Trà và nước đun sôi là hai dạng nước được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nước không màu không vị, một số người không thích uống nước và chỉ uống trà. Vậy uống nước và uống trà, thứ gì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ? (Tổng hợp)
Trà và nước đun sôi là hai dạng nước được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nước không màu không vị, một số người không thích uống nước và chỉ uống trà. Vậy uống nước và uống trà, thứ gì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ?
Đề cập đến khía cạnh cung cấp nước cho cơ thể, không gì thay thế được vai trò của nước.
Người trưởng thành nên uống ít nhất 1500ml nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu nước cho cơ thể. Đối với bệnh nhân tim mạch, uống nước còn có thể làm loãng và giảm bớt độ nhớt của máu, từ đó giúp ổn định tình trạng bệnh.
Một nghiên cứu được công bố trên European Preventive Cardiology của Gu Dongfeng, một học giả của Viện Khoa học Trung Quốc, cho thấy so với những người không uống trà, tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não giảm khoảng 20% ở những người uống trà thường xuyên.
Trà rất tốt cho cơ thể, nhưng không nên thay nước uống hàng ngày bằng trà. Nếu cả ngày bạn chỉ uống trà thay nước, thì dù là trà nào, tác dụng của nó cũng đều phản lại:
- Thứ nhất, khi uống trà, chúng ta có xu hướng uống từng cốc nhỏ, rất khó để bạn đáp ứng lượng nước hàng ngày với cách uống đó.
- Thứ hai, bạn nên uống trà ở mức độ vừa phải và hợp lý, bởi cơ thể cần nước để duy trì các hoạt động trao đổi chất và nhiều quá trình sinh lý khác.
- Thứ ba, việc lạm dụng trà có thể gây táo bón do cơ thể tích luỹ chất chát trong trà. Đồng thời, nó cũng làm giảm sức đề kháng do cơ thể thừa sắt và thiếu kẽm.
Mặt khác, Ni Lei, phó giám đốc bệnh viện Dongzhimen thuộc Đại học Y học cổ truyền Bắc Kinh (Trung Quốc), nhắc nhở rằng trà đặc có chứa caffeine và theophylline, có thể kích thích tiết axit dạ dày.
Việc tiết quá nhiều axit trong dạ dày có thể lấn át các hormone bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến các hormone này bị quá tải, gây loét và nhiều triệu chứng khác. Vì vậy, tốt nhất bạn nên uống trà sau bữa ăn khoảng một giờ, giúp cải thiện tiêu hóa, loại bỏ dầu mỡ.
Ngoài ra, không nên uống trà quá đậm hoặc quá nóng.
- Trà quá đậm: Kích ứng mạnh, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, thậm chí gây viêm dạ dày, loét dạ dày;
- Trà quá nóng: Kích ứng mạnh cổ họng, thực quản và dạ dày, có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Sau khi uống trà, bộ ấm trà phải được vệ sinh sạch sẽ, nếu không rất dễ tích tụ cặn bẩn trong trà, ảnh hưởng đến hương vị của nó, đồng thời cũng không có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể, làm giảm tác dụng tích cực của trà đối với sức khỏe.
Theo Wang He từ Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam