Nhạc Phi (1103-1141), tự là Bằng Cử, là người Tương Châu, Thang Âm (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Ông là nhà quân sự lỗi lạc thời Nam Tống, là danh tướng chống quân Kim nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Nhạc Phi là một vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Trung Quốc. Tinh thần tận trung báo quốc của ông rất được nhân dân Trung Quốc kính phục. Trong thời gian ông dẫn quân đi Bắc phạt, với lòng bi phẫn bởi chí lớn chưa thành, ông đã sáng tác bài thơ nổi tiếng ngàn đời là “Mãn giang hồng”, đến nay vẫn khiến cho người đời cảm thấy rất kính phục. Ông thống lĩnh một đội quân được xưng danh là “Nhạc gia quân”. Người ta lưu truyền câu danh ngôn: “Bạt núi thì dễ, đánh quân Nhạc thì khó” nhằm bày tỏ sự ngưỡng vọng vô cùng đối với Nhạc gia quân.
Vào năm đầu tiên của đời vua Tĩnh Khang (1126), Nhạc Phi đầu quân chống Kim. Ông liên tiếp lập được nhiều chiến công, cho nên được Tông Trạch đề bạt làm Thống chế. Năm Kiến Viêm thứ 3 (1129), Tống Trạch qua đời, tướng quân nước Kim tên là Hoàng Nhan Tông Bật lại xâm nhập miền Nam, đánh cho quân Tống tan tác, vua Cao Tông phải lưu vong. Nhạc Phi lúc ấy đang nhậm chức Giang Hoài tuyên phủ sứ ti hữu quân Thống chế, dẫn quân liên tục chiến đấu ở nhiều nơi như Quảng Đức (nay thuộc tỉnh An Huy), Nghi Hưng (nay thuộc tỉnh Giang Tô), đánh bại quân Kim trong cuộc chiến ở Thanh Thủy Đình, chỉ một trận là thu phục được Kiến Khang, rồi truy kích Ngột Thuật 4 lần chiến thắng cả 4, được thăng làm Thông thái trấn phủ sứ.
Năm Thiệu Hưng thứ 3 (1133), nhà Kim nâng đỡ cho chính quyền Ngụy Tề Lưu Dự phái quân đánh chiếm các quận ở Tương Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc). Tháng 4 năm sau, Nhạc Phi từ Giang Châu (nay là thành phố Cửu Giang thuộc tỉnh Giang Tây) dẫn quân tiến về miền Bắc, đánh bại quân của Lưu Dự, thu phục được 6 quận. Bởi công lao đó, ông được phong làm Thanh viễn quân tiết độ sứ.
Vào mùa hè năm Thiệu Hưng thứ 5 (tức là năm 1135), triều đình nhà Tống nghi ngờ Dương Yêu cấu kết với Ngụy Tề mưu toan đánh Nam Tống, Nhạc Phi vâng lệnh đánh bại quân của Dương Yêu, loại bỏ được mối họa từ bên trong. Năm Thiệu Hưng thứ 6 (1136), ông nhậm chức Hồ Bắc kinh Tây lộ Tuyên phủ Phó sử, cho quân đánh úp quân của Lưu Dự. Ông lấy một ít quân tiến về phía Đông tới Thái Châu (nay là thành phố Nhữ Nam, tỉnh Hồ Bắc) nhử địch ra đánh, còn quân chủ lực từ Tương Dương tiến về Y Dương (nay là huyện Tung, tỉnh Hồ Nam), chiếm được một vùng đất lớn ở Dự Tây, Thiểm Nam của nhà Kim. Năm Thiệu Hưng thứ 7 (1137), nhân thời cơ nhà Kim phế bỏ Lưu Dự, Nhạc Phi dâng kế xuất quân thu phục Trung Nguyên, sau đó nhiều lần dâng sớ phản đối việc giảng hòa với nhà Kim, nhưng đều bị Cao Tông và Tần Cối bác bỏ.
Năm 1140, Hoàn Nhan Tông Bật hủy hiệp ước và tiến đánh Nam Tống. Nhạc Phi phái thuộc tướng của mình liên lạc với nghĩa quân ở phương Bắc, tập kích và gây rối loạn hàng ngũ quân Kim từ phía sau lưng, còn tự mình dẫn quân chủ lực tiến về phía Bắc, nhiều lần đánh bại quân chủ lực của quân Kim tại Yển Thành, Toánh Xương. Đang lúc Nhạc Phi chuẩn bị dẫn quân vượt sông truy kích tàn quân địch, thì Cao Tông và Tần Cối ra chiếu chỉ lệnh cho các cánh quân Tống phải điều quân quay trở về, Nhạc gia quân bị ép buộc phải rút quân. Vậy là kế hoạch thu phục Trung Nguyên sắp thành công lại bị phá hỏng mất.
Năm 1141, trở về Lâm An, ông bị tước binh quyền, giáng xuống làm Xu Mật phó sứ. Ngày 29 tháng 12, ông bị Cao Tông, Tần Cối chụp cho tội danh “Mạc tu hữu” rồi sát hại. Con trai ông là Nhạc Vân và thuộc hạ tên là Trương Hiến cũng bị thảm sát. Khi vua Tống Hiếu Tông (1163-1189) lên ngôi đã giải nỗi oan khuất cho Nhạc Phi, lấy lễ nghi cải táng lập miếu cho ông tại đất Ngạc, ban hiệu là Trung Liệt. Năm Thuần Hy thứ 6 (1179) ban tên thụy là Vũ Mục, đến đời Ninh Tông năm Gia Định thứ 4 (1211) truy phong tước vị là Ngạc vương. Năm Bảo Khánh thứ nhất, vua Tống Lý Tông đổi tên thụy của ông thành Trung Vũ.
Thưởng phạt công bằng, không gần nữ sắc
“Đống tử bất sách ốc, ngạ tử bất đả lỗ” (Tạm dịch: “Chết rét không cướp nhà, chết đói không cướp lương thực”), đó là khẩu hiệu của Nhạc gia quân, cũng là mô tả chân thực. Những kẻ làm hư hao hoa màu, làm trở ngại đến việc của nhà nông, mua bán bất công … đều bị xử chém đầu! Từ thời cổ đại, kẻ nào không thi hành theo mệnh lệnh thì bị xử chém, điều này rất nhiều đội quân làm được. Còn những đội quân tự xưng là xử chém những kẻ làm hư hao hoa màu, mua bán bất công thì cũng có nhiều, nhưng thực sự làm được như thế chắc chỉ có Nhạc gia quân mà thôi. Vì thế, Nhạc gia quân đến đâu, dân chúng đều hân hoan chào đón, thậm chí nhiều người xúc động và cảm ân đến phát khóc. Quân sỹ bị bệnh, Nhạc Phi đích thân đi thăm hỏi. Gia đình quân sỹ gặp khó khăn, ông sai các cơ quan hữu trách tặng nhiều lụa là gấm vóc. Tướng sỹ hy sinh, thì ngoài việc an ủi chăm sóc, còn “dĩ tử thê kỳ nữ” (thuộc hạ hy sinh, con gái của người ấy bị mồ côi cha không có ai chăm sóc, Nhạc Phi bảo con trai lấy làm vợ), và thường xuyên an ủi góa phụ của các tướng sỹ đã hy sinh. Một đội quân với tướng sỹ đều đồng tâm nhất trí, có chế độ thưởng phạt công minh nhờ đó mà rất hùng mạnh.
Trong số các tướng quân nhà Nam Tống, chỉ có Nhạc Phi kiên quyết một vợ, hơn nữa không bao giờ đi những chỗ lầu xanh buông thả dục vọng. Ngô Giai từng dùng 2.000 quan tiền để mua một cô gái con nhà danh sỹ tặng cho Nhạc Phi, Nhạc Phi nấp sau tấm bình phong hỏi: “Người nhà tôi đều mặc áo vải, ăn thức ăn thô dở, nếu có thể đồng cam cộng khổ thì xin mời ở lại, còn nếu không tôi không dám giữ”. Người con gái nghe xong trộm cười thầm, tất nhiên là không muốn. Nhạc Phi liền sai người đưa trả về. Thuộc hạ khuyên can nói không nên làm tổn thương giao tình với Ngô Giai, nhưng Nhạc Phi trả lời: “Nay mối nhục của đất nước còn chưa rửa sạch được, phải đâu là lúc đại tướng an nhàn vui chơi?”. Sau này Ngô Giai biết chuyện lại càng thêm kính trọng Nhạc Phi.
Tài năng văn chương, võ công và mưu lược cùng tỏa sáng phi thường
Tài năng văn chương của Nhạc Phi thì không cần phải bàn, hơn 10 bài thơ đã cho thấy rõ điều đó. Ngoài ra, ông còn thích đọc sách, viết thư pháp, người đương thời nói ông “Trong phòng có rất nhiều văn thư sách vở”, “Viết chữ theo thư pháp của Tô Đông Pha”. Ông còn rất thích kết giao với Nho sỹ và trí thức, “Khách lui tới đều là cao nhân hiền sỹ”.
Nhạc Phi giỏi sử dụng nhiều loại binh khí, khi còn nhỏ tài dùng thương của ông đã là “Vô địch toàn huyện”. Lúc trưởng thành rồi tham gia quân ngũ, ông chưa bao giờ gặp được đối thủ, xông pha chiến trận liên tục chém được Đại tướng quân địch. Ông chẳng những lập được kỷ lục cao nhất của môn bắn cung trong triều đình nhà Nam Tống: căng được cây cung 180 cân, mà bắn vô cùng chính xác, có thể nói là “Vị quán quân dũng mãnh nhất toàn quân đội”. Làm một vị Tướng soái, chiến lược của ông càng cao minh. Sách lược của ông nhằm vào đặc điểm của quân Kim là quân lực mạnh, nhưng phương pháp thống trị thấp kém và không được lòng dân chúng, từ đó đề ra chiến lược liên kết với các đạo quân chống đối nhà Kim ở phía Bắc, mang lại hiệu quả rất tốt đẹp.
Nhạc Phi vận dụng chiến thuật rất linh hoạt. Ví dụ, sau cuộc chiến ở Thanh Thủy Đình, khi đối mặt với quân địch đông hơn, Nhạc Phi chỉ dùng một toán quân khoảng 100 người mặc quần áo màu đen, ban đêm tập kích, thoắt ẩn thoắt hiện, khiến quân Kim hoang mang rối loạn rồi tự bại. Ông còn sử dụng linh hoạt bộ binh, kỵ binh căn cứ theo đặc điểm từng binh chủng mà đánh bại được quân của Lý Thành có binh lực đông hơn mình nhiều. Ông nhắm vào đặc điểm quân đội của Dương Yêu không được lòng dân, từ đó bao vây, đồng thời chiêu hàng, kết quả khiến cho quân Tống liên tục đánh bại được thủy quân của Dương Yêu. Lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của nhà Kim, ông dùng kế phản gián giết được Lưu Dự, giáng cho chính quyền Ngụy Tề một đòn nặng nề…
Lời kết
Nhạc Phi đưa ra tư tưởng: “Võ tướng không sợ chết, quan văn không ham tiền”. Ông thực sự là một tấm gương mẫu mực cho những người làm quan noi theo. Tất cả những đức tính thanh liêm chính trực, không sợ quyền thế, không mê nữ sắc, trị quân nghiêm minh, cùng với tinh thần tận trung đền nợ nước của ông được người dân Trung Quốc vô cùng kính phục.