Tác giả: Lâm Khiết Tâm
[ChanhKien.org]
5. Tín ngưỡng và văn hóa qua hang đá Đôn Hoàng
Từ xưa đến nay, tín ngưỡng và văn hóa đã luôn gắn bó mật thiết với nhau. Tín ngưỡng ảnh hưởng đến sự ra đời, phát triển và suy tàn của văn hóa, và ngược lại, văn hóa cũng nuôi dưỡng tín ngưỡng.
Đứng trước những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, đáng kinh ngạc và tuyệt đẹp ở hang đá Đôn Hoàng, không khỏi khiến người ta băn khoăn: làm thế nào để có thể sáng tạo ra những tác phẩm này? Ai là người đã tạo ra những kiệt tác siêu phàm này? Những tác phẩm tuyệt thế siêu phàm này lại được tạo ra từ bàn tay con người sao? Quá trình sáng tác bao gồm nguồn vốn, nguyên liệu, ý tưởng, bố cục của những tác phẩm này diễn ra như thế nào?
(1) Những bậc thầy vô danh và nghệ thuật Phật giáo
Việc tạo tượng và tranh bích họa trong hang đá Đôn Hoàng là một công trình quy mô lớn, quá trình sáng tác kéo dài mà gian khổ. Trên sa mạc Gobi hoang vu này, việc dùng bùn đất và đá để kiến tạo nên những kiệt tác huy hoàng, thực sự là một thử thách cam go cả về trí lực và thể lực đối với những người sáng tác.
Là sức mạnh nào khiến những người thợ đá, thợ vẽ miệt mài ngày này qua ngày khác vung rìu đục và cọ vẽ? Sức sống mãnh liệt, miệt mài không ngừng nghỉ, tiếp nối suốt ngàn năm, khác với những người cúng dường quyên góp cho việc khai khẩn hang đá, phần lớn những người thợ khai tạc hang đá ở Đôn Hoàng đều không lưu danh. Hàng trăm hang động, hơn nghìn năm lịch sử, hàng nghìn bức họa, tạo nên một bộ lịch sử nghệ thuật Đôn Hoàng hết sức đồ sộ, nhưng tổng cộng chỉ lưu lại hơn chục cái tên như Bình Tiến Tử, Tỷ Định Toàn, Ôn Như Tú, Lôi Tường Cát … Tên tuổi của những người thợ đá, họa sỹ luôn nhỏ bé và khiêm tốn. Họ có thể đến từ vùng đất Trung Nguyên hoặc các nước Tây Vực, họ hoặc là thường dân, hoặc cao tăng đại đức, quan lại triều đình, có khi lại là những thương nhân vãng lai v.v. Họ chỉ để lại những kiệt tác huy hoàng, không ai biết họ là ai.
(Liên quan đến số hiệu hang động được các nghệ nhân ghi chép lại. Hang 303 của hang Mạc Cao là Bình Tiến Tử, hang 444 là Tỷ Định Toàn, hang 185 là Tống Thừa Tự, 290 là Trịnh Lạc Sinh, ngoài ra còn có các hang 196, 401, 33, 34, v.v.)
Thế nhưng những tác phẩm nghệ thuật phi phàm ấy đã ghi lại khát vọng theo đuổi của những người thợ vô danh, và phản ánh chân thực về thế giới nội tâm của họ.
Hãy nhìn xem, họa sỹ vẽ Thần bằng cây bút trên tay, còn thợ điêu khắc lại truyền Thần bằng chính đôi bàn tay của mình.
(Ảnh: Nguồn Internet)
Bức tượng Phật ở hốc đầu tiên tính từ phía Đông, vách Bắc hang Mạc Cao số 259 mang dáng vẻ tự tại, siêu thoát, từ bi và sâu sắc, với y áo cà sa mỏng rủ xuống bên thân…
(Ảnh: Nguồn Internet)
Tượng Phật khổ tu trong hang Mạc Cao số 248, được khắc họa bởi những đường nét của xương đòn nhô lên và xương sườn lõm xuống bên trong áo cà sa của bậc tu khổ hạnh…
(Ảnh: Nguồn Internet)
Tượng Bồ Tát suy tư ở bậc trên của hốc hướng Nam trụ trung tâm hang Mạc Cao số 257, tư thế và phong thái vô cùng tuyệt diệu. Đầu gối trái đỡ chân phải, đùi phải đỡ cánh tay trái, tay trái khẽ chống đỡ thân thể đang nghiêng về phía trước. Việc chồng lên nhau các điểm chống đỡ, không những tạo nên một tư thế ưu mĩ mà còn làm tăng sự ổn định của trọng tâm, toàn bộ cơ thể được sắp xếp một cách khéo léo, hợp lý, tự nhiên và hài hòa. Cảnh giới của Bồ Tát cũng được thể hiện trong sự linh thiêng, tinh tế của tư thế uyển chuyển này.
(Ảnh: Nguồn Internet)
Tượng lực sĩ ở hang Mạc Cao số 170 là Thần hộ Pháp và hàng ma, thợ điêu khắc đã bắt trọn khoảnh khắc thể hiện ra sự oai nghiêm của hộ Pháp, nhấn mạnh vào bắp thịt cuồn cuộn, mạch máu phồng lên, cơ bắp rắn chắc trên toàn thân thể. Trong giây lát, búi tóc rung lên, dải lụa thắt lưng bay lượn, khí thế hào hùng, uy nghi không gì có thể ngăn cản. Bất kể là tỉ lệ của các bộ phận cơ thể, cũng như kết cấu của xương cốt, đều hoàn toàn tuân thủ theo quy luật sinh lý.
Thợ điêu khắc ở Đôn Hoàng đã khắc họa thần thái các tượng Phật, Bồ Tát và Thần hộ Pháp một cách chân thực, từng chi tiết đều tuyệt diệu, có sức hút mãnh liệt. Thủ pháp miêu tả thể hiện chân thực sinh mệnh này, tuyệt không phải xuất phát từ trí tưởng tượng thông thường.
Lịch sử nghệ thuật cả trong và ngoài Trung Quốc đều có chung một giai đoạn như vậy – một thời kỳ mà việc tái hiện hình ảnh một cách chân thực, kết cấu chuẩn xác, và sự thể hiện như thực của chất liệu, được coi như một sự theo đuổi tận lực không ngừng nghỉ. Từ đó đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật lừng lẫy muôn đời.
Các đường nét họa tiết cũng như chất liệu của y phục trong tạc tượng cũng được khắc họa một cách chân thực và chính xác.
Tượng Phật trong hang Mạc Cao số 328, thiên y trải dài và mịn màng rủ xuống theo thân người, từng nếp gấp của áo choàng chuyển động uyển chuyển theo thân thể, làm nổi bật đường nét của cơ thể một cách tự nhiên. Không hề gượng gạo hay khiên cưỡng. Tiêu chuẩn của nghệ thuật chính là sự biểu hiện chân thực. Đặc biệt, khi tà áo dài này từ trên đài sen buông thõng xuống, nó uốn lượn theo từng cánh sen, điều này đã làm tôn lên vẻ đẹp uyển chuyển của đài sen.
Sự tự nhiên và tinh tế thể hiện qua các nếp gấp của y áo còn có – tượng Phật tại hang 320, hang 386, du hý Bồ Tát tư thế ngồi hang 83, và hang 319, cũng như bức tượng phần lưng của Ca Diếp và áo choàng của A Nan trong hang 205 ở Mạc Cao…
(Ảnh: Nguồn Internet)
Tượng Bồ Tát hồ quỳ (tư thế nửa ngồi nửa quỳ) ở hang Mạc Cao 328, tư thế hồ quỳ của bức tượng này là tác phẩm duy nhất ở Đôn Hoàng, nó là hiện thân của lòng thành kính.
Tượng “Nam Đại” (tượng Phật Di Lặc ngồi, cao 26 mét, là tượng Phật lớn thứ hai ở Hang Mạc Cao sau “Tượng Bắc Đại” ở Hang 96 (cao 33 mét). Bởi vì tượng Phật khổng lồ này nằm ở phía Nam của “Tượng Bắc Đại” nên nó đã được gọi là “Nam Đại”) ở hang động Mạc Cao số 130, là một tượng Phật khổng lồ, đầu Phật được tạo thành với kích thước lên đến bảy mét trong một không gian dài và hẹp chưa đến 10 mét. Như vậy, khi đứng ở tầng dưới ngước nhìn lên, du khách có thể nhìn rõ khuôn mặt của Đức Phật; khi đứng ở tầng trên lại có thể nhìn thấy đầu Phật to lớn vĩ đại không gì sánh nổi. Tuy vậy, hoàn toàn không có cảm giác mất cân đối. Ngược lại, khuôn mặt hiền hòa, nét mặt trang nghiêm khiến người ta cảm nhận được sự uy nghiêm, bao la của Đức Phật, và sự vô biên của Phật Pháp.
Thủ ấn của Phật, Bồ Tát, chính là các tư thế tay, là ngôn ngữ của thế giới Thiên quốc. Thuyết Pháp ấn, Thi vô úy ấn, Thiền định ấn, Nguyện ấn, Hàng ma ấn, Liên hoa hợp chưởng ấn… Thủ ấn trong hang đá Đôn Hoàng thiên biến vạn hóa, phong phú và sinh động, toát lên bầu không khí của trí tuệ nhiệm màu. Các kiểu thủ ấn ở nhiều tư thế khác nhau truyền đạt những thiên cơ đến cho con người, khơi gợi trí tuệ và ẩn chứa sức lay động tâm hồn vô tận… Không biết nguồn linh cảm của họa sỹ và thợ điêu khắc đến từ đâu…
Những bức bích họa đơn giản tinh tế, đường nét mềm mại, càng thể hiện tài nghệ điêu luyện của các nghệ nhân vẽ tranh Đôn Hoàng.
Hang Mạc Cao số 320, chỉ với một nét vẽ, đã thể hiện được vầng hào quang tròn trĩnh của Đức Phật. Thật cân đối và tự tin làm sao !
Bức vẽ chân dung Bồ Tát, vị trí phía sau bức tượng Bồ tát. (Ảnh: Nguồn Internet)
“Bức chân dung Bồ Tát” ở vị trí phía Nam của hốc tường phía Tây hang Mạc Cao 45, lông mày mỗi bên được vẽ bằng một nét, đường cong mượt mà và thanh thoát, nhạt ở giữa và đậm ở hai đầu, vừa vặn thể hiện sự đầy đặn và tạo hình lập thể của vầng trán Bồ Tát. Mí mắt trên được vẽ bằng một nét ở mỗi bên, đôi mắt được thể hiện bằng một chấm ở mỗi nhãn cầu, chỉ vẽ mí mắt trên mà không vẽ mí dưới, nửa phần nhãn cầu hơi ẩn sau mí mắt trên. Điều này thể hiện một cách tinh tế và chuẩn xác tư thế của Bồ Tát cúi mắt nhìn xuống, thần thái an tường và từ bi. Lỗ mũi chỉ được vẽ bằng một nét chấm. Nét chấm nhỏ bé này, đậm ở phía trước và nhạt dần về phía sau, giữa hư và thực, nhấn mạnh một cách sinh động cảm giác lõm vào của lỗ mũi. Môi được vẽ bằng một nét, chỉ vẽ ra đường viền môi, vẻ đẹp kín đáo và e ấp của đôi môi được bộc lộ trọn vẹn; đặc biệt là nét vẽ nếp ngoặt ở khóe miệng, tạo cảm giác đôi môi như đang hé mở, như muốn nói hay cười, tất cả đều được thể hiện trọn vẹn.
Chỉ với tổng cộng tám nét vẽ, đã thể hiện được thần thái thanh tao và thuần khiết một cách hoàn hảo.
Ba vị đệ tử trong hang Mạc Cao số 280. Dường như chỉ với vài mảng màu đã khiến hình ảnh ba vị đệ tử của Phật hiền hòa, chân thành hiện lên trước mắt; đám trẻ ở hang số 23, hình bóng của chúng được tạo ra một cách ngẫu hứng bằng những nét vẽ phóng khoáng thô sơ, nhưng lại thể hiện rất sinh động sự tinh nghịch, hồn nhiên của đám trẻ đang chơi đùa.
Từ góc độ sử dụng đường nét trong việc tạo hình của mỹ thuật Trung Quốc mà xét, có thể thấy các họa sỹ Đôn Hoàng đã đạt trình độ cực kỳ cao trong việc sử dụng bút pháp và các đường nét từ rất lâu trước thời nhà Đường. Vào thời Tây Ngụy, được vẽ trên trần hang bằng lối vẽ bạch miêu (dùng những nét vẽ đơn giản bằng mực đen, vẽ nên những hình ảnh sống động), gồm các bức tranh vẽ bò, lợn, hổ và thiên nga, đều mang lại cảm giác sống động chỉ trong một nét vẽ. Kỹ thuật dụng bút điêu luyện và sinh động, phóng khoáng và đẹp đẽ, không thua kém bất kỳ một danh họa hiện đại nào.
Hết thảy nghệ thuật kiệt xuất đều như vậy: phương pháp đơn giản nhất kết hợp với nội dung phong phú nhất, tạo nên một cảnh giới siêu việt nhất. Đại Đạo chí giản chí dị, đủ để thấy rõ được bút pháp thành thục và sự tinh thông phi thường của người họa sỹ.
Rất nhiều sáng tạo của các họa sỹ Đôn Hoàng thực sự đã nổi trội hơn so với Trung Nguyên. Ví dụ, việc sử dụng dạng thức tranh liên hoàn, tranh thông màn và tranh đối màn là những sáng tạo đầu tiên của Đôn Hoàng. Bức tranh liên hoàn ở giữa vách tường phía Tây của hang Mạc Cao số 257. Tranh ghép ở vách phía Bắc của hang 98. Tranh liên hoàn dạng cuộn treo ở phía Nam của vách tường phía Đông của hang 148.
Vào thời nhà Đường, hội họa Trung Nguyên đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ, giản dị mộc mạc, nhưng chưa đủ độ chín, khả năng bố cục còn hạn chế. Nhưng các họa sỹ ở Đôn Hoàng đã có thể làm ra những bức tranh khổng lồ với khung cảnh vô cùng tráng lệ như vậy. Kết cấu đan xen phức tạp, đoàn người che khuất lẫn nhau, khung cảnh và nhân vật trộn lẫn với nhau. Tuy nhiên, các lớp lang rõ ràng, mật độ thưa-dày rất thú vị, độ giãn chặt chẽ hài hòa, phức tạp mà không lộn xộn. Sự trùng điệp, bao la hùng vĩ, càng làm tôn lên vẻ đẹp tráng lệ vô song của Thiên quốc.
Chẳng hạn như trên trần hang Mạc Cao số 161, 217, phía Bắc của vách Đông hang số 138, trần hang số 9, phía Bắc của vách Đông hang số 179 v.v.
Cảm hứng nghệ thuật và sức sáng tạo của các họa sỹ Đôn Hoàng quả thực khiến người ta kinh ngạc. Hình tượng Thần Phật muôn hình vạn trạng cũng như thế giới Phật quốc huy hoàng tráng lệ, mặc dù có thể tìm thấy một số mô tả bằng văn tự trong kinh Phật, nhưng nếu không nhìn thấy tận mắt thì rất khó mà tưởng tượng được. Còn có những hình ảnh kỳ lạ chưa từng nghe thấy, những hành động cử chỉ huyền bí, những cảnh tượng kỳ lạ như ảo mộng, tuyệt nhiên không phải là thứ của thế gian con người, cũng không phải là những hiệu ứng nghệ thuật có thể đạt được bởi trí tưởng tượng thông thường.
Hãy nhìn xem –
Đa dạng các hình tượng Thần Phật, bao gồm:
Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Thế Phật, Thất Thế Phật, Phật Di Lặc, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ, Đế Thích Thiên Phi, La Hán, Tỳ Khưu, Thiên Nữ, Vũ Nhân, Lôi Công, Phi Liêm, Phục Hy, Nữ Oa và nhiều vị khác nữa.
Đa dạng các bức vẽ về cuộc đời của Đức Phật: Cưỡi voi nhập vào thai mẹ, Sinh ra dưới gốc cây, Tiên nhân đoán phước mạng, Thái tử học tập, Thái tử tỉ võ, Ném ngọc cầu hôn, Thái tử rước dâu, Ra ngoại thành du ngoạn, Nửa đêm vượt thành, Tu khổ hạnh dưới gốc cây và nhiều hình ảnh khác.
Các bức tranh về các câu chuyện bản sanh của Phật: Nguyệt Quang Vương hiến đầu, Khoái Mục Vương hiến mắt, Thái tử Sattva hiến mình cứu hổ đói, Thi Tì Vương cắt thịt mình đổi lấy chim bồ câu, bản sinh của hươu chín màu, bản sinh của Tu Ma Đề, Thái tử Thiện Hữu xuống biển, 500 cường đạo thành Phật, ni cô Vi Diệu v.v.
Đa dạng các bức tranh Kinh Biến (minh họa những câu chuyện và giáo lý trong các kinh Phật nào đó dưới dạng hình ảnh) bao gồm: “Tây Phương Tịnh Độ Biến”, “Pháp Hoa Kinh Biến”, “Văn Thù Biến”, “Bất Không Quyên Tố Quan Âm Biến”, “Thiên Thỉnh Vấn Kinh Biến”, “Quan Vô Lượng Thọ Phật Kinh Biến”, “Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh Biến”, “Kim Quang Minh Kinh Biến”, “Hiền Ngu Kinh Biến”, “Dược Sư Kinh Biến”, “Duy Ma Cật Kinh Biến”, “Tỳ Sa Môn Thiên Vương Phó Na Tra Hội”, “Phạn Võng Kinh Biến”, “Lăng Già Kinh Biến”, “Thụy Tượng Đồ”, “Sí Thành Quang Phật Kinh Biến Địa Tạng Dữ Thập Vương Đình”, “Cửu Hoành Tử”, “Thập Nhị Đại Nguyện”, “Lao Độ Xoa Đấu Thánh Kinh Biến”, “Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Kinh Biến”, “Kim Cương Kinh Biến” v.v… Đa dạng các hình ảnh cát tượng – Thiên nữ bay lượn muôn hình vạn trạng – Vách nóc hang đa dạng và các khung trang trí ở trung tâm vách nóc hang động – Vậy những tác phẩm tuyệt thế này được sáng tạo ra trong điều kiện như thế nào?
Bức bích họa ở hang đá Kizil số 207 mô tả hình ảnh một người họa sỹ. Trong suốt một nghìn năm, tất cả các họa sỹ đều vẽ tranh trên một mảng tường nhỏ được chiếu sáng bởi đèn dầu. Trong hang động tối tăm ngột ngạt, họ một tay cầm đèn dầu nhỏ, một tay cầm bút vẽ. Trên những phần tường được chiếu sáng bởi ánh đèn lờ mờ, le lói, họ đã vẽ ra những bức bích họa khiến cả thế giới phải kinh ngạc, khó tin. Công cụ mà họ sử dụng, chỉ đơn giản là những chiếc đĩa gốm, cọ gỗ, đèn dầu và màu vẽ thô. Bảo tàng Lan Châu và Đôn Hoàng lưu giữ các di vật: nghiên mực ba chân, mực viên và cọ vẽ “Bạch Mã Tác”. Triển lãm nghiên cứu bảo tồn văn vật của hang đá Đôn Hoàng trưng bày có: đèn dầu, chén sứ, giấy bút.
Xa nhất về phía Bắc của hang đá Mạc Cao là những hang động nơi sinh sống của các họa sỹ. Những hang động này vô cùng chật hẹp và thấp, thấp đến mức chỉ có thể chui rúc. Bên ngoài là sa mạc Gobi không một bóng người. Chỉ có gió và cát thường xuyên xộc vào hang động “ghé thăm”.
Sống trong hang động, họ phải chịu đựng nỗi cô đơn tột cùng, đói rét quấn lấy thân, như thể đang mắc kẹt trong tình thế tuyệt vọng. Thông thường, một bức tranh bích họa trong hang động cần đến vài thế hệ họa sỹ mới có thể hoàn thành. Việc họa sỹ mất trong hang động là chuyện thường xảy ra.
Nhóm học giả và nghệ thuật gia đầu tiên đến Đôn Hoàng đã từng khai quật được thi hài của một họa sỹ trong một hang động, thể xác đã khô quắt từ lâu, trên người đắp một bản thảo bức vẽ. Có lẽ do làm việc quá sức sinh bệnh mà qua đời trong hang, những người họa sỹ khác chôn cất sơ sài cho anh ta, không có quan tài, không có khâm liệm, thậm chí không có cả tấm vải rách hay manh chiếu rơm, cũng chỉ đắp lên người anh ta một bản thảo bức vẽ. Qua đó, có thể hình dung được sự gian khổ và nghèo túng của những người họa sỹ.
Họ đã dành cả cuộc đời đến hơi thở cuối cùng để theo đuổi điều gì? Chẳng lẽ chỉ là vì miếng cơm, manh áo mà đến đây vẽ tranh và tạc tượng sao? Tất nhiên là không.
Người xưa tu luyện thường chui vào trong những hang động cheo leo trên vách đá để tu luyện. Nếu không tu luyện thành công, họ sẽ chết trong đó. Điều này cho thấy quyết tâm và ý chí tu luyện của người xưa, bởi vì họ tin rằng còn có một thế giới Thần Phật mỹ hảo hơn thế giới nhân loại, đó là nơi họ đến, vì vậy họ phải nỗ lực tu hành để quay trở về thế giới Thiên quốc thánh khiết và mỹ hảo đó.
“Kinh Pháp Hoa” có câu: “Nếu ai đó ở chốn đồng hoang, đắp đất thành chùa Phật, thậm chí trẻ con chơi đùa lấy cát đắp thành tháp Phật. Những người như vậy đều đã gieo duyên với Phật Pháp, đã gieo mầm cho sự giác ngộ trong tương lai. Nếu người nào đối với tháp chùa, tượng Phật và tranh Phật, dùng hoa hương cờ lọng, lòng thành kính mà cúng dường,… đều đã gieo trồng những hạt giống thiện lành cho con đường giác ngộ của chính mình”.
Có thể thấy việc xây tháp Phật, tạc tượng, vẽ tranh cúng dường Phật đều có thể kết duyên với Phật Pháp, gieo trồng căn lành cho con đường giác ngộ, thậm chí trẻ con chơi đùa gom cát xây tháp cũng như thế. Sức mạnh của tín ngưỡng là vô cùng to lớn, đây có lẽ là động lực nội tại của những người tu hành và thợ thủ công tôn kính Thần Phật ở Đôn Hoàng. Họ buông bỏ danh lợi, trong sa mạc mênh mông dùng cách này để khổ tu, đem hết tâm huyết cả cuộc đời mình khắc họa lên những pho tượng và bức tranh bích họa này, nhưng lại không lưu danh sử sách, họ chỉ để lại cho đời những báu vật vô giá trên những bức tường.
Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vô cùng Thần thánh trang nghiêm. Thủ ấn, tư thế, tín vật trong tay Phật, và kích thước tượng Phật đều có tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Các họa sỹ, thợ điêu khắc với lòng tin sâu sắc vào Thần Phật tuyệt đối không dám tùy tiện, theo ý thích riêng khác lạ mà vẽ hay tạc tượng. Bằng lòng cung kính và mộ đạo đối với Thần Phật, nhiều họa sỹ, thợ điêu khắc đã nhìn thấy những màu sắc rực rỡ, tinh tế trên thiên đường và những khung cảnh đẹp chưa từng thấy. Cũng giống như vị hòa thượng đầu tiên của hang Mạc Cao – Lạc Tôn hòa thượng, dưới ánh hoàng hôn nhìn thấy Phật quang từ núi Tam Nguy điểm hóa, từ đó bắt đầu khai khẩn hang động và tạc tượng. Những thần tích này được nhìn thấy bởi những người có chính tín, chính là nền tảng giúp con người đốn ngộ nhìn thấy thiên cơ, và là khởi nguồn cảm hứng của họ.
Có một câu chuyện lịch sử ghi nhận về sự giao tiếp giữa con người với Thần linh. Từ 3000 năm trước, dưới triều đại nhà Tây Chu, có những văn tự ghi lại một cách chân thực và đáng tin cậy. “Mục Thiên Tử truyện” ghi chép chi tiết cuộc gặp gỡ giữa Chu Mục Vương và Tây Vương Mẫu.
Năm Quý Hợi, đến đất nước của Tây Vương Mẫu. Vào ngày tốt là Giáp Tý, Thiên tử làm khách của Tây Vương Mẫu, bèn cầm ngọc bích trắng, ngọc bích đen,…
Chu Mục Vương vào ngày Giáp Tý, tay cầm ngọc bích trắng, ngọc bích đen và gấm vóc màu sắc đẹp rực rỡ dâng lên Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu ngâm nga rằng:
Hán Việt
Bạch vân tại thiên, sơn lĩnh tự xuất.
Đạo lý du viễn, sơn xuyên gian chi.
Tướng tử vô tử, thượng năng phục lai
Tạm dịch nghĩa
Mây trắng trên trời, núi non tự hiện.
Đường sá xa xôi, núi sông cách trở.
Mong người còn sống, còn có thể quay lại.
Chu Mục Vương cũng ngâm nga đáp lại:
Hán Việt
Dư quy đông thổ, hòa trị chư hạ.
Vạn dân bình quân, ngô cố kiến nhữ.
Tỉ cập tam niên, tướng phục nhi dã.
Tạm dịch nghĩa
Ta trở về đông thổ, cai trị thiên hạ thái bình.
Muôn dân đều được an cư lạc nghiệp, ta sẽ quay lại gặp nàng.
Trong vòng ba năm, ta sẽ trở lại nơi đây.
Tương truyền Chu Mục Vương còn đích thân trồng cây và dựng bia để tưởng nhớ cuộc gặp gỡ với Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu là một vị tiên nữ trong thần thoại Trung Quốc. Chu Mục Vương sống vào giữa thời kỳ nhà Tây Chu, tức là vào khoảng những năm 960 TCN, là một nhân vật lịch sử đáng tín và được ghi chép trong các sách sử thời thượng cổ.
Lịch sử Trung Quốc lưu giữ nhiều bí ẩn không thể tưởng tượng, khó có thể giải thích bằng khoa học thực chứng hiện đại. Một khi con người nhìn thấy cảnh tượng trên thiên đường, họ sẽ cảm thấy choáng ngợp đến mức không thể diễn tả thành lời. Sự triển hiện chân thực của thế giới Thiên quốc chắc chắn sẽ càng khơi dậy đức tin của con người vào Thần linh, củng cố tín tâm trong sáng tác, từ đó mô tả lại những cảnh tượng siêu nhiên trong khoảnh khắc.
Mặc dù hội họa theo lối tả ý của Trung Quốc không được chính xác về mối quan hệ giữa phối cảnh không gian lập thể và kết cấu hình thể, nhưng với tâm sùng kính Thần Phật của họa sỹ và thợ điêu khắc cùng nghệ thuật tinh xảo, thái độ cẩn thận tỉ mỉ, biểu hiện ra lại là những vị Thần hoàn mỹ, nên các tác phẩm có thể khiến người ta cảm động, đưa con người chạm đến sự rung động tâm linh, khiến những tác phẩm khắc họa Thần Phật càng thêm hoàn mỹ thiêng liêng và thần thánh.
Sức mạnh của Thần thật vĩ đại và huyền bí. Những người khai tạc hang động không chỉ để lại nghệ thuật Phật giáo rực rỡ mà còn khắc ghi mãi mãi lòng thành kính của họ đối với Thần Phật lên đó, để thế hệ mai sau có thể từ những dấu tích văn hóa này truy tìm được suối nguồn của nghệ thuật.
(2) Người cúng dường
Hang đá Mạc Cao ghi lại rất nhiều hình ảnh, tranh vẽ và lời tựa, chỉ riêng lời tựa bằng Hán ngữ đã có 1.570 bài. Thân phận những người cúng dường bao gồm vương công quý tộc, quan lại các cấp, tướng sĩ biên cương, họa sỹ, thợ điêu khắc, tăng ni trong chùa, thương nhân vãng lai cho đến lê dân bách tính. Trong đó, có một số là người cai trị của các triều đại trước đây. Các ghi chép về Đôn Hoàng trong chính sử rất đơn giản, sơ sài, những lời tựa của người cúng dường với nội dung phong phú, đã ghi lại mạng lưới cai trị gồm nhiều thế hệ gia tộc lớn ở Đôn Hoàng, là những tài liệu lịch sử quý giá.
Đôn Hoàng mặc dù nằm cách xa kinh đô qua các thời đại, nhưng trong hơn một nghìn năm qua, nơi đây vẫn thường xuyên xảy ra chiến tranh và thay đổi triều đại. Do Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng phổ biến của mọi người thuộc mọi tầng lớp, đặc biệt là dưới sự vận động của tầng lớp thống trị, nghệ thuật hang đá Đôn Hoàng không hề bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi triều đại, ngược lại nó vẫn phát triển chậm rãi và ổn định.
Thời nhà Đường là thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ, Đôn Hoàng là xã hội lấy quyền lực của các gia tộc làm trung tâm. Từ những lời tựa trên các bức bích họa, có thể thấy những người phát nguyện tạo tượng cầu phúc, đa phần là giới quý tộc, địa chủ và tầng lớp cai trị. Tượng người cúng dường ở hai bên đường dẫn nước của tượng Phật lớn phía Nam được xây dựng từ những năm Khai Nguyên, đã phá vỡ truyền thống hơn 300 năm, xuất hiện tượng có kích thước bằng người thật và tổ hợp tượng gia đình, như bức vẽ “Phu nhân Đô đốc lễ Phật” nổi tiếng ở bức tường phía Nam hang số 130:
(Ảnh: Nguồn Internet)
Hình ảnh Đô đốc phu nhân cao lớn với khuôn mặt đầy đặn, búi tóc cao, mặc áo tay rộng, vai khoác áo choàng bằng lụa, váy màu lựu thắt eo thon, chân đi hài mũi hếch, tay áo cầm khăn nâng lư hương, hai thiếu nữ đứng sau theo hàng cũng mặc áo choàng bằng lụa, hai tay nâng chùm hoa tươi.
Đáng chú ý là hình ảnh của người cúng dường. Trước thời Đường, hầu hết hình ảnh người cúng dường đều có tỉ lệ nhỏ, để biểu hiện lòng thành kính của họ đối với Thần Phật. Sau thời nhà Đường, đặc biệt là trong thời kỳ Ngũ Đại, hình ảnh người cúng dường càng trở nên lớn hơn, cuối cùng cũng lớn như hình ảnh Phật. Ví dụ như hang 98 thuộc thời Ngũ Đại là hang động ghi nhận công đức của Tào Nghị Kim, có tổng cộng 169 hình ảnh của người cúng dường. Họ bao gồm các thành viên thân thích trong gia tộc Tào thị như Trương Nghị Triều, Sách Huân, và ngoại thích Lý Thánh Thiên (Quốc vương của Vu Điền), Công chúa Hồi Hột… Ngoài ra, còn có các quan chức lớn nhỏ trong nha môn Tiết độ sứ và họ hàng thân thuộc, tổ tiên ba đời của gia tộc Tào thị, con cháu, con rể…, được sắp xếp theo thứ bậc. Hơn nữa, có một số hình ảnh có kích thước bằng thân người, và một số khác rất lớn, được vẽ nổi bật hơn hình ảnh của Phật và Bồ Tát, và được sắp xếp xung quanh hang theo thứ tự, tạo nên một khung cảnh tráng lệ. Có vẻ như không phải để thờ Phật mà là để thờ người, tôn vinh gia tộc họ Tào.
Điều này cho thấy sự biến dị của Phật giáo sau khi hướng đến thế tục. Những người bái Phật, cầu Phật, cúng dường Phật không còn là những người tu hành muốn thành Phật, trở về thế giới Thiên quốc nữa, có những người họ chỉ cầu mong tiêu tai, chữa bệnh, tích công đức, có người vì danh lợi nơi thế tục, cầu cho sự nghiệp gia tộc hưng thịnh. Điều này đã đi ngược lại bản nguyện ban sơ của Đức Phật năm đó truyền bá Phật Pháp, độ nhân thoát khỏi bể khổ.
(3) Văn hóa Thần truyền
Những pho tượng và tranh bích họa khắc họa Thần Phật ở hang Mạc Cao cũng phản ánh văn hóa Thần truyền. Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dặn dò các đệ tử: không chỉ cần truyền bá Phật Pháp mà còn phải truyền bá tri thức văn hóa. Hầu hết các tôn giáo trong lịch sử đều đồng ý với quan điểm con người do Thần tạo ra, chỉ có khoa học hiện đại mới khiến người ta tin rằng con người là tiến hóa từ vượn. Người xưa tôn kính Thần Phật đương nhiên tin rằng con người là do Thần tạo ra và tuân theo quy luật sinh tử. Con người muốn thoát khỏi bể khổ, phải tu hành mới có thể trở về thế giới của Thần.
Nếu con người do Thần tạo ra, thì trong văn hóa của nhân loại có thể rất nhiều thứ là do Thần truyền lại. Chỉ khi con người tin vào Thần, thì Thần mới triển hiện thần tích cho con người. Văn hóa nghệ thuật Phật giáo ở hang đá Đôn Hoàng xuất phát từ tín ngưỡng của một người tu hành đối với Phật, do đó trong văn hóa đương nhiên sẽ chứa đựng những nhân tố Thần truyền. Nghệ thuật Phật giáo Đôn Hoàng thực chất là một nền văn hóa tín ngưỡng và tu luyện. Việc du nhập của Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa nửa Thần của Nho giáo, Đạo giáo thời Trung Quốc cổ xưa, đồng thời làm phong phú thêm nội hàm của người Trung Quốc. Ngôn ngữ là công cụ phản ánh trực tiếp nhất của sự kế thừa văn hóa. Cho đến nay, trong một số thành ngữ và cách diễn đạt thường ngày trong tiếng Trung, nếu truy tìm nguồn gốc, chúng ta đều có thể tìm thấy vết tích của văn hóa Thần truyền ở trong Phật giáo.
(3.1) Coi cái chết như trở về nhà
Cổ nhân Trung Quốc, đặc biệt là các vị đế vương đều tin rằng sinh mệnh con người là ngắn ngủi, không phải là cuộc sống thực sự. Sau khi chết, con người sẽ bước vào một thế giới khác dài lâu, khảo cổ phát hiện những lăng mộ khổng lồ dưới lòng đất đã chứng minh điều này. Cho nên người xưa không sợ cái chết.
(Ảnh: Nguồn Internet)
Bức tranh “Ông lão vào lăng mộ” trong “Di Lặc Kinh Biến” ở vách tường phía Bắc của hang Mạc Cao số 25, miêu tả cảnh một ông lão trước khi chết đã vào trong ngôi mộ được xây dựng sẵn, ở đây cách biệt với thế gian, an tâm tu trì cho đến khi qua đời, như vậy có thể thăng lên cõi cực lạc.
Trong “Kinh Phật Di Lặc Thành Phật” có nói: “Nếu như về già, tự nhiên sẽ đến núi rừng dưới tán cây, an nhiên thanh đạm, dốc lòng niệm Phật, sau khi chết đa phần sẽ sinh vào cõi Đại Phạm Thiên và được gặp chư Phật”.
Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thuyết vô thần, con người hiện đại không còn tin tưởng vào Thần Phật, họ rất kiêng kỵ cái chết, chỉ cần nhắc đến từ “chết” đều cho là điều không may mắn, vì vậy họ sẽ có tâm lý sợ hãi đối với cái chết.
(3.2) Thiên đường, địa ngục, luân hồi
Nhiều bức Kinh bích họa trong hang Mạc Cao đã triển hiện cho con người thấy thế giới Tây phương Cực Lạc tuyệt đẹp, đây chính là khởi nguồn của thiên đường trong tư tưởng của nhiều người Trung Quốc, xuất phát từ những mô tả trong kinh điển Phật giáo.
Trong số các bức tranh bích họa ở Đôn Hoàng, chỉ có một bức “Bảo Vũ Kinh Biến” mô tả lại cảnh địa ngục. Bức tranh vẽ những kẻ ác sau khi chết sẽ xuống địa ngục, Diêm Vương theo bản án mà xét xử, bên cạnh có quan sai cầm sổ sách, đầu trâu mặt ngựa cầm gậy áp chế kẻ ác, phía trước có núi đao, thành ngục, hai góc thành có sói, xung quanh có cây kiếm. Ngoài ra, trong bức bích họa “Mục Liên Biến Tướng” còn bảo tồn ở Đôn Hoàng cũng khắc họa nhiều cảnh tượng bi thảm của địa ngục.
Lý niệm luân hồi trong Phật giáo được thể hiện qua những câu chuyện về tiền kiếp và cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni. Câu chuyện về tiền kiếp của Phật Thích Ca được gọi là “Bản sinh cố sự”, còn câu chuyện về cuộc đời của Ngài được gọi là “Phật truyện cố sự”. Trong những bức bích họa Đôn Hoàng, “Bản sinh cố sự” nổi tiếng nhất có thể kể đến như hiến mình cứu hổ đói, cắt thịt mình đổi lấy chim bồ câu, hươu chín màu, v.v., còn “Phật truyện cố sự” gồm có câu chuyện về việc Thái tử Thích Đạt Đa đầu thai, xuất gia, tu hành, niết bàn.
Các khái niệm về thiên đường, địa ngục, luân hồi trong suy nghĩ của người Trung Quốc hiện nay đều đến từ chính văn hóa Phật giáo.
(3.3) Âm nhạc, ca vũ, tiểu thuyết, kịch nghệ
Bích họa Đôn Hoàng lưu giữ một lượng lớn các tư liệu hình ảnh về vũ nhạc, nhạc cụ, bao gồm thổi, đánh gõ, kéo, gảy cho đến các loại vũ đạo, vô cùng phong phú. Âm nhạc và vũ điệu trong các bức bích họa chủ yếu dùng để lễ Phật, nhiều trong số đó xuất hiện trong các bức tranh Đức Phật thuyết Pháp, âm thanh tuy không nghe được, nhưng vẫn cảm nhận được sự trang nghiêm và thiêng liêng của khung cảnh.
Phật giáo đối với văn học Trung Quốc có sự ảnh hưởng rất sâu sắc. Để giúp mọi người hiểu được những giáo lý thâm sâu của Phật giáo, kinh Phật đã ghi chép lại nhiều câu chuyện thú vị và những ví dụ sinh động. Vì để truyền bá Phật giáo, những câu chuyện trong kinh Phật thường được chuyển thể thành các tác phẩm văn học để hát xướng, hoặc được vẽ thành tranh ảnh và thư pháp.
Nguồn gốc của tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Quốc đều có liên quan đến việc hát xướng kinh Phật. Như câu chuyện “Mục Kiều Liên cứu mẹ” trong vở opera xuất phát từ “Phật thuyết Kinh Vu Lan”. Nhiều bài thơ Đường đều mang dấu ấn của ảnh hưởng Phật giáo. Một số bài thơ trực tiếp giảng về Phật lý, như “Hội lý tri vô ngã, quan không yếm hữu hình”, tạm dịch nghĩa: Hiểu lý, biết vô ngã; Quán không, chán thân mình (Bài thơ “Bồi diêu sứ quân đề huệ thượng nhân phòng” của Mạnh Hạo Nhiên) và “Hữu khởi giai hữu diệt, vô khuê bất tạm đồng”, tạm dịch nghĩa: Hưng thịnh khởi từ chốn suy tàn, Chia ly rồi lại tạm hợp tan. (Bài thơ “Quan Huyễn” của Bạch Cư Dị).
Nhiều “biến văn” được sáng tác dựa trên kinh Phật, việc hát xướng cũng càng ngày càng trở nên thế tục hóa, dần dần mất đi nội hàm thiêng liêng vốn có, người ta cũng không còn chú trọng đến việc truyền bá giáo lý nhà Phật nữa. Âm nhạc, ca múa hiện đại đã biến dạng trở thành phương tiện để con người hưởng thụ và giải trí. Tiểu thuyết và hý kịch cũng biến thành thú vui tiêu khiển trong thời gian rảnh rỗi.
(3.4) Ngôn ngữ Phật giáo và văn hóa tu luyện
Nhiều thuật ngữ phổ biến trong đời sống hàng ngày của chúng ta như “thế giới”, “như thực”, “thực tế”, “bình đẳng”, “hiện hành”, “sát-na”, “thanh quy giới luật”, “tương đối”, “tuyệt đối”, v.v. đều xuất phát từ văn hóa tu luyện Phật giáo. Hiện nay, từ “phương trượng” được sử dụng trong các ngôi chùa, có nguồn gốc từ Vương Huyền Sách, một sứ giả nhà Đường khi đi sứ sang Ấn Độ, ông đã đến nơi ở trước đây của cư sĩ Duy Ma Cật để đo kích thước chỗ ngồi của vị cư sĩ này, từ đó du nhập từ “phương trượng”.
Nhờ sự truyền nhập của Phật giáo từ thời kỳ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, đến sự phát triển vô cùng hưng thịnh của Phật giáo thời Tùy Đường, nhiều vị hoàng đế và quý tộc đều tín ngưỡng Phật giáo cũng ra sức hồng dương. Trên các bức bích họa Đôn Hoàng lưu lại nhiều câu chuyện về các vị cao tăng truyền bá Phật giáo, đồng thời để lại một nền văn hóa tu luyện Phật giáo phong phú cho hậu thế. Như việc Khang Tăng Hội truyền giáo ở Giang Nam, Phật Đồ Trừng dập hỏa hoạn ở U Châu và câu chuyện nổi tiếng về Đường Huyền Trang đi Tây Thiên thỉnh Kinh v.v.
Một số ngôn ngữ và phong tục đã trở thành thói quen tự nhiên của chúng ta ngày nay, có lẽ là bắt nguồn từ văn hóa Phật giáo. Nếu như quan điểm về thuyết vô thần phổ biến ở Trung Quốc hiện nay quả thật muốn hoàn toàn loại bỏ văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, e rằng ngay cả nói chuyện họ cũng sẽ không thể nói một cách trọn vẹn.
(3.5) Cứu người như cứu hỏa
Trong số các bức tranh bích họa Đôn Hoàng, có một bức tranh thời nhà Tùy làm người ta cảm thấy vô cùng kinh hãi. Toàn bộ bức tranh bích họa miêu tả cảnh một ngôi nhà lớn bị lửa thiêu, chỉ thấy tòa nhà bốc cháy, mái nhà màu xanh lam liên tục xoắn vặn như tia chớp, ngọn lửa đen cuộn trào dữ dội. Trước cổng nhà, một ông lão đang dừng chiếc xe ba bánh chở dê, nai và trâu, hô hoán, ra sức gọi những đứa trẻ đang mải mê vui đùa bên trong chạy thoát khỏi biển lửa.
Trong “Kinh Pháp Hoa” dùng “Tam giới bất an, giống như ngôi nhà đang cháy” làm ẩn dụ chỉ thế giới trước mặt chúng sinh – một nơi không an toàn, giống như một ngôi nhà đang cháy. Chúng sinh giống như những đứa trẻ bên trong, họ đang sống trong đó mà không nhận biết được nguy hiểm, tự tận hưởng niềm vui của mình. Ông lão giống như các vị Thần Phật đang lo lắng vô cùng, chỉ mong chúng sinh tỉnh ngộ, còn chiếc xe ngoài cánh cổng tượng trưng cho con thuyền Pháp cứu độ chúng sinh.
Bức tranh bích họa này là hình ảnh minh họa cho câu tục ngữ của Trung Quốc “cứu người như cứu hỏa”, khiến người ta tỉnh ngộ, làm người ta suy ngẫm sâu sắc.
Trong thế giới ngày nay, con người ngày càng rời xa Thần Phật, đạo đức suy đồi, xã hội hỗn loạn, chúng sinh lại ở trong đó mà không hề hay biết, quả thực giống như những đứa trẻ trong ngôi nhà đang cháy vậy, không biết đã khiến “Ông lão” đang cứu người lo lắng đến nhường nào!
Nền văn mình năm nghìn năm của Trung Quốc giống như một sân khấu lớn của nhân loại, từng triều đại nối tiếp nhau diễn dịch, mỗi triều mỗi đại đều để lại cho nhân loại một nền văn hóa phong phú. Hang đá Đôn Hoàng giống như một sân khấu nhỏ, các triều đại khác nhau, các dân tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, trang phục khác nhau, văn hóa khác nhau, làm nổi bật lên tín ngưỡng và khát vọng chung. Vô số nghệ nhân tài ba, thiện nam tín nữ, bất kể sang hèn, cùng nhau tấu lên bản giao hưởng ca ngợi Thần linh, hòa quyện Đông Tây, khí thế hùng tráng, trải qua hàng nghìn năm, để lại nền văn hóa Thần truyền cho nhân loại.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53060
Ngày đăng: 23-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org