mẹ bị thương nhân cơ hội này đã chạy thoát khỏi vòng vây, và điều không tưởng tượng được là nó không chạy trốn mà lại nhảy bổ về phía tôi.
Khỉ mẹ không to lớn lắm, chỉ khoảng chừng 20kg, nó dặt dẹo bước từng bước từ trong hẻm núi về phía tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy rõ lưng của khỉ mẹ đã bị xé rách một tảng da lớn, còn lộ cả thịt tươi đỏ sẫm, nhưng kỳ lạ là không chảy máu. Còn trên chân nó có một vết thương to bằng bàn tay, nhưng máu tươi đầm đìa, liên tục chảy ra lênh láng. Ốm lâu thành thầy thuốc, tôi dự đoán là động mạch máu ở đùi khỉ mẹ đã bị thương, có vẻ cơ hội sống sót là vô cùng mong manh.
Khỉ mẹ dừng lại cách chỗ tôi khoảng 3 mét, đôi mắt nó đen như hạt đậu đang nhìn tôi không chớp. Từ ánh mắt của nó, tôi hiểu rằng nó không hề sợ hãi trước cái chết, mà ngược lại, đó là một tình yêu ấm áp dâng tràn.
Khỉ mẹ nhìn tôi chằm chằm chừng nửa phút, rồi nó bất ngờ trao khỉ con trong lòng mình cho tôi. Lúc đó tôi ngẩn người, nhưng cũng đưa tay ra đón lấy chú khỉ con như phản xạ tự nhiên.
Khắp mình khỉ con là một màu hồng nhạt với vài sợi lông lơ thơ. Có lẽ nó cũng ý thức được sự nguy hiểm nên không giãy giụa cũng không phản kháng lại, chỉ ngoan ngoãn nằm trong lòng bàn tay tôi và giương đôi mắt đen láy nhìn tôi một cách hiếu kỳ.
Tôi ôm lấy khỉ con mà nước mắt cứ thế rơi lã chã. Khi tôi còn chưa kịp định thần xem chuyện gì đang xảy ra thì khỉ mẹ đã nhảy xuống vách núi, lao vào giữa bầy khỉ hung dữ. Rồi những tiếng kêu đanh sắc lại vang lên. Lúc này bầy khỉ chia thành 2 tốp, một tốp tiếp tục tấn công khỉ mẹ, một tốp khác dưới sự chỉ huy của con khỉ đầu đàn lại lao vào bao vây tôi.
Con khỉ đầu đàn rất cao lớn, có lẽ khoảng 40, 50 kg. Nó ngoác miệng, nhe nanh, rồi gầm gừ hướng về phía tôi. Nhưng rõ ràng chúng không nhằm vào tôi, mà mục tiêu là khỉ con trong tay tôi.
Lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ là, dù thế nào cũng phải cứu sống khỉ con. Tôi nhanh chóng cởi áo lông nhung ra, đặt khỉ con vào trong túi rồi chạy thục mạng lên trên núi.
Nói thực là từ xưa tới nay tôi chưa bao giờ chạy nhanh như vậy, mặc dù không bằng Lưu Tường nhưng chắc chắn cũng nhanh hơn Diêu Minh. Nhưng dù cho tôi chạy nhanh hơn Lưu Tường thì bầy khỉ vẫn có thể đuổi kịp tôi, chúng nhảy nhót xung quanh tôi và phát ra thứ âm thanh man rợn.
(Diêu Minh là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp với chiều cao nổi trội 2.29 m; Lưu Tường là ngôi sao điền kinh nổi tiếng Trung Quốc)
Ban đầu chúng sợ dáng vóc của tôi nên không dám liều lĩnh, mà chỉ thăm dò hòng xé nát chiếc áo lông nhung của tôi. Nhưng rồi thấy tôi không lợi hại, con khỉ đầu đàn bắt đầu nhảy vào tấn công. Lúc đó tôi không nhìn rõ, chỉ nhớ là con khỉ lớn nhảy rất cao, rồi một bóng đen lướt qua và đầu tôi đau nhói, tôi sờ tay thì thấy toàn là máu.
Tôi hoảng hốt vừa chạy thục mạng vừa kéo mũ áo lông nhung lên để bảo vệ đầu và mặt, rồi vung tứ phía chiếc túi du lịch nhằm chống đỡ sự tấn công của bầy khỉ. Tôi chạy một mạch 5, 6 phút, dường như sức tôi cũng đã cạn, khắp người tôi bị bầy khỉ cào thương nhức nhối.
Đúng vào lúc tôi không chịu đựng được thì một ông lão xuất hiện trước mặt. Ông lão trông gầy guộc nhỏ bé, dáng thấp lùn, chừng khoảng 1m6. Ông quát lớn một tiếng, đồng thời cầm chiếc gậy trúc đập mạnh xuống con đường đá.
Bầy khỉ có vẻ rất sợ ông lão này, nghe thấy tiếng quát nạt bèn không dám tấn công tôi nữa. Khi nhìn thấy ông lão đập gậy trúc xuống đất, đa số bọn khỉ đều tháo chạy tứ phía, chỉ còn lại con khỉ lớn đầu đàn vẫn bám riết lấy tôi, liên tục gầm gừ dọa dẫm. Tôi đã sức cùng lực kiệt, bất giác ngồi nhoài xuống đất mà thở dốc.
Con khỉ lớn cách tôi không đến một mét, nó nhe cái nanh rất dài, rình rập muốn cướp lấy chú khỉ con trong lòng tôi bất cứ lúc nào. Lúc này ông lão chạy lại, ông nói điều gì đó với con khỉ bằng tiếng Tứ Xuyên khiến tôi nghe mà không hiểu được câu nào.
Con khỉ lớn không hề sợ hãi, trong khi đang gầm gừ, nó đột nhiên lao bổ vào tôi, túm lấy áo trước ngực tôi. Tôi một tay che mặt theo bản năng, một tay dùng túi xách đập vào con khỉ lớn. Tuy nhiên động tác của nó quá nhanh, nó đánh một cước rồi rút ngay, khiến chiếc áo lông nhung của tôi bị xé toạc một mảng lớn trước ngực, trong khi túi xách của tôi lại không động được tới một sợi lông của nó. Ông lão thấy con khỉ không nghe lời nên tỏ ra tức giận, ông quát lớn dọa nạt đồng thời dùng cây gậy trúc đánh liên hồi.
Con khỉ dường như trúng đòn, nó nhanh nhẹn túm chặt lấy gậy trúc của ông lão, đôi bên lại giằng co với nhau. Điều không ngờ được là ông lão lúc này tỏ ra rất khỏe, ông vung gậy trúc lên trên không, con khỉ nặng như vậy mà cũng bị ông tung lên trời. Nó dường như biết mình không phải là đối thủ của ông lão, nên đã nhanh chóng trượt xuống khe núi chạy thoát thân.
Sau khi con khỉ đi rồi, ông lão đến hỏi han tôi. Vì ông nói tiếng địa phương nên chúng tôi giao tiếp khá khó khăn, một lúc sau tôi cũng hiểu được. Tôi kể với ông mọi chuyện rồi đưa khỉ con trong lòng mình cho ông, hy vọng ông có thể xử lý được thỏa đáng.
Ông lão đặt khỉ con vào trong túi, sau đó đỡ tôi đứng dậy. Ông nói phải đưa tôi tới gặp bác sĩ để băng bó lại vết thương trên người. Rồi ông dẫn tôi đến một con hẻm nhỏ, đi thêm chừng 2, 3 dặm thì tới một “túp lều” ở lưng chừng núi. Đây là một căn nhà đá biệt lập, không có điện cũng chẳng có nước, ba phía đều là vách núi và thung lũng. Thật kỳ lạ là trong khu thắng cảnh này vẫn có một ngôi nhà như vậy tồn tại, con người ở đó thì sinh sống làm sao?
Ông lão dìu tôi vào trong nhà rồi bảo tôi ngồi xuống. Tôi chỉ thấy một màu tối đen như mực, dần dần mọi thứ rõ ràng hơn, tôi thấy đồ đạc vô cùng đơn sơ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Trong nhà có một ni cô đang ngồi đả tọa. Ông lão châm nến lên, sau đó nói chuyện với lão ni cô bằng tiếng Tứ Xuyên, tôi cũng không hiểu được câu nào.
Sau đó ông lão xoay người bước đi, không biết là đi đâu. Lão ni cô tới bên cạnh tôi, kiểm tra kỹ lưỡng vết thương trên người tôi. Đầu tôi bị con khỉ cào rách một miếng, rất đau, máu vẫn chảy, trên mông và đùi cũng bị cào rách mấy chỗ, nhưng không nghiêm trọng lắm.
Nhìn kỹ lão ni cô thì bà chừng khoảng 50, 60 tuổi, da trắng hồng, mặc một bộ đồ màu xám của nhà sư, trên đầu còn đội mũ. Cách ăn vận như vậy ở thánh địa nhà Phật trên núi Nga Mi này là quá đỗi bình thường, không có gì kỳ lạ cả. Nhưng khí chất của lão ni cô này thì tôi chưa gặp bao giờ, trông bà rất điềm tĩnh, rất thong dong, và đặc biệt ánh mắt xót thương ấy thì tôi chưa từng gặp ở bất kỳ ai.
Lão ni cô kiểm tra vết thương của tôi nhưng lại không chữa trị gì cả. Khi tôi còn đang vẩn vơ suy nghĩ thì đột nhiên bà nói bằng tiếng phổ thông rất chuẩn, hỏi tôi có phải tới núi Nga Mi để tự sát không? Tôi giật mình chấn động, buột miệng hỏi sao bà lại biết.
Lão ni cô nói rằng số mệnh của tôi ấn định là sẽ lắm bệnh nhiều tật, nhiều tai ương, dương thọ cũng không thể quá 25 tuổi. Lúc đó tôi đờ đẫn cả người, rất lâu sau tôi mới định thần lại được. Tôi lại hỏi sao bà biết chuyện của tôi, bà vẫn không trả lời mà chỉ nói rằng sở dĩ tôi lắm bệnh nhiều nạn, thọ mệnh cũng rất ngắn như vậy là vì kiếp trước tôi đã làm việc ác, đã nợ rất nhiều nghiệp lực. Nhưng hiện giờ không còn thế nữa, sau này mọi việc sẽ tốt đẹp lên, hơn nữa tôi cũng sẽ không chết vào tuổi 25.
Bà lại khuyên tôi không nên tự sát, tự sát gây tội nghiệp cũng giống như giết người, linh hồn của người tự sát thường phải trầm luân trăm năm cũng không được siêu sinh, thống khổ vô cùng.
Tôi ngây người nghe bà nói. Linh hồn ư? Đời trước ư? Nghiệp lực ư? Những thứ này tôi chưa từng nghĩ tới, cũng chưa từng tin thứ gì là kiếp trước hay đời này. Nhưng vào khoảnh khắc đó, không biết vì sao tôi lại tin rằng những lời của lão ni cô đều là sự thật, không chút mảy may ngờ vực.
Tôi hỏi bà vận mệnh của tôi vì sao lại thay đổi, bà không trả lời rõ ràng, chỉ nói: “Con người sinh một niệm, trời đất đã tỏ tường”. Một niệm nhân nghĩa có thể khiến người ấy lên trời, trở thành Thần; còn một niệm ác có thể khiến con người trầm luân nơi địa ngục. Sinh – tử, họa – phúc của kiếp người kỳ thực đều liên quan mật thiết tới thiện ác trong ý niệm của mình.
Tôi như ngộ ra điều gì đó, có phải vì tôi cứu chú khỉ nhỏ, làm việc thiện, cho nên vận mệnh tương lai mới thay đổi? Lão ni cô nói rằng cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình, bái Phật không bằng tu tâm, có một cái tâm thuần thiện thì mới là hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Lúc đó với tôi những lời của lão ni cô quá cao thâm, tôi chỉ nghe mà thấy mơ màng, cũng không biết phải nói gì.
Lão ni cô không nói quá nhiều với tôi, cũng không chữa trị vết thương cho tôi. Bà chỉ đưa cho tôi cuốn sách Phật có 3 chữ nổi bật trên bìa. Sau đó lão ni cô nhẹ nhàng rời đi, còn lại tôi một mình trong căn phòng lập loè dưới ánh nến.
Lúc đó tôi có cảm giác như đang trong giấc mộng, cảm thấy ngày hôm nay trôi qua thật chóng vánh mà lại đằng đẵng như đã trải qua cả trăm nghìn năm. Tôi cầm cuốn sách Phật mà lão ni cô đưa cho rồi đứng dậy đi xuống núi, ý nghĩ muốn tự sát đã tiêu tan không còn dấu vết.
Trên đường xuống núi, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng những vết thương bị bầy khỉ cấu xé đã liền lại một cách thần kỳ. Những vết rách trên quần áo vẫn còn, vết máu trên đầu trên tóc đã khô lại, nhưng vết thương thì không còn. Vết thương trên đầu hay ở chân cũng vậy, đều biến mất, dù tôi sờ thế nào cũng không thấy đau, dường như tôi chưa từng bị thương.
Thời khắc đó lần đầu tiên trong cuộc đời tôi dâng lên niềm tôn kính và ngưỡng vọng với bầu trời, tôi bắt đầu tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại.
Sau khi xuống núi tôi về thẳng nhà, từ đó tôi bắt đầu bước vào tu luyện Phật Pháp. Và tôi muốn nói rằng tôi đang tu luyện “Phật Pháp” chứ không phải là “Phật giáo”.
Tới tận bây giờ tôi vẫn chưa biết những người cứu tôi tên là gì, tôi cũng không biết lão ni cô ấy là người thế nào, nhưng chính vì cơ duyên này mà tôi bước vào tu luyện.
Tới nay đã 3 năm trôi qua, bệnh viêm gan B của tôi không chữa mà khỏi, hơn nữa tôi không còn mắc bệnh nặng nữa. Tuần trước tôi đã tổ chức sinh nhật lần thứ 25 của mình, vậy là tôi không phải chết…
Nhưng hạnh phúc hơn là tôi đã không tự sát. Tôi vẫn thường nhớ về khỉ con, nhớ lại ánh mắt đong đầy tình yêu ấm ấp của khỉ mẹ, và nhớ đến hình ảnh khỉ mẹ khẳng khái lao vào cái chết. Nếu không phải mẹ con khỉ đã diễn màn sinh ly tử biệt cảm động đó, có lẽ tôi sẽ không có cơ duyện bước vào tu luyện, lại càng không được sống mạnh khỏe tới tận bây giờ.
Nếu đời này kiếp này tôi tu thành chính quả, thì tương lai tôi nhất định sẽ thiện đãi chúng sinh…
theo daikynguyenvn.com