Kỷ Quân, tự là Hiểu Lam, là một vị học giả đồng thời là một nhà văn nổi tiếng vào đời nhà Thanh. Ông là người huyện Hiến (nay thuộc Hà Bắc). Ông đỗ tiến sỹ dưới thời Càn Long, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, kiêm đại học sỹ. Ông từng đảm nhiệm chức quan Quán tổng toản, tổng biên tập và quản lý việc biên soạn bộ sách “Tứ khố toàn thư” (đây là bộ sách lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, và có lẽ cũng là lớn nhất trong lịch sử thế giới). Ông đã biên soạn “Mục lục trọng điểm tóm tắt của bộ sách Tứ khố toàn thư”, sử dụng tri thức uyên bác và trí tuệ hơn người để thực sự nghiên cứu và khám phá những đạo lý uyên thâm tinh túy, thu thập mọi tinh hoa, làm rõ những ý nghĩa bí mật hàm chứa bên trong chúng, và trình bày lại chi tiết hơn 10.000 bản viết tay từ bộ sách của hoàng gia và các thư viện khác. Tác phẩm “Duyệt vi thảo đường bút ký” (Tạm dịch: “Duyệt xem các ghi chép trong nhà cỏ của những ẩn sỹ”), chính là một bộ vũ khí sắc bén để loại bỏ thuyết Vô thần. Trong cuốn sách ông đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng thực tế để chứng minh rằng Thần Phật là có thật, mang lại nhiều lợi ích cho tâm hồn của người đời.
Trong bộ sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” quyển 7 chương 61 (các chương trong sách không có tiêu đề. Để thuận tiện cho người đọc, người viết bài này đành phải đánh dấu lại như thế), có ghi chép lại mấy câu chuyện thực tế sau đây.
Chuyện thứ nhất:
Cô Du là vợ của một người tên Hàn Thủ Lập, bình thường rất có hiếu với bà của mình. Vào năm Canh Thìn đời vua Càn Long, bà của cô 2 mắt bị mù, cô tìm mọi cách để trị bệnh cho bà, nhưng đều không trị được. Cô còn cầu nguyện Thần Phật một cách thành kính nhưng cũng không có kết quả. Lúc ấy, có một tên lưu manh lừa gạt cô, bảo rằng: “Cô cắt thịt của mình rồi thắp hương đốt nến cầu Thần linh, thì mắt của bà cô sẽ khỏi bệnh”. Cô Du tính tình đôn hậu chất phác, không biết người nọ cố ý lừa gạt trêu cợt mình. Cô thực sự đã cắt thịt của mình, đốt đèn rồi cầu khấn thần linh. Tên bịp bợm kia thấy thế thì vô cùng giễu cợt chế nhạo. Nhưng không ngờ hơn 10 ngày sau, hai mắt của bà cô đã thực sự sáng tỏ trở lại!
Kỷ Hiểu Lam biết chuyện này, phân tích bình luận như sau: “Cô Du bị lừa gạt mà cắt thịt cầu khấn thần linh, là một hành động rất dại dột. Nhưng mà, trong sự ngu muội đó có bao hàm lòng thành kính và đạo hiếu của cô, nên cuối cùng đã cảm động đến Thần Phật. Thần Phật đã trợ giúp cho cô một chút, giúp cô hoàn thành tâm nguyện của mình. Chuyện này nhìn có vẻ như vô lý, không có khoa học, nhưng bên trong lại bao hàm những điều chí lý!”… “Đối với những người không tin Thần Phật mà xét, thì điều này là không thể xảy ra được, nhưng trên thực tế thì thật sự là chuyện này đã diễn ra như thế. Ngẫm kỹ lại: câu chuyện thực tế này chắc chắn là có đạo lý. Bởi vì Thần Phật luôn có năng lực siêu phàm. Chỉ là có một số người quá cố chấp rằng phải tự mình nhìn thấy thì mới tin mà thôi”.
Câu chuyện thứ 2:
Có một người ăn mày tên là Vương Hy Thánh, hai chân bị liệt không đi đứng được. Ông ta dùng đôi tay để chống đi, lết từng lết trên mặt đất. Có một ngày, ông ta nhặt được một gói đồ ở trên đường, bên trong có 200 lạng vàng. Ông ta ôm gói đồ nấp vào trong bụi cỏ bên đường, ngồi bất động chờ đợi người mất của đến. Chờ một lúc lâu, có một thương nhân tên là Trương Tế Phi hoảng loạn chạy tới tìm kiếm. Vương Hy Thánh hỏi ông ta đang tìm kiếm cái gì. Đi qua hỏi han, thì những gì người ấy kể nói rất tương ứng với vật bị mất, Vương Hy Thánh bèn trả lại bao tài vật đó cho ông ta. Trương Tế Phi muốn cho ông một nửa số vàng trên, nhưng Vương Hy Thánh không chịu nhận lấy. Trương Tế Phi bèn mời ông về nhà mình, bày tỏ ý nguyện muốn phụng dưỡng ông cả đời.
Vương Hy Thánh nói: “Thân thể của tôi tàn phế, là ông Trời căn cứ theo lỗi lầm từ kiếp trước của tôi mà trừng phạt tôi. Nếu tôi làm trái với ý Trời, ở lại đây hưởng phúc, ăn không ngồi rồi, thì sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt còn nặng nề hơn nữa”. Thế là ông dứt khoát rời đi.
Sau này, có một ngày Vương Hy Thánh mệt mỏi nằm ngủ trong một cái miếu Thần. Trong cơn mơ ông nhìn thấy một người say rượu tới nắm chặt 2 chân của mình, vừa kéo vừa lắc rất đau. Người say rượu kia bỏ đi, thì tự nhiên Vương Hy Thánh lại có thể đi đứng và sinh hoạt bình thường trở lại. Vương Hy Thánh sống đến năm Kỷ Mão đời vua Càn Long mới qua đời. Kỷ Hiểu Lam còn đặc biệt nói rõ: Trương Tế Phi là người quen thân của một vị trưởng bối trong nhà ông, và chính ông đã từng gặp Trương Tế Phi rồi. Chuyện này chính là Trương Tế Phi tự mình kể lại cho Kỷ Hiểu Lam, một cách hết sức chi tiết.
Tiếp theo, tác giả lại viết:
“Việc thiện mà Vương Hy Thánh làm đáng ra phải được thiện báo. Nhưng ông ta lại muốn an mệnh, không chịu để cho người ta báo đáp. Thần Phật xét thấy thành tâm của ông là vô cùng đáng trân trọng, cho nên dùng người say rượu để lôi kéo đôi chân của ông, từ đó cấp cho ông phúc báo. Chuyện này và câu chuyện ở trên xem ra đều vô lý, thực tế không phải là cũng hàm chứa những điều chí lý bên trong đó sao?”. (Kỷ Hiểu Lam có ý nói rằng: Có một số người không tin những chuyện Thần kỳ giống như thế này, còn gạt bỏ cho rằng câu chuyện này là vô lý. Kỳ thực chúng đều là sự thật, lại còn hàm chứa cái Lý to lớn ở bên trong. Đó là vì “Thiện ác chắc chắn có báo ứng” là Luật trời, cho nên chuyện đó là chí lý).
Tiếp theo, với tài năng văn chương sắc sảo của mình, Kỷ Hiểu Lam viết:
Có một vị tiền bối tên là Qua Giới Chu, ông ta phê bình nhân viên biên soạn ở Cơ quan biên soạn bộ sách “Huyện chí” tại sao lại đem 2 sự kiện trên chép vào trong sách “Huyện chí”, nói là hết sức hoang đường, là làm trái ngược với nguyên tắc viết sử. Kỷ Hiểu Lam nghiêm chính chỉ rõ rằng: sách “Huyện chí” tả lại những câu chuyện điển hình có thật đã phát sinh ở trong huyện, “Toàn bộ sách đều tuân thủ các thể lệ và nguyên tắc viết sử một cách rất nghiêm túc. Ông ta ghi lại 2 câu chuyện này, đó thực sự là chuyện về những người dân tầm thường đã làm xúc động được đến Thần linh. Câu chuyện có thể dùng để khơi dậy tâm Thiện, khuyến khích những thuần phong mỹ tục đã bị mai một. Đây không phải là tiểu thuyết hoang đường, mà là ghi lại những câu chuyện chân thật có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn”.
Trong chương ấy, Kỷ Hiểu Lam chọn dùng thủ pháp văn chương là vừa ghi chép vừa nghị luận. Ông thả bút tung hoành, sảng khoái bác bỏ quan điểm cho rằng đó là câu chuyện thần kỳ hoang đường, tức là bác bỏ quan điểm của Thuyết vô thần. Qua Giới Chu là bậc tiền bối, nhưng Kỷ Hiểu Lam kiên quyết nói chuyện phải trái, lý lẽ rõ ràng. Ông biểu hiện niềm tin kiên định vào Thần Phật, cùng với tấm lòng mong muốn cứu người cứu đời của mình. Kỷ Hiểu Lam muốn “Khơi dậy Thiện tâm, khuyến khích những thuần phong mỹ tục đã bị mai một”. Đó chính là trình bày tâm nguyện của những người có niềm tin vào Thần Phật, muốn tất cả mọi người hiểu được nguyên lý “Thiện ác đều có báo ứng” , từ đó làm cho nhân tâm hướng thiện, khuyên bảo người đời chớ làm điều xấu. Ông có tư tưởng “nỗ lực ngăn chặn sự suy đồi của đạo đức, còn bản thân tuân theo tiêu chuẩn đạo đức cao trong khi các tiêu chuẩn đạo đức toàn xã hội đã thoái hóa”. Ngoài ra, “2 câu chuyện (trong bộ sách “Huyện chí” kể trên) kể lại chân thực những chuyện mắt thấy tai nghe về những thường dân đã làm cảm động Thần linh” cũng là câu nói hết sức sâu sắc và có sức lay động mạnh mẽ.
Tóm lại, thiên văn chương này của Kỷ Hiểu Lam nếu dùng câu chữ hiện đại ngày nay mà diễn đạt, thì chủ đề tư tưởng chính là:
“Toàn bộ các câu chuyện trên đều là Sự thật. Tin tưởng vào Thần Phật và tuyên truyền Phật Pháp đều là những việc làm đúng đắn!”.